Thứ Tư, 30 tháng 4, 2008

Sa mưa

Trời đang nắng chợt sa sầm màu mây đùng đục. Tiếng gió lộng rào rạt ngoài hiên. Rồi tiếng lộp độp rơi vang mái tôn các căn nhà lân cận. Mưa chăng? Tôi vội ra ban công căn gác nhỏ. Chưa kịp nhìn mái các căn nhà xung quanh, đã thấy hàng hà sa số những trái sao lả tả bay quần trên không trước khi đáp đậu trên khắp các nơi. Ôi, mưa trái sao sao mà ngây ngất quá. Chợt nhớ chừng ba chục năm trước. Cũng tại chốn này. Đầu con hẻm nhà tôi. Ngoài công viên nhỏ hình tam giác được bao bọc bởi chòm sao già tỏa mát ba con đường bao quanh. Khi có cơn mưa trái sao, các con tôi cùng bọn trẻ trong hẻm ùa nhau chạy đuổi. Trái sao già hai cánh ểnh hai bên trên cái hột tròn bên dưới, từ chòm lá cây sao cao vút không ngừng rơi rụng trong gió, xoay vần như chong chóng, tạo thành điệu luân vũ đẹp mê hồn. Đứa nào may mắn hứng được trái sao, mừng như bắt được vàng, cười vang trong chiều lộng gió. Chúng nhẹ hốt từng bụm trái sao trong tay rồi tìm nơi cao nhất, nhón gót, mở bung nghiêng tay cho từng trái sao theo gió xoay bay đi.

Nhìn những trái sao bay vần trong gió, nhớ làm sao những ngày nắng chang sau tết nguyên đán. Lúc ấy, đi dưới bóng mát hàng sao già hàng trăm tuổi ở công viên, tôi chợt nghe mùi ngai ngái của những chùm bông sao bám đầy cành nhánh phả đi. Bông sao tuy có màu vàng nhạt nhưng cũng bật nổi trên nền xanh biếc lá sao. Cơn gió nhẹ lướt qua. Từng chiếc bông sao mơ màng rơi xuống, thành lớp thảm trải nhẹ mặt đường. Bánh xe lướt nhanh. Ôi, những chiếc bông sao xinh xắn, nhỏ như đầu cọng tăm, nhanh chóng nhòe nhoẹt những niềm đau tiếc rẻ. Nhưng cái thảm bông sao trên nền xanh bãi cỏ công viên mới đẹp làm sao. Chiều xế, các con tôi và bọn trẻ trong hẻm nhẹ nhàng bước vào chốn thần tiên ấy, nhón tay vớt từng chiếc bông sao cho vào hộp giấy. Rồi, sau đó, phải nhờ bàn tay mềm mại của bọn con gái, xâu thành chuỗi, mang nơi cuờm tay, quàng qua cổ hoặc choàng quanh trán làm công chúa, hoàng tử hoặc đám cưới giả vợ chồng trong thần thoại cuộc chơi trẻ thơ.

Giờ, bông sao đã kết thành trái, vần vũ bay xoay khắp không trung trong sắc trời đùng đục âm u. Tôi buồn buồn nhớ tới chốn quê hương những ngày tuổi nhỏ cách nay trên nửa thế kỷ. Trong không gian ảm đạm như vầy, không mấy chốc, mưa sẽ trút xuống. Những cơn mưa đầu mùa nhỏ lắc rắc lối đi. Hơi đất nồng hực khó thở ngùn ngụt bốc lên thành luồng như đám mưa ngược. Mùa săn bắt bọ rầy đã tới. Những con đuông đất mọc cánh cứng, giống bọ hung, lớn cỡ ngón chân cái, vạch đất chun lên, đeo bám tàng cây cao. Chiều mát, bọn nhỏ chúng tôi rủ nhau rời thị trấn lội bộ tới đầu con giồng cát mát rượi bóng tre xanh rào rạt tiếng gió ru. Chúng tôi, đứa lượm phân trâu bò khô, đứa tìm rơm rạ chất đống, bật quẹt. Ngọn lửa cháy phừng rồi ngun ngún tỏa khói xám lên trời. Trong chốc lát, hàng đàn bọ rầy quần tụ trong làn khói ấy tạo thành đám mây thấp. Từng nhát chổi, từng nhánh cây trong tay chúng tôi giơ lên, huơ đập những con vật ấy. Chúng rơi lộp độp xuống nền đất giồng khô rang. Cả bọn xúm nhau lượm từng con cho vô hộp thiếc hoặc hộp giấy có soi lỗ đã để sẵn mớ lá duối cho chúng ăn. Nhưng vui hơn hết là khi trở về nhà chúng tôi biến những con vật có cánh này thành những trò chơi đất giồng không đâu có được. Đơn giản nhất là lật hai chiếc cánh cứng con vật áp vào nhau, kề ngược gần miệng thổi, lập tức hai cánh lụa của nó đập liên hồi. Kề sát con vật vào mặt, vào người sẽ nghe hơi gió mát liên tục phả vào. Quạt-máy-tuổi-thơ-nhà-quê chúng tôi đó. Cao cấp hơn, phải nhờ bàn tay chị, bàn tay anh làm. Cắt dây kẽm từng khúc, uốn luồn qua lõi chỉ thành chiếc xe. Lại gập cánh cứng con vật gài vào chiếc xe, thổi nhẹ, cánh lụa bọ rầy đập đẩy chiếc xe tới phía trước. Còn chế máy bay vẫn bằng dây kẽm. Với sợi chỉ buộc giữa nhà, con vật đập cánh lụa khiến chiếc máy bay bay vòng quanh nhà. Thật thú vị những trò chơi chắc không đứa trẻ nào bây giờ biết được. Làm sao chúng biết mùa bông sao rơi lãng mạn, mùa trái sao già bay ngoạn mục không trung; làm sao chúng biết mùa bọ rầy kỳ diệu với trò chơi đất giồng; làm sao chúng biết đất trời vần vũ chuyển mưa khi sang mùa để nghe mùi đất đai nồng nã xông lên sau cơn mưa nhỏ hột! Bọn chúng không biết cái thế giới thật đầy tình cảm và sinh động ngoài đời như tôi và các con tôi vì mải chìm đắm với cái thế giới ảo trong màn hình máy tính trước mặt trong căn phòng ngột ngạt gió quạt trần!

Thứ Sáu, 4 tháng 4, 2008

Thanh minh


Tháng ba. Nắng như đổ lửa. Trời đứng gió. Đi trong tiết trời đó, tôi nhớ đến ngày nhỏ chừng chín mười tuổi của mình ở cái huyện heo hút bên nhánh sông Hậu. Cũng trong cái nắng hừng hực như xối dầu xuống trần gian, tôi lẽo đẽo theo chân má tôi vượt qua những con đường, những cánh đồng chang chang nắng. Con đường cát xuyên mảnh đất giồng giữa hai hàng cây xanh đan ngọn tuy mịn êm nhưng lại quến bàn chân khó đi. Con đường này thơ mộng với tiếng lá cây rì rào lại mát mẻ nhưng tôi thích nhất vì thỉnh thoảng bắt gặp trái bồ hút vàng ruộm trên một nhánh cây bên đường. Nghe tôi kêu, má tôi vói bẻ rồi đập trái hình bầu dục ấy vào thân cây bên đường cho bể ra, bên trong lớp vỏ cứng là mấy cái múi vàng hươm. Tôi khoái trá hút từng múi bồ hút, mút, nghe mùi trái cây hoang dã là lạ phả trong vòm miệng cùng vị chua chua giúp quên đi cái nắng nóng khiếp đảm và con đường cát nặng nhọc bước chân.


Nhưng cũng có năm má tôi chuyển sang đi đường tắt cho nhanh. Con đường đê có đoạn cao uốn khúc vắt vẻo qua cánh đồng khô khốc. Nắng kinh khiếp phả tràn xuống, lâu lâu chợt mát nhờ đám mây phiêu bạt lướt qua. Tôi cũng mừng rỡ khi lâu lâu đi tới bóng mát ngọn thốt nốt cao vời giữa từng không in xuống, tôi đứng lại nghỉ chân khá lâu. Đâu chỉ có vậy, có lúc má con tôi còn rời bỏ con đường đê, đi chân đất trên mặt ruộng nứt nẻ, chông chênh. Má tôi đi nhanh lắm nhưng lúc lúc phải dừng lại khi nghe tôi kêu inh ỏi vì bị gốc rạ cứng như chông đâm đau điếng bàn chân.

Rồi, hạnh phúc cũng đến khi vạt tre già mọc dầy ven mảnh đất giồng xuất hiện trước mắt má con tôi. Tới nơi, má chia tôi xấp giấy nhiều màu sắc hình chữ nhật dài rồi cùng tôi ấn mạnh vào nền đất mấy ngôi mộ vừa mới được giẫy cỏ. Má nói bận áo mới cho mộ. Sau đó, má bày đồ cúng trên mấy tờ giấy báo lấy ra từ cái tráp tre tròn có quai và nắp đậy hình vòm phủ lớp sơn bóng bạc màu qua năm tháng sử dụng. (Cái tráp này lâu rồi không thấy ai xài nữa). Má thắp nhang, khấn vái trước mấy ngôi mộ. Nhang tàn, má đốt giấy tiền vàng bạc. Sau cùng, má cho tôi cái hột vịt luộc trong bộ tam sên thưởng công cực khổ của tôi cùng nhúm muối hột. Tôi bóc vỏ hột vịt, chấm muối ăn. Tới bây giờ chưa có thức ăn nào ngon bằng miếng ngon ấy! Chính vì vậy mà năm nào tôi cũng lẽo đẽo đòi theo má đi “cúng mả” gia đình bên ngoại mình ở một nơi xa xôi và cực nhọc con đường với nắng nôi ấy. Và không năm nào mà má từ chối không cho tôi đi dù hai tay má nặng trĩu tráp đồ cúng cùng đứa con bận bịu theo chân mà má không một lời ta thán. Bây giờ tôi mới biết má sung sướng vì có tôi đi cùng trong sự đơn độc của má giữa đất trời to rộng và đơn độc trong việc hiếu đễ của riêng người.


Cũng đáng nhớ nhất trong thời niên thiếu của tôi là ăn Thanh minh bên khu mộ gia đình bên nội tôi. Khu mộ nằm cách thị trấn khoảng một cây số, là bìa một con giồng chuồi xuống cánh đồng bao la gốc rạ. Cũng thích thú được phân công dán giấy đỏ xanh trên từng ngôi mộ. Cũng bày đồ cúng trên những tờ giấy báo đặt trên nền đất. Cũng ăn hột vịt luộc chấm muối hột ngon ơi là ngon. Cũng lội bộ qua con đường cát xuyên giồng nhưng với những hạt cát mềm êm bàn chân. Không phải xách cái tráp tre mà thức cúng được chở trên chiếc xe ba bánh hoặc trên vài ba đôi gióng do các anh tôi gánh chung cùng hầu như với cả thị trấn đổ xô về hướng nghĩa trang. Vui nhất và đáng nhớ là nó diễn ra vào lúc xẩm chiều. Nửa buổi cúng, nắng tắt cuối chân trời. Cúng xong, nhang cháy lập lòe trong ánh sáng mấy ngọn đèn trứng vịt chập chờn trong gió đầu đêm bóng tối vừa mới buông. Vậy là ba má tôi, các anh tôi cùng các chị dâu tôi xúm xít bên nhau thưởng thức miếng ngon từ bữa cúng. Nào vịt luộc. Nào heo quay. Nào tôm càng và ba rọi luộc. Nào trái cây. Tiếng nói chuyện râm ran lẫn trong tiếng nhóp nhép nhai thức ăn. Những khu mộ kế bên người ta cụng ly nhau với tiếng cười thích thú trong tiếng hát lời ca hòa trong tiếng đàn trầm bổng khắp không gian. Đêm vùng quê dường như không còn tối nữa, mà sáng những niềm vui. Niềm vui Thanh minh kéo dài cho đến khi tất cả mệt mỏi mới chịu chấm dứt, ra về.

Mười mấy tuổi, tôi rời xa cái thị trấn nhỏ bé này, để rồi không bao giờ còn có được hạnh phúc tràn đầy trong những ngày Thanh minh như thế nữa. Bây giờ, Thanh minh đối với tôi chỉ còn là hoài niệm, là dịp tưởng nhớ tổ tiên ông bà cùng vợ con trong căn nhà giữa phố thị chật chội như một nghi thức, như một thói quen. Đồ ăn thức uống ê hề. Nhưng niềm vui trong sáng (thanh minh có nghĩa là trong sáng) như thế chẳng còn nữa từ hơn nửa thế kỷ về trước. Chẳng bao giờ có nữa! Mà có lẽ niềm đau này đâu chỉ riêng tôi!./.