Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2007

ĐẢO MỘNG

(Tuổi Trẻ Chủ Nhật số 44-91, năm thứ chín,10-11-1991)

Cuộc đời, đúng là một chuỗi buồn chán đối với Nguyên, bởi lẽ giản đơn là anh luôn chờ công việc chứ không phải ngược lại. Buổi sáng anh gặp bạn bè ở quán cà phê theo thông lệ. Anh em tán gẫu chuyện trên trời dưới đất, ngong ngóng thư hoặc phiếu chuyển tiền đến cơ quan gần quán. Có phiếu chuyển tiền là có nhuận bút. Đó là những trái sung rụng bất ngờ vào cái mồm luôn há chờ của anh. Khi sung rụng, anh hân hoan nhai nhá, lắng nghe vị chát lan ngấm. Vì ăn sung nên anh không biết sự ngon miệng. Suy nghĩ vậy, anh tặc lưỡi thở dài: “Có còn hơn không!”.

Vợ anh là người đàn bà giỏi giang. Khổ nỗi, chị đầu tắt mặt tối lo lượm từng đồng bằng quầy hàng nhỏ bé với chút tiêu, hành, muối, bột ngọt, đường, tỏi, vân vân. Có nghĩa đó là quầy hàng xén trong tận cùng con hẻm nhỏ, phục vụ bà con lối xóm những khi cần vài ba thứ lặt vặt khỏi mất công thay bộ đồ hoặc tròng cái áo nịt để ra chợ cho lịch sự. Chỉ cần kêu thằng con chạy ba bước là họ có ngay các thức cần dùng. Không phải vợ anh không có chí. Cô từng đi buôn đường dài mà người ta gọi dè bỉu là bạn hàng hoặc buôn lậu. Có người ác mồm ác miệng nói xỉa xói: “Dòng cái thứ đó giàu hết biết, làm ăn không thuế mà”. Vợ chồng anh nghe, đau lòng. Giàu đâu không thấy chỉ thấy vợ anh đem thân xác mình treo tòn ten trên đầu gióng hiểm nghèo. Vốn không, hốt chân hụi non. Mấy chuyến đầu trót lọt. Vốn lên, cái này trong sách vở gọi là tích tụ tư bản, đúng y chang. Được năm bảy chuyến ngon ơ, chỉ bể một chuyến là coi như tiêu đời. Phải chi người ta thông cảm để vợ anh gom được vốn kha khá hầu hòan lương thì hay biết mấy. Nhưng luật lệ mà!

Mộng lớn không thành, chị xoay qua bán hàng xén. Cả gia đình anh trông vào đó, còn nhuận bút của anh coi như tiền cà phê thuốc lá mà thôi.

Sống, với anh, là hành trình qua niềm vui, nỗi buồn. Niềm vui hiếm hoi. Nỗi buồn nhiều vô kể. Có sống mới biết sức chịu đựng của con người vô tận. Cỡ nào cũng qua, cũng vượt hết. Anh nghiệm một điều: con người sống còn nhờ những niềm vui nhỏ bé, lóe với họ như số phận bất chợt mỉm cười. Chẳng hạn như khi vợ chồng anh đang băn hăn bó hó vì tiền hết gạo không, sáng ngày mai không có tiền quà cho đám trẻ đi học, bất thần chiều nay nhận được phiếu chuyển tiền vài chục ngàn trả cho bài thơ đăng báo. Thế là anh vội đưa thủ trưởng ký xác nhận rồi hộc tốc ra bưu điện run tay lĩnh tiền. Về nhà anh ưỡn ngực đưa nó cho bà xã, mặt rạng rỡ như vừa trúng giải đặc biệt hay làm được kỳ tích nào đó. Hoặc có hôm thằng nhỏ đầu lòng đau nặng, vợ chồng anh loay hoay với mấy món thuốc nam cầm cự tuyệt vọng thì người bạn xa đến. Anh ta đưa số tiền kha khá để mang nó đi bác sĩ. Bạn bè, theo vợ chồng anh, nhiều lúc là nỗi bực nhưng lắm khi lại là niềm vui, tự hào, cảm động. Cứ thế, khổ vui đan quyện nhau cuốn vợ chồng anh vào hành trình sống. Niềm vui là giấc mộng, nhỏ có, lớn có đến với anh vào ban ngày chứ không vào giấc ngủ đêm. Giấc mộng có thật. Quý vô cùng! Nó là nhân tố quyết định, tăng lực niềm tin, tăng tốc cho sự đi tới phía trước đời anh. Những giấc mộng quý hiếm lâu lâu lại đến với anh, điều này hẳn chẳng gì đáng nói dù rất đáng trân trọng. Vừa mới đây thôi, điều đáng nói là anh gặp giấc mộng lớn, có nằm mơ cũng không tài nào dám tơ tưởng.

Đó là chuyến đi xa. Cơ quan anh phối hợp cùng hội liên hiệp thanh niên tỉnh tổ chức chuyến tham quan thực tế. Nói phối hợp cho oai chứ thật ra cơ quan anh cử hai người với tính cách ăn theo: anh và Viễn, một tay văn thơ, một tay hội họa. Sau nhiều tiếng đồng hồ ngồi trên chiếc tàu sắt già khọm nước ngòai phế thải, lại là tàu vận tải nên thiếu hẳn phương tiện nghỉ ngơi, chuyến hải hành kết thúc tốt đẹp. Côn Đảo kia rồi. Những vách núi nứt nẻ như có những vết dao điên cuồng rạch xé chằng chịt bật hiện trước mắt anh. Tàu ngưng máy khi cách bờ một đỗi. Trên bờ, phía mặt tiền huyện đảo, người ken đầy, cứ như đi đón người thân. Quả vậy, người ta đón thân nhân đi phép về hoặc bà con từ đất liền ra. Đất liền, với họ, bất cứ ai cũng là người thân. Có ở đảo mới thấy nỗi nôn nao thèm khát đó. Điều này khi ở đảo đến ngày thứ bảy anh em trong đoàn mới thấu hiểu, ai cũng ngong ngóng về phía bên trong đại dương, nhớ như nhớ cái gì, làm như đó là tao nôi của mình, như cuống rốn mình.

Ca nô đón từng lượt người. Anh cùng Viễn say sưa ngắm những đợt sóng xanh biếc nhẹ nhàng trườn vỗ bờ, vừa nghịch ngợm vừa duyên dáng. Ca nô đụng bờ cát, bật dội. Cô gái đứng bên anh mất thăng bằng chợp ngã. May, cô quơ tay chụp lấy anh khiến anh mất đà nhưng kịp gượng. Cùng lúc, với phản xạ tự nhiên, anh đưa tay quàng đỡ lưng cô, vừa giữ thăng bằng cho cô và cả cho mình. Mọi người lần lượt đặt chân lên cát đảo. Anh và Viễn chờ cánh phụ nữ lên hết. Chỉ còn cô lên sau cùng. Cô bước thế nào mà bàn chân trượt trên hòn đá cuội tròn nhẵn, té ngửa. Bây giờ anh không kịp trở tay. Anh nhảy nhanh xuống bờ làm nước bắn tung tóe cả hai. Cô gượng đứng lên trong tay anh, như đã mất rất nhiều sức lực sau cái té ấy. Nhưng không xong rồi, cô nhăn mặt kêu “oái” một tiếng rồi ngồi bệt xuống tảng đá to trước mặt. Cô rên rỉ: “Chết tôi rồi! Trặc cái... chưn!”. Anh cười tiếng khẽ: “Không sao, tôi sửa được”. Thế là anh ngồi xuống, hai tay nhanh nhẹn, thiện nghệ mân mê bàn chân cô nhỏ nhắn, trắng xinh với mấy đầu móng bôi sơn tỉ mẩn màu hồng nhạt ưa nhìn. Anh bấm thử mấy sợi gân chìm sau làn da mịn mát của cô. Cô rên ư ử như con mèo ngoan. Cho đến khi đầu ngón tay anh chạm vào nơi gây ra sự cố thì cô kêu lên tiếng “ối!” rõ to. Mấy hạt nước mắt cô nhanh chóng ràn rụa nơi khóe, long lanh trong ánh trời chiều chiếu hắt. Anh cầm bàn chân cô lắc nhẹ rồi giật mạnh. Một tiếng “rắc” vang lên đồng lượt với tiếng kêu “trời!” thảng thốt cùng nét mặt cô nhăn nhó. “Mọi việc đã êm xuôi”, anh nói vậy với cô, sau đó lấy chai dầu gió xanh cô đưa bôi vết thương. “Chuyện không có gì mà... rên rỉ”, anh nhại tên bộ phim Liên Xô ăn khách lúc bấy giờ khiến đám bạn cô quan tâm bu quanh cười ồ thích thú. Anh hẹn cô chiều mai, vào giờ này đến, anh sửa thêm lần nữa. Cô khập khiễng đi từng bước chậm trong tay bạn bè.

Không đợi đến chiều như đã hẹn, hôm sau, trời chưa kịp rạng, sau khi tắm biển một chầu sảng khoái, anh tới phòng cô. Cô ở dãy trệt phía sau nhà anh. Cánh đàn ông con trai ở trong căn nhà nhỏ, xây theo kiểu Pháp trên nền cao, muốn vào phải lên từng bậc tam cấp. Thấy anh xuất hiện bất ngờ, cô quýnh lên, vừa mừng vừa e thẹn. Anh hỏi để tan lấp trong cô sự bối rối: “Sao, yên chớ?”. Cô cười nụ, nụ cười mới đẹp làm sao: “Đỡ nhiều, tuy nhiên còn hơi ê ê”, “Thôi được, tôi sửa thêm lần nữa, sớm hơn dự định, còn để cô đi thăm thú. Ra đây nằm nhà thì... chết còn sướng hơn... chôn!”. Cô “xí” một tiếng, quay mặt chỗ khác, giận dỗi. Đám bạn cười ồ ồ phòng trong, nơi họ đang thay y phục.

Chiều đó, anh đến, cô đã đi đứng khá bình thường. Anh xoa nắn một lát, xức thêm dầu, cười vui: “Xong rồi, không gì phải lo ngại. Có điều cô nên năng đi lại”. Lời khuyên thật tình của anh bị mấy cô bạn bám lấy. Một cô hỏi: “Đi đâu? Đi vuốt râu ông thầy à?”. Cô khác: “Đi tới đi lui hả? Xách cây dù đi xuống đi lên?”. Cô khác nữa: “Còn đi đâu nữa, đưa ông thầy đi đãi một chầu cà phê, muốn chơi sang thì phở cũng được. Người gì mà chậm tiêu quá!”. Cô đấm thùm thụp lưng họ: “Quỷ nà! Đừng có nói xàm”. Rồi không thể chần chừ, cô bảo: “Anh đợi chút, đi phứt cho rồi”. Thế là sau đó họ sóng đôi đi chậm qua những con đường lặng im của đảo. Những con đường rải nhựa chui tọt qua những hàng bàng già cỗi, hoặc những tán phượng cổ thụ rực rỡ những bông hoa cuối mùa. Cả hai phát hiện một điều: phố im ỉm như làng quê xa khuất, dị kỳ. Dị kỳ vì không có hàng quán. Hai người nhìn nhau thầm chờ quyết định. Còn đi đâu nữa ngoài việc quay trở về nhà khách, vào cửa hàng quốc doanh kêu người ly cà phê đen người ly cà phê đá. Một ngày không bước chân khỏi phòng nên khi thấy ly cà phê đen cô trố mắt ngó chăm chăm rồi che miệng cười ngặt nghẽo. Cà phê đen chiếm dung tích một phần năm vật chứa coi mới dị hợm làm sao. Thấy cô cười, anh cầm nó lên dứ dứ vào cô. “Xứ này ngộ thiệt!”, cô nói. “Ờ, ngộ quá chừng, ngộ nhứt là có người hăng hái đến mà cứ nằm lì trong phòng”. “Tại người ta bị.. chớ bộ”, cô nũng nịu: “Bậy, bậy quá sức! Hổm rày quên hỏi tên anh”. “Duy Nguyên”, anh đáp: “Còn cô?”. “Em hả? Tên em kỳ lắm”, cô mắc cỡ cắm cúi quấy ly cà phê đã tan hết đá của mình cho đến khi anh giục lần nữa mới chịu nói tiếp: “Em tên Hoàng, Mộng Hoàng”. Anh rít sâu hơi thuốc nhả khói lơ mơ trong khoảng đèn tỏa chiếu từ tán nhãn sun suê: “Tên em đẹp thấy mồ mà hô kỳ! Hoàng công tác đâu?”. “Em hát nghiệp dư cho bên thanh niên. A, em nhớ rồi... tên anh... tên anh.. Chà, anh là nhà thơ phải không? Em đọc anh khá nhiều. Hay khủng khiếp! Nãy giờ em quên mất tiêu: đi chuyến này có hai người bên văn nghệ. Té ra là anh”. Câu chuyện hứng khởi từ đó cho đến khi quán dẹp. Đêm sâu.

***

Hồi đó, khi học nghề sửa chân tay, anh bị bạn bè chế nhạo, kể cả vợ anh. Cô nói: “Học gì có tiền bạc vợ con nhờ không học, nhè học viết văn làm thơ rồi bây giờ thêm cái nghề ôn dịch sửa chân tay”. Anh chống chế: “Thì làm bậy kiếm thêm chút tiền đắp đổi, ai người ta nghèo mình làm phước để đức cho con”. Cô giận dỗi lườm hơi dài. Lúc đó anh mới thấy mình làm thêm chuyện tào lao. Nhưng giờ anh biết nó không vô tích sự chút nào. Bởi cả hai nghề của anh tuy lôm côm nhưng hữu ích. Không hữu ích sao được khi cô lâm nạn may nhờ có anh và lại cô mê thơ văn anh đáo để. Khởi nguyên từ đó anh và cô ngày càng khăng khít hơn. Anh, Viễn, cô và bạn Minh Trang của cô luôn là hai cặp bài trùng. Đi cùng phe, ăn cùng mâm.

Được vài ngày nghỉ xả hơi sau khi tham quan gần hết lượt, anh đến nhà người bạn mới quen mượn mấy bộ kính lặn, quan hệ ông già giữ vườn dừa mượn chiếc ca-nô Nhật giạt vào để ra rạn san hô. Bỏ neo xong, anh nắm tay cô nhào xuống làn nước xanh trong như ngọc. Cả một khung cảnh thần tiên kỳ thú hiện ra trước mắt. San hô trăm màu nghìn sắc như vườn kỳ hoa dị thảo. Và, cá. Cá sặc sỡ nhiều màu. Cá đen tuyền. Cá đỏ rực. Cá vàng ánh. Từng bầy, từng bầy bơi đùa vô tư. Anh lấy súng bắn một phát hú họa cũng dính một con đầu mũi lao. Anh lặn sâu tìm trong đám san hô một con ốc tai tượng. Phải tinh mắt mới phân biệt được đâu là san hô đâu là con ốc tai tượng đang há mõm chờ mồi. Anh cho neo vào miệng tự nhiên nó tưởng mồi nên khép vỏ lại. Anh lấy dao nạy phần vỏ dính khắng vào san hô, giật giật dây cho Minh Trang trên ca-nô kéo lên. Cô bơi đến, thích thú nhìn con ốc to khủng khiếp dễ chừng nặng mười cân. Cô nắm tay anh, vô tình dòng hải lưu cuộn đưa thân thể họ sát vào nhau. Cái đê mê bất chợt làm dậy trong anh sức trai tân. Anh nghe sự rạo rực rần rật khắp người. Anh ôm sát cô vào lòng. Cả hai chìm sâu trong dư cảm tình yêu nồng đậm. Anh hái nhánh san hô gần đó trao cô. Cử chỉ này khiến anh nhớ hôm đi thăm Chuồng Bò bất chợt phát hiện cây dầu thơm, anh hái tặng cô mấy nhánh hoa vàng ánh cánh nhỏ li ti xoay quanh cuống, y hệt bông mắc cỡ. Anh cài nó lên tóc cô làm sơn nữ Phà Ca, rồi vò mấy chót lá đưa cô ngửi. Cô hít hà, xuýt xoa: “Xời ơi, thơm quá sức!”.

Chuyến đi biển về anh và cô cùng các bạn ăn đủ thứ hải sản. Chỉ có những ai dám đi tận cùng, dám sống hết mình mới được thiên nhiên trả công đáng giá. Đêm đó đến tạ ơn ông già giữ vườn dừa đã cho mượn ca-nô, anh không quên xách theo mớ trùng biển cùng mấy chai Nàng Hương, coi như là đêm cắm trại. Băng qua An Hải, đến núi Vidal, anh và cô choáng ngợp trong ánh sáng kỳ ảo của bầy đom đóm khổng lồ tụ đầy vách núi. Đêm đen bao la, ánh lửa bập bùng, quả là đêm lửa trại vừa hoang dã vừa đậm đà tình nghĩa. Trong cơn say chuếnh choáng, anh và cô đùa trốn quanh những khóm cây dại. Và bất ngờ lúc nào đó, cả hai ôm nhau hôn nồng nàn trên vạt rau muống biển đã hòa cùng bóng đêm.

Thời gian chậm trôi khi anh ở đất liền. Bấy giờ, sao nó đi qua nhanh thế: ngày rời đảo đến. Không cách chi níu lại buổi chiều hai người ngồi trên tảng đá dưới bãi sâu chân mũi Cá Mập. Sóng đập bờ gầm gào như đe dọa, như đùa vui. Bọt trắng xóa như nghìn bông hoa xà bông ùa ôm lấy họ. Đã trở thành dĩ vãng buổi chiều đó và những sáng những trưa những đêm đầy kỷ niệm. Đêm trước ngày rời đảo, anh lén đến khu Chuồng Bò hái mấy cánh hoa dầu thơm cho vào bao thuốc lá rồi để vào túi xách cùng với mấy con ốc gấm đẹp tuyệt vời, phải giỏi giang ngoại giao lắm mới có. Anh cũng cho vào túi ba cái cặp tóc đồi mồi, mỗi cái khắc một dòng chữ kỷ niệm riêng.

Tàu kéo còi giã từ. Như khi đến, số dân cư đảo ra tận bãi tiễn đưa. Tàu rướn mình trên sóng biển lao xao. Gió mặn từng cơn lướt. Hòn Tài Lớn, hòn Tài Nhỏ, hòn Bảy Cạnh lùi dần. Vách núi đá nứt nẻ như trăm ngàn vết dao chém rạch điên cuồng khiến trong thoáng chốc anh liên tưởng đến trái tim mình nứt nẻ, toạc rách. Anh đau đớn ngồi bên cô trên boong rực nắng. Cố nén niềm đau cho đến khi tàu neo giữa sông Hậu, khi cả hai vào quán nước anh trao cô bao thuốc lá đựng mấy cánh hoa dầu thơm, chiếc cặp tóc có khắc dòng chữ kỷ niệm riêng cô cùng con ốc gấm. Anh bùi ngùi: “Cho em, cho em tất cả, ngoại trừ anh! Người ta dám đi tận cùng, sống tận cùng thì được thiên nhiên ban tặng những gì nó có. Còn anh, anh chỉ là kẻ đi không đến đích, kẻ bỏ cuộc nửa chừng, như em đã hiểu. Tha lỗi cho anh, giữ những tặng vật này như kỷ niệm đẹp trong đời. Nó là giấc mộng của chúng ta. Một giấc mộng có nằm mơ cũng không bao giờ dám nghĩ tưởng. Vĩnh biệt em!”. Anh dứt câu cùng với tiếng cô nấc lên nức nở. Buổi chia tay bịn rịn rồi cũng phải dứt khoát chia xa.

Năm đó cô hăm ba, anh mới vừa bốn mươi hai: một vợ hai con. *

Không có nhận xét nào: