Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2016

Gió chướng thơm mùi tôm càng nướng



Tôm kho tàu đỏ màu gạch son ngon mắt

Những năm 1950, tôm càng không là “đặc sản”. Chúng có mặt rất nhiều trên các nhánh sông khu vực ĐBSCL, cả các ao đìa… Vì vậy tôm càng được người dân địa phương (kể cả người nghèo) chế biến thành nhiều món ăn ngon trong gia đình. Lúc bấy giờ ngoài kho tàu, kho rim, người ta còn dùng tôm càng làm nguyên liệu chính để nấu canh chua bông so đũa. Mùa gió chướng (thời gian trước và sau Tết Nguyên đán) là mùa bông so đũa trắng nở rộ. Canh chua tôm càng bông so đũa là món ngon ai từng thưởng thức cũng đều tắm tắc khen. Vì giá rẻ nên tôm càng còn được người dân nơi đây làm chính phẩm cho món “ăn chơi”: bánh mặn. Tôm càng lột bỏ vỏ băm nhỏ trộn gia vị xào sơ, rải lên mặt bột gạo được đổ hấp chín thành nhiều lớp, hấp chín lần cuối. Khi ăn, xắt từng miếng hình thoi, rải dưa chua, chan nước cốt dừa cùng nước mắm pha là món lót lòng buổi sáng nhiều hấp dẫn. Món nầy trẻ con rất thích, nhưng chúng thích nhất được ăn mấy cái càng tôm nướng thơm mùi củi lửa…

Anh bạn văn nghệ kể thời bao cấp nhà văn Sơn Nam xuống một huyện ở An Giang về khoe với nhà văn Mai Văn Tạo được đãi một bụng no nê những món ăn từ tôm càng. Nhà văn Mai Văn Tạo hóm hỉnh nói: “Ông làm như mới đi nước ngoài về”. Thời báo cấp, mình tôm càng là đặc sản xuất khẩu. Người trong nước chỉ được thưởng thức cái đầu tôm. Ca dao có câu: “Đầu tôm nấu với ruột bầu/Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”. Theo nhiều người, đầu tôm là bộ phận ngon nhất của con tôm. Ngon vì nó giòn mềm, rồi vị béo ngọt tiết ra hậu bùi, lâng lâng khoái cảm. Té rá cái món người ngoại quốc chê lại là món ngon số một của con tôm mà dân trong nước được hưởng. 

Càng về sau nầy, tôm càng càng được người nông dân nuôi dưới chân ruộng, mở ống bọng đầu các mương vườn để tôm con từ sông vào trú ngụ. Những con tôm nầy lớn lên theo năm tháng, mình đóng rong rêu. Vì được nuôi trong môi trường không bình thường nên tôm không ngon thịt. Chỉ có những con tôm sống giữa khoảng đạt sông nước  bao la mới là những con tôm cho chất lượng ngon nhất. Tôm càng có mặt hầu như quanh năm, nhưng rộ nhất vào mùa gió chướng, đặc biệt là theo con nước rong (đầu hoặc giữa tháng ậm lịch). Tôm sông được ngư dân đánh bắt bằng các phương tiện: câu, chài, chất chà, cào... Để phân biệt tôm sông và tôm nuôi người ta chú ý đến đặc điểm: tôm nuôi trắng tươi và lớn đều như nhau, trong khi đó tôm sông trắng xanh cùng một kích cỡ.  


Tôm nướng ăn sướng cái thần hồn

Người ta nói ăn món gì có thể giấu lối xóm được nhưng thưởng thức tôm càng nướng thì không. Vì cái mùi tôm chin trêtn bếp than hồng lan tỏa khắp xung quanh, “thơm” tới “nứt mũi”. Tôm càng nướng ăn với rau sống đã ngon, nhưng khi kết hợp với bún thành món ngon trứ tuyệt. Tôm kho tàu hoặc kho mẳn là những món ngon nhớ đời. Có vài cách làm món tôm kho tàu. Trong đó có cách lặt đầu tôm, lấy gạch để trong chén ướp tiêu, bột ngọt, bột nêm, mỡ, trộn đều, sên trên bếp lửa nhỏ đến khi sánh. Tôm lột bỏ vỏ, chừa đuôi cho đẹp, rửa sạch, để ráo. Cứ một phần muối hột dùng ba phần đường cát trắng cho vô nồi, xóc đều, để chừng ba bốn tiếng, mình tôm thấm gia vị, săn trong. Cho nồi lên bếp lửa than lớn. Khi những chiếc bong bóng phập phù trong nồi, để lửa liu riu tới lúc không còn chiếc bong bóng nào là lúc nước đã rút hết vào mình tôm, tôm chín, nhưng chưa kỹ. Gạt than khỏi bếp, khi tôm ửng đỏ, chế chén gạch tôm vào, xóc cho tôm thấm đều gạch và gia vị, để trên bếp lửa một lát rồì dọn ra bàn. Tôm kho tàu vàng ươm ăn nóng cùng với sà lách, rau thơm, dưa leo và cà chua xắt lát. Món nầy ngon ngoài mùi vị đặc trưng của tôm, vị tiêu cay, còn nhờ mùi than củi tỏa thấm mình tôm. Ngon không thể tả là khi ăn tôm kho tàu với cơm gạo lúa mới dẻo thơm. 

Tôm kho mẳn thì lột bỏ vỏ tôm, ướp gia vị rồi cho vào nồi nước cùng một ít muối hột, bắc trên bếp lửa riu riu. Nước cạn, xăm xắp, tôm chín. Nước tôm kho lợn cợn những váng gạch hồng lợt, chan cơm ăn đã ngon, nhưng chấm đậu rồng non mới khoái khẩu. Đậu rồng non nổ giòn trong răng, chan chát mùi đất đai cùng vị mặn thơm của gia vị, của thịt tôm hòa quyện khẩu cái. Đậu rồng non có mặt khi gió bấc hiu hiu ngọn. Cái ngọn gió chướng sảng khoái càng khiến món tôm kho tàu hoặc kho mẳn ăn với cơm gạo lúa mới nóng hổi càng thêm hao cơm. 

Từ nhiều năm nay, tôm càng được các nhà hàng chế biến thành nhiều món nhậu hấp dẫn. Trong đóp dáng chú ý là tôm hấp bia, tôm lăn bột chiên, tôm xốt me, tôm xốt nước tương… 

Theo thị trường, giá tôm sông lúc nào cũng cao hơn tôm nuôi, dao động theo từng địa phương. Tôm sông “chánh hẩu” khoảng 240.000đ/kg, tùy theo con nước. Hôm qua, 19-2-2016, tại chợ chồm hổm bến phà qua Xóm Chài, tôm sống bơi trong thau nhôm được rao với giá “bèo”: 200.000đ/kg.

--------------


Hành hương núi Cấm



Du xuân núi Cấm (Am Hảo, Tịnh Biên, An Giang) trong những ngày Tết Nguyên đán không gì thú vị bằng khám phá “nóc nhà đồng bằng” với du khách miệt vườn bằng phương tiện cáp treo


Các cabin đưa khách lên núi Cấm

Đây là tuyến cáp treo đầu tiên của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Chính vì vậy mà trong ngày đầu khai trương vào dịp lễ Tình nhân (14-2-2015), rất gần Tết Nguyên đán Ất Mùi (2015), tuyến cáp nầy đã thu hút rất nhiều du khách của vùng sông nước Tiền Giang và Hậu Giang.

Ngồi trong cabin tuyến cáp treo dài 3,5km, khách sẽ lãng đãng thả hồn nhìn ngắm phong cảnh hữu tình của “đệ nhất danh thắng Thất Sơn” đang từ từ lướt qua cặp mắt mê đắm của mình. Những rừng rậm xanh mượt màu cây cổ thụ lưu niên, những bông hoa hoa đỏ rực lấm tấm, điểm xuyết màu tím hoa cà cùng khoe sắc… như đưa khách vào một khung cảnh thần tiên của một môi trường sinh thái bền vững. Chỉ với 8 phút từ ga đi, khách đã đặt chân lên nền ga đến – cũng là nhà ga vừa mang phong cách tân kỳ vừa ươm màu cổ điển Việt Nam. Với những lối di khi tráng xi măng với những bậc cấp xen đá xanh to, với những con đường nhỏ men theo sườn dốc thoai thoải màu đất đỏ, sạch sẽ và nên thơ với những bồn hoa dài ôm dọc lối…

Từ ga đến, vồ Ông Bướm, thả bộ theo triền dốc chẳng mấy bước, khách sẽ thấy trước mắt mình một “tấm gương khổng lồ” đang soi tỏ những giề mây xám thong dong trôi trên mặt nước hồ Thủy Liêm. Mặt hồ rộng khoảng 10ha, xanh biếc, với hai chiếc cầu hình bán nguyệt màu son như con rồng uốn lượn giữa cao xanh. Từ trên cầu, khách thả xuống mặt nước những vụn bánh mì, những hột bắp rang… sẽ thấy đàn cá màu vàng, màu đỏ lớn xộn vẩy đuôi tranh nhau ăn mồi khiến mặt nước xao động một cách đáng yêu. 

Các cabin từ từ “trôi” qua hồ Thanh Long

Bên kia bờ hồ Thủy Liêm, trên mặt nước, khách thấy bóng tượng Phật Di Lặc lồng lộng soi đáy nước. Trên triền cao bờ hồ, nơi đó, đằng sau “rừng” sao đang độ lớn là bức tượng Phật Di Lặc nở nụ cười từ bi xuống tất cả chúng sinh. Tượng Phật Di Lặc cao 33,60m, tọa lạc trên diện tích 2ha. Đây là công trình nghệ thuật, kiến trúc tôn giáo đồ sộ nhất từ trước tới nay trên vùng Bảy Núi. Điều thú vị nhất là khi đứng ở bất cứ vồ nào trên núi cũng đều nhìn thấy tượng phật trắng sáng. Ngày 2-3-2013, Tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận tượng phật nầy là “Tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi lớn nhất châu Á”.

Đến đỉnh núi Cấm là hành hương chùa Phật Lớn, được xây dựng hoành tráng, vừa mang tính hiện đại nhưng vẫn giữ vẻ cổ kính Á Đông truyền thống. Trước chùa có tượng Phật Quan Âm với trang phục thuần khiết trắng tinh khôi, tay cầm bầu nước cam lồ rải xuống nhân thế… Gần đó là đài Xá Lợi xây dựng đơn giản nhưng đậm đà thiền vị. Ngày 14-10-2915, tại chánh điện chùa Phật Lớn, đã long trọng tổ chức “Đại lễ cung nghinh an vị Ngọc xá lợi phật”. Ngọc Xá lợi phật đã được chuyên cơ đưa từ Ấn Độ về Việt Nam ngày 13-10-2015… 

Đối diện chùa Phật Lớn, bên kia hồ Thủy Liêm là chùa Vạn Linh. Trước đây, chùa Vạn Linh đã to đẹp nhưng nay càng to đẹp hơn sau khi được tôn tạo. Nổi bật nhất của chùa là tháp Cửu Trùng cao vời vợi như đua cao cùng đỉnh núi. Cũng như chùa Phật Lớn, chùa Vạn Liuh lúc nào cũng ngan ngát khói hương cùng hàng bao nhiêu phật tử, khách tham quan tới lui trong thành kính. Khiến khung cảnh vốn trang nghiêm của phật đài càng đậm nét tôn nghiêm,.thành kính…

Tham quan núi Cấm, khách cò dịp khám phá “năm non bảy núi”. Non ở đây là vồ (chỉ chỏm cao trên núi). Học giả Nguyễn Văn Hầu cho biết “năm non” gồm: Vồ Bồ Hong, cao nhất, 705m, thờ Ngọc Hoàng Thượng đế. Vồ Đầu, đỉnh cao đầu tiên của núi Cấm tính từ phía Bắc, 584m. Vồ Bà, 579m, có điện thờ Bà Chúa xứ. Vồ Ông Bướm (hay Ông Voi), 480m, tương truyền xưa kia có hai người Khmer lưu lạc tên Ông Bướm và Ông Voi đến cư trú. Vồ Thiên Tuế, 541m, trước kia là rừng cây thiên tuế. Thực ra núi Cấm còn có nhiều vồ nữa, nhưng người ta thường nói “năm non, bảy núi” có thể do sự tác động của những quan niệm thần bí, siêu nhiên trong dân gian.   

Núi Cấm còn có Cao Đài Tự, là một thánh thất cổ với nhiều điều hấp dẫn khách du lịch. Khách còn tham quan vườn cây ăn trái, vườn hoa Đà Lạt, rẫy rau cải mơn mởn suốt bốn mùa trên những con đồi trên núi… Để núi Cấm thêm sắc xanh của nước biếc, sẽ có một hồ lớn là hồ Thanh Long. Hồ là một thung lũng rộng 30,6ha, gấp 3 lần hồ Thủy Liêm. Bờ kè và đường lót đá xanh quanh hồ đã hoàn chỉnh. Hồ tích nước từ các mạch nước ngầm đổ qua các khe đá. Hồ cung cấp nước sinh hoạt cho dân núi, điều tiết khí hậu, giúp khu vực lúc nào cũng lãng đãng sương mù. Sắp tới, khi hoàn thiện, mặt và bờ hồ là nơi du khách tiêu khiển với nhiều hình thức, chắc chắn sẽ khiến khách một lần đến sẽ trở lại trong nay mai…Khi tích đầy nước, nước từ hồ theo đập tràn đổ xuống suối Thanh Long khiến thắng cảnh này vốn đẹp càng thêm quyến rũ, bốn mùa lúc nào cũng ầm ào dòng nước cuộn, là nơi tắm mát của khách theo đường bộ lên núi.

Trong tương lại, núi Cấm sẽ được đầu tư 6 dự án mới: khu biệt thự sinh thái, khu hội nghị, khu nghỉ dưỡng, khu trung tâm điều hành, khu dịch vụ hành hương 3, với tổng diện tích trên 70ha. Riêng khu nghỉ dưỡng được xây trên diện tích 8,4ha, kết hợp khu hội nghị (21ha), được thiết kế xây dựng dạng resort, tạo thành quần thể công trình cao cấp, mang đậm bản sắc dân tộc. Song song đó, khu du lịch hành hương 1 (4ha) bố trí cạnh đường lên chùa Phật Lớn, chùa Vạn Linh, động Thủy Liêm sẽ tổ chức lại các điểm bán những mặt hàng truyền thống phục vụ tuyến đường đi bộ… Tất cả sẽ làm thay đổi diện mạo núi Cấm theo hướng tích cực…

Nhà ga đi rộn rịp khách du lịch

Dạo bước du xuân núi Cấm xong, khách ngồi trong cabin xuống núi. Lại là dịp khách có thể ngắm toàn cảnh thiên nhiên hoang sơ ngay dưới chân mình, như một bức tranh hoàn mỹ và có những trải nghiệm thú vị khi “bay” qua những cánh rừng nguyên sinh hùng vĩ, những dòng suối uốn quanh giữa bạt ngàn xanh cây rừng, nhất là lướt trong những đám mây bàng bạc loanh quanh sườn núi… Xa hơm khách có dịp thỏa mãn thị giác với một phong cảnh hoàn hảo của bảy ngọn núi nổi tiếng không chỉ An Giang, mà khắp cả nước: “Thất Sơn huyền bí”, với Ngọa Long sơn, Ngũ Hồ sơn, Phụng Hoàng sơn, Anh Vũ sơn, Liên Hoa sơn, Thủy Đài sơn, Thiên Cẩm Sơn (núi Cấm), và có thể cả hơn 30 ngọn núi huyền thoại khác của nảnh đất An Giang độc đáo nầy.

--------------------