Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2010

“Gió bụi” Tây Nguyên – miền Trung

Đoàn nhà văn TP Cần Thơ vừa tổ chức chuyến đi thực tế sáng tác tại một số tỉnh Tây Nguyên – miền Trung với 19 anh chị, do nhà thơ – nhà văn Lê Minh Phán làm trưởng đoàn, nhà văn – nhà thơ Phương Huy (tác giả văn bia Đồ Chiểu) phó đoàn. Xin ghi lại một vài kỷ niệm trong chuyến đi gọi là giúp vui bạn đọc.


Lạc đường vào Phước Long và…
Rời Bình Dương, xe “ngon trớn” đi vào Phước Long (Bình Phước). Ghé quán cà phê vừa nghỉ ngơi giải khát vừa hỏi đường đi Ban Mê Thuột. Vậy là phải lộn ngược mấy chục cây số đường nên tới Buôn Ma Thuột đã tối lắm rồi, khiến cô nhân viên của Hội Văn nghệ Đăk Lăk đứng ngồi không yên vì chờ đưa đoàn đến khách sạn. Tại khách sạn có anh chàng phụ trách một gian hàng. Anh ta mời đoàn nếm thử hương vị cà phê, đặc biệt rượu Ama Kông. Thậm chí còn chỉ dẫn cách ngâm thuốc với 20 lít rượu, ngâm thêm 200 gam chuối hột khô để có mùi đặc trưng của nó. Nhật Hồng trổ tài sao đó mà khi lên xe ra tiệm ăn, mặt mày hớn hở với chai rượu Ama Kông vừa mới được anh ta tặng để tiếp thị “trực quan” với đoàn mà người đầu tiên sẽ mua là Nhật Hồng.

Sáng hôm sau, Lê Khôi Nguyên, Phó chủ tịch Hội, Tổng biên tập Tạp chí Chư Yang Sin, đưa đoàn đi tham quan mộ vua voi Khun Yu Nốb và Buôn Đôn. Anh chị hào hứng đi cầu treo, còn cưỡi voi thì chẳng thấy ai leo lên lưng con vật khổng lồ này dù trước đó có nhiều vị nôn nao ao ước. Giá cưỡi voi tới 80.000 đồng/3 người/chuyến 15’. Ngay cả cơm lam đặc sản nơi đây cũng chẳng mấy ai “rớ” dù rất muốn thưởng thức! Có lẽ vì ăn sáng và mua vé tham quan tự túc nên ai cũng “thủ” túi tiền. Bù lại, anh chị được anh Khôi Nguyên “đãi” “đại tiệc” kiến thức về tên núi, tên sông, cùng nhiều chuyện về cái buôn “khổng lồ” này. Trên đường đi, nghe Khôi Nguyên kể sự tích “ly kỳ” của Ama Kông, nhất là “dược diệu” nổi danh của ông chỉ là rễ và lá cây bậy bạ cùng một số dâm dương hoắc Nhật Hồng tá hỏa tam tinh, mừng húm vì không phải mất 70.000 đồng mua 1 thang về ngâm rượu uống cho bà xã khen. Từ đó, anh có biệt danh “điếm vườn” vì lừa được “điếm núi” là anh chàng phụ trách gian hàng của khách sạn hết sức tía la mồm miệng kia.
Khi tham quan Nhà Bảo tàng dân tộc tỉnh Đăk Lăk, anh chị ai cũng “bần thần” trước 2 cây long não khổng lồ trong sân rộng bao la, có lẽ nó có mặt tại đây từ khi Bảo Đại chưa xây dựng biệt điện để nghỉ dưỡng nơi vùng đất Tây Nguyên này.

Buổi trưa, Khôi Nguyên nhiệt tình đưa đoàn tham quan vài điểm nữa, nhưng may quá, mới 13 giờ, chưa ai đến làm việc. Đoàn “phấn khởi” lên đường đi Pleiku (Gia Lai), lẽ ra đi Kontum,. Lý do: trước đó, Lê Chí biết được kế hoạch này nên đề nghị ghé Pleiku hay hơn, nhất là tham quan Ialy. Xe bon bon tới “thủ phủ” của Hoàng Anh Gia Lai, được Hội Đăk Lăk gọi điện giới thiệu trước, nên cô nhân viên Hội Văn nghệ Gia Lai đón đưa đoàn đến nhà khách Thanh Niên. Sau bữa cơm thân mật, anh em được cô đưa đi uống cà phê “ngon nhứt Pleiku”. Ai cũng khen, nhưng đều than đi về xa quá. Sáng hôm sau mới biết mình đi lạc đường, vì từ quán cà phê về nhà khách chẳng bao lăm!

Ialy với hồ nước bao la, nhất là cầu đập tràn “vĩ đại”, hẻm núi sâu hun hút, dù mùa này nước rất cạn. Vào đường hầm (dài 500m, rộng 4m) tham quan tổ máy mới thấy sức lực con người quả là đáng nể. Và tiền của đổ vào đây cũng thuộc hạng “kinh hoàng”.

Đêm vui “quá ể”
Tới Kontum khi trời còn nắng nóng, anh chị tranh thủ… giặt đồ, sau khi ổn định nơi nghỉ. Hội Văn Nghệ Kontum cử người đưa đoàn tham quan ngục Kontum, nhà thờ gỗ, cầu treo Konklor, uống cà phê Eva. Buổi cơm chiều diễn ra trong không khí thân tình do Hội bạn đãi, với sự hiện diện của Chủ tịch Hội Hữu Kim, Tạ Văn Sĩ… Buổi tiệc cũng hoành tráng, đặc biệt rất giống 2 hội Đăk Lăk và Gia Lai là có món cơm ăn với canh cua cà pháo mắm tôm. Bia uống nhiều hứng khởi nhờ có hai nhà thơ nữ trẻ của địa phương là Hồng Thủy Tiên và Doãn Mãi. Bữa cơm tưởng vậy nhưng vẫn tiếp tục khi Hữu Kim, Tạ Văn Sĩ cùng Hồng Thủy Tiên kéo đến nhà nghỉ… nhậu tiếp. Đặng Hoàng Thám, Nhật Hồng, Nguyễn Trung Nguyên và tôi đãi bạn rượu thuốc mang theo từ Cần Thơ với sầu riêng núi mua ở chợ Kontum, Hồng Thủy Tiên mút sầu riêng ngon ơi là ngon. Rượu vào… thơ ra, Tạ Văn Sĩ đọc thơ lia lịa. Chưa đã… ngứa, Hữu Kim mời tất cả đi ăn cháo gà… “giảm cải”. Lại nhậu tiếp mấy chai Vodka Hà Nội. Say túy lúy, về khách sạn mới có… 3 giờ khuya.

“Sự cố” sông Hương
Tới Huế qua con đường Trường Sơn hoành tráng với nhiều cung đường đẹp vô cùng vậy mà chẳng được dừng lại chụp tấm ảnh nào. Qua hầm Hải Vân, tới khách sạn, do Hội Văn Nghệ Thừa Thiên – Huế giới thiệu, lúc xế chiều. Xe vừa ngừng đã thấy Võ Quê, qua điện thoại với Nguyễn Ngọc Tuyết biết đoàn sắp đến, đứng chờ với 2 chai Coca Cola đầy rượu làng Chuồn đặc sản quê anh. Võ Quê báo sẽ chiêu đãi đoàn đặc sản văn hóa ca Huế trên sông Hương vào tối mai rồi từ giã ra về chăm sóc bà vợ đau nặng nhiều tháng qua. Tối đó anh chị túa đi xem một vài nơi như cầu Trường Tiền, chợ Đông Ba, cầu Gia Hội… Sáng hôm sau tham quan lăng Tự Đức, Khải Định, Đan viện Thiên An (nhà thờ Hầm), chiều thăm chùa Thiên Mụ và Đại Nội. Có lẽ sợ thăm Đại Nội mất nhiều thời gian nên, theo Nguyễn Ngọc Tuyết, phó đoàn bảo chị hồi chuyến ca Huế trên sông Hương với Võ Quê. Phó đoàn thì bảo mình mệt nên nhờ Nguyễn Ngọc Tuyết báo với Võ Quê anh vắng mặt (?). Còn Nguyễn Ngọc Tuyết thì bảo phó đoàn nói như vậy có Lâm Thị Thanh Hà, Trúc Linh Lan nghe. Còn phó đoàn thì bảo nhờ Nguyễn Ngọc Tuyết xin lỗi Võ Quê ông không đi được. Buồn cười là sau khi thăm Đại Nội về, xe vẫn cứ tới bến đò Lê Lợi để xuống thuyền nghe ca Huế. Trưởng đoàn cùng một số người đứng chờ “sái cổ”, cuối cùng mới biết chương trình bị “xù”, lủi thủi về khách sạn.

Cứ tưởng Võ Quê giận, nhưng không, khi anh chị thân thiết với nhà thơ cố đô này mời nhậu chia tay lúc 19 giờ, Võ Quê vẫn tới. Để bày tỏ tình thân, Nguyễn Ngọc Tuyết, vẫn sợ Võ Quê từ chối, phải nói rất khéo về số tiền anh chị trong đoàn góp gọi là giúp bà xã anh trị bệnh. “Tiệc” toàn món Huế: bánh nậm, bột lọc, bánh bèo, đặc biệt bánh khoái… ăn với rau tươi và trái vả, nhậu với bia Huda. (Nhắc Huda mới chợt nhớ ông trưởng đoàn chỉ tấm bảng quảng cáo hỏi tài xế Huda là gì!). Tình thân bè bạn giữa Võ Quê với Lê Chí, Nguyễn Ngọc Tuyết, Trúc Linh Lan và tôi vốn có từ lâu nên “sự cố” nhỏ nhoi ấy chẳng hề chi. Chung vui và chung tiền đãi Võ Quê còn có Lâm Thị Thanh Hà, Đặng Hoàng Thám, Nhật Hồng và Nguyễn Trung Nguyên. Tiệc nhậu đã vui càng vui hơn khi Võ Quê đãi “đặc sản” là “ca Huế trong quán cóc” với “Tương Tư Khúc” do anh sáng tác, Chầu văn… Dù đã trộng tuổi nhưng giọng ca của anh vẫn cuốn hút bạn bè, nhất là bốn thành viên mới: Lâm Thị Thanh Hà, Đặng Hoàng Thám, Nhật Hồng và Nguyễn Trung Nguyên…

Cô đơn… trên đỉnh Bạch Mã
Trên đường rời Huế, Võ Quê gọi điện bảo Hội Văn Nghệ Thừa Thiên – Huế cử người đón đoàn hôm qua, sao chẳng thấy. Theo một vài người thì trưởng đoàn nói tưởng Võ Quê là Chủ tịch Hội đến đón nên không liên lạc với Hội! Trên đường, trưởng đoàn thăm dò ai đi Bạch Mã thì giơ tay, rồi nói: “Chỉ có mình anh Lê Chí”, nên cuộc “du sơn” bị hủy. Lê Chí hậm hực: “Hồi tối nhiều người đồng ý đi Bạch Mã vậy mà khi biểu quyết chỉ có mình tui!”. Té ra, anh là “bạn” của Võ Quê. Vì, trước kia, Võ Quê cũng đã từng bị “cô đơn” trên đồi Vọng Cảnh như vậy. May là Lê Chí không bị cho “về hưu sớm” như Võ Quê! Chợt nhớ, trên đường từ Kontum đi Huế, Lê Chí đề nghị ghé thăm hoặc nghỉ đêm Măng Đen. Bị… tài xế từ chối vì đường xấu, xe lớn không vô được, dù Lê Chí đã hỏi kỹ Tạ Văn Sĩ và được Hồ Thanh Điền (An Giang) đã lâu cho biết đường rất dễ đi. Vậy là “thiên đường biến mất” ngay trước mắt.

Xe bon bon lướt qua phá Tam Giang nổi tiếng ngay sát bên đường, mà ghé “vũng” gần Lăng Cô “để anh chị chụp hình”, rồi lướt qua đèo Hải Vân không thèm biết bãi biển Lăng Cô tráng lệ nằm bên dưới kia. Nếu ai hỏi cố đô còn gì sẽ “nhờ” “Trung niên thi sĩ” Bùi Giáng “kính cẩn” trả lời: “Dạ thưa xứa Huế bây giờ/Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”!

Ghé đỉnh đèo Hải Vân. Anh chị háo hức chụp hình “Đệ nhất hùng quan”. Tới Đà Nẵng, lấy phòng. 12 giờ 30 phó đoàn kêu đi ăn, dù đã báo 13 giờ. Xuống xe, trưởng đoàn nghe nói ăn xong đi Hội An, bèn lật đật trở lên phòng lấy đồ! Thăm làng đá mỹ nghệ Non Nước, Hội An, trở về, tài xế ghé bãi Mỹ Khê để đoàn tắm biển. Nhưng chẳng ai tắm vì có ai biết để mang theo đồ tắm.

Buổi tối, Lê Chí hẹn gặp Thanh Quế. Lê Chí cùng Nguyễn Ngọc Tuyết, Trúc Linh Lan, Đặng Hoàng Thám, Nhật Hồng, Nguyễn Trung Nguyên và tôi ra quán bình dân nhậu bia với hải sản. Thanh Quế nói liên tục đủ mọi chuyện trên đời, vừa nói vừa lấy tay kéo sụp lưỡi trai chiếc nón vừa hất nó lên. Ông bảo Hội Nhà Văn nên mời người viết vào, không nên chọn lựa như lâu nay, ai sống được thì sống, còn không thì bị tiêu vong theo quy luật. Đặc biệt thú vị là ông không biết sử dụng máy vi tính, điện thoại chỉ nghe và gọi, ai nhắn tin cho ông là “ngu lắm”!

Sáng, tài xế đưa đoàn tới Hội An, chạy loanh quanh rồi hướng thẳng tới Vĩnh Điện… ăn sáng. Anh chị chê mì Quảng ở đây quá tệ. Sao không ăn mì Quảng hoặc cao lâu ở Hội An? Ghé Mỹ Sơn. Những đền tháp hoang tàn vẫn cho thấy nét tráng lệ xưa của nó. Đặc biệt sướng mắt sướng tai khi được thưởng ngoạn văn nghệ Chăm, nhất là màn múa Apsara hấp dẫn.

Tới Quy Nhơn, sáng thăm mộ Hàn Mặc Tử, trên đường tới Tuy Hòa (Phú Yên), ghé Gành Đá Dĩa. Đẹp hết hồn. Khi ăn trưa quán Thạch Sanh. Thấy viên đá trứng bự cỡ chiếc gối đặt trên chậu kiểng, Nhật Hồng “chíp” trong bụng. Ăn xong đến gặp chủ quán, tỉ tê “chiêu” “điếm vườn”: Nhà anh có nhiều kiểng đẹp quá, xứ tôi cũng có. Nhưng xứ anh đá nhiều còn xứ tôi không có. Anh có thể cho tôi xin viên đá kia làm kỷ niệm. Ông chủ quán hỏi ý cậu con trai. Anh ta ngần ngừ, ông thúc cho đi, mình ở đây dễ kiếm hơn ông anh miền Tây yêu đá xứ mình. Cậu con đồng ý, khiêng lên xe theo lệnh cha anh… Tối, Hội Văn Nghệ Phú Yêu đãi đoàn tại Trung tâm giải trí & sinh thái Thuận Thảo – một “đại gia” địa phương – với “kính thưa các loại bánh” cùng bia. Chủ tịch Hội Văn Nghệ Phú Yên Nguyễn Ngọc Quang cùng Phó chủ tịch Hội Huỳnh Thạch Thảo tiếp đoàn. Xôm tụ hơn là cô Diệu Trang và cô “Nhậm Doanh Doanh” văn phòng “tiếp bia”. Nhắc Trần Huyền Ân (Trần Sĩ Huệ) mới biết “Nhậm Doanh Doanh” là con ông.

“Sống sót trở về”
Sau khi thăm Tháp Nhạn, Nguyễn Trung Nguyên rủ Đặng Hoàng Thám, Nguyễn Hồng Chuyên, Thành Nam “tiếp rượu” trả lễ Huỳnh Thạch Thảo. Chưa “đã”, ba mạng này kéo nhau đi karaoke. 12 giờ khuya, Đặng Hoàng Thám “sống sót trở về” báo cáo: Karaoke 95.000 đồng/giờ, bia Sài Gòn 20.000 đồng/chai. Tiệm có 3 em miền Tây đẹp não nùng. Hát một hồi, Thám “lặn” xuống đất, bảo vệ hỏi đi đâu, bảo đi toillet, hỏi sao không đi trên đó, bảo tao muốn đi đâu thì đi. Thấy bảo vệ mặt mày bặm trợn với mấy con chó berger hì hợm, Thám hoảng hồn nói mai tao đi công chuyện sớm chớ không phải đi chơi, cho tao ra. Không hiểu sao Thám qua lọt dãy hàng rào cao 2-3m của tiệm karaoke về phòng. Mừng quýnh!

Chia tay Phan Thiết
Tới Phan Thiết (Bình Thuận) vào lúc hoàng hôn. Ghé Hội Văn Nghệ Bình Thuận, được hướng dẫn tới khách sạn rồi đưa đi ăn tại khách sạn nhà hàng Bình Minh ở Đồi Dương. Tại đây có mặt Chủ tịch Hội Đỗ Kim Ngư, 2 phó chủ tịch Hội, Lê Nguyên Ngữ cùng 2 cô văn phòng “bụng to”. Lại đặc sản biển với bia. Sau đó, tôi hẹn Hồ Việt Khuê đến chơi. Anh ta đãi tôi, Đặng Hoàng Thám cùng 2 anh bạn địa phương của Thám cùng Nhật Hồng chầu bia Budweiser (Mỹ, 20.000 đồng/chai) với cá bò chiên. Chưa chịu thôi, rủ đi massage “rũ bụi đường xa”.

Mọi bữa 7-8 giờ sáng mới lên đường, vậy mà bữa nay sáu giờ sáng rời khách sạn, chẳng tham quan nơi nào của Phan Thiết cả, vì anh chị mệt muốn về nhà sớm! Chính vì vậy mà tôi đành khất Hồ Việt Khuê đừng chở Nguyễn Bắc Sơn đến như đã hẹn. Tiếc quá, không có dịp trò chuyện với tác giả “Chiến Tranh Việt Nam & tôi”!

Tổng kết chuyến đi, có thể nói bị “nghẹn” khá nhiều. Lý do là vì có mặt Hoài Tường Phong - nhà thơ “Trăng nghẹn” trong chuyến đi này./.
-------------

“Nhậm Doanh Doanh” quá sức “sung”!


Huỳnh Thạch Thảo cụng ly với “Ông Trăng nghẹn” trước sự “chứng giám” của Nhật Hồng


Đặng Hoàng Thám “sướng hé” khi quàng tay qua vai Hồng Thủy Tiên.

Võ Quê ca Huế trong quán cóc.


Thanh Quế say sưa “tám”.

Doãn Mãi “tiếp cận” Lê Chí.



Thứ Tư, 10 tháng 3, 2010

Tình tang tình... tan

Nhạc sĩ Hồ Hoàng phổ nhạc bài thơ "Dấu Lặng"

Click vào hình để có bản phóng lớn

Bài thơ "Dấu lặng":

Thứ Năm, 4 tháng 2, 2010

Đi Đồng Tháp mùa nước nổi


Theo câu hát “Tháp Mười đẹp nhất bông sen”; mùa nước nổi, cuối tháng 9, chúng tôi háo hức lên đường. Dài theo con đường nhựa từ thị trấn Thanh Bình (huyện Thanh Bình) tới thị trấn Tràm Chim (huyện Tam Nông), dưới nền đường cao vút, nước ngập lé đé những ruộng mạ xanh dờn. Hỏi bà chủ quán bên đường đọc báo, nghe đài loan tin lũ vượt ngưỡng báo động ba sao kỳ vậy. Mấy anh chàng chăn vịt chạy đồng ngồi uống cà phê trưa cười ha hả: “Còn cả tháng nữa mới tới đỉnh”. Vì vậy cánh đồng hai bên đường tuy trắng xóa một màu nước, nhưng không “đã con mắt” bằng khi nước nổi lên đến đỉnh điểm. Lúc đó nước là nước dập dềnh sóng, ngập tràn mọi thứ nơi nó đi qua.


Sen mọc tràn mặt kinh VQG Tràm Chim.

Vườn Quốc gia Tràm Chim thuộc huyện Tam Nông (Đồng Tháp) là điểm du lịch sinh thái rất hấp dẫn của đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Được xếp trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam, trở thành Vườn Quốc gia Tràm Chim từ năm 1998 nhằm bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước của vùng Đồng Tháp Mười, bảo vệ khu vực di trú cho các loài chim di cư, đặc biệt là sếu đầu đỏ, song song với việc bảo tồn các loài động - thực vật, các nguồn gen quý hiếm, và duy trì những điều kiện thích hợp cho việc nghiên cứu môi trường tự nhiên và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Vườn Quốc gia Tràm Chim có 7 phòng lạnh, mỗi phòng 3 giường giá 150.000 đồng; cùng một phòng quạt bốn giường giá 100.000 đồng. Giường sắt trải nệm mỏng mềm nhũn có chiếc giường kêu ọp ẹp khi ngồi lên hoặc trở mình! Ngủ một đêm tới sáng, chúng tôi thuê 1 trong mấy chiếc vỏ lãi composite tham quan Vườn. Một chiếc, 600.000 đồng, chở 17 người. Máy nổ bành bạch, vỏ xé nước lao trên dòng kinh đỏ màu tràm, bông súng ma nở bông (cánh trắng tinh, cánh tim tím, cánh phớt hồng…). Thích thú khi bắt gặp một ghe chờ đầy những đóa bông súng vừia hái. Vỏ lướt qua vạt rau tràng nở bông trăng trắng; đặc biệt là một vùng tràn ngập cả khúc kênh, cả bề ngang mặt nước, hàng hà sa số những chiếc lá sen xanh, lấm tấm điểm những búp sen hồng hoặc những cánh sen mãn khai. Vun vút lướt qua mắt là vạt rừng tràm mỏng rồi cánh đồng lúa ma xanh dờn tới chân rừng tràm, chiếm diện tích khoảng 10ha. Người địa phương gọi đây là lúa trời, Trịnh Hoài Đức viết trong “Gia Định thành thông chí” là “quỷ cốc”. Hằng năm, vào khoảng tháng tư âm lịch, trời bắt đầu mưa, lúa bắt đầu mọc. Tháng 4 dương lịch, lúa nhú cao chừng năm tấc, thân cứng, lá to bản. Mùa nước nổi (tháng 8 – 12 dương lịch) lúa trỗ đòng. Nước dâng tới đâu, ngọn và hột lúa vươn cao lên khỏi nước tới đó. Một tháng sau lúa chín, vào ban đêm. Nắng lên lúa rụng, tiếp tục nẩy mầm... Lúa trời là đặc sản của thiên nhiên, người xưa thu hoạch bằng cách bơi xuồng con, chính giữa căng bức màn. Xuồng lướt qua ruộng lúa, người ta dùng sào đập cho lúa chạm bức màn rơi xuống khoang. Lúa thu hoạch về ngâm nước khoảng ba ngày rồi đem phơi cho rụng đuôi trước khi xay, giã thành gạo nấu ăn. Gạo lúa ma rất ngon cơm nhờ dẻo và thơm. Ngày nay, lúa ma được Vườn bảo tồn như sản phẩm độc đáo của đất trời, đồng thời làm nguồn thực phẩm cho chim chóc, không kinh doanh. Thời điểm này lúa chưa trỗ đòng.

Chèo xuồng tham quan rừng tràm Gáo Giồng.


Vỏ chạy nhanh chỉ có thể quay phim còn chụp hình khó có ảnh đẹp. Tới ruột rừng, nơi có căn nhà sàn nhân viên giữ rừng ở và căn nhà sàn dài làm nơi ăn uống. Có một đài cao, leo lên đó quan sát cảnh hồng hoang của Vườn. Rừng tràm chiếm 1.800ha diện tích với 100 loài động vật có xương sống, 40 loài cá và 147 loài chim nước. Các loài chim thường gặp gồm: cò trắng, cò bợ, cò lửa, cò lép, vạc, diệc lửa, diệc xám, điên điển, cồng cộc, tu hú, cu ngói, cu cườm, cu,... Trong đó có 13 loài chim quý hiếm thế giới, đặc biệt là hạc, thường gọi sếu đầu đỏ hoặc sếu cổ trụi. Đầu hạc màu đỏ mỏ dài, chân và cổ cao trụi, mình có bộ lông xám tro. Mỗi con hạc nặng tối đa 10kg. Hạc về Tràm Chim vào tháng giêng, tìm bạn tình vào tháng năm (trước mùa mưa), sau đó di chuyển tìm nơi đẻ trứng, nuôi con. Thực phẩm khoái khẩu nhất của hạc là củ năn - nhỏ như hột bắp, giống củ cỏ cú. Đi lúc này nên chúng tôi chẳng thấy hạc. Nhưng khi vào mùa cũng khó nhìn cảnh tượng hạc ăn củ năn no nê rồi nhảy múa. Muốn nhìn tận mắt cảnh tượng thần tiên này phải chịu khó “phục” cả buổi trời, lại phải nằm dưới gió. Nằm trên gió, hạc đánh hơi người bay đi hết.

Bến xuồng chèo Gáo Giồng với những chiếc áo phao buộc sau lái.

Tại “ruột rừng”, trên nhà thủy tạ xây gạch vững chãi, rộng rãi, chúng tôi thoải mái bày “mâm” nhậu. Thực phẩm mua ngoài chợ Tràm Chim đem theo với bếp, than, củi nhúm, vài lít rượu và thùng đá trà chữa lửa. “Mâm” nhậu là những tờ báo trải trên nền gạch bông, toàn các món nướng cho gọn. Những con rắn bông súng nhỏ cỡ ngón tay cái cuốn tròn như chiếc rế nồi đặt trong vỉ cháy nám đen. Loại này dùng tay bẻ từng khúc ngắn chấm nước mắm me ăn vừa giòn da vừa ngon ngọt thịt còn “ứa” những giọt máu hồng. Nhưng ngon “ác liệt” là nhai luôn xương. Cá lóc nướng trui quá “phổ thông”, cá lóc nướng trui Đồng Tháp “cao cấp” hơn. Ở đây người ta không gói cá lóc, rau rác bằng bánh tráng mà bằng bẹn sen. Bẹn sen là những chiếc lá sen non vành lá cuốn quấn vào trong, nhìn “sướng” mắt. Những chiếc bẹn sen mọc nhiều theo dòng kinh, phải nhanh tay hái khi vỏ lướt qua. Cầm bẹn sen “banh” ra, “nhét” thịt cá lóc nướng trui cùng bún và rau rác, chấm nước mắm me, ăn nghe chát chát mùi hoang dã, sướng cái thần hồn.

Tham quan cánh đồng lúa ma VQG Tràm Chim.


Chỉ hai món đậm chất khẩn hoang này cũng đủ khiến chúng tôi lúy túy say. Vỏ lãi đưa chúng tôi về nơi xuất phát. Hai cô hướng dẫn viên du lịch đi theo ngồi mũi vỏ trong hai chuyến vỏ chẳng nói tiếng nào, về tới bến mới chỉ cây gáo đang nở bông hỏi một người trong đoàn là cây gì! Những thông tin về Vườn chúng tôi biết được qua tìm hiểu.
Rời Vườn quốc gia Tràm Chim, theo anh bạn địa phương, chúng tôi đi trên con đường tắt xuyên ruột tỉnh Đồng Tháp đến Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng (thành phố Cao Lãnh), là một trong vài “lõm” hoang sơ của Đồng Tháp Mười xưa. Con đường đan xuyên qua những xóm làng trù mật, khoái nhất là đoạn đường đất lầy lội dành riêng cho nhân viên bảo vệ rừng tràm Gáo Giồng đi lại. Con đường được hai hàng tràm xanh mướt phủ bóng mát rượi. Vào cửa Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng 10.000 đồng/người. Uống trà, ăn hột sen rang, xem phim giới thiệu khu du lịch, nằm võng, câu được cá nhờ nhà bếp nấu nướng, tất cả đều miễn phí.


Rạo rực mua vé đi xuồng chèo tham quan rừng tràm, 8.000đồng/ người. Bao nguyên chiếc 30.000 đồng/chuyến. Một chiếc chở tối đa 4 người. Có khoảng 10 chiếc xuồng ba lá với những tay chèo là thiếu nữ bận bà ba màu thiên thanh, xinh xắn với chiếc khăn rằn quấn cổ và chiếc nón lá duyên dáng choàng ôm mái tóc đen mượt. Xuồng nào cũng có áo phao nhưng chỉ chất đống và cột chặt nơi lái. Mái chèo khua nước, xuồng lướt êm trên con kinh rập rờn bèo cám. Càng đi sâu, càng thấy bèo cám xanh mượt như tấm thảm phủ kín hàng vạn gốc tràm già chôn chân trong nước trong diện tích hơn 1.600ha. Sân chim rộng khoảng 35ha với hơn 15 loài lông vũ sinh sống, đặc biệt có diệc lửa và nhan điển - hai loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Xuồng ghé rìa sân chim. Nhìn lên các tán tràm, hàng bao nhiêu cánh chim chao lượn như thuở hồng hoang. Gáo Giồng còn là nơi trên chim dưới cá. Thủy sản ở đây phong phú với nhiều loài như cá lóc, cá bông, cá sặc, cá chốt, cá lăng, cá bống, cá nhái… Mùa nước nổi từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm, nước từ sông Mékong tràn về phủ ngập đồng, Gáo Giồng thật sự là một ốc đảo giữa trời mênh mông và nước cũng mênh mông. Mùa này, cá linh từ Biển Hồ (Campuchia) theo con nước trôi về từng đàn. Đó cũng là lúc điên điển trổ bông vàng. Cá linh và bông điên điển trở thành bản hòa thanh ẩm thực độc đáo khi cá linh non nấu me non chấm bông điên điển, là món ăn đặc trưng mang đậm sắc thái của người dân Nam bộ. Nhưng “ngon nhứt xứ” là mắm kho bằng mắm cá linh xay và cá linh tươi chấm bông điên điển, bông súng, rau dừa... Càng ăn càng “thấm thía” câu ca dao: “Muốn ăn bông súng mắm kho/Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm”. “Đã” nhất khi biết giá cá linh bán sĩ từ ghe tại chợ Tràm Chim: 2.500đồng/kg (trong khi đó tại chợ Cần Thơ tới 40.000đ/kg cá linh).

Thiên nhiên hoang dã Vườn Quốc gia Tràm Chim

Ngắm cảnh hoang sơ đã đời, thiếu nữ bơi xuồng chòng chành đưa chúng tôi về bến. Hành trình dài 2,5km mất 45 phút đi về. Thích thì có thích nhưng quá đỗi lo âu. Dân thành thị mấy ai biết đi xuồng, nên khi đặt chân lên tấm ván mũi xuồng, xuồng lắc lư, sợ. Sợ nhất là khi xuồng đang bơi. Vì là loại xuồng nhỏ, ngắn đòn, mỏng mảnh nên khi có ai đó nghiêng mình quan sát cảnh vật, xuồng nghiêng, nước mấp mé nhanh chóng tràn vào be. Xuồng chìm không mấy sợ, vì nước kinh cạn, chỉ sợ máy ảnh kỹ thuật số, điện thoại di động mang theo – những tài sản xem như đắt tiền – sẽ là thứ bỏ đi! Chợt nhớ chiếc vỏ lãi ở Vườn Quốc gia Tràm Chim tuy an toàn nhưng không có phao cứu sinh.
Thất vọng cuối cùng: Con đường xi măng cốt thép từ Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng ra Quốc lộ 30 dài khoảng 20km, xe 12 chỗ lưu thông khá bất tiện, nhất là khi có chiếc ngược chiều, lại phải mua vé qua 2 chiếc cầu, dù mỗi chiếc xe gắn máy chỉ có 2.000 đồng.

Bản sắc ngữ âm vùng miền


“Tôi là dân Huế, lần đầu tiên vào Sài Gòn học lúc người Bắc di cư vào miền Nam sau hiệp định Geneve. Chân ướt chân ráo, mua trái cây, gặp cô hàng ngước mắt hỏi: “Anh Hai ở ngoài Bắc có sầu riêng không?”. Với người Nam lúc đó, ai không phải là người Nam thì đều là dân Bắc cả. Tôi mê hai tiếng “anh hai” quá trời, vì cái giọng miền Nam ngọt ngào, chân thật như người miền Nam mà tôi… cũng mê (…) … làm sao tất cả những “người Bắc” – nghĩa là có tôi – cất giữ, trân quý cái chất ngọt ngào, chân thật đó của người Sài Gòn”.
(GS Cao Huy Thuần)

Anh bạn tôi định cư tại nước ngoài, lại ở một địa phương có rất ít người Việt nên rất cô đơn vì thiếu vắng tiếng nói của đồng bào. Cho nên nhân dịp về Việt Nam, nghe tiếng Việt là hạnh phúc khôn nguôi trong đời, anh còn tự hào khi gặp gỡ bè bạn hầu như của một số vùng miền trên đất nước. Là dân Nam bộ nên anh tâm sự rất sướng khi nghe mấy anh chàng nói rặt giọng miền Nam, ngọt ngào như nước sông Nhà Bè, Đồng Nai, Cửu Long cuồn cuộn chảy. Sao không sướng thích khi nghe họ nói: “hông”,” hổng”, “nhứt”, “bịnh”, “kinh”, “héng”, “hả”… thay vì dùng: “không”, “nhất”, “bệnh”, “kênh”, “nhé”, “nhỉ”… và chẳng thấy ai nói “về” bằng cách phát âm của người Bắc…

Phát âm khẩu ngữ Nam bộ hình như bây giờ chỉ còn một số người “hoài cổ”, bởi có khá nhiều người sử dụng ngôn ngữ và phát âm Bắc bộ. Cứ tới chỗ có chữ “v” họ mím môi, gặp chữ “gi” “siết răng”, chữ “h” cố tròn miệng, còn “d” thì phát âm theo kiểu có chữ “z” đằng sau chữ “d”. Đáng ngại là khi đang phát âm theo kiểu Bắc ngon lành, đột nhiên họ quên nói “về” mà làm một lèo theo cách cha mẹ và cả cộng đồng dân “ăn giá sống” đều phát âm. Cũng không thể không ái ngại khi nghe họ không thể phát âm chuẩn xác những từ có dấu hỏi, dấu ngã; có t có c hoặc có g hay không g ở cuối từ. Muốn phát âm chuẩn Bắc bộ, cần phải có ngữ âm ngoài ấy, đồng bộ, nghe mới thuận tai, anh thổ lộ.

Dù dân Nam phát âm “lai” Bắc cỡ nào đi nữa cũng không bị một người dân nào ngoài ấy phàn nàn, anh nhận xét. Cũng giống như vậy, có những người Bắc lại khoái thích nói giọng Nam bộ. Họ phát âm “về” thành “dề”, “dìa” cùng ngữ âm nhẹ hơn thổ ngữ của họ nghe ngồ ngộ. Đáng khâm phục là các nghệ sĩ cải lương Bắc đã ra sức phát âm, nhất là ca từ, càng có ngữ âm miền Nam chừng nào càng tốt chừng nấy. Thích và muốn trở thành người nói “tiếng” Nam là điều tốt, nhưng đừng vì vậy mà làm sử dụng phương ngữ vùng đất này một cách… trật lất, như: “Tui và cô ấy đi mình ên xuống đây”. “Mình ên” của dân Nam bộ, đặc biệt dân Sóc Trăng, có nghĩa “đi một mình”. Đằng này đi với cô gái mà nói đi “mình ên” nghe “chỏi lỗ tai”. Có lẽ khi nghe ca sĩ hát một bài dân ca Nam bộ hay những bài bản cải lương mà trong đó các tiếng “về”, “giữ gìn”, “dấu yêu”, “chặt chẽ” phát âm theo Bắc chắc bài hát ấy sẽ lạc điệu. Cũng vô duyên, không thể chấp nhận, khi gọi các địa danh: An Nhơn là An Nhân, Qui Nhơn thành Qui Nhân, Nhơn Nghĩa thành Nhân Nghĩa hoặc Chơn Thành là Chân Thành. Người ta nói phát âm Nam bộ trật chính tả, đồng ý, nhưng nghe và nhất là viết đúng chính tả mới tài, anh “khen”.

Người Nam, người Bắc dẫu có cố tình hòa hợp với phương ngữ của nhau vẫn không ai nói gì. Nhưng nếu là dân Nam mà bày đặt Trung hóa sẽ mích lòng.

Người Trung phát âm “v”, “gi”, “d”… gần giống người Bắc, nghe tự nhiên. Và tự nhiên nhất là họ phải giữ gìn và phát huy phương ngữ của mình. Nếu người đất thần kinh không nói mô, tê, răng, rứa, không còn xưng hô mi, tau… thì còn chi là Huế tui! Chính vì đặc trưng ấy mà khi nghe họ nói chuyện ta có thể biết người đó là dân vùng miền nào, như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa hay Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Nha Trang…

Bây giờ thế hệ trẻ đang nói và phát âm hầu như gần theo kiểu Bắc, anh góp ý. Chẳng đứa trẻ nào nói “về” bình thường với hơi gió xưa nay của ông bà… Phát âm Nam bộ chỉ còn thấy ở số ít một bộ phận người có tuổi. Họ “vô tình” giữ gìn bản sắc. Như mọi thứ trên đời, bản sắc không phải bất biến. Bản sắc người Việt hôm nay chẳng thể giống hoàn toàn với người Việt của trăm năm trước. Đó là văn hóa. Mà văn hóa thì phải theo quy luật tự nhiên. Do vậy, đã là dân Nam bộ thì phải là dân… Nam bộ một cách hoàn toàn tự nhiên với ngữ âm mềm mại và ngọt ngào sông nước Cửu Long. Và, đã là dân Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình - Trị - Thiên, Quảng Ngãi, Quảng Nam… thì phải giữ ngữ âm của mình. Chính họ mới là những “vị” rất đáng trân trọng vì đã làm đa dạng và phong phú ngữ âm vùng miền nước Việt.