Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

Lên đỉnh Tà Lơn

Tà Lơn tiếng Anh là Elephant Mountains. Đỉnh cao là Phnom Bokor, tức Tà Lơn theo cách gọi của người Việt. Đây là nơi các đạo sĩ nước ta thường lên tu tập, Đáng chú ý là các vị Nguyễn Thành Đa (Cử Đa, đạo hiệu Ngọc Thanh), Huỳnh Phú Sổ (Giáo chủ đạo Hòa Hảo), Ngô Văn Chiêu (Khai sáng một nhánh đạo Cao Đài)…

Con đường từ chân dãy Elephant Mountains lên đến đỉnh Bokor dài 34km, qua những tán cây xanh mướt hai bên đường. Các cây bá tùng thấp nhỏ, gân guốc như một thuật sĩ tu luyện lâu năm với lá của cây bách và cây tùng trên cùng một thân cây. Thấp hơn là địa lan và cây nắp nước cùng những ngọn cỏ lá mảnh và nhọn. Con đường quanh co, uốn lượn qua ba ngọn núi của dãy Elephant Mountains rộng lớn, phẳng lì nên khách thượng sơn chỉ mỗi việc mê mắt ngoạn cảnh.



Du khách và khách hành hương viếng tượng bà Mau trên đỉnh Bokor.


Tà Lơn huyền bí

Tà Lơn (Bokor, Kampot, Campuchia) là đỉnh cao nhất của dãy Elephant Mountains, 1.079m. Nơi đây có vô số khối đá bị nước biển ăn mòn với vỏ sò dính trên đó; cát trắng mịn nên người ta cho rằng hàng triệu năm trước Tà Lơn nằm sâu đáy biển. Một tác động nào đó khiến nó vươn mình lên cao khỏi mặt đất như ngày nay với biết bao huyền bí. Thời xa xưa đó, Tà Lơn được nhà văn Sơn Nam diễn tả trong tác phẩm”Thơ núi Tà Lơn” bằng bài vè mà ông ghi chép, có đoạn như sau: “…Xứ hiểm địa chim kêu vượn hú/Dế ngâm sầu nhiều nỗi đa đoan/Ngó dưới sông con cá mập lội dư ngàn/Nhìn trên suối sấu nằm dư khúc/…/Loại thú cầm trông thấy chỉnh ghê/Giống chằn tinh lai vãng dựa xó hè/Con gấu ngựa tới lui gần xó vách/Bầy chồn cáo đua nhau lúc nhúc/Lũ heo rừng chạy giỡn bát loạn thiên/Trên chót núi nai đi nối gót/Cặp dã nhân kêu tiếng rảnh rang/Ngó sau lưng con kỳ lân mặt đỏ như vàng/Nhìn phía trước ông voi đen huyền như hổ/Hướng đông bắc con công tố hộ/Cõi tây nam gà rừng gáy ó o…”. Thật là một quang cảnh rợn người, duy nhất là nơi một số người Việt đầu thế kỷ 20 chọn làm nơi tu luyện. 


Phong cảnh ngoạn mục nơi chùa Năm Thuyền làm say đắm du khách.
 Với người Campuchia, theo truyền thuyết, Bokor được cai quản bởi một vị nữ thần tên Ya Mao (Veang Kh’mau hay Diay Mao, người Việt gọi bà Mau, dì Mau). Có hai truyền thuyết về Ya Mao: Ya Mao là một phụ nữ ở một làng thuộc khu vực Ream. Chồng bà đi làm ở Koh Kong. Vào một mùa mưa, người phụ nữ đi tìm chồng rồi bị bão chìm thuyền. Bà hiển linh, báo mộng cho dân chúng ở phía nam, bảo vệ ngư dân, dạy bảo mọi người sống tốt đẹp. Đôi khi bà cũng yêu cầu người dân cúng một biểu tượng Linga. Thuyết khác, Ya Mao giận những người đàn ông vì bắt chồng đi xa nên bà bắt đàn ông trong vùng phục vụ. Năm tháng qua đi, nghĩ rằng bà không còn sức nữa nên người ta cúng chuối... Tượng bà Mau trên đỉnh Bokor, do ông Sok Kong cho dựng. Tượng cao 22m trên bệ 15m, trên diện tích khoảng 1.500m2, vào tháng 2-2012, dưới Quốc lộ 3 có thể nhìn thấy trong ngày quang mây. Ngoài việc cúng chuối, người dân cùng dựng tượng linga để thờ. Hiện nay, trước mặt tượng bà Mau trên đỉnh Bokor mịt mù mây khói, về phía trái, gần biệt điện hoang phế của Sihanouk còn có tượng linga rêu phong theo năm tháng.

Khách tham quan casino trong khu phức hợp Thansur Bokor.

Vòng vèo qua những đỉnh núi nhiều trảng trống xe dừng lại bên dưới chùa Năm Thuyền (Wat Sampov Pram), là nơi cũng thu hút rất đông người đến cúng viếng. Chùa Năm Thuyền được xây dựng vào năm 1924 bởi vua Monivong, mang phong cách đặc trưng Khmer với thần Chim Garuda trên các cột chống. Chánh điện có những bức bích họa phật tích tuyệt đẹp có tuổi thọ 90 năm. Đối diện chùa có bốn tảng đá nằm song song, đằng sau có tảng đá khác cùng hướng về một phía. Tất cả giống như năm chiếc thuyền. Vì vậy chùa có tên Năm Thuyền. Theo truyền thuyết, ngày xưa, Hoàng tử Preah Thong vâng lệnh vua cha nhường ngôi cho em. Trong khi du ngoạn, chàng gặp nàng Nagani (Công chúa thủy tề) xinh đẹp. Họ yêu nhau rồi kết thành gia thất. Long vương tặng vợ chồng chàng 5 chiếc thuyền buồm khổng lồ chứa đầy châu báu làm của hồi môn, cùng 500 gia nhân. Họ dong thuyền và xây dựng vương quốc mới và chàng được xem như cha đẻ nền văn minh Khmer. “Thương hải biến vi tang điền”, nước biển rút đi, mặt đất trồi lên cao, 5 chiếc thuyền buồm biến thành đá như hiện trạng. 

Phía sau chùa Năm Thuyền là khu đất cỏ mọc rậm với nền nhà hoang phế. Từ đây, nhìn thẳng là vực biển xanh mờ, ẩn hiện xa xa trong trời mây là đảo Phú Quốc của nước ta. Nhìn sang phải, nơi mỏm đất nhô ra có ngôi chùa Khmer mới xây vàng chóe với tượng Phật cao to in nền trời. Từng đợt, từng đợt mây mù trắng đục từ vực biển trào lên như tấm voan lãng mạn và thơ mộng phất nhẹ qua đời. 


Từ chùa Năm Thuyền theo đường Nắp Ấm hiểm trở với nhiều tảng đá hình thù kỳ quái là đến khu vực đậm chất huyền bí của Tà Lơn đối với người Việt, là nơi có các điện: Tứ Giao, Minh Châu, Trung Tòa, Lan Thiên, Bình Thiên, Bàn Ngự, Hàm Long, Cán Dù…- nơi các vị tổ của Huyền môn, các vị giáo chủ bản địa Việt Nam chọn tu luyện, cũng là nơi các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo đến tĩnh tọa, tham thiền.



Công viên quốc gia Bokor

Phong cảnh Bokor hoang vu, mát mẻ, có chỗ lạnh như xứ ôn đới, nên giới quý tộc Pháp cai trị đất nước Campuchia chọn làm nơi nghỉ dưỡng.Từ năm 1925, họ xây dựng nhà thờ, trường học, bưu điện, biệt thự, khách sạn cao cấp, casino… với tên gọi Bokor Hill Station, công nhận Bokor là Công viên quốc gia. Người Pháp lên đây tiệc tùng. Người Trung Quốc lên đánh bạc. Rất nhiều người thua cháy túi nhảy xuống vách đá phía sau casino. Thập niên 1950 – 1960, vua Sihanouk, hoàng tộc và giới tài phiệt Campuchia chọn nơi đây làm nơi nghỉ dưỡng, thư giãn. Thời hoàng kim của Bokor rồi cũng qua đi, tất cả các công trình đồ sộ đều hoang phế đến đỗi người ta gọi nó là “Thành phố ma”. Song, cái vẻ hoang tàn, kỳ bí ấy đã khiến các nhà làm phim chọn làm bối cảnh quay hai bộ phim “City Of Ghost” (2002) và “R-Point” (2004). 


Khách tham quan nào cũng thích có tấm ảnh kỷ niệm nơi phái sau lưng, bên trái, xa xa là đảo Phú Quốc (Việt Nam).

Đối lập với “nơi kỳ lạ nhất thế giới”, ngày nay Bokor là một phần của Công viên quốc gia Preah Monivong (1993), có khu giải trí nghĩ dưỡng phức hợp đang hình thành là Thansur Bokor, mang phong cách Khmer hiện. Quy mô khu nghỉ dưỡng rộng trên 60.000m2, trên độ cao 1.079m, với hơn 412 phòng nghỉ tiêu chuẩn và cao cấp; khu ẩm thực phong phú với tổ hợp 12 nhà hàng; khu giải trí quốc tế với các trò chơi đa dạng, không gian hội nghị, phòng tiệc rộng lớn, nhà hát tân kỳ sức chứa hơn 6.000 người; khu giải trí sang trọng với các phòng KTV, disco được thiết kế đặc biệt; khu spa đẳng cấp kết nối phòng tập thể hình, hồ bơi hiện đại; sân golf 18 lỗ được thiết kế bởi golf thủ lừng danh, Arnold Palmer; khu giải trí giáo dục trẻ em rộng trên 200m2… Thansur Bokor do tập đoàn Sokha thực hiện. Sokha là con gái tỉ phú đô la Sokkong, người sinh ra tại Prey Veng (Campuchia) nhưng có cha mẹ gốc Việt. Khởi nghiệp với 1,5 chỉ vàng, Sokkong giờ làm chủ nhiều ngành nghề trên đất Campuchia và Việt Nam. Ông là người Việt duy nhất được Quốc vương Sihanouk ban tặng tước hiệu Oknha (Công tước) vì những cống hiến cho xã hội… 

 
Chùa Năm Thuyền cổ kính

Con đường lên núi khi mới mở phải tốn 5 đô la Mỹ mới được vào, nay không còn nữa. Công viên quốc gia Bokor có nhiều thú hoang dã, các loài chim quý hiếm. Bokor là ngọn núi có thể nói đẹp nhất đất Chùa Tháp. Vào mùa mưa, trên lưng chừng núi dầy đặc sương mù, có khi cách 1m không nhìn thấy nhau. Đến với Bokor là đến với huyền thoại đậm chất dân gian và hiện thực sinh động đang dần biến nó thành nơi du lịch sinh thái hấp dẫn nhất Campuchia.

-----------


Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2014

Lời ru con sáo nhỏ


Thơ: Phù Sa Lộc
Phổ nhạc: Đắc Lợi

Click vào hình để có bản phóng lớn

Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2014

Một đêm với “vua đầm”



“Vua đầm” là tên phóng viên Hãng phim truyền hình TPHCM (TFS) ”tặng” ông Nguyễn Văn Hùng (Hai Hùng) - người có nhiều nhà chòi, người làm du lịch homestay duy nhất trên đầm Thị Tường 

Đầm Thị Tường là hồ nước tự nhiên lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long, còn được mệnh danh “Biển Hồ giữa đồng bằng”, rộng nhất 3km, dài 10km, diện tích mặt nước khoảng 700ha. Đầm được bồi lắng bởi phù sa sông Mỹ Bình, sông Ông Đốc cùng nhiều kinh rạch của ba huyện Phú Tân, Trần Văn Thời và Cái Nước (Cà Mau). Tọa lạc giữa hai huyện Phú Tân và Trần Văn Thờ, đầm có ba đầm chính: đầm Trong, đầm Giữa và đầm Ngoài, nối với con sông tiếp quốc lộ 1A, sông còn lại chảy ra vịnh Thái Lan. Trong ba đầm, đầm Giữa lớn nhất, như trái bóng phình hết cỡ. Trên đầm có khoảng 20 chòi lớn nhỏ - nơi ngư dân canh thu hoạch cá tôm mà họ đặt chà, đáy nhỏ, nò, đó…, nằm giữa mênh mông trời nước...

“Vua đầm” Hai Hùng giới thiệu lú đựng ghẹm
sẽ tặng anh bạn trong đoàn chúng tôi


Ông Hai Hùng, người có nhiều chòi nhất trên đầm Giữa, trong đó có một chòi lớn nhất. Vì lớn nhất (10mx20m) nên người ta gọi “nhà nổi trên đầm”, hoặc “thủy biệt thự”. Trong nhà có đủ tiện nghi vật chất, thậm chí còn có chiếc xuồng cũ trồng rau cải, có chuồng heo, gà, vịt. Chúng tôi đến “thủy biệt thự” bằng mấy chiếc vỏ (vỏ lãi) do các con Hai Hùng vô “bờ” đón, và thích thú hòa mình vào cuộc sống vừa hoang sơ vừa khá hiện đại của cái ông “Robinson” giữa “hoang đầm" nầy.

Hai Hùng là một người cao lớn, râu mép hơi rậm, nói cười hệch hạc y chang người miền Tây cũ bây giờ hiếm gặp. 51 tuổi, cách đây khoảng 30 năm, ông đưa vợ ra đây cất chòi “độ nhựt” bằng tôm cá dưới mặt nước đầm. Mùa nào loại nấy, ngác, chẽm, nâu, đối, ghẹ, tôm sú, tôm thẻ, tôm đất, cua, ghẹm..., ê hề. Chúng, qua nhiều năm tháng, giúp Hai Hùng cũng như nhiều ngư dân khác trên đầm trở thành những người giàu có. Hai Hùng nói tháng 9 ghẹm nhiều vô kể, chạy máy chém văng xác ghẹm đầy vỏ, là nguồn phân, nhiều năm trước. Bây giờ, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư cho biết: “Ở đầm, vào mỗi con nước rằm hay ba mươi, ghẹm nhiều vô số. Lớp vô lú, lớp bu đầy bập dừa thả lềnh bềnh ngắm trời chơi. Ở đầm người ta cầu kỳ ghê lắm, muối toàn là ghẹm cái, loại nhiều gạch nhất, ăn vừa mặn lưỡi vừa béo ngậy”. Vô mùa ghẹm, dở dở cũng có được năm bảy trăm ký một ngày.

"Thủy biệt thự”trong chiều tà

Hai Hùng lái vỏ đưa chúng tôi dạo quanh đầm. Buổi chiều, mặt trời dần xuống thấp phía biển Tây, những tia nắng hấp hối đỏ sẫm lan tỏa những vệt lấp lánh mặt nước gơn sóng không gì đẹp bằng. Mấy ngư dân trầm mình trong làn nước lạnh, nhô đầu lên, thu hoạch thủy sản nhìn Hai Hùng chào nói rổn rảng. Hai Hùng nói mùa khô nước ngang ngực, mùa mưa, cao nhất trên dưới 1,6m. Hai Hùng cho biết cá ở đây lớn lên ra biển rồi trở về theo quy trình thủy sinh... Né tránh những hàng cọc tre hàng hàng lớp lớp nhô trên mặt nước, Hai Hùng bảo đó là khu nuôi sò của những tỷ phú Kiên Giang đến mướn mặt nước. Họ mua sò giống vụt xuống, đạp xuống sình, quây giữ bằng lưới mành. 

Vỏ chạy hết đầm mất hai tiếng đồng hồ chuyến tham quan lý thú với chúng tôi, khách thành thị. Nhưng khi về nhà Hai Hùng lại là một điều kỳ thú khác với trên sàn ván đước trải tấm nylon lớn rộng ê hề những món ăn chế biến từ thủy sản nước pha chè đầm Thị Tường. Nào canh chua cá ngác. Cá ngác kho. Ghẹm rang me. Bánh tôm tích chiên. Tôm thẻ đầy tú hụ một dĩa lớn. Một dĩa bự đầy nhóc những con cua yếm vuông – đặc sản chỉ có tại đầm. Chính những con cua nầy đã khiến chúng tôi mê mệt. Thịt chắc, ngọt ngon, không khai, ăn hoài không chán. Rồi tôm thẻ. Con nào con nấy lớn cỡ ngón tay cái. Ăn chưa kịp hết, con Hai Hùng đổ một dĩa lớn đầy... tiếp mồi! 

Dạo chơi trên đầm bằng vỏ lãi


Trong câu chuyện tầm tình nhiều lý thú, Hai Hùng cho biết đầm có tên chính là Bà Tường, theo truyền thuyết bà là người tiên phong khai thác đầm nầy, nên người ta kính trọng gọi đầm Bà. Về sau, gọi đầm Thị Tường. Nằm giữa đồng bằng nên đầm chiếm một vị trí môi trường sinh thái vô cùng độc đáo với vẻ hoang sơ bốn bề là những rặng dừa nước vươn cao ngọn lá lên trời, cho nên người ta còn gọi đầm Dừa Nước. Hào hứng với câu chuyện, uống rượu đế không đã, Hai Hùng vô buồng ôm hũ rượu pha mật ong rừng ra. Chị Hai Hùng, Dương Thị Lụa, thố lộ mật nầy do con chị đi “ăn” quanh rừng dừa nước ven bờ. Uống một ly rượu mật ong, thịt cua, thịt tôm... hầu như bay biến, đặc biệt cái lạnh của những ngày cuối năm, của những ngọn gió trời lồng lộng xuyên đầm chẳng hề hấn gì. Vui miệng, Hai Hùng kể, có đoàn khách Hàn Quốc do Nguyễn Ngọc Tư đưa ra chơi, uống rượu nầy khoái quá, “quá hớp”, bước xuống vỏ, té. Tuy “tắm bùn” dơ hầy nhưng anh ta vẫn cười vui hí hửng. Nói về Nguyễn Ngọc Tư, vợ chồng Hai Hùng rất thân mật, gọi ”Bé Tư”. Họ cho biết, trong năm 2013, “Bé Tư” đã đưa 12 đoàn đến tham quan, ăn nghỉ tại đây. Chúng tôi là đoàn thứ 13 do “Bé Tư” giới thiệu. “Bé Tư” không theo được vì nhằm ngày chủ nhật mắc ở nhà giữ con. 

Đêm dần buông. Nhằm ngày rằm, mặt trăng dần lên, tỏa những tia sáng yếu ớt nhưng kỳ ảo xuống đầm, là một cảnh quan cực kỳ khả tú. Chúng tôi ngắm trăng, uống rượu, thưởng thức mồi bén, nhưng chẳng ai “rớ” tới tô canh chua cá ngác và tô cá ngác kho, dù cả hai đều rất ngon. Ánh trăng càng lúc càng vằng vặc. Câu chuyện tới khuya rồi cũng tàn. Chúng tôi chìm trong giấc ngủ ngon trong căn “thủy biệt thự” có nhiều cửa nhưng không cửa nào có cánh. 

Chòi lá canh lú, dớn, lọp,lưới... khai thác thủy sản trên đầm

Chưa rạng sáng chị Lụa lo nấu một chảo cháo với tép thẻ phục vụ cái dạ dầy của chúng tôi. Tô cháo ngon, ly trà thơm càng ấm bụng. Chúng tôi “bàng hoàng” khi thấy những tia nắng ban mai yếu ớt rọi màu đỏ hoang sơ vào nhà. Nhìn ra. Buổi sáng tinh mơ, mặt nước đầm trong vắt như pha lê. Trong chốc lát, những rạng mây ngang đầu ngày nhuộm mặt nước đầm một màu hồng phấn, không họa sĩ tài ba nào có thể phối nổi. Mặt trời ló dạng, sương sớm tan dần, những vệt sáng đỏ ban mai lăn tăn gờn gợn khắp mặt đầm, cảnh quan càng thêm kỳ ảo. Chia tay, vợ chồng Hai Hùng bịn rịn. Chị Lụa “tức tối” trách sao ra đây không cho hay trước để chuẩn bị “đồ đạc”, nhất là mắm. Mắm ở đây ngon nhứt hạng, chỉ cần hé cái nắp đậy một chút đã nghe thơm lừng lựng mũi, như “Bé Tư” khen. Cô ấy còn nói “cái xứ ngộ, con người nhiệt tình, chưa kịp nói gièm thì đã dúi vào giỏ biểu mang về rồi”. Anh bạn tôi khoái món ghẹm rang me, hỏi mua, Hai Hùng tặng đem về ăn “lấy thảo”... 

Homestay nhà Hai Hùng một chiều, một đêm và rạng sáng, mỗi người chỉ tốn có 200.000 đồng. Rẻ rề. Nhiều đoàn khách ra đây, ngoài khách “Bé Tư”. Hỏi tại sao, Hai Hùng tâm sự người ta ra chơi, về post lên mạng, đồn đãi riết thành điểm du lịch sinh thái thứ thiệt như vầy.





Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

Chiếc nón






Click vào hình để có bản phóng lớn


Click vào hình để có bản phóng lớn