Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

Đêm Chợ Mới

Nhạc: Hồ Hoàng
Lời thơ: Phù Sa Lộc

Click vào hình để có bản phóng lớn



Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2011

Cây độc huyền trong đêm

Click vào hình để có bản phóng lớn

Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2011

“Thơ là một nhu cầu tinh thần, không thể gượng ép”






PHAN HOÀNG


Từ tình yêu đối với bậc tiền bối Bình Nguyên Lộc ở đất đỏ miền Đông, chàng văn trẻ gốc Hoa ở miền sông nước Diệp Ngọc Sơn đã lấy bút danh Phù Sa Lộc và trở thành một trong những thi sĩ khá đậm chất Nam Bộ trên thi đàn mấy mươi năm qua. Giống như vùng Cửu Long quê hương, giọng thơ Phù Sa Lộc mênh mang, da diết. Đọc thơ Phù Sa Lộc, ta như có thể “ngửi” được mùi đất mới ở phương Nam. Cùng với các nhà thơ gốc Hoa nhiều thế hệ như Hồ Dzếnh, La Quốc Tiến, Dư Thị Hoàn… Phù Sa Lộc đã góp phần làm phong phú thêm nền thi ca Việt Nam


- Thưa ông, là một người gốc Hoa, vậy ông có gặp hạn chế gì khi tiếp xúc với nền văn hóa Việt Nam cũng như trong quá trình sáng tác?

- Ông cố tôi từ Triều Châu, Quảng Đông, di cư sang Nam Bộ từ thế kỷ XIX. Cha mẹ tôi đều gốc Hoa. Còn tôi, tiếng là gốc Hoa nhưng sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, sống chan hòa ở một thị trấn Việt – Hoa - Khmer, tôi tự xem mình là một người Việt Nam, nên quá trình sáng tác chẳng có gì khó khăn.

- Những nhà văn gốc Hoa đương đại nào theo ông là đáng chú ý?
- Trước đây có bậc tiền bối Hồ Dzếnh, sau này có Lý Lan, La Quốc Tiến.

- Ông vốn họ Diệp, lấy bút danh họ Phù, nghe cũng rất lạ. Có giai thoại rằng vì yêu mến nhà văn Bình Nguyên Lộc mà ông lấy bút danh Phù Sa Lộc?
- Tôi vốn rất thích văn chương Bình Nguyên Lộc. Truyện ngắn của ông tinh tế, nhẹ nhàng, khoái nhất là văn phong Nam bộ. Vì vậy tôi mới lấy bút danh có chữ cuối trùng với bút danh ông. Tuy nhiên, ý nghĩa hai chữ Lộc khác nhau. Bình Nguyên Lộc là con nai của bình nguyên miền Đông, còn Phù Sa Lộc là chồi lộc, cái tốt đẹp của phù sa châu thổ sông Cửu Long. Tôi được sinh ra và chịu ơn vùng đất này quá nhiều.

- Ngoài Bình Nguyên Lộc, còn nhà văn nào của Nam Bộ mà ông thích?
- Tôi cũng rất kính nể Sơn Nam, một cây đại thụ khác của văn chương Nam Bộ. Có thể nói, nhờ sự lôi cuốn từ tác phẩm của hai bậc tiền bối Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam mà tôi “sa” vào văn chương.

- Thích truyện của hai “lão trượng” ấy nhưng vì sao ông lại làm thơ?
- Đúng là một nghịch lý. Từ năm 1964 tôi đã có truyện ngắn đầu tiên đăng ở báo Tia Sáng của Sài Gòn, rồi sau đó là các tờ Tiểu thuyết thứ năm, Chọn lọc… Nhưng viết truyện mãi vẫn không nổi bật, trong khi thơ tôi lại được bạn bè và độc giả chú ý. Vậy là tôi “chuyển tông” sang “nàng thơ”. Dù vậy thỉnh thoảng hứng lên tôi vẫn viết truyện.

- Hơn 30 năm gắn bó với “nàng thơ”, ông mới cho ra đời hai tập “Thơ tình tuổi bốn mươi” và “ngọn khói”. Thật quá khiêm tốn. Vì sao ông in ít như vậy? Nhìn lại chặng đường thơ của mình, ông tự đánh giá ra sao?
- Cha tôi vốn là một thương gia. Tôi là con út, được hưởng gia tài, nhưng không có duyên làm ăn, mà lại có vẻ yêu thích văn thơ. Đối với tôi, văn chương ngoài sự giải tỏa còn là một nghề kiếm sống qua ngày. Trong hoàn cảnh khó khăn ấy, tôi không thể có thơ ưng ý để in nhiều hơn những gì đã có. Tôi cảm thấy thơ mình đạt một số thành công nhất định, nhất là cảm xúc về thời khẩn hoang được gợi hứng từ Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam. Còn hiện tại, tôi thấy thơ mình đã “xưa” lắm rồi.

- Mỗi thi sĩ thường có một quan niệm riêng về thi ca. Với ông quan niệm về thơ có gì đặc biệt?
- Thơ là một nhu cầu tinh thần, không thể gượng ép. Thơ nó tự đến, buộc nhà thơ phải làm, phải đắm chìm trong thế giới sáng tạo. Còn trong thực tế, có khi thơ là một phương tiện kiếm sống. Tôi cũng từng rơi vào trường hợp đau lòng đó và rất lấy làm mắc cỡ.

- Có lúc nào ông dự định lìa bỏ “nàng thơ” không? Thơ ông nhận được phản ứng ra sao từ phía bà nhà?
- Nhiều lúc tôi nghĩ, giá có kiếp sau thì nhất định tôi không những không làm thơ nữa, mà còn không thèm lai vãng đến thế giới… cầm bút. Nhưng, như tôi đã nói, thơ là một nhu cầu tinh thần, không viết không được. Vợ tôi không chỉ là người “đỡ đầu” cho “chàng thơ” mà còn rất quý bạn bè văn nghệ của tôi.

- Là nhà thơ khá hiểu biết về thơ đương đại của đồng bằng sông Cửu Long, theo ông, những nhà thơ nào thực sự giữ được cái chất miền sông nước này?
- Riêng với đồng bằng sông Cửu Long, làm được thơ “đặc chủng” về vùng đất mới này thật khó. Đọc ca dao, dân ca miệt vườn thấy rất sâu sắc, nhưng khi chạm ngòi bút tới thì thấy khó làm sao. Rất vui vì có thơ Thu Nguyệt biểu hiện được chất Nam Bộ.

- Ông có cảm thấy sự khác biệt nào trong đời sống văn chương giữa miền Tây Nam Bộ với các miền đất khác?
- So với miềm Bắc hay miền Trung, tôi thấy một người viết văn có nét ở miền Tây ít có cơ hội được giúp đỡ, nâng lên. Mà họ phải trải qua một quá trình phấn đấu tự lực và công phu. Người Nam Bộ nói chung thường coi văn thơ là thú chơi tao nhã, ít chịu phấn đấu, nên thành tựu khiêm tốn.




***

Mấy năm gần đây, nhà thơ Phù Sa Lộc không chỉ sống bằng văn chương nữa, ông đã có thêm một nghề mới: nghề báo. Trở thành phóng viên văn hóa cho nhật báo Cần Thơ khi tuổi đời đã ngũ tuần nhưng Phù Sa Lộc vẫn tỏ ra sung sức. Ông đọc nhiều, đi nhiều, viết nhiều. Nghề báo giúp ông ổn định việc mưu sinh, đồng thời cũng là một trong những “bệ phóng” cho sáng tác của ông, khi được cập nhật thông tin và có điều kiện đi xa, đi sâu vào vùng đất “chôn nhau cắt rốn”.



Mùa thu năm ngoái – 2001, khi đoàn nhà văn thành phố Hồ Chí Minh đi thực tế biên giới tỉnh An Giang, “quá giang” một đêm Cần Thơ, nhà thơ Phù Sa Lộc cũng không bỏ qua cơ hội “tháp tùng” đoàn và trở thành một “thành viên” xông xáo nhất. Ông rủ chúng tôi sục sạo ngọn núi lịch sử Tức Dụp, đếm từng vết máu còn sót lại ở nhà mồ Ba Chúc, đi tìm những bến xe ngựa thồ ở thị trấn Tri Tôn mà có lẽ cũng là những chiếc xe ngựa cuối cùng của miền Tây Nam Bộ. Đặc biệt, khi đoàn nhà văn ngủ đêm ở Suối Vàng, một điểm du lịch nằm cheo leo trên núi, nhà thơ Phù Sa Lộc không chịu “ngả lưng” mà tiếp tục cùng tôi và các nhà thơ “thổ dịa” Phạm Nguyên Thạch, Hồ Thanh Điền, Trương Công Thuốt đi thực tế vùng núi rừng biên giới này. Rồi tình cờ, bên một quán “cóc”, chúng tôi được tiếp xúc với một cô chủ quán khá xinh đẹp lại ăn nói có duyên, vì thi đại học rớt mà về đây lấy chồng, mở quán sinh nhai. Nhìn sơn nữ An Giang, tôi chợt nhớ đến “hải nữ” Kiên Giang trong thơ Phù Sa Lộc. Tôi đọc:

Hải Tiên, Hải Tiên nàng ơi Đêm Kiên Giang mời nàhg lên ngôi Đêm bao la giọt trời tinh khôi Đêm long lanh giọt tình xa khơi Nàng bên ta, cùng ta, chơi vơi

Không biết sau chuyến đi ấy, nhà thơ Phù Sa Lộc có viết bài thơ nào về sơn nữ An Giang không? Tôi không tiện hỏi. Nhà thơ cũng không nhắc tới. Chỉ biết rằng, sau một năm gặp lại nhau ở Cần Thơ, trông nhà thơ có vẻ còn “phong độ” hơn. Hy vọng giữa công việc báo chí bộn bề, thi sĩ đáng quý của xứ miệt vườn này không quên “nàng thơ” vốn cùng mình lênh đênh khắp miền sông nước.

(Tuần báo Sài Gòn Thứ Bảy số 609 – 2-11-2002, trang 32-33)

Thứ Hai, 28 tháng 2, 2011

Dọc đường Mũi Né



Từ Quốc lộ 1 rẽ vào phía bắc Mũi Né (Thành phố Phan Thiết, Bình Thuận) là con đường nhựa uốn lượn quanh co qua những dốc đồi với cảnh quan hai bên đường ngoạn mục. Mùa mưa, những ngọn đồi thấp dờn xanh những ngọn cỏ lún phún. Như thảo nguyên. Mùa nắng một màu đỏ hoang dại của đất sỏi khô cằn miền Trung trải dài ngút mắt. Phía chân trời xa nhấp nhô những ngọn núi xanh úa vàng mùa nắng nóng cùng những làng mạc chập chùng khuất nẻo. Đi thêm chút nữa, những đụn cát cao lượn lờ theo vòng bánh xe lăn. Đồi cát trải rộng hàng chục cây số như mời gọi khách lữ hành dừng chân làm một chuyến leo đồi thú vị. Thú vị thật, bước chân ta chìm lún trong những hạt cát chất chồng không kết nối. Nó len vào giày như níu kéo ta ở lại với trần gian. Nhưng một khi quyết tâm vượt lên, là ta đã lên tới thiên đàng. Đúng là cõi tiên. Những ngọn đụn cát gợn sóng với nhiều hình thù khác nhau chập chùng hiện ra trước mắt. Càng ngắm càng mê say vì gió khiến đồi cát biến dạng liên tục, đẹp ảo huyền như trò ảo thuật. Chính vì vậy mà người ta gọi nó là đồi cát bay. Tiện tay hốt nắm cát. Trới đất, sao mà mịn vậy. Như bột. Cát, có tới 18 màu. Đã đời hơn là ta thấy cảm giác mạnh trong trò chơi trượt cát. Mướn tấm nhựanho nhỏ, chân để một đầu, ngồi ngửa, hai tay níu sợi dây dính đầu tấm nhựa, từ trên đỉnh đồi ta thả mình xuống dốc. Tấm nhựa “xé cát” đưa ta lao vù vù xuống, như bay, khoái thiệt. Điều ai cũng ngạc nhiên là bên cạnh đồi cát có hai bàu nước: Bàu Ông và Bàu Bà, gọi chung là Bàu Trắng. Mỗi bàu sâu khoảng 19m, nước ngọt. rất hấp dẫn…. Từ đồi cát bay (còn gọi đồi hồng) đi bộ xuống biển. Nước trong xanh với những lượn sóng bạc đầu ùa bờ. Hòa mình trong những ngọn sóng ấy, bao nhọc mệt đường xa như tiêu biến.


Khám phá đồi cát bay.

Xe đưa ta xuyên qua hai hàng dừa cao vút. Biển bên trái. Bao la là biển với những chiếc thuyền dập dềnh neo đậu trong vịnh Mũi Né đẹp xinh. Tương truyền, Mũi Né là một mũi biển mà dân chài lưới xưa kia mỗi khi gặp bão thường đến đây trú náu (“né”). Tuy nhiên có người nói nguồn gốc tên gọi Mũi Né xuất phát từ một truyền thuyết khác. Xưa kia, công chúa Chuột, còn gọi là Né, của vua Chăm, năm 16 tuổi bị bệnh nan y, xây dựng am để tu hành tại Hòn Rơm, được dân địa phương gọi là Bà Né. Lâu dần, người ta đọc trại là Nà Né rồi thành Mũi Né đến ngày nay.

Lại êm ả lướt qua con đường rợp mát bóng dừa lả ngọn trong gió đại dương. Chợt nhớ năm xưa con đường này đẹp hết hồn. Màu đất đỏ nền đường như ánh lên trong sắc xanh mát của hai hàng dừa giao ngọn, hun hút theo vệt bánh xe qua. Còn bây giờ là con đường nhựa rộng lớn với những resort, khách sạn ken đầy hai bên.


Hoàng hôn trên biển Mũi Né.

Ghé một khách sạn nghỉ. Chiều xuống. Ngồi thư thả bên bờ biển nhìn những chiếc thuyền thúng lênh đênh đánh bắt cá. Kêu ngoắc. Mua mớ cá đối. Những con cá tươi xanh nằm trên bếp than hồng, trong chốc lát trở thành món ngon chấm muối ớt. Mặt trời đỏ lựng chìm dần xuống đại dương xanh thẫm. Biển lấp lánh như có hào quang. Cùng bè bạn nhâm nhi ly rượu ấm ngọn gió trùng khơi với đặc sản xứ này là gỏi cá mai trong suốt cuốn bánh tráng rau thơm, ốc hương giòn lạnh trong răng, cá gáy chiên chấm nước mắm Phan Thiết giằm ớt cay tê mê thần khẩu…

Đánh bắt cá bằng thuyền thúng.

Ngủ một đêm, sáng dậy, đi chợ Mũi Né. Chợ quê rộn rã nhóm với nhiều nông hải sản. Cá là cá. Khô là khô. Củ sắn còn nguyên lá cột thành bó ngộ nghĩnh. Đặc biệt, nguyên một con heo rừng xả thịt bày trên miếng vải nhựa. Heo rừng thứ thiệt vì da “tua tủa” những chân lông. Đặc biệt là bánh ướt. Bánh được tráng từng tấm bự bằng bột gạo rắc hành lá xắt nhỏ. Thưởng thức theo kiểu địa phương chỉ ăn với nước mắm chanh ớt, mỗi dĩa một bánh. Điểm tâm no nê bụng dạ 10 dĩa chỉ có 10.000 đồng. Còn ăn kiểu Bắc thì thêm chả quế, giò chả, “sang trọng” hơn, tất nhiên giá tiền phải cao hơn.


Trên đường về thành phố Phan Thiết, nhìn bên phải thấy nhấp nhô những ngôi nhà tráng lệ trên triền đồi cao. Khu biệt thự Mũi Né. Ghé vào, cho thấy đây là khu nhà cao cấp muốn ở phải có rất nhiều tiền, vì các bảng chỉ dẫn đều dùng toàn chữ Anh. Trong khu có sân gôn. Đứng tại đây có thể thấy biển và thấy cả đồi hồng cái thấp cái cao nối nhau chạy dài tới vô tận.



Trước khi vui đùa cùng sóng biển.

Lượn lờ đèo dốc, xe đi ngang ngọn đồi Bà Nà với ba ngôi tháp Chăm được xây dựng từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 9. Tháp lớn nhất cao 15m thờ thần Shiva, có bộ Linga – Yoni bằng đá đen nguyên khối. Gần tháp này là tháp thờ thần Lửa và tháp thờ thần Bò Nandin cách đó khoảng 50m. Cả hai tháp này thấp hơn và bị hư hỏng khá nhiều. Các nhà khảo cổ khi khảo sát đã thấy trong khu vực này có nền móng của một ngôi đền với nhiều tầng bậc đã bị sụp đổ. Đó là ngôi đền thờ công chúa Pôshanư, con gái vua Para Chanh. Theo truyền thuyết, công chúa Pôshanư ngoài sắc đẹp tuyệt vời còn là người đã ra công dạy làm các nghề: cá, dệt vải, gốm... cho dân Champa ở Pajai, tức Phú Hài (TP Phan Thiết) ngày nay. Vì vậy, khi công chúa qua đời, người ta xem như thần linh, như Bà Chúa Xứ, Bà Thiên Hậu, và lập đền thờ để tưởng nhớ công đức Bà. Khoảng tháng 10 Dương lịch hằng năm, nơi đây diễn ra lễ hội Katê để cúng thần linh, tổ tiên, cầu mưa thuận gió hòa, ngoài việc tắm bộ tượng Linga – Yoni còn dâng y phục cho Bà. Lễ hội đông vui với sự tham dự của đồng bào Chăm địa phương cùng du khách khắp nơi. Tiếng trống Baranưng, tiếng kèn Saranai rộn ràng khiến những diệu múa của các cô thiếu nữ mặc áo váy đẹp càng thêm uyển chuyển, hấp dẫn. Cụm 3 tháp Pôshanư đã được công nhận là di tích cấp quốc gia từ năm 1991.


Từ cụm tháp Pôshanư đi lên nơi cao nhất của ngọn đồi Bà Nà là đến phế tích Lầu Ông Hoàng. Lầu Ông Hoàng là nơi được Hàn Mặc Tử nhắc đến trong bài thơ “Phan Thiết, Phan Thiết”: “Ta lang thang tìm tới chốn Lầu Trăng/Lầu Ông Hoàng người thiên hạ đồn vang/Nơi đã khóc đã yêu thương da diết”. Đó là nơi Hàn Mặc Tử đã cùng Mộng Cầm tìm đến trong thời gian hai người yêu nhau. Lên đồi Bà Nà, ta nên đi theo con đường đá sỏi, mới thích thú cảm nhận được mấy câu hát: “Đường lên dốc đá nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa. Lầu Ông Hoàng đó thuở nao chân Hàn Mặc Tử đã qua...” của Trần Thiện Thanh. Từ Lầu Ông Hoàng, phóng tầm mắt, ta thấy một phía biển xanh, một phía núi cao, phía kia là thành phố Phan Thiết xinh đẹp. Nếu đến đây vào lúc bình minh, hoặc chiều tà ta sẽ có dịp chiêm ngắm cảnh mặt trời mọc trên biển và cảnh hoàng hôn lãng mạn chìm khuất sau dãy núi xa xanh. Cảm xúc dâng tràn.

Thứ Năm, 20 tháng 1, 2011

Giai điệu tình xuân

Nhạc: Hồ Hoàng
Lời: Cát Lộc

Click vào hình để có bản phóng lớn