Thứ Tư, 2 tháng 11, 2016

BÀI HÀNH VỢ TA

Nhân 4 năm ngày giỗ nhà tôi (2-11-2012)


Người xưa ngậm mật nuôi chí lớn
Cơm áo đời thường hề không uổng
Ta nay múa bút đã lâu rồi
Chí bự ngang đầu con tép ruộng

Nuôi ta vợ tốn hai sông cạn

Một dải phì nhiều lúa bạt đồng
Vải đo mươi thước may không chán
Chỉ để lo mình ta đấy thôi

Chí ta, ta biết, hề văn nghệ

Vui thú anh em quên lối về
Một con ngựa sắt mê rong ruổi
Sáng sớm: mù tăm, chẳng thấy: khuya

Đón ta chiều muộn say như chết

Khật khưỡng chân này hất chân kia
Ở nhà, bạn đến, em lo tất
Cơm nước không nề cả râu ria

Bạn bè một lứa tơi bời rách

Mọi sự đều trông vô nhuận bút
Máu óc vắt run bàn tay kiệt
Không đủ cà phê không đủ thuốc

Khi buồn ớ lún dăm tuần lễ

Thơ chửa làm ra văn chẳng trơn
Việc nhà bề bộn hầm như bễ
Mắng vợ, làm nư, ném cả xoong
Con bệnh. Thuốc chi? Hề, dốt đặc
Chuyện thường ngớ ngẩn cứ như hâm
Văn chương siêu thánh hề ta dạy
Thiên hạ ai người sống thẳng băng

Bạch lạp quá xưa; đèn điện, cũ

Tù mù trứng vịt tối tân hơn
Câu thơ tâm đắc hề ta đọc
Lồng lộng làng trên xóm dưới rầu
Cái giàu ta chẳng màng đâu nhé
Chỉ bẩn ta người gớm bợn nhơ
Nghèo khổ với ta bạn chí thiết
Một lòng trinh tiết với nàng thơ

Quân tử hề ta không thể cắp

Của người dù chỉ một que diêm
Trí thức hề ta không thể bắt
Tay chân mình lấm bụi nhân sinh

Vợ ta quần vén lên tận háng

Chạy gạo nuôi chồng – chuyện tất nhiên
Nuôi con - ta chẳng bao giờ cản
Đóng thuế - nuôi luôn công nhân viên

Câu thơ ta viết chưa hề biết

Nịnh lấy vợ yêu một chữ nào
Làm người trung thực nên ta viết
Thơ tặng cho Hường, cho Huệ, Loan…

Chí lớn hề ta không nếm mật

Vợ nhà đắng miệng bấy nhiêu năm
Mây khói ta đi buồn tím ruột
Hưỡn chuyện hà nhân mới ghé thăm
Vợ ta hớn hở mừng ra mặt
Biết chắc mình đang có được chồng!





Cần Thơ, 1-3-1988

Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2016

Gió chướng thơm mùi tôm càng nướng



Tôm kho tàu đỏ màu gạch son ngon mắt

Những năm 1950, tôm càng không là “đặc sản”. Chúng có mặt rất nhiều trên các nhánh sông khu vực ĐBSCL, cả các ao đìa… Vì vậy tôm càng được người dân địa phương (kể cả người nghèo) chế biến thành nhiều món ăn ngon trong gia đình. Lúc bấy giờ ngoài kho tàu, kho rim, người ta còn dùng tôm càng làm nguyên liệu chính để nấu canh chua bông so đũa. Mùa gió chướng (thời gian trước và sau Tết Nguyên đán) là mùa bông so đũa trắng nở rộ. Canh chua tôm càng bông so đũa là món ngon ai từng thưởng thức cũng đều tắm tắc khen. Vì giá rẻ nên tôm càng còn được người dân nơi đây làm chính phẩm cho món “ăn chơi”: bánh mặn. Tôm càng lột bỏ vỏ băm nhỏ trộn gia vị xào sơ, rải lên mặt bột gạo được đổ hấp chín thành nhiều lớp, hấp chín lần cuối. Khi ăn, xắt từng miếng hình thoi, rải dưa chua, chan nước cốt dừa cùng nước mắm pha là món lót lòng buổi sáng nhiều hấp dẫn. Món nầy trẻ con rất thích, nhưng chúng thích nhất được ăn mấy cái càng tôm nướng thơm mùi củi lửa…

Anh bạn văn nghệ kể thời bao cấp nhà văn Sơn Nam xuống một huyện ở An Giang về khoe với nhà văn Mai Văn Tạo được đãi một bụng no nê những món ăn từ tôm càng. Nhà văn Mai Văn Tạo hóm hỉnh nói: “Ông làm như mới đi nước ngoài về”. Thời báo cấp, mình tôm càng là đặc sản xuất khẩu. Người trong nước chỉ được thưởng thức cái đầu tôm. Ca dao có câu: “Đầu tôm nấu với ruột bầu/Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”. Theo nhiều người, đầu tôm là bộ phận ngon nhất của con tôm. Ngon vì nó giòn mềm, rồi vị béo ngọt tiết ra hậu bùi, lâng lâng khoái cảm. Té rá cái món người ngoại quốc chê lại là món ngon số một của con tôm mà dân trong nước được hưởng. 

Càng về sau nầy, tôm càng càng được người nông dân nuôi dưới chân ruộng, mở ống bọng đầu các mương vườn để tôm con từ sông vào trú ngụ. Những con tôm nầy lớn lên theo năm tháng, mình đóng rong rêu. Vì được nuôi trong môi trường không bình thường nên tôm không ngon thịt. Chỉ có những con tôm sống giữa khoảng đạt sông nước  bao la mới là những con tôm cho chất lượng ngon nhất. Tôm càng có mặt hầu như quanh năm, nhưng rộ nhất vào mùa gió chướng, đặc biệt là theo con nước rong (đầu hoặc giữa tháng ậm lịch). Tôm sông được ngư dân đánh bắt bằng các phương tiện: câu, chài, chất chà, cào... Để phân biệt tôm sông và tôm nuôi người ta chú ý đến đặc điểm: tôm nuôi trắng tươi và lớn đều như nhau, trong khi đó tôm sông trắng xanh cùng một kích cỡ.  


Tôm nướng ăn sướng cái thần hồn

Người ta nói ăn món gì có thể giấu lối xóm được nhưng thưởng thức tôm càng nướng thì không. Vì cái mùi tôm chin trêtn bếp than hồng lan tỏa khắp xung quanh, “thơm” tới “nứt mũi”. Tôm càng nướng ăn với rau sống đã ngon, nhưng khi kết hợp với bún thành món ngon trứ tuyệt. Tôm kho tàu hoặc kho mẳn là những món ngon nhớ đời. Có vài cách làm món tôm kho tàu. Trong đó có cách lặt đầu tôm, lấy gạch để trong chén ướp tiêu, bột ngọt, bột nêm, mỡ, trộn đều, sên trên bếp lửa nhỏ đến khi sánh. Tôm lột bỏ vỏ, chừa đuôi cho đẹp, rửa sạch, để ráo. Cứ một phần muối hột dùng ba phần đường cát trắng cho vô nồi, xóc đều, để chừng ba bốn tiếng, mình tôm thấm gia vị, săn trong. Cho nồi lên bếp lửa than lớn. Khi những chiếc bong bóng phập phù trong nồi, để lửa liu riu tới lúc không còn chiếc bong bóng nào là lúc nước đã rút hết vào mình tôm, tôm chín, nhưng chưa kỹ. Gạt than khỏi bếp, khi tôm ửng đỏ, chế chén gạch tôm vào, xóc cho tôm thấm đều gạch và gia vị, để trên bếp lửa một lát rồì dọn ra bàn. Tôm kho tàu vàng ươm ăn nóng cùng với sà lách, rau thơm, dưa leo và cà chua xắt lát. Món nầy ngon ngoài mùi vị đặc trưng của tôm, vị tiêu cay, còn nhờ mùi than củi tỏa thấm mình tôm. Ngon không thể tả là khi ăn tôm kho tàu với cơm gạo lúa mới dẻo thơm. 

Tôm kho mẳn thì lột bỏ vỏ tôm, ướp gia vị rồi cho vào nồi nước cùng một ít muối hột, bắc trên bếp lửa riu riu. Nước cạn, xăm xắp, tôm chín. Nước tôm kho lợn cợn những váng gạch hồng lợt, chan cơm ăn đã ngon, nhưng chấm đậu rồng non mới khoái khẩu. Đậu rồng non nổ giòn trong răng, chan chát mùi đất đai cùng vị mặn thơm của gia vị, của thịt tôm hòa quyện khẩu cái. Đậu rồng non có mặt khi gió bấc hiu hiu ngọn. Cái ngọn gió chướng sảng khoái càng khiến món tôm kho tàu hoặc kho mẳn ăn với cơm gạo lúa mới nóng hổi càng thêm hao cơm. 

Từ nhiều năm nay, tôm càng được các nhà hàng chế biến thành nhiều món nhậu hấp dẫn. Trong đóp dáng chú ý là tôm hấp bia, tôm lăn bột chiên, tôm xốt me, tôm xốt nước tương… 

Theo thị trường, giá tôm sông lúc nào cũng cao hơn tôm nuôi, dao động theo từng địa phương. Tôm sông “chánh hẩu” khoảng 240.000đ/kg, tùy theo con nước. Hôm qua, 19-2-2016, tại chợ chồm hổm bến phà qua Xóm Chài, tôm sống bơi trong thau nhôm được rao với giá “bèo”: 200.000đ/kg.

--------------


Hành hương núi Cấm



Du xuân núi Cấm (Am Hảo, Tịnh Biên, An Giang) trong những ngày Tết Nguyên đán không gì thú vị bằng khám phá “nóc nhà đồng bằng” với du khách miệt vườn bằng phương tiện cáp treo


Các cabin đưa khách lên núi Cấm

Đây là tuyến cáp treo đầu tiên của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Chính vì vậy mà trong ngày đầu khai trương vào dịp lễ Tình nhân (14-2-2015), rất gần Tết Nguyên đán Ất Mùi (2015), tuyến cáp nầy đã thu hút rất nhiều du khách của vùng sông nước Tiền Giang và Hậu Giang.

Ngồi trong cabin tuyến cáp treo dài 3,5km, khách sẽ lãng đãng thả hồn nhìn ngắm phong cảnh hữu tình của “đệ nhất danh thắng Thất Sơn” đang từ từ lướt qua cặp mắt mê đắm của mình. Những rừng rậm xanh mượt màu cây cổ thụ lưu niên, những bông hoa hoa đỏ rực lấm tấm, điểm xuyết màu tím hoa cà cùng khoe sắc… như đưa khách vào một khung cảnh thần tiên của một môi trường sinh thái bền vững. Chỉ với 8 phút từ ga đi, khách đã đặt chân lên nền ga đến – cũng là nhà ga vừa mang phong cách tân kỳ vừa ươm màu cổ điển Việt Nam. Với những lối di khi tráng xi măng với những bậc cấp xen đá xanh to, với những con đường nhỏ men theo sườn dốc thoai thoải màu đất đỏ, sạch sẽ và nên thơ với những bồn hoa dài ôm dọc lối…

Từ ga đến, vồ Ông Bướm, thả bộ theo triền dốc chẳng mấy bước, khách sẽ thấy trước mắt mình một “tấm gương khổng lồ” đang soi tỏ những giề mây xám thong dong trôi trên mặt nước hồ Thủy Liêm. Mặt hồ rộng khoảng 10ha, xanh biếc, với hai chiếc cầu hình bán nguyệt màu son như con rồng uốn lượn giữa cao xanh. Từ trên cầu, khách thả xuống mặt nước những vụn bánh mì, những hột bắp rang… sẽ thấy đàn cá màu vàng, màu đỏ lớn xộn vẩy đuôi tranh nhau ăn mồi khiến mặt nước xao động một cách đáng yêu. 

Các cabin từ từ “trôi” qua hồ Thanh Long

Bên kia bờ hồ Thủy Liêm, trên mặt nước, khách thấy bóng tượng Phật Di Lặc lồng lộng soi đáy nước. Trên triền cao bờ hồ, nơi đó, đằng sau “rừng” sao đang độ lớn là bức tượng Phật Di Lặc nở nụ cười từ bi xuống tất cả chúng sinh. Tượng Phật Di Lặc cao 33,60m, tọa lạc trên diện tích 2ha. Đây là công trình nghệ thuật, kiến trúc tôn giáo đồ sộ nhất từ trước tới nay trên vùng Bảy Núi. Điều thú vị nhất là khi đứng ở bất cứ vồ nào trên núi cũng đều nhìn thấy tượng phật trắng sáng. Ngày 2-3-2013, Tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận tượng phật nầy là “Tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi lớn nhất châu Á”.

Đến đỉnh núi Cấm là hành hương chùa Phật Lớn, được xây dựng hoành tráng, vừa mang tính hiện đại nhưng vẫn giữ vẻ cổ kính Á Đông truyền thống. Trước chùa có tượng Phật Quan Âm với trang phục thuần khiết trắng tinh khôi, tay cầm bầu nước cam lồ rải xuống nhân thế… Gần đó là đài Xá Lợi xây dựng đơn giản nhưng đậm đà thiền vị. Ngày 14-10-2915, tại chánh điện chùa Phật Lớn, đã long trọng tổ chức “Đại lễ cung nghinh an vị Ngọc xá lợi phật”. Ngọc Xá lợi phật đã được chuyên cơ đưa từ Ấn Độ về Việt Nam ngày 13-10-2015… 

Đối diện chùa Phật Lớn, bên kia hồ Thủy Liêm là chùa Vạn Linh. Trước đây, chùa Vạn Linh đã to đẹp nhưng nay càng to đẹp hơn sau khi được tôn tạo. Nổi bật nhất của chùa là tháp Cửu Trùng cao vời vợi như đua cao cùng đỉnh núi. Cũng như chùa Phật Lớn, chùa Vạn Liuh lúc nào cũng ngan ngát khói hương cùng hàng bao nhiêu phật tử, khách tham quan tới lui trong thành kính. Khiến khung cảnh vốn trang nghiêm của phật đài càng đậm nét tôn nghiêm,.thành kính…

Tham quan núi Cấm, khách cò dịp khám phá “năm non bảy núi”. Non ở đây là vồ (chỉ chỏm cao trên núi). Học giả Nguyễn Văn Hầu cho biết “năm non” gồm: Vồ Bồ Hong, cao nhất, 705m, thờ Ngọc Hoàng Thượng đế. Vồ Đầu, đỉnh cao đầu tiên của núi Cấm tính từ phía Bắc, 584m. Vồ Bà, 579m, có điện thờ Bà Chúa xứ. Vồ Ông Bướm (hay Ông Voi), 480m, tương truyền xưa kia có hai người Khmer lưu lạc tên Ông Bướm và Ông Voi đến cư trú. Vồ Thiên Tuế, 541m, trước kia là rừng cây thiên tuế. Thực ra núi Cấm còn có nhiều vồ nữa, nhưng người ta thường nói “năm non, bảy núi” có thể do sự tác động của những quan niệm thần bí, siêu nhiên trong dân gian.   

Núi Cấm còn có Cao Đài Tự, là một thánh thất cổ với nhiều điều hấp dẫn khách du lịch. Khách còn tham quan vườn cây ăn trái, vườn hoa Đà Lạt, rẫy rau cải mơn mởn suốt bốn mùa trên những con đồi trên núi… Để núi Cấm thêm sắc xanh của nước biếc, sẽ có một hồ lớn là hồ Thanh Long. Hồ là một thung lũng rộng 30,6ha, gấp 3 lần hồ Thủy Liêm. Bờ kè và đường lót đá xanh quanh hồ đã hoàn chỉnh. Hồ tích nước từ các mạch nước ngầm đổ qua các khe đá. Hồ cung cấp nước sinh hoạt cho dân núi, điều tiết khí hậu, giúp khu vực lúc nào cũng lãng đãng sương mù. Sắp tới, khi hoàn thiện, mặt và bờ hồ là nơi du khách tiêu khiển với nhiều hình thức, chắc chắn sẽ khiến khách một lần đến sẽ trở lại trong nay mai…Khi tích đầy nước, nước từ hồ theo đập tràn đổ xuống suối Thanh Long khiến thắng cảnh này vốn đẹp càng thêm quyến rũ, bốn mùa lúc nào cũng ầm ào dòng nước cuộn, là nơi tắm mát của khách theo đường bộ lên núi.

Trong tương lại, núi Cấm sẽ được đầu tư 6 dự án mới: khu biệt thự sinh thái, khu hội nghị, khu nghỉ dưỡng, khu trung tâm điều hành, khu dịch vụ hành hương 3, với tổng diện tích trên 70ha. Riêng khu nghỉ dưỡng được xây trên diện tích 8,4ha, kết hợp khu hội nghị (21ha), được thiết kế xây dựng dạng resort, tạo thành quần thể công trình cao cấp, mang đậm bản sắc dân tộc. Song song đó, khu du lịch hành hương 1 (4ha) bố trí cạnh đường lên chùa Phật Lớn, chùa Vạn Linh, động Thủy Liêm sẽ tổ chức lại các điểm bán những mặt hàng truyền thống phục vụ tuyến đường đi bộ… Tất cả sẽ làm thay đổi diện mạo núi Cấm theo hướng tích cực…

Nhà ga đi rộn rịp khách du lịch

Dạo bước du xuân núi Cấm xong, khách ngồi trong cabin xuống núi. Lại là dịp khách có thể ngắm toàn cảnh thiên nhiên hoang sơ ngay dưới chân mình, như một bức tranh hoàn mỹ và có những trải nghiệm thú vị khi “bay” qua những cánh rừng nguyên sinh hùng vĩ, những dòng suối uốn quanh giữa bạt ngàn xanh cây rừng, nhất là lướt trong những đám mây bàng bạc loanh quanh sườn núi… Xa hơm khách có dịp thỏa mãn thị giác với một phong cảnh hoàn hảo của bảy ngọn núi nổi tiếng không chỉ An Giang, mà khắp cả nước: “Thất Sơn huyền bí”, với Ngọa Long sơn, Ngũ Hồ sơn, Phụng Hoàng sơn, Anh Vũ sơn, Liên Hoa sơn, Thủy Đài sơn, Thiên Cẩm Sơn (núi Cấm), và có thể cả hơn 30 ngọn núi huyền thoại khác của nảnh đất An Giang độc đáo nầy.

--------------------



Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2016

Về Bạc Liêu vui Tết Thanh minh



Du lịch Bạc Liêu có những điểm tham quan hấp dẫn như Vườn chim Bạc Liêu, tháp cổ Vĩnh Hưng, Khu du lịch Nhà Mát – Quan Âm Phật đài, Giồng Nhãn,.. Bạn nên sắp xếp thăm thú các danh lam thắng cảnh nầy 1 ngày trước ngày Tết Thanh minh - lễ hội đậm nét văn hóa người Hoa sống hàng mấy trăm năm trên mảnh đất ven biển đồng bằng sông Cửu Long nầy.  


Mộ Tiều ở Nghĩa trang Tiều Bạc Liêu trong ngày  Thanh minh

Năm nay, Tết Thanh minh diễn ra ngày 4-4-2016, tức 27-2 âm lịch. Nhưng trong suốt tháng 2 hoặc tháng 3 âm lịch, người Hoa, đặc biệt là đồng bào Tiều (Triều Châu, Quảng Đông, Trung Hoa) rộn rịp chuẩn bị cho ngày tết quan trọng nầy. Cả gia đình họ cùng nhau đi tảo mộ - quét tước sạch sẽ phần mộ người thân, sơn phết những tấm bia mộ phai màu qua thời gian mưa nắng, nhổ sạch cỏ dại trên hoặc chung quanh nấm mộ. Đặc biệt, tiêu diệt những cây thân mộc, vì họ cho rằng rễ cây đâm xuyên vào phần mộ sẽ khiến ông bà cha mẹ quá cố của họ nằm không yên, khiến gia đình họ làm ăn không được hanh thông…

Giá vé xe đò Sài Gòn – Bạc Liêu:Hãng Mai Linh, giường nằm 40 chỗ: 145.000 đồng | Các hãng Anh Tuấn, Đức Trọng, Hoàng Cung: giường nằm 40 chỗ: 160.000 đồng | Hãng Hân Nghĩa, ghế ngồi 45 chỗ: 160.000 đồng(Nguồn: Google)

Các điểm du lịch của Bạc Liêu :- Tháp cổ Vĩnh Hưng phát hiện năm 1911, được nhà cầm quyền đương thời xếp hạng thứ 14 trong danh mục các di tích lịch sử ở Nam kỳ. Tháp còn có các tên gọi tháp Lục Hiền, tháp Bhah Dhat…- Nhà thờ Cha Diệp ở Tắc Sậy, thị trấn Hộ Phòng, huyện Giá Rai.- Khu du lịch Nhà Mát – Quan Âm Phật đài ở khóm Nhà Mát, phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu.


Thành phố Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) là nơi có đông cư dân người Tiều sinh sống lâu đời. Xưa kia họ định cư đông đến nỗi ca dao có câu (xin lỗi): “Bạc Liêu là xứ cơ cầu/Dưới sông cá chốt trên bờ Tiều Châu). Chính vì vậy mà Tết Thanh minh là ngày vui nhất, rộn rịp nhất đối với cư dân địa phương, là tết đoàn viên, biểu tỏ bổn phận con cháu đối với tiền nhân đã khuất. Nên con cháu dù đi làm ăn xa, nhất là nước ngoài, cũng cố gắng sắp xếp công ăn việc làm trở về tham dự. Đây là ngày giỗ chung để mọi người trong gia tộc báo hiếu với tổ tiên. Từ tang tảng sáng, khi trời chưa đâm mây ngang, trong ngọn gió mát lành thổi vào từ biển,  là họ đã tay xách nách mang những vật phẩm cúng tế đến Triều Quang Sùng Thiện Đường (nghĩa địa Tiều) cách trung tâm thành phố Bạc Liêu 3km. Những chiếc xe gắn máy è ạch chở nặng hương đèn hoa quả, bánh mứt cùng các thức cúng mặn. Những chiếc xe bốn bánh chở cả gia đình cũng với nhiều thức cúng cùng nhau hướng về khu nghĩa trang. Không khí như một ngày hội. Cụ Nguyễn Du đã diễn tả: “Thanh minh trong tiết tháng ba/Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh”, khung cảnh cũng gần giống như vậy ở Bạc Liêu.


Cúng mộ trong ngày Thanh minh

Nghĩa trang Triều Châu Bạc Liêu là khu đất rất rộng. Nơi đó là tập hợp nhiều ngôi mộ lớn nhỏ nằm ngay ngắn, song hành. Gồm hai khu: Khu xi măng dán gạch men là mộ cải táng. Còn lại là những ngôi mộ đất. Mộ Tiều truyền thống luôn chiếm diện tích lớn. Bao quanh nấm mộ là bờ thành đất hình vòng tay mở, phía lưng cao hơn như có ý che chở, giữ sự ấm áp cho nấm mộ chính. (Ngày nay đất chật người đông, loại mộ chiếm nhiều diện tích như vầy không còn nhiều). Trước nấm mộ có ba phần: Phần nhỏ nhất là bia mộ với những hàng chữ Hoa khắc sâu, sơn đỏ, tên người nằm dưới mộ được sơn màu xanh hoặc đỏ. Màu đỏ là mộ phần của người dưỡng già (còn sống). Còn màu xanh biểu thị dưới lòng đất lạnh là nắm xương người đã khuất. Hai bên bia mộ là cặp liễn đối. Phía trước bia mộ là không gian khá rộng được lót đá phiến hoặc gạch tàu, hay tráng xi măng. Đó là nơi người ta dọn thức cúng. Lễ cúng Thanh minh được chuẩn bị chu đáo với một bộ tam sên, nhang, đèn, giấy tiền, vàng bạc, quần áo giấy… cùng các loại bánh trái, thức ăn, thức uống… Đặc biệt, người khá giả thường có heo quay. Tuy nhiên trong thức cúng nhất thiết phải có bánh bao không nhân. Vừa đến mộ phần, người dọn thức cúng, người lo gắn giấy ngũ sắc lên nấm mộ, gọi là “bận áo mới cho mộ”. Thường thì trẻ con rất thích thú công việc nầy. Vì vậy, nhìn tổng quan khu nghĩa trang rất vui mắt, không buồn thảm như ngày thường. Cúng xong mấy tuần trà, rượu, người ta đốt giấy tiền, vàng bạc, quần áo giấy… rưới chút rượu, rải muối gạo chung quanh là hoàn tất. 


Tiệc đoàn viên trong Tết Thanh minh

Tất cả thức cúng dọn ra phần cánh cung rộng lớn ngoài cùng trước mặt mộ, cả nhà xúm xít chung vui với rượu thịt ê hề. Dịp hiếu hỉ nầy khiến tấm lòng họ rộng mở, bạn đến tham quan sẽ được họ niềm nở mời dự bữa “điểm tâm nặng”. Trong niềm lâng lâng càm khái của một buổi sáng nắng mai hưng hửng, người trộng tuổi kể con cháu nghe ngày xa xưa, buổi cúng Thanh minh thường diễn ra vào xế chiều. Chiều đó, người ta nườm nượp trên đường gánh gồng thức cúng đến nghĩa trang. Cúng xong, nắng tắt, tiệc bày ra vừa ăn vừa ca hát vui vầy cả đến khi trăng lên, nếu nhằm ngày có trăng. Thật là một không khí đoàn viên ấm cúng, vui tươi. Đây cũng là dịp nam thanh nữ tú quen nhau, kết thân, có khi kết duyên giai ngẫu. 

Điểm đặc biệt là Thanh minh ở Bạc Liêu không chỉ với người Tiều mà còn có sự tham dự của đồng bào Khmer. Người Tiều lai Khmer. Sự pha trộn huyết thống tạo ra nét văn hóa tâm linh. Theo tập quán, người Khmer qua đời được hỏa táng, gởi nắm xương tàn vào tháp cốt trong chùa. Vì vậy ngày Thanh minh gia đình họ cũng đến đây dán giấy ngũ sắc lên thành tháp cốt rồi cúng bái, cùng thưởng thức thức cúng một cách an vui. Để thấy được cảnh nầy, bạn nên rong xe đến chùa Xiêm Cán, cách thành phố Bạc Liệu 12km. Trên đường về, bạn ghé tham quan cây xoài 300 tuổi (xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu) đã được công nhận “Cây di sản Việt Nam”. Đặc biệt, cạnh cây xoài quý nầy có ngôi mộ “khổng lồ”, gọi “mộ trăm người”. - vì chứa hàng trăm hài cốt chưa có người nhận sau khi chính quyền thông báo giải tỏa khu nghĩa trang, gom lại. Dù là mộ “vô chủ” nhưng trong ngày thanh minh nấm mộ đất cao vời cũng rực rỡ với những tờ giấy ngũ sắc hình chữ nhật dài phất phơ vui mắt trong gió chướng. 


Mộ trăm người tuy “vô chủ” nhưng cũng được bá tánh “bận áo mới” trong ngày Thanh minh

Trên đường về, cách đó không xa, bạn ghé Giồng Nhãn (có trên 1 thế kỷ) thưởng thức những chiếc bánh xèo giòn rụm, bùi béo mỡ cùng những cọng rau thơm giòn ngọt chân răng. Chiều về thành phố Bạc Liêu, bạn nên tham quan chiếc đồng hồ đá có một không hai ở Việt Nam do bác vật Lưu Văn Lang sáng tạo và thực hiện. Sau đó, băng qua lộ, bạn vào hậu viện khu nhà Công tử Bạc Liêu (mặt tiền số 31 Điện Biên Phủ). Buổi tối, cũng nên thử một đêm ngủ trong phòng công tử Bạc Liêu nơi khách sạn mang tên người con địa chủ giàu có, để thử hưởng cảm giác “phong lưu công tử” trước khi rời thành phố duyên hải miền Tây. Sáng đó, bạn đừng quên điểm đặc sản Bạc Liêu với bún bò cay hoặc bánh tằm Ngan Dừa hay bánh củ cải.

--------------------------------------------------------------



Thanh trà vàng cam màu nắng phương Nam


Thanh trà vàng cam màu nắng phương Nam

Năm nào cũng vậy, cứ sau Tết Nguyên đán, dài theo hai bên đường dẫn lên cầu Cần Thơ (phía TX Bình Minh, Vĩnh Long) là khách qua đường thấy lạ. Họ vui mắt với những chùm trái thanh trà vàng cam màu nắng treo lủng lẳng dưới những tán dù, đung đưa trong cơn gió chướng phần phật thổi. Và màu vàng gợi cảm của những chùm trái cây nhiệt đới nầy hình như giúp họ dịu đi cơn khát trong ánh nắng rực rỡ của những ngày gay gắt nắng.

Càng vào sâu mùa trái thanh trà (khoảng đầu tháng 3 âm lịch), người ta treo bán trái cây đặc sản của TX Bình Minh dài theo quốc lộ 54, từ ấp Phù Ly (TX Bình Minh) đến khỏi thị trấn Trà Ôn (Trà Ôn, Vĩnh Long), qua cả TP Cần Thơ. Sáng cũng như chiều tối, hai bên đường lúc nào cũng lủng lẳng những chùm trái thanh trà mời gọi, “hút hồn” khách qua đường. Tuy nhiên bán đậm đặc nhất vẫn là khu vực xã Đông Bình, nhất là xã Đông Thành. Đông Thành có 40 ha đất nông nghiệp, mà diện tích trồng thanh trà chiếm đến phân nửa, từ ấp Đông Hưng đến ấp Đông Hòa và Mỹ Hòa, nhưng nhiều nhất là ấp Đông Hưng 2. Có dịp ngang qua đây, tưởng cũng nên vào thăm những khu vườn thanh trà um tùm dọc theo bờ sông Hậu. Tuy nắng gay gắt nhưng vào đây, người ta được hưởng bầu khộng khí dịu mát. Trước mắt là những tàng cây xanh đậm, chi chit những trái thanh trà vàng cam treo lủng lẳng gọi mời. Bạn sẽ được chủ vườn mời thưởng thức ly nước thanh trà giải khát và nghe họ kể nguồn gốc loại cây đặc sản địa phương nầy. Theo đó, ngày xưa, nhà ông cả có mấy cây thanh trà chua. Người quen thấy cây lạ, có trái đẹp, xin giống về trồng. Mấy năm sau cây ra trái, thương lái Sài Gòn đi ngang thấy trái màu đẹp mắt, hỏi mua. Rồi từ đó loại trái cây nầy trở thành sản phẩm ngày càng phát triển, bán cả Sài Gòn...


Theo Dược sĩ Phan Đức Bình (Tạp chí Thuốc & Sức khỏe, số 331, ngày 1-5-2007) thanh trà là cây mọc hoang, người xưa gọi xoài hoang dại (Wild Mango), tên khoa học Bouea Oppositifolia (Roxb.) Meissn., tên cũ Mangifera Oppositifolia Roxb, cùng họ Anacardiaceae với cây xoài. Vì giống trái xoài nhưng lớn cỡ ngón chân cái, nên dân Đông Thành gọi xoài mút (khi ăn phải mút) hay xoài hột (vì hột to).

Từ một loại cây hoang dã, thanh trà đã được thuần chủng thành cây ăn trái hấp dẫn. Trái thanh trà khi ăn phải vò mềm, lột bỏ vỏ, chấm muối ớt. Nếu làm nước giải khát thì vò xong, dằm trong ly với đường cát, dằn chút muối hột, cho nước sôi để nguội vào, quậy đều. Người ta còn dùng  thanh trà làm gia vị trong món ăn. Vị chua thanh của trái hơn hẳn vị chua của các loại cây trái khác, hơn cơm mẻ, hèm…, khiến thịt cá chua có mùi thơm dịu, nhất là nước của nó húp một cái “đã thần hồn”! Người ta còn dùng trái thanh trà làm thành mứt, dành cho khi mùa trái chấm dứt vào cuối tháng ba âm lịch. Theo y lý, thanh trà có tác dụng ngừa và trị các chứng bệnh: cao huyết áp, người có thể trạng suy nhược, người bị bệnh nan y, đặc biệt bệnh ung thư. Được như vậy nhờ thanh trà có chứa nhiều beta carotene, vitamin nhóm B, các hoạt tính chống oxy hóa, acid ascorbic, các acid amin, enzym, bioflavonoids, giàu khoáng chất như crome, kali, magne...

Có xuất xứ từ Phú Quốc nên thanh trà được bán ở ngã ba Rạch Sỏi (Kiên Giang). Đặc biệt, ở Phú Quốc  người ta gọi thanh trà là sơn trà vì nó mọc trên núi cao. Tại hòn đảo ngọc nầy, gốc rễ và cành nhánh sơn trà già được “nghệ nhân” Nguyễn Văn Dũng ở Bãi Thơm chế tác thành những chiếc giá võng. Tùy giá võng lớn hay nhỏ, giá dao động từ 7 triệu đồng đến 16 triệu đồng. Sản phẩm “độc lạ”, “không đụng hàng”, “ác phẩm nghệ thuật” nầy của ông Dũng đều được các “đại gia” đất liền ưa thích. Giá mắc như vậy vì loại cây nầy không bị mối mọt xông. 

Giá võng sơn trà – hàng “độc”


Thanh trà đầu và cuối mùa luôn cao giá. Năm 2015, nhà vườn Đông Bình đúc kết giá 1kg thanh trà bằng giá 10kg lúa. Nhưng năm nay giá đó “rớt hàng”, dao động từ 60.000 đồng/kg đến 70.000 đồng/kg, vì mùa trái “thất”. Thanh trà có hai loại: chua và ngọt. Giá thanh trà ngọt cao hơn thanh trà chua chừng 10.000 đồng/kg đến 15.000 đồng/kg. Giữa mùa, giá thanh trà thấp hơn đầu và cuối mùa.





Thứ Hai, 21 tháng 3, 2016

Cánh diều tuổi thơ




        “Tháng giêng ngắm trẻ thả diều/Lòng nghe sống lại ít nhiều tuổi thơ” là hai câu thơ chân chất, của nhà thơ Kiên Giang – Hà Huy Hà mà tôi thuộc nằm lòng từ lâu. Vì vậy, khi, sau những ngày Tết Nguyên đán sum vầy, nắng chang chang và gió phần phật, tôi “sống lại” tuổi thơ của mình khi ra ngoại thành, nơi có những mảnh đất rộng. Bước chân trên nền cỏ héo vàng, tôi nghe âm thanh vui nhộn của những đứa trẻ reo lên với ánh mắt ngóng cao nền trời, nơi có nhiều cánh diều no gió tung bay tạo những niềm vui. Tôi nhớ về miền quê xa.

        Đó là mảnh đất nằm bên nhánh nhỏ sông Hậu hiền hòa. Nơi, sau những ngày làm ăn vất vả, buổi chiều tháng giêng, ba tôi thường thư giãn cùng tôi qua cánh diều lồng lộng gió chướng. Tôi cầm con diều giấy, tung tăng nhịp theo bước chân ba qua con phố nhỏ, đến sân vận động địa phương. Lúc đó, trên nền cỏ xanh đã có nhiều người – cả người lớn và trẻ nhỏ – đang vui vầy với những cánh diều dễ thương của họ đang đùa vui trong gió. Ba tôi cầm con diều tự làm mấy ngày trước trong tay, nghiêng nghiêng cánh diều, chạy lấy trớn rồi nhẹ nhàng buông tay cho nó vút lên từng không. Con diều uốn éo làm duyên, càng lên cao càng đằm lại, lượn lờ hai chiếc đuôi như hai mảnh tơ phất phơ trong gió, trong ánh nắng chiều vàng vọt dần tắt phía chân trời xa. Tôi cầm sợi nhợ chắc trong tay, sợ nếu lơ đãng sợi nhợ vuột khỏi tay, cánh diều sẽ bay mất. Niềm vui của tôi dâng cao theo cánh diều trên không trong khi sợi nhợ được từ từ thả khỏi cuộn một cách cẩn trọng. Vậy mà cánh diều có lúc cũng đành đoạn lìa khỏi tay tôi khi sợi nhợ đứt bất ngờ. Cánh diếu băng, lảo đảo như người say rượu trong cơn gió giật! Tôi khóc nhìn theo diều rơi xuống một nơi xa không thể lượm lại được!

        Thấy tôi buồn, ba tôi làm cho tôi một con diều khác mà người gọi là con thửng. Con thửng lớn hơn con diều nên cần có sườn tre lớn, phất giầy dầy hơn, nhất là sợi nhợ phải lớn và chắc hơn. Kỳ công hết mấy buổi chiều, ba tôi mới hoàn thành con thửng. Ba dẫn tôi ra sân vận động rồi thả con thửng lên không trung. Hết chao dảo, rồi lượn lờ như e thẹn, con thửng mới bắt đầu đằm cánh giữa trời cao lộng gió. Nó êm ái với hai chiếc đuôi dài thượt lửng lơ phất nhẹ trên nền trời. Nhưng điều hấp dẫn nhất là trong ngọn gió chướng, từ con thửng của tôi phát ra những âm thanh êm dịu, lúc véo von, khi cao vút. Đó là những âm thanh mà người ta gọi là tiếng sáo diều. Tiếng sáo diều của tôi khiến cả sân vận động ai cũng đắm mình lắng nghe thích thú. Tiếng sáo diều đó đến nay vẫn còn trong tôi. Nhất là những cánh diếu tuổi thơ đến nay vẫn còn với tôi trong những buổi chiều “tháng giêng kéo dài”, khi mùa nắng và mùa gió chướng vẫn còn, lúc tôi vui diều cùng những đưa cháu thơ của tôi trong những buổi chiêu nhạt nắng ngoại ô thành phố. ●


Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2016

Chiếc nón ngày xuân





Anh tặng em chiếc nón lá ngày xuân
Chỉ đơn giản như tình ta tươi tắn
Em sẽ thấy bài thơ tình trong nắng
Là lòng anh kết đọng bấy nhiêu ngày

Lòng anh đấy mịn màng như tơ trắng
Là lá buông kết lại mới nên vần
Thơ cuộc đời gắn chặt tấm lòng son
Để yêu dấu mát đầu khi nắng gắt

Lúc lên rẫy hay ra đồng hái gặt
Nón theo em làm dịu cái oi nồng
Tay thoăn thoắt em nhẹ nhàng thu hoạch
Vụ mùa thơm thoang thoảng bữa cơm chiều 

Ra phố chợ nón theo em từng phút
Làm đẹp thêm dáng ngọc bước chân xa
Em sẽ khiến khách qua đường ngơ ngẩn
Ngoái trông theo bóng trắng của em qua

Anh tặng em chiếc nón lá làm duyên
Là tặng cả tấm tình yêu trong ấy
Nón sẽ giúp em thơm mùi gió chướng
Lồng lộng về cho ngày Tết thêm xuân ■