Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2011

“Thơ là một nhu cầu tinh thần, không thể gượng ép”






PHAN HOÀNG


Từ tình yêu đối với bậc tiền bối Bình Nguyên Lộc ở đất đỏ miền Đông, chàng văn trẻ gốc Hoa ở miền sông nước Diệp Ngọc Sơn đã lấy bút danh Phù Sa Lộc và trở thành một trong những thi sĩ khá đậm chất Nam Bộ trên thi đàn mấy mươi năm qua. Giống như vùng Cửu Long quê hương, giọng thơ Phù Sa Lộc mênh mang, da diết. Đọc thơ Phù Sa Lộc, ta như có thể “ngửi” được mùi đất mới ở phương Nam. Cùng với các nhà thơ gốc Hoa nhiều thế hệ như Hồ Dzếnh, La Quốc Tiến, Dư Thị Hoàn… Phù Sa Lộc đã góp phần làm phong phú thêm nền thi ca Việt Nam


- Thưa ông, là một người gốc Hoa, vậy ông có gặp hạn chế gì khi tiếp xúc với nền văn hóa Việt Nam cũng như trong quá trình sáng tác?

- Ông cố tôi từ Triều Châu, Quảng Đông, di cư sang Nam Bộ từ thế kỷ XIX. Cha mẹ tôi đều gốc Hoa. Còn tôi, tiếng là gốc Hoa nhưng sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, sống chan hòa ở một thị trấn Việt – Hoa - Khmer, tôi tự xem mình là một người Việt Nam, nên quá trình sáng tác chẳng có gì khó khăn.

- Những nhà văn gốc Hoa đương đại nào theo ông là đáng chú ý?
- Trước đây có bậc tiền bối Hồ Dzếnh, sau này có Lý Lan, La Quốc Tiến.

- Ông vốn họ Diệp, lấy bút danh họ Phù, nghe cũng rất lạ. Có giai thoại rằng vì yêu mến nhà văn Bình Nguyên Lộc mà ông lấy bút danh Phù Sa Lộc?
- Tôi vốn rất thích văn chương Bình Nguyên Lộc. Truyện ngắn của ông tinh tế, nhẹ nhàng, khoái nhất là văn phong Nam bộ. Vì vậy tôi mới lấy bút danh có chữ cuối trùng với bút danh ông. Tuy nhiên, ý nghĩa hai chữ Lộc khác nhau. Bình Nguyên Lộc là con nai của bình nguyên miền Đông, còn Phù Sa Lộc là chồi lộc, cái tốt đẹp của phù sa châu thổ sông Cửu Long. Tôi được sinh ra và chịu ơn vùng đất này quá nhiều.

- Ngoài Bình Nguyên Lộc, còn nhà văn nào của Nam Bộ mà ông thích?
- Tôi cũng rất kính nể Sơn Nam, một cây đại thụ khác của văn chương Nam Bộ. Có thể nói, nhờ sự lôi cuốn từ tác phẩm của hai bậc tiền bối Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam mà tôi “sa” vào văn chương.

- Thích truyện của hai “lão trượng” ấy nhưng vì sao ông lại làm thơ?
- Đúng là một nghịch lý. Từ năm 1964 tôi đã có truyện ngắn đầu tiên đăng ở báo Tia Sáng của Sài Gòn, rồi sau đó là các tờ Tiểu thuyết thứ năm, Chọn lọc… Nhưng viết truyện mãi vẫn không nổi bật, trong khi thơ tôi lại được bạn bè và độc giả chú ý. Vậy là tôi “chuyển tông” sang “nàng thơ”. Dù vậy thỉnh thoảng hứng lên tôi vẫn viết truyện.

- Hơn 30 năm gắn bó với “nàng thơ”, ông mới cho ra đời hai tập “Thơ tình tuổi bốn mươi” và “ngọn khói”. Thật quá khiêm tốn. Vì sao ông in ít như vậy? Nhìn lại chặng đường thơ của mình, ông tự đánh giá ra sao?
- Cha tôi vốn là một thương gia. Tôi là con út, được hưởng gia tài, nhưng không có duyên làm ăn, mà lại có vẻ yêu thích văn thơ. Đối với tôi, văn chương ngoài sự giải tỏa còn là một nghề kiếm sống qua ngày. Trong hoàn cảnh khó khăn ấy, tôi không thể có thơ ưng ý để in nhiều hơn những gì đã có. Tôi cảm thấy thơ mình đạt một số thành công nhất định, nhất là cảm xúc về thời khẩn hoang được gợi hứng từ Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam. Còn hiện tại, tôi thấy thơ mình đã “xưa” lắm rồi.

- Mỗi thi sĩ thường có một quan niệm riêng về thi ca. Với ông quan niệm về thơ có gì đặc biệt?
- Thơ là một nhu cầu tinh thần, không thể gượng ép. Thơ nó tự đến, buộc nhà thơ phải làm, phải đắm chìm trong thế giới sáng tạo. Còn trong thực tế, có khi thơ là một phương tiện kiếm sống. Tôi cũng từng rơi vào trường hợp đau lòng đó và rất lấy làm mắc cỡ.

- Có lúc nào ông dự định lìa bỏ “nàng thơ” không? Thơ ông nhận được phản ứng ra sao từ phía bà nhà?
- Nhiều lúc tôi nghĩ, giá có kiếp sau thì nhất định tôi không những không làm thơ nữa, mà còn không thèm lai vãng đến thế giới… cầm bút. Nhưng, như tôi đã nói, thơ là một nhu cầu tinh thần, không viết không được. Vợ tôi không chỉ là người “đỡ đầu” cho “chàng thơ” mà còn rất quý bạn bè văn nghệ của tôi.

- Là nhà thơ khá hiểu biết về thơ đương đại của đồng bằng sông Cửu Long, theo ông, những nhà thơ nào thực sự giữ được cái chất miền sông nước này?
- Riêng với đồng bằng sông Cửu Long, làm được thơ “đặc chủng” về vùng đất mới này thật khó. Đọc ca dao, dân ca miệt vườn thấy rất sâu sắc, nhưng khi chạm ngòi bút tới thì thấy khó làm sao. Rất vui vì có thơ Thu Nguyệt biểu hiện được chất Nam Bộ.

- Ông có cảm thấy sự khác biệt nào trong đời sống văn chương giữa miền Tây Nam Bộ với các miền đất khác?
- So với miềm Bắc hay miền Trung, tôi thấy một người viết văn có nét ở miền Tây ít có cơ hội được giúp đỡ, nâng lên. Mà họ phải trải qua một quá trình phấn đấu tự lực và công phu. Người Nam Bộ nói chung thường coi văn thơ là thú chơi tao nhã, ít chịu phấn đấu, nên thành tựu khiêm tốn.




***

Mấy năm gần đây, nhà thơ Phù Sa Lộc không chỉ sống bằng văn chương nữa, ông đã có thêm một nghề mới: nghề báo. Trở thành phóng viên văn hóa cho nhật báo Cần Thơ khi tuổi đời đã ngũ tuần nhưng Phù Sa Lộc vẫn tỏ ra sung sức. Ông đọc nhiều, đi nhiều, viết nhiều. Nghề báo giúp ông ổn định việc mưu sinh, đồng thời cũng là một trong những “bệ phóng” cho sáng tác của ông, khi được cập nhật thông tin và có điều kiện đi xa, đi sâu vào vùng đất “chôn nhau cắt rốn”.



Mùa thu năm ngoái – 2001, khi đoàn nhà văn thành phố Hồ Chí Minh đi thực tế biên giới tỉnh An Giang, “quá giang” một đêm Cần Thơ, nhà thơ Phù Sa Lộc cũng không bỏ qua cơ hội “tháp tùng” đoàn và trở thành một “thành viên” xông xáo nhất. Ông rủ chúng tôi sục sạo ngọn núi lịch sử Tức Dụp, đếm từng vết máu còn sót lại ở nhà mồ Ba Chúc, đi tìm những bến xe ngựa thồ ở thị trấn Tri Tôn mà có lẽ cũng là những chiếc xe ngựa cuối cùng của miền Tây Nam Bộ. Đặc biệt, khi đoàn nhà văn ngủ đêm ở Suối Vàng, một điểm du lịch nằm cheo leo trên núi, nhà thơ Phù Sa Lộc không chịu “ngả lưng” mà tiếp tục cùng tôi và các nhà thơ “thổ dịa” Phạm Nguyên Thạch, Hồ Thanh Điền, Trương Công Thuốt đi thực tế vùng núi rừng biên giới này. Rồi tình cờ, bên một quán “cóc”, chúng tôi được tiếp xúc với một cô chủ quán khá xinh đẹp lại ăn nói có duyên, vì thi đại học rớt mà về đây lấy chồng, mở quán sinh nhai. Nhìn sơn nữ An Giang, tôi chợt nhớ đến “hải nữ” Kiên Giang trong thơ Phù Sa Lộc. Tôi đọc:

Hải Tiên, Hải Tiên nàng ơi Đêm Kiên Giang mời nàhg lên ngôi Đêm bao la giọt trời tinh khôi Đêm long lanh giọt tình xa khơi Nàng bên ta, cùng ta, chơi vơi

Không biết sau chuyến đi ấy, nhà thơ Phù Sa Lộc có viết bài thơ nào về sơn nữ An Giang không? Tôi không tiện hỏi. Nhà thơ cũng không nhắc tới. Chỉ biết rằng, sau một năm gặp lại nhau ở Cần Thơ, trông nhà thơ có vẻ còn “phong độ” hơn. Hy vọng giữa công việc báo chí bộn bề, thi sĩ đáng quý của xứ miệt vườn này không quên “nàng thơ” vốn cùng mình lênh đênh khắp miền sông nước.

(Tuần báo Sài Gòn Thứ Bảy số 609 – 2-11-2002, trang 32-33)