Thứ Năm, 4 tháng 2, 2010

Bản sắc ngữ âm vùng miền


“Tôi là dân Huế, lần đầu tiên vào Sài Gòn học lúc người Bắc di cư vào miền Nam sau hiệp định Geneve. Chân ướt chân ráo, mua trái cây, gặp cô hàng ngước mắt hỏi: “Anh Hai ở ngoài Bắc có sầu riêng không?”. Với người Nam lúc đó, ai không phải là người Nam thì đều là dân Bắc cả. Tôi mê hai tiếng “anh hai” quá trời, vì cái giọng miền Nam ngọt ngào, chân thật như người miền Nam mà tôi… cũng mê (…) … làm sao tất cả những “người Bắc” – nghĩa là có tôi – cất giữ, trân quý cái chất ngọt ngào, chân thật đó của người Sài Gòn”.
(GS Cao Huy Thuần)

Anh bạn tôi định cư tại nước ngoài, lại ở một địa phương có rất ít người Việt nên rất cô đơn vì thiếu vắng tiếng nói của đồng bào. Cho nên nhân dịp về Việt Nam, nghe tiếng Việt là hạnh phúc khôn nguôi trong đời, anh còn tự hào khi gặp gỡ bè bạn hầu như của một số vùng miền trên đất nước. Là dân Nam bộ nên anh tâm sự rất sướng khi nghe mấy anh chàng nói rặt giọng miền Nam, ngọt ngào như nước sông Nhà Bè, Đồng Nai, Cửu Long cuồn cuộn chảy. Sao không sướng thích khi nghe họ nói: “hông”,” hổng”, “nhứt”, “bịnh”, “kinh”, “héng”, “hả”… thay vì dùng: “không”, “nhất”, “bệnh”, “kênh”, “nhé”, “nhỉ”… và chẳng thấy ai nói “về” bằng cách phát âm của người Bắc…

Phát âm khẩu ngữ Nam bộ hình như bây giờ chỉ còn một số người “hoài cổ”, bởi có khá nhiều người sử dụng ngôn ngữ và phát âm Bắc bộ. Cứ tới chỗ có chữ “v” họ mím môi, gặp chữ “gi” “siết răng”, chữ “h” cố tròn miệng, còn “d” thì phát âm theo kiểu có chữ “z” đằng sau chữ “d”. Đáng ngại là khi đang phát âm theo kiểu Bắc ngon lành, đột nhiên họ quên nói “về” mà làm một lèo theo cách cha mẹ và cả cộng đồng dân “ăn giá sống” đều phát âm. Cũng không thể không ái ngại khi nghe họ không thể phát âm chuẩn xác những từ có dấu hỏi, dấu ngã; có t có c hoặc có g hay không g ở cuối từ. Muốn phát âm chuẩn Bắc bộ, cần phải có ngữ âm ngoài ấy, đồng bộ, nghe mới thuận tai, anh thổ lộ.

Dù dân Nam phát âm “lai” Bắc cỡ nào đi nữa cũng không bị một người dân nào ngoài ấy phàn nàn, anh nhận xét. Cũng giống như vậy, có những người Bắc lại khoái thích nói giọng Nam bộ. Họ phát âm “về” thành “dề”, “dìa” cùng ngữ âm nhẹ hơn thổ ngữ của họ nghe ngồ ngộ. Đáng khâm phục là các nghệ sĩ cải lương Bắc đã ra sức phát âm, nhất là ca từ, càng có ngữ âm miền Nam chừng nào càng tốt chừng nấy. Thích và muốn trở thành người nói “tiếng” Nam là điều tốt, nhưng đừng vì vậy mà làm sử dụng phương ngữ vùng đất này một cách… trật lất, như: “Tui và cô ấy đi mình ên xuống đây”. “Mình ên” của dân Nam bộ, đặc biệt dân Sóc Trăng, có nghĩa “đi một mình”. Đằng này đi với cô gái mà nói đi “mình ên” nghe “chỏi lỗ tai”. Có lẽ khi nghe ca sĩ hát một bài dân ca Nam bộ hay những bài bản cải lương mà trong đó các tiếng “về”, “giữ gìn”, “dấu yêu”, “chặt chẽ” phát âm theo Bắc chắc bài hát ấy sẽ lạc điệu. Cũng vô duyên, không thể chấp nhận, khi gọi các địa danh: An Nhơn là An Nhân, Qui Nhơn thành Qui Nhân, Nhơn Nghĩa thành Nhân Nghĩa hoặc Chơn Thành là Chân Thành. Người ta nói phát âm Nam bộ trật chính tả, đồng ý, nhưng nghe và nhất là viết đúng chính tả mới tài, anh “khen”.

Người Nam, người Bắc dẫu có cố tình hòa hợp với phương ngữ của nhau vẫn không ai nói gì. Nhưng nếu là dân Nam mà bày đặt Trung hóa sẽ mích lòng.

Người Trung phát âm “v”, “gi”, “d”… gần giống người Bắc, nghe tự nhiên. Và tự nhiên nhất là họ phải giữ gìn và phát huy phương ngữ của mình. Nếu người đất thần kinh không nói mô, tê, răng, rứa, không còn xưng hô mi, tau… thì còn chi là Huế tui! Chính vì đặc trưng ấy mà khi nghe họ nói chuyện ta có thể biết người đó là dân vùng miền nào, như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa hay Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Nha Trang…

Bây giờ thế hệ trẻ đang nói và phát âm hầu như gần theo kiểu Bắc, anh góp ý. Chẳng đứa trẻ nào nói “về” bình thường với hơi gió xưa nay của ông bà… Phát âm Nam bộ chỉ còn thấy ở số ít một bộ phận người có tuổi. Họ “vô tình” giữ gìn bản sắc. Như mọi thứ trên đời, bản sắc không phải bất biến. Bản sắc người Việt hôm nay chẳng thể giống hoàn toàn với người Việt của trăm năm trước. Đó là văn hóa. Mà văn hóa thì phải theo quy luật tự nhiên. Do vậy, đã là dân Nam bộ thì phải là dân… Nam bộ một cách hoàn toàn tự nhiên với ngữ âm mềm mại và ngọt ngào sông nước Cửu Long. Và, đã là dân Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình - Trị - Thiên, Quảng Ngãi, Quảng Nam… thì phải giữ ngữ âm của mình. Chính họ mới là những “vị” rất đáng trân trọng vì đã làm đa dạng và phong phú ngữ âm vùng miền nước Việt.



Không có nhận xét nào: