Thứ Hai, 31 tháng 3, 2008

Dó bầu Bảy Núi “thơm” mùi trầm

Mấy năm trước, nghe trên núi Dài (Tri Tôn, An Giang) có người trồng dó bầu, tôi không tin. Vậy mà có thật. Và bây giờ cây dó bầu đang đóng trầm. Ông Lê Hoàng Nhi, một chủ trồng dó bầu sắp khai thác trầm đợt đầu tiên, than: “Trầm tôi chưa tới tuổi lấy, đã bị cưa trộm mất hết 36 cây!”


Cây dó bầu Bảy Núi

Cây dó bầu còn gọi là cây tóc, tên khoa học là Aquilaria sp. Dó bầu có mặt trong rừng núi khu vực miền Trung nước ta, nhiều nhất là ở Quảng Nam. Tại đây, dó bầu từ cây rừng đã trở thành “cây vườn” từ nhiều năm nay và đã làm giàu, tạo nên cơ ngơi vững chắc cho nhiều người dân địa phương. Chưa được như vậy, nhưng cây dó bầu Bảy Núi cũng đang hé mở một tương lai xán lạn cho những người bỏ công trồng nó. Trên núi Cấm (Tịnh Biên, An Giang) có người trồng dó bầu nhưng không nhiều bằng trên núi Dài.

* “Vua” dó bầu

Ông Hai Nghị, nhà ngang Trường Trung học cơ sở Ba Chúc (Tri Tôn), khi nghe chúng tôi hỏi ông Lê Hoàng Nhi đã nhanh nhẹn lấy xe gắn máy dẫn đường tới chợ thị trấn Ba Chúc, ghé nhà ông ấy. Ông Trần Văn Cà, “lái bãi” tầm vông ở ấp An Bình, xã Ba Chúc, khi nghe nhắc tới ông Nhi, cũng mau miệng cho biết đó là một “đại gia” về cây dó bầu. Ông Cà nói, ai thì ông không biết chứ tay Nhi mở miệng hỏi tiền cả trăm triệu thì ai có điều kiện cũng nhanh nhẹn “móc bóp” đưa liền.

Từ thị trấn Ba Chúc, chúng tôi theo chân ông Lê Hoàng Nhi chật vật băng rừng vượt núi Dài (cao 554m, chu vi 21.625m, tọa lạc trên địa phận 4 xã: Ba Chúc, Lê Trì, Lương Phi và Châu Lăng, cùng thuộc huyện Tri Tôn) trong cái nắng chín mười giờ trưa mà người địa phương còn sợ, chỉ để tận mắt nhìn cây dó bầu. Phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, mất gần hai tiếng đồng hồ, chúng tôi mới tới Vồ Cờ trên đỉnh ngọn núi này. Thật là sung sướng, xóa tan bao mệt nhọc, trước mắt chúng tôi, hàng hà sa số cây dó bầu trồng xen trong các loại cây rừng, cây ăn trái. Thích thú, chúng tôi đua nhau đưa tay sờ, móc từng vết thương trên thân cây dó bầu với hy vọng tìm được một chút trầm hương “lấy hên”. Ông Nhi cười nói: “Để tui”. Rồi ông khượi từng mảng mối xông trên thân cây. Thật bất ngờ, ông gỡ lấy một miếng gỗ xấu xí đưa cho chúng tôi, bảo: “Trầm đây!” và đưa tận mũi chúng tôi miếng trầm vụn nhỏ xíu ấy.

Ông Lê Hoàng Nhi và nhà thơ Trần Thế Vinh với trầm” đầu mùa”

Ngồi trên gộp đá khá phẳng phiu, ông Nhi tâm sự: Cây dó bầu thiên nhiên có mặt trên núi Cấm nhiều nhất. Trước kia, người ta trồng xoài, mít, về sau thấy cây dó bầu có tương lai sáng sủa nên ươm hột, trồng xen vô. Dó bầu có mặt trên núi Dài tuy ít nhưng được trồng nhiều nhất. Người khởi xướng phong trào này là ông Henri (người Hà Lan) chủ nhiệm tổ chức phi chính phủ Rừng mưa nhiệt đới đã trồng thử nghiệm cây dó bầu trên núi Dài với diện tích khoảng 10ha, vào năm 1996. Hai năm sau công trình này bị bỏ dở, Sở Khoa học – Công nghệ An Giang giao nó cho những người có điều kiện tiếp tục phát huy. Ông Nhi là một trong số những người đó. Ban đầu ông trồng thử nghiệm một ít rồi lặn lội tới Quảng Nam học cách ươm cây giống và cách tạo trầm. Ông làm được cây giống, còn tạo trầm thì chưa ai chịu chỉ bí quyết. Dù vậy, lần hồi, cho tới nay, ông là người trồng dó bầu nhiều nhất của cả vùng Bảy Núi, có tới 2.000 cây trên diện tích 7ha trên núi Dài. Trong khi đó, 48 hộ còn lại chỉ trồng 1.000 cây dó bầu trên ngọn núi Dài. Ông Nhi thổ lộ một chút bí quyết: Dó bầu là loại cây rất thích bóng râm, nên trồng xen nó trong những tán xoài, mít vô cùng thích hợp. Khi mới trồng dó bầu, phải chịu khó làm cỏ phòng chống cháy rừng và bón phân chuồng cho cây mau lớn. Đặc biệt, trồng dó bầu rất khỏe vì không cần tưới tắm gì cả.

* “Ngậm ngãi tìm trầm”

Xế chiều, xuống núi, về nhà, ông Nhi vào buồng lấy ra hai khúc cây “mục”, đưa chúng tôi xem. Ông bẻ một miếng dăm, đốt, mùi thơm sảng khoái phả vào khứu giác. Ông hãnh diện khoe trầm Bảy Núi thơm thanh chứ không thơm khét như trầm Quảng Nam. Ông Nhi cho biết, hiện ông đang có 3ha cây cho “trầm chiếng” trong số 7ha trồng. Diện tích cây còn lại, muốn khai thác tốt phải chờ một năm nữa. Để có được thành quả này, ông Nhi đã phải khổ công rất nhiều, ngoài việc đích thân ra Quảng Nam học hỏi kinh nghiệm tạo trầm nhưng không đạt kết quả. Không chịu bó tay, ông tìm công ty có uy tín tạo trầm cho cây dó. Ông đã trải qua các công ty của Thái Lan, Singapore, các công ty trong nước như: Tinh Đất Việt, Phong Sang, Tường Yên. Mỗi công ty, ông cho thử nghiệm một ít, nhưng hóa chất họ cấy vào cây dó bầu không mang hiệu quả mong muốn. Cuối cùng ông trụ lại với công ty Phương Long (TP.HCM).

Quá trình tạo trầm cũng giống như tạo ngọc trai nhân tạo, tức là tạo vết thương để cây ứa nhựa bao phủ lấy vết thương, lâu ngày thành trầm. Để tạo trầm, Công ty Phương Long cử hai người thợ đến. Một người đục lỗ trên thân cây, cách nhau 1 tấc rưỡi, khắp cả thân cây dó 7 năm tuổi (thân cây bằng bắp vế), từ ngọn tới gốc. Một người bơm hóa chất vào lỗ đục. (Hóa chất không biết là thứ gì mà các hộ trồng dó bầu âm thầm ăn cắp đem phân chất chẳng có kết quả). Cấy hóa chất vào cây khoảng 6 tháng là có trầm, nhưng phải đến 24 tháng sau mới khai thác tốt. Năm 2007, ông Nhi đã cho cấy 547 cây dó bầu. Trong năm 2008 này, ông cũng cho cấy số lượng tương đương. Theo tính toán, bình quân, cứ 1 cây dó bầu cấy hóa chất, ông thu được 3kg trầm. Hiện nay, trầm thô (loại 6) có giá 800.000 đồng/kg. Còn loại 1 (trên 24 tháng) thì công ty chưa cho giá. Thế nhưng, vì ham lợi, một số người đã khai thác trầm “non”. Non vì cây chưa đủ tuổi (mới 3 năm) đã cấy, và trầm chưa đủ tuổi (mới 12 tháng) đã khai thác.

Ông Nhi lại vào buồng, mang ra lỉnh kỉnh nào hộp tròn, hộp dài khác nhau giới thiệu với chúng tôi sản phẩm trầm của Công ty Phương Long. Ông cười nói, cây dó bầu khi khai thác chỉ bỏ lá. Còn lại, thân cây, sau khi ép lấy tinh dầu, bã trộn với nhánh nhóc xay nhuyễn làm nhang. Nhang trầm có bốn loại: nhang dài 2 tấc và 4 tấc đựng trong hộp giấy hình chữ nhật với tên gọi “Nhang trầm Việt Nam”; nhang hình chóp và nhang khoanh đựng trong hộp giấy hình trụ, với nhãn hiệu “Lộc Phát”. Giá bán thì ông Nhi không được công ty cho biết. Sản phẩm của Phương Long xuất sang Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc. Công Ty Phương Long hiện đang ký hợp đồng với 4 hộ trồng dó bầu ở núi Dài, mà anh em ông Nhi đã chiếm hết 3, ăn chia theo tỷ lệ 5/5.

Trong khi chờ đợi “đếm tiền tỉ”, ông Nhi “lượm bạc cắc” từ việc ươm cây dó bầu. Dó bầu giống ông Nhi khai thác từ hột của 4 cây dó bầu thiên nhiên có trên đất nhà mình, nhân ra. Cây lớn lên, cho hột, ông lại ươm trong bầu, đưa ra thị trường. Năm 2000, ông bán hột và bầu (2.500 đồng/bầu - nay còn 1.500 đồng/bầu) cho Quảng Nam, Tây Ninh, Lâm Đồng. Hiện tại ông có 1 công đất sau nhà ươm cây dó bầu. Xung quanh thị trấn Tri Tôn có khoảng 5-6 cơ sở sản xuất cây dó bầu, bán khắp nơi, tới tận Campuchia.

* Hướng nông dân làm giàu?

Ông Trần Văn Cà tiết lộ ông Nhi bán hột dó bầu với hợp đồng 100kg/lần. Giá 1.500.000 đồng/kg. Vui miệng, ông Cà “bật mí”: “Cái thứ cây dó bầu này biết thì dễ trồng lắm. Có gì đâu chỉ cần trồng xen với chuối là bảo đảm sống gần 100%. Bởi, chuối vừa có bóng mát vừa giữ nước giúp cây mau phát triển, khỏi phải tưới. Đó là bí mật tay Nhi tiết lộ với tui vì tui là cậu ruột của ông ta”.

Nhưng cây dó bầu đâu chỉ trồng trên núi, mà còn trồng được cả ở chân núi. Chiều ấy, ông Nhi đưa chúng tôi tới nhà ông Lê Văn Lúa ở khóm Thanh Lương, thị trấn Ba Chúc. Sau nhà ông Lúa là “vườn” dó bầu 50 cây chi chít vết cấy trồng xen với mít, xoài. Ông Lúa sung sướng với viễn cảnh giàu sang sắp tới của mình, mời chúng tôi ở lại ăn bữa cơm “đạm bạc”…

Như thế, với điều kiện thổ nhưỡng của vùng Bảy Núi, cũng như ở Quảng Nam, cây dó bầu chắc chắn sẽ phát triển tốt. Ông Nhi phân tích: “Lâm nghiệp mà không có cây công nghiệp thì không phát triển. Trong khi trồng cây keo, bán chỉ có 10.000 đồng/cây, còn trồng dó bầu bán trên 500.000 đồng/cây. Cả hai loại cây này đều có giá trị môi trường rừng như nhau, nhưng giá trị kinh tế thì một trời một vực. Tuy nhiên phải có kinh tế vững mới phát triển cây công nghiệp dó bầu được”.

Sản phẩm trầm của Công ty Phương Long

Nhưng, theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy, cán bộ Chi cục Kiểm lâm An Giang, thì “việc định hướng phát triển cho loài cây dó bầu trên cả nước đang rất cần những chính sách hỗ trợ và thống nhất quản lý một cách bền vững. Theo thống kê Hội Trầm hương Việt Nam, cả nước có gần chục ngàn ha trải dài trên 23 tỉnh. Diện tích tăng dần hằng năm như “phong trào” tự phát và chưa được định hướng. Để tránh tình trạng trồng ồ ạt sau 5-7 năm, chặt cũng ồ ạt như lịch sử cây điều, cây mía, cà phê, tràm hay quế... việc phát triển của dó bầu rất cần có giải pháp về chính sách khuyến khích đầu tư theo kế hoạch dài hạn và những nghiên cứu dự báo về quan hệ cung cầu của thị trường trong và ngoài nước. Hiện nay, người dân nghèo vùng đồi núi An Giang chỉ mới được đầu tư khoảng 2% diện tích trồng rừng hằng năm của Chương trình Quốc gia (661). Do đó, chủ yếu phong trào trồng dó bầu chỉ do dân tự đầu tư là chính, thiếu kế hoạch hỗ trợ lâu dài của Nhà nước. Ngoài ra, vấn đề cốt lõi là thị trường tiêu thụ cũng chưa được thông tin và nghiên cứu đầy đủ một cách có hệ thống từ trong và ngoài nước.

Về quản lý, Nhà nước cần sử dụng những công cụ quản lý hành chính phù hợp nhằm bảo vệ được quyền lợi chính đáng của cả người trồng rừng và những doanh nghiệp thực sự có công nghệ tạo trầm hiệu quả. Chẳng hạn, từng doanh nghiệp trước khi được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực tạo trầm phải được công nhận quyền sử dụng hoặc sở hữu một dây chuyền, công nghệ tạo trầm được cấp có thẩm quyền phê duyệt”.

Thứ Tư, 26 tháng 3, 2008

Đi tour giỡ chà

Anh bạn dân Hà Tây, chắc lưỡi đầy thỏa mãn: “Sống ở đồng bằng sông Cửu Long ba mươi năm nay tôi mới biết giỡ chà thú vị như thế nào”. Không cầm lòng được, tôi buột miệng: “Nhằm nhò gì, là dân miền Tây Nam bộ chánh hẩu, hơn sáu chục năm nay tui mới chứng kiến được cảnh giỡ chà!”.

Mười giờ rưỡi sáng, chiếc tàu đò rộng rinh đưa chúng tôi rời bến sông Cần Thơ chỗ khách sạn An Bình, ngay đầu ngã ba Vàm Xáng, chạy chếch về bên kia sông chừng nửa cây số thì buông neo. Nước đang đứng ròng. Bên dưới bến sông, bảy chàng trai lực lưỡng và một thằng nhỏ đang lặn hụp giỡ mớ lục bình xanh um trong vòng bao lưới mà người địa phương còn gọi là đăng quần. Bên ngoài đăng quần, có hai thanh niên trên chiếc xuồng tam bản đang tới lui để phụ rạng lưới. Cái đám chà này của một nông dân trên bờ sông Cần Thơ chất đã hơn ba tháng rồi. Nay khách sạn An Bình mua lại, làm thành một “tua” du lịch mới gọi là “tua giỡ chà”, dự tính bán cho khách lữ hành về với miền Tây.

Ông Tám Nghiệp, chủ khách sạn An Bình, cũng là người từng sống bằng nghề chài lưới ở vùng tứ giác Long Xuyên hồi những năm 1960, được dịp giới thiệu với khách về công đoạn giỡ chà. Chà thường có chiều ngang từ 4 thước rưỡi tới 6 thước, dài từ 10 thước đến 20 thước, chất bên bờ sông lở, để dụ cá vô mỗi khi nước lên. Chủ chà phải chờ ít nhất ba tháng sau mới giỡ chà bắt cá; một năm giỡ chà ba bốn bận. Thường vào cuối mùa mưa (từ tháng 10 tới tháng 4 âm lịch), khi nước rút là mùa giỡ chà đông ken nhất. Trước khi giỡ chà một tuần, người ta rang cám, rang tép hoặc vắt cơm cục liệng vô đống chà dụ cá vào cho nhiều rồi bao lưới lại quanh đống chà trước đó một ngày.

Trưa hôm đó, trước khi giỡ chà, cánh “thợ chà” đã vớt bỏ lục bình ra khỏi đăng quần, rồi từ từ giỡ những nhánh chà to, dài chất đống bên bờ sông. Sau đó, đám thợ nghỉ khoảng hơn nửa giờ chờ nước ròng xuống thấp để giỡ tiếp chà bó. Chà bó là những nhánh cây nhỏ cột thành bó đặt gần nhau dưới đáy sông. Chà bó được một người kéo nhẹ tay từ từ chuyển vào mành lưới nhỏ do bốn người cầm bốn mép lưới chờ sẵn. Khi chà bó đã vào trong mành lưới, người ta bắt đầu huơ đảo cho cá tôm rơi vào mành lưới trước khi quăng xác bó chà vào bờ. Khi bốn thanh niên từ từ nâng mành lưới lên khỏi mặt nước, đã thấy cá tôm nhảy soi sói, búng lách tách tìm đường vượt thoát.


Cũng với bản năng sinh tồn như thế, có mấy chú cá đang cố phóng lên khỏi tấm đăng quần cao chừng hai thước. Hai cô gái là nhân viên của khách sạn An Bình là Như Ngọc và Như Hoa, vốn là thôn nữ vùng này, vậy mà mặt mày sáng rỡ, kêu “á” lên tiếc hùi hụi khi thấy những con cá dảnh, cá mè vinh, cá he phóng vọt qua mành lưới đăng quần để trở về sông cái. Anh bạn đi cùng vốn là dân xứ Quảng, nào giờ có biết giỡ chà ra sao nên tỏ ra rất hứng thú trước cảnh tượng này. Nhìn hai cô thôn nữ miền Tây vói chụp hụt hoài mấy con cá đang chới với trên không, cầm lòng hổng đậu, anh bèn ra tay nghĩa hiệp, chộp lấy… cái nón lá của cô Như Hoa hứng được một chú cá dảnh rồi sung sướng “dâng tặng” cho nàng Như Ngọc. Cái hoạt cảnh này càng làm cho cánh “thợ chà” hứng thú.

Nước rút, chà bó được gom hết. Tám người, kẻ trong lòng đăng quần, người chui ra ngoài vừa giữ mành lưới vừa tháo gỡ từng cây tre dài làm cọc giữ mành lưới. Họ từ từ thu gọn lưới vào. Khi hai mép lưới giáp nhau, họ đứng thành vòng tròn, nâng dần mành lưới lên. Cá, tôm trong lưới đua nhau nhảy tìm đường sống. Mấy chiếc thau nhôm, thau nhựa từ tam bản được chuyền vào để xúc cá đổ vào khoang xuồng. Nào là tôm càng xanh, cá he đuôi đỏ, cá dảnh, cá mè vinh vảy bạc, cá rô biển, rồi cá lau kiếng… Mọi người reo hò khi bắt được trong đám tôm cá ấy, một con cá bông lau và hai con cá ngát, mỗi con nặng hơn một ký.

Cánh nhà báo chúng tôi thấy buổi giỡ chà hôm đó kiếm được hơn chục ký tôm cá như vậy là sướng quá rồi. Vậy mà ông Tám Nghiệp có vẻ buồn lòng. Ông nói, hồi nhỏ theo cha mẹ đi giỡ chà trên kinh Mướp Giăng ở miệt Hòn Đất thì cá nhiều vô kể; trúng thì trên trăm ký, thất cũng khoảng bảy tám chục ký. Ông than, bây giờ người ta đánh bắt cá trên sông rạch một cách hủy diệt, bằng đủ mọi phương tiện, nên chuyến giỡ chà này được bây nhiêu cũng coi là “trúng”.

Xế trưa, buổi giỡ chà kết thúc. Tàu đò nhổ neo, trở về nhà hàng khách sạn An Bình. Mọi người đã nghe bụng đói cồn cào và nóng lòng chờ được thưởng thức kết quả cuối cùng của “tua giỡ chà” độc đáo của ông Tám Nghiệp.

Bên bờ sông rộn ràng tiếng máy ghe tàu qua lại, ông Tám Nghiệp dựng lên vài cái “tum” làm bằng lá xé, mát rượi. Trong khi chờ tôm cá lên món, chúng tôi lai rai vài ly rượu thuốc ngâm bằng chuối cơm, chuối cau, chùm ruột hoặc bưởi mà theo chủ nhân thì nó giúp cho mình giãn được gân cốt, ăn ngon ngủ yên.




Và chỉ sau vài tuần rượu, đã thấy bóng hai cô thôn nữ Như Hoa, Như Ngọc từ dưới bếp đi lên. Nào là tôm càng xanh nướng thơm phức chấm với muối ớt; nào là cá mè vinh kho ngót, cá he muối sả chiên, cá rô biển muối sả ớt nướng đua nhau được dọn ra. Sau cùng là cái lẩu mẻ cá bông lau thơm lừng, sôi ùng ục. Bông so đũa trắng ngà, tươi rói; rau nhút xanh dờn; cà chua đỏ tươi nhúng vào trong chốc lát. Cá chín gắp ra dĩa, giẽ chấm nước mắm trong giằm ớt sừng trâu đỏ hoặc chấm muối hột đâm với ớt hiểm xanh. Hết lớp cá bông lau tới lượt cá ngát cho vào lẩu. Rượu vào lời ra, Tám Nghiệp hứng chí đọc câu nói lưu truyền trong dân gian: “Nhứt rún chị sui, nhì môi cá ngát” khiến hai cô thôn nữ phục vụ bàn đỏ rần mặt mày. Anh bạn quê Cần Thơ lại nói, “ngon nhì” của con cá ngát là món chả trứng. Nghiền cho trứng bể bằng muỗng. Cứ một chén trứng thì trộn ba chén nước cùng gia vị rồi đem chưng hoặc chiên. Đặc biệt, nếu được bổ sung nấm mèo, nấm đông cô, tàu hũ ky, bún tàu, thịt nạt băm… thì món trứng cá ngát chiên sẽ là món tuyệt cú mèo, mấy ai được thưởng thức.

Trời đất ơi! Cái bữa cơm trưa từ “tua giỡ chà” hôm đó, nó cứ đi theo mọi người về tới tận Sài Gòn, Chợ Lớn… ./.