Thứ Ba, 6 tháng 5, 2008

Khám phá Hòn Tre

Hòn Tre có tên Traksu, được Le Distour, người Pháp, khám phá từ khi nó mới chỉ có vài gia đình người Việt định cư. Hình dáng hòn đảo này được Le Distour cho đắp bằng ô dước tại ấp 1, nay vẫn còn. Còn sách “Gia Định thành thông chí” thì ghi đó là Đảo Tre với chú thích: ở biển phía Đông Nam trấn, chu vi 20 dặm, làm án ngoại cho hải cảng Kiên Giang…

Từ thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) vượt khoảng đường gần 30 cây số bằng tàu cao tốc ra Hòn Tre mất khoảng một tiếng đồng hồ với giá vé 42.000 đồng. Mùa này biển êm như mặt hồ. Cô Thu Ba thường ra vô hòn cho biết, khi nào tàu chạy không thấy “cái đuôi” Hòn Đất nữa là tới Hòn Tre - thị trấn chính của huyện đảo Kiên Hải, gồm Hòn Tre, Hòn Sơn Rái (Lại Sơn), và quần đảo Nam Du với 21 đảo thuộc xã An Sơn và Nam Du - thời Pháp có tên là Poulo Dama, người địa phương quen gọi là Hòn Củ Tron.


Hòn Tre có ba ấp với vài ngàn dân. Tùy theo thế đất mà người ta cất nhà. Nhà áp sát biển, nhà cheo leo sườn núi lẫn bên tảng đá khổng lồ. Đường đi ngoằn ngoèo chân núi, quanh co sườn dốc cheo leo, khó đi nhưng ngoạn mục. Con đường chạy quanh hòn dài 12 cây số, rộng khoảng 4 mét bằng bê tông xi măng được khởi công vào đầu năm 2007, sẽ hoàn thành vào cuối năm nay với kinh phí 80 tỉ đồng từ Chương trình biển Đông - biển đảo của Bộ Quốc phòng.

Men theo con đường này, du khách dễ choáng ngợp vì cảnh đẹp của Hòn Tre. Một bên là vách núi cheo leo, đầy bóng cây xanh; một bên là vực biển sâu hun hút. Qua những tàng cây cao, từ chân hòn đá tảng chất chồng, biển xanh ngắt một màu…

Dinh Ông Nam Hải thờ bộ xương cá Ông dài 9,4 mét, ngang 3,8 mét, trọng lượng khi còn sống là 5 tấn. Ngày 26-4 Âm lịch hàng năm (ngày Ông lụy, năm 2006), dân đi biển tổ chức lễ giỗ rất trang trọng với niềm tin sẽ được Ông phò hộ an lành và may mắn. Gần đó có hòn đá Bà Già nằm bên chân sóng. Nhìn từ bờ, hòn đá giống chiếc cúp. Nếu đi ghe sẽ thấy hòn đá có bộ mặt nhăn nheo như mặt bà già.

Đi chệch thêm trăm mét gặp Thiên Thai cổ tự nằm bên chân núi. Chùa do cha cô Lan lập ra, sau này do cô trụ trì nên người ta còn gọi là chùa cô Lan. Rồi gặp Sơn Linh tự. Tiếng gọi là chùa nhưng thật ra đây chỉ là một hang núi nhỏ, sát chân núi, bên đường. Khom người vào hang một chút sẽ nghe hơi nước mát lạnh từ ngọn suối gần đó phả ra. Đi mút con đường, bạn sẽ thỏa thích khi đến Đuôi Hà Bá.

Anh Nguyễn Tấn Cương, làm việc ở Ban Tuyên giáo huyện Kiên Hải, giải thích: “Nhìn từ Rạch Giá, Hòn Tre như con rùa biển khổng lồ. Hòn có đầu rùa, mình rùa nhưng đuôi chè bè, không phải đuôi rùa. Theo dân gian, hà bá là con vật gắn liền với biển nên người ta gọi nơi này là Đuôi Hà Bá”. Đuôi Hà Bá là biển nước sâu, đón gió Nam. Từ đây có thể nhìn thấy Lại Sơn và quần đảo Nam Du. Nơi cuối gành, phải cẩn trọng đặt chân lên từng hòn đá cheo leo, trắc trở trước khi đến những hòn đá bàn. Ngồi trên mặt đá phẳng lì, thả cần câu, nghe gió muối mặn từ khơi xa thổi vào, nghe tiếng ve râm ran át cả tiếng máy khoan đá làm đường.

Cầu khỉ đi vào Động Dừa

Nhưng thích thú hơn cả là Bãi Chén của Hòn Tre. Bãi Chén có cảnh vật đẹp và hoang sơ. Bãi cát vàng. Nước xanh. Theo truyền thuyết, Nguyễn Ánh đã bỏ lại rất nhiều chén ở nơi này để tháo chạy khi bị quân Tây Sơn truy bắt. Nhưng người ta gọi tên như vậy có khi vì cái vịnh biển này có nhiều hòn đá to tròn giống như cái chén úp nằm khắp nơi. Xung quanh các hòn đá này, bám dày đặc những con hàu nhỏ cỡ đầu ngón tay cái, gọi là hàu sữa. Chỉ cần đặt nhúm lá dừa vào đó, mồi lửa, thời gian chưa tàn điếu thuốc, những con hàu há vỏ, dùng dao tách lấy thịt là đã có món ăn ngọt ngào của loài nhuyễn thể.

Trên vịnh biển, ghe đánh cá dập dềnh. Đôi vợ chồng Trương Hồng Hải - Nguyễn Thị Loan đang đánh lưới nổi cá đối. Anh Hải cho biết làm nghề này từ lâu lắm rồi, mỗi ngày làm từ 8 giờ sáng tới 1 giờ chiều, bán cho du khách hoặc đem ra chợ bán, tệ lắm cũng kiếm khoảng 200.000 đồng, có hôm trúng được tới 500.000 đồng. Chị Loan đưa thùng cá cho xem. Những con cá đối trắng bạc quẫy cựa liên hồi, giá 25.000 đồng/ki lô gam. Cân xong, hai vợ chồng nhanh tay bẻ củi, chất lên tảng đá, đốt lửa. Lửa tàn, họ đặt từng con cá trên than đỏ lòm. Cá chín, gắp để lên mặt tấm lá chuối xanh dờn chấm muối ớt. Lai rai với ly rượu đế đục ngầu, nghĩ mà nhớ cái thời cha ông đi khẩn hoang!

Vợ chồng ngư phủ nướng cá đối

Đi về Bãi Chén có hai đường. Đường xuyên núi sẽ gặp Hòn Đá Chuông. Hòn đá này có hình tam giác không cân, nằm lẫn với nhiều hòn đá khác. Cầm viên đá gõ vào sẽ nghe tiếng kêu thanh như tiếng chuông. Còn gõ vào các hòn đá kế cận thì chẳng nghe thấy gì.

Đường quanh co, khúc khuỷu, lên xuống dốc, băng qua những mảnh vườn xanh um, mát rượi. Mùa nào thức nấy: xoài cát, xoài hòn, mãng cầu, hồng quân, nhãn, thanh long… Điều lạ lùng là trái cây trên đảo có hương vị ngọt ngon hơn ở những nơi khác.

Đi đường này mất cả tiếng đồng hồ. Còn về theo ngả Động Dừa thì bằng xuồng máy, 15 phút là tới Động Dừa. Rời xuồng, đặt chân lên những tảng đá chất chồng, lại cẩn trọng làm cuộc mạo hiểm trên mấy thân tre khô của chiếc cầu khỉ dài trăm mét để vào bờ. Băng hẻm núi nhỏ chừng mươi phút thì tới trung tâm thị trấn.

Ngày nắng hanh hao. Đang mùa ve sữa. Đêm đêm, hầu như dân cả thị trấn xúm nhau lên núi tìm bắt loại côn trùng này. Với ngọn đèn pin, họ tìm bắt những con vật nhỏ cỡ ngón tay trỏ từ dưới đất chui lên, bò trên thân cây. Chị Trần Thị Thoa, người chuyên bán ve sữa, cho biết: “Nếu không bị bắt, trong chốc lát ve sữa sẽ mọc cánh trở thành ve sầu. Ve sữa sau khi bắt được cho vô thùng nước để không mọc cánh, đem về luộc nước muối giữ trắng”.

Ở Hòn Tre chỉ có vài ba người thu gom ve sữa bán, mỗi người có chừng hai ba ký lô là cùng, giá 70.000 đồng/ki lô gam (năm ngoái giá cao nhất là 40.000 đồng/ki lô gam). Ve sữa ram mặn, ướp mắm muối chiên tươi, cắn cái “bụp”, nghe mùi thơm đặc trưng và chất béo của ve thấm đẫm tới chân răng. Ve sữa là đặc sản độc đáo chỉ riêng Hòn Tre mới có. Mùa ve sữa rất ngắn, khoảng một tuần lễ. Khi mưa xuống là dứt.

Tạm biệt Đảo Tre, chợt nhớ sách “Gia Định thành thông chí” ngày xưa từng viết: “Ở biển phía Đông Nam trấn, chu vi 20 dặm, làm án ngoại cho hải cảng Kiên Giang”…

Thứ Tư, 30 tháng 4, 2008

Sa mưa

Trời đang nắng chợt sa sầm màu mây đùng đục. Tiếng gió lộng rào rạt ngoài hiên. Rồi tiếng lộp độp rơi vang mái tôn các căn nhà lân cận. Mưa chăng? Tôi vội ra ban công căn gác nhỏ. Chưa kịp nhìn mái các căn nhà xung quanh, đã thấy hàng hà sa số những trái sao lả tả bay quần trên không trước khi đáp đậu trên khắp các nơi. Ôi, mưa trái sao sao mà ngây ngất quá. Chợt nhớ chừng ba chục năm trước. Cũng tại chốn này. Đầu con hẻm nhà tôi. Ngoài công viên nhỏ hình tam giác được bao bọc bởi chòm sao già tỏa mát ba con đường bao quanh. Khi có cơn mưa trái sao, các con tôi cùng bọn trẻ trong hẻm ùa nhau chạy đuổi. Trái sao già hai cánh ểnh hai bên trên cái hột tròn bên dưới, từ chòm lá cây sao cao vút không ngừng rơi rụng trong gió, xoay vần như chong chóng, tạo thành điệu luân vũ đẹp mê hồn. Đứa nào may mắn hứng được trái sao, mừng như bắt được vàng, cười vang trong chiều lộng gió. Chúng nhẹ hốt từng bụm trái sao trong tay rồi tìm nơi cao nhất, nhón gót, mở bung nghiêng tay cho từng trái sao theo gió xoay bay đi.

Nhìn những trái sao bay vần trong gió, nhớ làm sao những ngày nắng chang sau tết nguyên đán. Lúc ấy, đi dưới bóng mát hàng sao già hàng trăm tuổi ở công viên, tôi chợt nghe mùi ngai ngái của những chùm bông sao bám đầy cành nhánh phả đi. Bông sao tuy có màu vàng nhạt nhưng cũng bật nổi trên nền xanh biếc lá sao. Cơn gió nhẹ lướt qua. Từng chiếc bông sao mơ màng rơi xuống, thành lớp thảm trải nhẹ mặt đường. Bánh xe lướt nhanh. Ôi, những chiếc bông sao xinh xắn, nhỏ như đầu cọng tăm, nhanh chóng nhòe nhoẹt những niềm đau tiếc rẻ. Nhưng cái thảm bông sao trên nền xanh bãi cỏ công viên mới đẹp làm sao. Chiều xế, các con tôi và bọn trẻ trong hẻm nhẹ nhàng bước vào chốn thần tiên ấy, nhón tay vớt từng chiếc bông sao cho vào hộp giấy. Rồi, sau đó, phải nhờ bàn tay mềm mại của bọn con gái, xâu thành chuỗi, mang nơi cuờm tay, quàng qua cổ hoặc choàng quanh trán làm công chúa, hoàng tử hoặc đám cưới giả vợ chồng trong thần thoại cuộc chơi trẻ thơ.

Giờ, bông sao đã kết thành trái, vần vũ bay xoay khắp không trung trong sắc trời đùng đục âm u. Tôi buồn buồn nhớ tới chốn quê hương những ngày tuổi nhỏ cách nay trên nửa thế kỷ. Trong không gian ảm đạm như vầy, không mấy chốc, mưa sẽ trút xuống. Những cơn mưa đầu mùa nhỏ lắc rắc lối đi. Hơi đất nồng hực khó thở ngùn ngụt bốc lên thành luồng như đám mưa ngược. Mùa săn bắt bọ rầy đã tới. Những con đuông đất mọc cánh cứng, giống bọ hung, lớn cỡ ngón chân cái, vạch đất chun lên, đeo bám tàng cây cao. Chiều mát, bọn nhỏ chúng tôi rủ nhau rời thị trấn lội bộ tới đầu con giồng cát mát rượi bóng tre xanh rào rạt tiếng gió ru. Chúng tôi, đứa lượm phân trâu bò khô, đứa tìm rơm rạ chất đống, bật quẹt. Ngọn lửa cháy phừng rồi ngun ngún tỏa khói xám lên trời. Trong chốc lát, hàng đàn bọ rầy quần tụ trong làn khói ấy tạo thành đám mây thấp. Từng nhát chổi, từng nhánh cây trong tay chúng tôi giơ lên, huơ đập những con vật ấy. Chúng rơi lộp độp xuống nền đất giồng khô rang. Cả bọn xúm nhau lượm từng con cho vô hộp thiếc hoặc hộp giấy có soi lỗ đã để sẵn mớ lá duối cho chúng ăn. Nhưng vui hơn hết là khi trở về nhà chúng tôi biến những con vật có cánh này thành những trò chơi đất giồng không đâu có được. Đơn giản nhất là lật hai chiếc cánh cứng con vật áp vào nhau, kề ngược gần miệng thổi, lập tức hai cánh lụa của nó đập liên hồi. Kề sát con vật vào mặt, vào người sẽ nghe hơi gió mát liên tục phả vào. Quạt-máy-tuổi-thơ-nhà-quê chúng tôi đó. Cao cấp hơn, phải nhờ bàn tay chị, bàn tay anh làm. Cắt dây kẽm từng khúc, uốn luồn qua lõi chỉ thành chiếc xe. Lại gập cánh cứng con vật gài vào chiếc xe, thổi nhẹ, cánh lụa bọ rầy đập đẩy chiếc xe tới phía trước. Còn chế máy bay vẫn bằng dây kẽm. Với sợi chỉ buộc giữa nhà, con vật đập cánh lụa khiến chiếc máy bay bay vòng quanh nhà. Thật thú vị những trò chơi chắc không đứa trẻ nào bây giờ biết được. Làm sao chúng biết mùa bông sao rơi lãng mạn, mùa trái sao già bay ngoạn mục không trung; làm sao chúng biết mùa bọ rầy kỳ diệu với trò chơi đất giồng; làm sao chúng biết đất trời vần vũ chuyển mưa khi sang mùa để nghe mùi đất đai nồng nã xông lên sau cơn mưa nhỏ hột! Bọn chúng không biết cái thế giới thật đầy tình cảm và sinh động ngoài đời như tôi và các con tôi vì mải chìm đắm với cái thế giới ảo trong màn hình máy tính trước mặt trong căn phòng ngột ngạt gió quạt trần!

Thứ Sáu, 4 tháng 4, 2008

Thanh minh


Tháng ba. Nắng như đổ lửa. Trời đứng gió. Đi trong tiết trời đó, tôi nhớ đến ngày nhỏ chừng chín mười tuổi của mình ở cái huyện heo hút bên nhánh sông Hậu. Cũng trong cái nắng hừng hực như xối dầu xuống trần gian, tôi lẽo đẽo theo chân má tôi vượt qua những con đường, những cánh đồng chang chang nắng. Con đường cát xuyên mảnh đất giồng giữa hai hàng cây xanh đan ngọn tuy mịn êm nhưng lại quến bàn chân khó đi. Con đường này thơ mộng với tiếng lá cây rì rào lại mát mẻ nhưng tôi thích nhất vì thỉnh thoảng bắt gặp trái bồ hút vàng ruộm trên một nhánh cây bên đường. Nghe tôi kêu, má tôi vói bẻ rồi đập trái hình bầu dục ấy vào thân cây bên đường cho bể ra, bên trong lớp vỏ cứng là mấy cái múi vàng hươm. Tôi khoái trá hút từng múi bồ hút, mút, nghe mùi trái cây hoang dã là lạ phả trong vòm miệng cùng vị chua chua giúp quên đi cái nắng nóng khiếp đảm và con đường cát nặng nhọc bước chân.


Nhưng cũng có năm má tôi chuyển sang đi đường tắt cho nhanh. Con đường đê có đoạn cao uốn khúc vắt vẻo qua cánh đồng khô khốc. Nắng kinh khiếp phả tràn xuống, lâu lâu chợt mát nhờ đám mây phiêu bạt lướt qua. Tôi cũng mừng rỡ khi lâu lâu đi tới bóng mát ngọn thốt nốt cao vời giữa từng không in xuống, tôi đứng lại nghỉ chân khá lâu. Đâu chỉ có vậy, có lúc má con tôi còn rời bỏ con đường đê, đi chân đất trên mặt ruộng nứt nẻ, chông chênh. Má tôi đi nhanh lắm nhưng lúc lúc phải dừng lại khi nghe tôi kêu inh ỏi vì bị gốc rạ cứng như chông đâm đau điếng bàn chân.

Rồi, hạnh phúc cũng đến khi vạt tre già mọc dầy ven mảnh đất giồng xuất hiện trước mắt má con tôi. Tới nơi, má chia tôi xấp giấy nhiều màu sắc hình chữ nhật dài rồi cùng tôi ấn mạnh vào nền đất mấy ngôi mộ vừa mới được giẫy cỏ. Má nói bận áo mới cho mộ. Sau đó, má bày đồ cúng trên mấy tờ giấy báo lấy ra từ cái tráp tre tròn có quai và nắp đậy hình vòm phủ lớp sơn bóng bạc màu qua năm tháng sử dụng. (Cái tráp này lâu rồi không thấy ai xài nữa). Má thắp nhang, khấn vái trước mấy ngôi mộ. Nhang tàn, má đốt giấy tiền vàng bạc. Sau cùng, má cho tôi cái hột vịt luộc trong bộ tam sên thưởng công cực khổ của tôi cùng nhúm muối hột. Tôi bóc vỏ hột vịt, chấm muối ăn. Tới bây giờ chưa có thức ăn nào ngon bằng miếng ngon ấy! Chính vì vậy mà năm nào tôi cũng lẽo đẽo đòi theo má đi “cúng mả” gia đình bên ngoại mình ở một nơi xa xôi và cực nhọc con đường với nắng nôi ấy. Và không năm nào mà má từ chối không cho tôi đi dù hai tay má nặng trĩu tráp đồ cúng cùng đứa con bận bịu theo chân mà má không một lời ta thán. Bây giờ tôi mới biết má sung sướng vì có tôi đi cùng trong sự đơn độc của má giữa đất trời to rộng và đơn độc trong việc hiếu đễ của riêng người.


Cũng đáng nhớ nhất trong thời niên thiếu của tôi là ăn Thanh minh bên khu mộ gia đình bên nội tôi. Khu mộ nằm cách thị trấn khoảng một cây số, là bìa một con giồng chuồi xuống cánh đồng bao la gốc rạ. Cũng thích thú được phân công dán giấy đỏ xanh trên từng ngôi mộ. Cũng bày đồ cúng trên những tờ giấy báo đặt trên nền đất. Cũng ăn hột vịt luộc chấm muối hột ngon ơi là ngon. Cũng lội bộ qua con đường cát xuyên giồng nhưng với những hạt cát mềm êm bàn chân. Không phải xách cái tráp tre mà thức cúng được chở trên chiếc xe ba bánh hoặc trên vài ba đôi gióng do các anh tôi gánh chung cùng hầu như với cả thị trấn đổ xô về hướng nghĩa trang. Vui nhất và đáng nhớ là nó diễn ra vào lúc xẩm chiều. Nửa buổi cúng, nắng tắt cuối chân trời. Cúng xong, nhang cháy lập lòe trong ánh sáng mấy ngọn đèn trứng vịt chập chờn trong gió đầu đêm bóng tối vừa mới buông. Vậy là ba má tôi, các anh tôi cùng các chị dâu tôi xúm xít bên nhau thưởng thức miếng ngon từ bữa cúng. Nào vịt luộc. Nào heo quay. Nào tôm càng và ba rọi luộc. Nào trái cây. Tiếng nói chuyện râm ran lẫn trong tiếng nhóp nhép nhai thức ăn. Những khu mộ kế bên người ta cụng ly nhau với tiếng cười thích thú trong tiếng hát lời ca hòa trong tiếng đàn trầm bổng khắp không gian. Đêm vùng quê dường như không còn tối nữa, mà sáng những niềm vui. Niềm vui Thanh minh kéo dài cho đến khi tất cả mệt mỏi mới chịu chấm dứt, ra về.

Mười mấy tuổi, tôi rời xa cái thị trấn nhỏ bé này, để rồi không bao giờ còn có được hạnh phúc tràn đầy trong những ngày Thanh minh như thế nữa. Bây giờ, Thanh minh đối với tôi chỉ còn là hoài niệm, là dịp tưởng nhớ tổ tiên ông bà cùng vợ con trong căn nhà giữa phố thị chật chội như một nghi thức, như một thói quen. Đồ ăn thức uống ê hề. Nhưng niềm vui trong sáng (thanh minh có nghĩa là trong sáng) như thế chẳng còn nữa từ hơn nửa thế kỷ về trước. Chẳng bao giờ có nữa! Mà có lẽ niềm đau này đâu chỉ riêng tôi!./.

Thứ Hai, 31 tháng 3, 2008

Dó bầu Bảy Núi “thơm” mùi trầm

Mấy năm trước, nghe trên núi Dài (Tri Tôn, An Giang) có người trồng dó bầu, tôi không tin. Vậy mà có thật. Và bây giờ cây dó bầu đang đóng trầm. Ông Lê Hoàng Nhi, một chủ trồng dó bầu sắp khai thác trầm đợt đầu tiên, than: “Trầm tôi chưa tới tuổi lấy, đã bị cưa trộm mất hết 36 cây!”


Cây dó bầu Bảy Núi

Cây dó bầu còn gọi là cây tóc, tên khoa học là Aquilaria sp. Dó bầu có mặt trong rừng núi khu vực miền Trung nước ta, nhiều nhất là ở Quảng Nam. Tại đây, dó bầu từ cây rừng đã trở thành “cây vườn” từ nhiều năm nay và đã làm giàu, tạo nên cơ ngơi vững chắc cho nhiều người dân địa phương. Chưa được như vậy, nhưng cây dó bầu Bảy Núi cũng đang hé mở một tương lai xán lạn cho những người bỏ công trồng nó. Trên núi Cấm (Tịnh Biên, An Giang) có người trồng dó bầu nhưng không nhiều bằng trên núi Dài.

* “Vua” dó bầu

Ông Hai Nghị, nhà ngang Trường Trung học cơ sở Ba Chúc (Tri Tôn), khi nghe chúng tôi hỏi ông Lê Hoàng Nhi đã nhanh nhẹn lấy xe gắn máy dẫn đường tới chợ thị trấn Ba Chúc, ghé nhà ông ấy. Ông Trần Văn Cà, “lái bãi” tầm vông ở ấp An Bình, xã Ba Chúc, khi nghe nhắc tới ông Nhi, cũng mau miệng cho biết đó là một “đại gia” về cây dó bầu. Ông Cà nói, ai thì ông không biết chứ tay Nhi mở miệng hỏi tiền cả trăm triệu thì ai có điều kiện cũng nhanh nhẹn “móc bóp” đưa liền.

Từ thị trấn Ba Chúc, chúng tôi theo chân ông Lê Hoàng Nhi chật vật băng rừng vượt núi Dài (cao 554m, chu vi 21.625m, tọa lạc trên địa phận 4 xã: Ba Chúc, Lê Trì, Lương Phi và Châu Lăng, cùng thuộc huyện Tri Tôn) trong cái nắng chín mười giờ trưa mà người địa phương còn sợ, chỉ để tận mắt nhìn cây dó bầu. Phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, mất gần hai tiếng đồng hồ, chúng tôi mới tới Vồ Cờ trên đỉnh ngọn núi này. Thật là sung sướng, xóa tan bao mệt nhọc, trước mắt chúng tôi, hàng hà sa số cây dó bầu trồng xen trong các loại cây rừng, cây ăn trái. Thích thú, chúng tôi đua nhau đưa tay sờ, móc từng vết thương trên thân cây dó bầu với hy vọng tìm được một chút trầm hương “lấy hên”. Ông Nhi cười nói: “Để tui”. Rồi ông khượi từng mảng mối xông trên thân cây. Thật bất ngờ, ông gỡ lấy một miếng gỗ xấu xí đưa cho chúng tôi, bảo: “Trầm đây!” và đưa tận mũi chúng tôi miếng trầm vụn nhỏ xíu ấy.

Ông Lê Hoàng Nhi và nhà thơ Trần Thế Vinh với trầm” đầu mùa”

Ngồi trên gộp đá khá phẳng phiu, ông Nhi tâm sự: Cây dó bầu thiên nhiên có mặt trên núi Cấm nhiều nhất. Trước kia, người ta trồng xoài, mít, về sau thấy cây dó bầu có tương lai sáng sủa nên ươm hột, trồng xen vô. Dó bầu có mặt trên núi Dài tuy ít nhưng được trồng nhiều nhất. Người khởi xướng phong trào này là ông Henri (người Hà Lan) chủ nhiệm tổ chức phi chính phủ Rừng mưa nhiệt đới đã trồng thử nghiệm cây dó bầu trên núi Dài với diện tích khoảng 10ha, vào năm 1996. Hai năm sau công trình này bị bỏ dở, Sở Khoa học – Công nghệ An Giang giao nó cho những người có điều kiện tiếp tục phát huy. Ông Nhi là một trong số những người đó. Ban đầu ông trồng thử nghiệm một ít rồi lặn lội tới Quảng Nam học cách ươm cây giống và cách tạo trầm. Ông làm được cây giống, còn tạo trầm thì chưa ai chịu chỉ bí quyết. Dù vậy, lần hồi, cho tới nay, ông là người trồng dó bầu nhiều nhất của cả vùng Bảy Núi, có tới 2.000 cây trên diện tích 7ha trên núi Dài. Trong khi đó, 48 hộ còn lại chỉ trồng 1.000 cây dó bầu trên ngọn núi Dài. Ông Nhi thổ lộ một chút bí quyết: Dó bầu là loại cây rất thích bóng râm, nên trồng xen nó trong những tán xoài, mít vô cùng thích hợp. Khi mới trồng dó bầu, phải chịu khó làm cỏ phòng chống cháy rừng và bón phân chuồng cho cây mau lớn. Đặc biệt, trồng dó bầu rất khỏe vì không cần tưới tắm gì cả.

* “Ngậm ngãi tìm trầm”

Xế chiều, xuống núi, về nhà, ông Nhi vào buồng lấy ra hai khúc cây “mục”, đưa chúng tôi xem. Ông bẻ một miếng dăm, đốt, mùi thơm sảng khoái phả vào khứu giác. Ông hãnh diện khoe trầm Bảy Núi thơm thanh chứ không thơm khét như trầm Quảng Nam. Ông Nhi cho biết, hiện ông đang có 3ha cây cho “trầm chiếng” trong số 7ha trồng. Diện tích cây còn lại, muốn khai thác tốt phải chờ một năm nữa. Để có được thành quả này, ông Nhi đã phải khổ công rất nhiều, ngoài việc đích thân ra Quảng Nam học hỏi kinh nghiệm tạo trầm nhưng không đạt kết quả. Không chịu bó tay, ông tìm công ty có uy tín tạo trầm cho cây dó. Ông đã trải qua các công ty của Thái Lan, Singapore, các công ty trong nước như: Tinh Đất Việt, Phong Sang, Tường Yên. Mỗi công ty, ông cho thử nghiệm một ít, nhưng hóa chất họ cấy vào cây dó bầu không mang hiệu quả mong muốn. Cuối cùng ông trụ lại với công ty Phương Long (TP.HCM).

Quá trình tạo trầm cũng giống như tạo ngọc trai nhân tạo, tức là tạo vết thương để cây ứa nhựa bao phủ lấy vết thương, lâu ngày thành trầm. Để tạo trầm, Công ty Phương Long cử hai người thợ đến. Một người đục lỗ trên thân cây, cách nhau 1 tấc rưỡi, khắp cả thân cây dó 7 năm tuổi (thân cây bằng bắp vế), từ ngọn tới gốc. Một người bơm hóa chất vào lỗ đục. (Hóa chất không biết là thứ gì mà các hộ trồng dó bầu âm thầm ăn cắp đem phân chất chẳng có kết quả). Cấy hóa chất vào cây khoảng 6 tháng là có trầm, nhưng phải đến 24 tháng sau mới khai thác tốt. Năm 2007, ông Nhi đã cho cấy 547 cây dó bầu. Trong năm 2008 này, ông cũng cho cấy số lượng tương đương. Theo tính toán, bình quân, cứ 1 cây dó bầu cấy hóa chất, ông thu được 3kg trầm. Hiện nay, trầm thô (loại 6) có giá 800.000 đồng/kg. Còn loại 1 (trên 24 tháng) thì công ty chưa cho giá. Thế nhưng, vì ham lợi, một số người đã khai thác trầm “non”. Non vì cây chưa đủ tuổi (mới 3 năm) đã cấy, và trầm chưa đủ tuổi (mới 12 tháng) đã khai thác.

Ông Nhi lại vào buồng, mang ra lỉnh kỉnh nào hộp tròn, hộp dài khác nhau giới thiệu với chúng tôi sản phẩm trầm của Công ty Phương Long. Ông cười nói, cây dó bầu khi khai thác chỉ bỏ lá. Còn lại, thân cây, sau khi ép lấy tinh dầu, bã trộn với nhánh nhóc xay nhuyễn làm nhang. Nhang trầm có bốn loại: nhang dài 2 tấc và 4 tấc đựng trong hộp giấy hình chữ nhật với tên gọi “Nhang trầm Việt Nam”; nhang hình chóp và nhang khoanh đựng trong hộp giấy hình trụ, với nhãn hiệu “Lộc Phát”. Giá bán thì ông Nhi không được công ty cho biết. Sản phẩm của Phương Long xuất sang Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc. Công Ty Phương Long hiện đang ký hợp đồng với 4 hộ trồng dó bầu ở núi Dài, mà anh em ông Nhi đã chiếm hết 3, ăn chia theo tỷ lệ 5/5.

Trong khi chờ đợi “đếm tiền tỉ”, ông Nhi “lượm bạc cắc” từ việc ươm cây dó bầu. Dó bầu giống ông Nhi khai thác từ hột của 4 cây dó bầu thiên nhiên có trên đất nhà mình, nhân ra. Cây lớn lên, cho hột, ông lại ươm trong bầu, đưa ra thị trường. Năm 2000, ông bán hột và bầu (2.500 đồng/bầu - nay còn 1.500 đồng/bầu) cho Quảng Nam, Tây Ninh, Lâm Đồng. Hiện tại ông có 1 công đất sau nhà ươm cây dó bầu. Xung quanh thị trấn Tri Tôn có khoảng 5-6 cơ sở sản xuất cây dó bầu, bán khắp nơi, tới tận Campuchia.

* Hướng nông dân làm giàu?

Ông Trần Văn Cà tiết lộ ông Nhi bán hột dó bầu với hợp đồng 100kg/lần. Giá 1.500.000 đồng/kg. Vui miệng, ông Cà “bật mí”: “Cái thứ cây dó bầu này biết thì dễ trồng lắm. Có gì đâu chỉ cần trồng xen với chuối là bảo đảm sống gần 100%. Bởi, chuối vừa có bóng mát vừa giữ nước giúp cây mau phát triển, khỏi phải tưới. Đó là bí mật tay Nhi tiết lộ với tui vì tui là cậu ruột của ông ta”.

Nhưng cây dó bầu đâu chỉ trồng trên núi, mà còn trồng được cả ở chân núi. Chiều ấy, ông Nhi đưa chúng tôi tới nhà ông Lê Văn Lúa ở khóm Thanh Lương, thị trấn Ba Chúc. Sau nhà ông Lúa là “vườn” dó bầu 50 cây chi chít vết cấy trồng xen với mít, xoài. Ông Lúa sung sướng với viễn cảnh giàu sang sắp tới của mình, mời chúng tôi ở lại ăn bữa cơm “đạm bạc”…

Như thế, với điều kiện thổ nhưỡng của vùng Bảy Núi, cũng như ở Quảng Nam, cây dó bầu chắc chắn sẽ phát triển tốt. Ông Nhi phân tích: “Lâm nghiệp mà không có cây công nghiệp thì không phát triển. Trong khi trồng cây keo, bán chỉ có 10.000 đồng/cây, còn trồng dó bầu bán trên 500.000 đồng/cây. Cả hai loại cây này đều có giá trị môi trường rừng như nhau, nhưng giá trị kinh tế thì một trời một vực. Tuy nhiên phải có kinh tế vững mới phát triển cây công nghiệp dó bầu được”.

Sản phẩm trầm của Công ty Phương Long

Nhưng, theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy, cán bộ Chi cục Kiểm lâm An Giang, thì “việc định hướng phát triển cho loài cây dó bầu trên cả nước đang rất cần những chính sách hỗ trợ và thống nhất quản lý một cách bền vững. Theo thống kê Hội Trầm hương Việt Nam, cả nước có gần chục ngàn ha trải dài trên 23 tỉnh. Diện tích tăng dần hằng năm như “phong trào” tự phát và chưa được định hướng. Để tránh tình trạng trồng ồ ạt sau 5-7 năm, chặt cũng ồ ạt như lịch sử cây điều, cây mía, cà phê, tràm hay quế... việc phát triển của dó bầu rất cần có giải pháp về chính sách khuyến khích đầu tư theo kế hoạch dài hạn và những nghiên cứu dự báo về quan hệ cung cầu của thị trường trong và ngoài nước. Hiện nay, người dân nghèo vùng đồi núi An Giang chỉ mới được đầu tư khoảng 2% diện tích trồng rừng hằng năm của Chương trình Quốc gia (661). Do đó, chủ yếu phong trào trồng dó bầu chỉ do dân tự đầu tư là chính, thiếu kế hoạch hỗ trợ lâu dài của Nhà nước. Ngoài ra, vấn đề cốt lõi là thị trường tiêu thụ cũng chưa được thông tin và nghiên cứu đầy đủ một cách có hệ thống từ trong và ngoài nước.

Về quản lý, Nhà nước cần sử dụng những công cụ quản lý hành chính phù hợp nhằm bảo vệ được quyền lợi chính đáng của cả người trồng rừng và những doanh nghiệp thực sự có công nghệ tạo trầm hiệu quả. Chẳng hạn, từng doanh nghiệp trước khi được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực tạo trầm phải được công nhận quyền sử dụng hoặc sở hữu một dây chuyền, công nghệ tạo trầm được cấp có thẩm quyền phê duyệt”.

Thứ Tư, 26 tháng 3, 2008

Đi tour giỡ chà

Anh bạn dân Hà Tây, chắc lưỡi đầy thỏa mãn: “Sống ở đồng bằng sông Cửu Long ba mươi năm nay tôi mới biết giỡ chà thú vị như thế nào”. Không cầm lòng được, tôi buột miệng: “Nhằm nhò gì, là dân miền Tây Nam bộ chánh hẩu, hơn sáu chục năm nay tui mới chứng kiến được cảnh giỡ chà!”.

Mười giờ rưỡi sáng, chiếc tàu đò rộng rinh đưa chúng tôi rời bến sông Cần Thơ chỗ khách sạn An Bình, ngay đầu ngã ba Vàm Xáng, chạy chếch về bên kia sông chừng nửa cây số thì buông neo. Nước đang đứng ròng. Bên dưới bến sông, bảy chàng trai lực lưỡng và một thằng nhỏ đang lặn hụp giỡ mớ lục bình xanh um trong vòng bao lưới mà người địa phương còn gọi là đăng quần. Bên ngoài đăng quần, có hai thanh niên trên chiếc xuồng tam bản đang tới lui để phụ rạng lưới. Cái đám chà này của một nông dân trên bờ sông Cần Thơ chất đã hơn ba tháng rồi. Nay khách sạn An Bình mua lại, làm thành một “tua” du lịch mới gọi là “tua giỡ chà”, dự tính bán cho khách lữ hành về với miền Tây.

Ông Tám Nghiệp, chủ khách sạn An Bình, cũng là người từng sống bằng nghề chài lưới ở vùng tứ giác Long Xuyên hồi những năm 1960, được dịp giới thiệu với khách về công đoạn giỡ chà. Chà thường có chiều ngang từ 4 thước rưỡi tới 6 thước, dài từ 10 thước đến 20 thước, chất bên bờ sông lở, để dụ cá vô mỗi khi nước lên. Chủ chà phải chờ ít nhất ba tháng sau mới giỡ chà bắt cá; một năm giỡ chà ba bốn bận. Thường vào cuối mùa mưa (từ tháng 10 tới tháng 4 âm lịch), khi nước rút là mùa giỡ chà đông ken nhất. Trước khi giỡ chà một tuần, người ta rang cám, rang tép hoặc vắt cơm cục liệng vô đống chà dụ cá vào cho nhiều rồi bao lưới lại quanh đống chà trước đó một ngày.

Trưa hôm đó, trước khi giỡ chà, cánh “thợ chà” đã vớt bỏ lục bình ra khỏi đăng quần, rồi từ từ giỡ những nhánh chà to, dài chất đống bên bờ sông. Sau đó, đám thợ nghỉ khoảng hơn nửa giờ chờ nước ròng xuống thấp để giỡ tiếp chà bó. Chà bó là những nhánh cây nhỏ cột thành bó đặt gần nhau dưới đáy sông. Chà bó được một người kéo nhẹ tay từ từ chuyển vào mành lưới nhỏ do bốn người cầm bốn mép lưới chờ sẵn. Khi chà bó đã vào trong mành lưới, người ta bắt đầu huơ đảo cho cá tôm rơi vào mành lưới trước khi quăng xác bó chà vào bờ. Khi bốn thanh niên từ từ nâng mành lưới lên khỏi mặt nước, đã thấy cá tôm nhảy soi sói, búng lách tách tìm đường vượt thoát.


Cũng với bản năng sinh tồn như thế, có mấy chú cá đang cố phóng lên khỏi tấm đăng quần cao chừng hai thước. Hai cô gái là nhân viên của khách sạn An Bình là Như Ngọc và Như Hoa, vốn là thôn nữ vùng này, vậy mà mặt mày sáng rỡ, kêu “á” lên tiếc hùi hụi khi thấy những con cá dảnh, cá mè vinh, cá he phóng vọt qua mành lưới đăng quần để trở về sông cái. Anh bạn đi cùng vốn là dân xứ Quảng, nào giờ có biết giỡ chà ra sao nên tỏ ra rất hứng thú trước cảnh tượng này. Nhìn hai cô thôn nữ miền Tây vói chụp hụt hoài mấy con cá đang chới với trên không, cầm lòng hổng đậu, anh bèn ra tay nghĩa hiệp, chộp lấy… cái nón lá của cô Như Hoa hứng được một chú cá dảnh rồi sung sướng “dâng tặng” cho nàng Như Ngọc. Cái hoạt cảnh này càng làm cho cánh “thợ chà” hứng thú.

Nước rút, chà bó được gom hết. Tám người, kẻ trong lòng đăng quần, người chui ra ngoài vừa giữ mành lưới vừa tháo gỡ từng cây tre dài làm cọc giữ mành lưới. Họ từ từ thu gọn lưới vào. Khi hai mép lưới giáp nhau, họ đứng thành vòng tròn, nâng dần mành lưới lên. Cá, tôm trong lưới đua nhau nhảy tìm đường sống. Mấy chiếc thau nhôm, thau nhựa từ tam bản được chuyền vào để xúc cá đổ vào khoang xuồng. Nào là tôm càng xanh, cá he đuôi đỏ, cá dảnh, cá mè vinh vảy bạc, cá rô biển, rồi cá lau kiếng… Mọi người reo hò khi bắt được trong đám tôm cá ấy, một con cá bông lau và hai con cá ngát, mỗi con nặng hơn một ký.

Cánh nhà báo chúng tôi thấy buổi giỡ chà hôm đó kiếm được hơn chục ký tôm cá như vậy là sướng quá rồi. Vậy mà ông Tám Nghiệp có vẻ buồn lòng. Ông nói, hồi nhỏ theo cha mẹ đi giỡ chà trên kinh Mướp Giăng ở miệt Hòn Đất thì cá nhiều vô kể; trúng thì trên trăm ký, thất cũng khoảng bảy tám chục ký. Ông than, bây giờ người ta đánh bắt cá trên sông rạch một cách hủy diệt, bằng đủ mọi phương tiện, nên chuyến giỡ chà này được bây nhiêu cũng coi là “trúng”.

Xế trưa, buổi giỡ chà kết thúc. Tàu đò nhổ neo, trở về nhà hàng khách sạn An Bình. Mọi người đã nghe bụng đói cồn cào và nóng lòng chờ được thưởng thức kết quả cuối cùng của “tua giỡ chà” độc đáo của ông Tám Nghiệp.

Bên bờ sông rộn ràng tiếng máy ghe tàu qua lại, ông Tám Nghiệp dựng lên vài cái “tum” làm bằng lá xé, mát rượi. Trong khi chờ tôm cá lên món, chúng tôi lai rai vài ly rượu thuốc ngâm bằng chuối cơm, chuối cau, chùm ruột hoặc bưởi mà theo chủ nhân thì nó giúp cho mình giãn được gân cốt, ăn ngon ngủ yên.




Và chỉ sau vài tuần rượu, đã thấy bóng hai cô thôn nữ Như Hoa, Như Ngọc từ dưới bếp đi lên. Nào là tôm càng xanh nướng thơm phức chấm với muối ớt; nào là cá mè vinh kho ngót, cá he muối sả chiên, cá rô biển muối sả ớt nướng đua nhau được dọn ra. Sau cùng là cái lẩu mẻ cá bông lau thơm lừng, sôi ùng ục. Bông so đũa trắng ngà, tươi rói; rau nhút xanh dờn; cà chua đỏ tươi nhúng vào trong chốc lát. Cá chín gắp ra dĩa, giẽ chấm nước mắm trong giằm ớt sừng trâu đỏ hoặc chấm muối hột đâm với ớt hiểm xanh. Hết lớp cá bông lau tới lượt cá ngát cho vào lẩu. Rượu vào lời ra, Tám Nghiệp hứng chí đọc câu nói lưu truyền trong dân gian: “Nhứt rún chị sui, nhì môi cá ngát” khiến hai cô thôn nữ phục vụ bàn đỏ rần mặt mày. Anh bạn quê Cần Thơ lại nói, “ngon nhì” của con cá ngát là món chả trứng. Nghiền cho trứng bể bằng muỗng. Cứ một chén trứng thì trộn ba chén nước cùng gia vị rồi đem chưng hoặc chiên. Đặc biệt, nếu được bổ sung nấm mèo, nấm đông cô, tàu hũ ky, bún tàu, thịt nạt băm… thì món trứng cá ngát chiên sẽ là món tuyệt cú mèo, mấy ai được thưởng thức.

Trời đất ơi! Cái bữa cơm trưa từ “tua giỡ chà” hôm đó, nó cứ đi theo mọi người về tới tận Sài Gòn, Chợ Lớn… ./.

Thứ Hai, 4 tháng 2, 2008

Cuối năm đi ca cổ

Gởi H.T.S

Tao ngồi ở giữa vòng vây


Mấy em gái tuổi chưa đầy hai mươi


Miệng tươi hoa súng nói cười


Tay nâng ly rượu mọc mời niềm vui


Cuộc đời đau đớn dần trôi


Tiếng ca lời hát ầu ơi ru lòng


Chiều phai rồi bóng hoàng hôn


Và đêm thì tối như chôn đời mình


Các em vui như vô tình


Giọt lệ nào đó đọng hình mắt tao


Càng vui càng buồn, tại sao?!



Cần Thơ, 3-2-2008






Thứ Tư, 23 tháng 1, 2008

Trà Vinh, những đêm gió bấc

Hàng chục năm qua, cứ hễ vào những ngày lộng bấc, nhất là vào buổi tối, là tôi lại nhớ tới thị xã nhỏ bé đầy bóng sao dầu cổ thụ Trà Vinh. Tôi nhớ đến căn nhà mái tôn thấp, nằm lọt thỏm dưới hai “con đê” cao là đường Lê Quang Liêm (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai) và đường Trần Quốc Tuấn (đường số 2). Đó là căn nhà tôi trọ học những năm phổ thông trung học. Cùng với tôi còn có năm ba anh em đồng hương Cầu Kè “ăn cơm tháng” tìm lấy cái chữ cho cuộc đời mình. Vì vậy căn nhà rộn rịp vào ban ngày tuổi trẻ chúng tôi. Nhưng đêm xuống lại thanh vắng bởi mỗi đứa “chiếm ngự” một góc với cuốn tập học bài hoặc cây viết trên tay giải bài toán hay viết bài văn nào đó. Càng vào sâu đêm, sự thanh vắng càng rõ và buồn nhất là trong những đêm gió bấc cuối năm.


Căn nhà ngoài nằm dưới “thung lũng” của một ngã ba đườngnày còn lọt thỏm dưới “rừng” sao dầu dày mịt xung quanh. Những đêm cuối năm, gió bấc oằn oại kéo lê tiếng rít ghê người trên những ngọn sao dầu già cỗi nghe buồn tê tái. Một vài cơn mưa muộn lành lạnh phất vô lòng. Dài trên đường, tiếng gõ mì nao nao từ xa vọng lại, ngày một gần hơn. Âm thanh hai thanh tre chạm lắc cắc vào nhau sao mà não nuột. Bụng dạ đói cồn cào. Vậy là kêu một tô, nhấm nháp vị ngọt ngon của tinh bột hòa trong mấy miếng thịt bé tí nóng hổi nước lèo húp ấm cả thần hồn.

Đêm càng về khuya, tiếng gió lùa trên tàng sao dầu cổ thụ càng buồn. Rồi, không sót đêm nào, trong không gian tê lạnh ấy, có tiếng đàn ghi ta bập bùng, phát ra từ mấy ngón tay của một người sau hè nhà tôi trọ. Đó là một anh chàng trẻ tuổi, ban ngày đi đâu không biết, chỉ xuất hiện vào tối khuya như thế nầy. Tiếng đàn anh như đốm lửa cháy sáng lập lòe trong đêm vàng vọt ánh đèn phố thị, vừa làm ấm lòng người xa xứ như tôi vừa làm nó lạnh hơn với nỗi buồn không tên gọi. Tiếng đàn ghi ta xa vắng mênh mông qua từng âm điệu boléro dập dờn sóng nước. Anh là nghệ sĩ nghiệp dư “chuyên trị” nhạc Trúc Phương. Hết “Nửa đêm ngoài phố”, “Tàu đêm năm cũ”, “Hai chuyến tàu đêm”, “Mưa nửa đêm”, thì tới “Đò chiều”, “Bóng nhỏ đường dài”. Anh cứ dẫn lòng tôi đi khắp mọi miền đất nước, các chuyến xe, chuyến đò với những buồn vui tình đời, tình người, tình yêu miên man bất tận. Hết đàn, anh lại ca. Tiếng ca trầm ấm của anh, cũng như tiếng đàn, làm lòng tôi chùng xuống. Không chùng xuống sao được, khi: “…Thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời. Đường phố vắng đêm nao quen một người. Mà yêu thương trót trao nhau trọn lời (…) Nửa đêm lạnh qua tim. Giữa đường phố hoa đèn. Có người mãi đi tìm. Một người không hẹn đến. Mà tiếng bước buồn thêm”... Tiếng hát anh hòa cùng tiếng ghi ta, tiếng gió hú trên cao cùng những cơn lạnh lùa que khe vách lá thấm vào tôi biết bao nỗi niềm. Đêm thực tại và đêm trong ca từ Trúc Phương như hòa vào nhau làm một. Dù chưa biết yêu nhưng tôi cũng nghe yêu lắm rồi những cô thiếu nữ xuân thì lãng mạn, gây buồn trong ca từ nhạc sĩ đồng hương này: “Đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần buồn. Đôi khi nhầm lỡ đánh mất ân tình cũ. Bao năm qua rồi còn nuối tiếc. Nghe lòng đầy giá buốt. Thương nhau rồi. Xa nhau rồi. Một lần dang dở ấy. Đêm lạnh vui với ai?”… Âm hưởng của tiếng đàn, giọng hát, lời ca như càng lúc càng đi sâu vào lòng tôi. Nó thẩm thấu từ ấy cho tới tận bây giờ, khiến tôi dù đi đâu, ở đâu, những đêm gió bấc tràn về rào rạt trên tàng cây cao là lòng tôi buồn rượi, nhớ về Trà Vinh những năm 1960 ấy. Mộng mị. Lãng mạn. Xa vời. Nhưng không nguôi luyến nhớ!

Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2008

LÀNG NGHỀ VÀO XUÂN

Vợ chồng anh Hiển từ Australia đưa con gái và con rể lần đầu tiên về Việt Nam ăn Tết. Ghé nhà tôi, anh chị trang trọng mở bọc giấy khoe. Cứ tưởng vật gì, té ra là chiếc muỗng cà phê được chế tác bằng gỗ dừa. Cầm chiếc muỗng trong tay, anh Hiển bảo rằng loại hàng mỹ nghệ này được người Úc ưa chuộng rồi nhờ tôi đưa đi tham quan cái làng nghề đó.

Chiếc thuyền du lịch vượt sông Tiền. Sóng nước mênh mông. Cồn Phụng, cửa ngõ vào Bến Tre, cây xanh và những hàng dừa rủ bóng ven bờ hiện ra trước mắt. Tàu cặp bến. Đi dài theo con đường đất nhỏ, chẳng mấy chốc, chúng tôi đã nghe tiếng máy âm âm vọng tới. Đó là “hơi thở” của ngôi làng gồm 10 cơ sở sản xuất sản phẩm mỹ nghệ bằng gỗ dừa. Anh Hữu Lộc, hướng dẫn viên Trung tâm Điều hành du lịch (Công ty cổ phần Du lịch Bến Tre) cho biết, làng nghề ở đây hoạt động suốt các ngày trong tuần, phục vụ khách tham quan. Trong gian nhà mái tôn bộn bề những miếng gỗ dừa, những vụn dăm bào, mấy người thợ đang gò mình chăm chút từng công đoạn sản xuất. Mũi đục bén ngót trên tay chàng trai trẻ ăn ngọt vào sớ gỗ một cách cẩn trọng tạo thành mặt lõm chiếc vá bới cơm. Xong phần “làm thô”, chiếc vá nhanh chóng được chuyển qua tay người thợ làm bóng. Chỉ vài thao tác, vân gỗ dừa dần hiện lên và những vân ấy càng đẹp hơn sau khi được một người thợ khác đánh bóng bằng sáp.


Sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa.

Michel, con rể anh Hiển rất ngạc nhiên, luôn tắc lưỡi trầm trồ vì không ngờ cái thân dừa tưởng chừng vô dụng lại được chế biến thành một sản phẩm đẹp. Cậu ta rất thích thú khi đứng trước tủ kính trưng bày các sản phẩm. Cứ hết cầm con khỉ bịt tai, vớ con khỉ bịt mắt, rồi lấy con khỉ bụm miệng, Michel tủm tỉm cười hoài. Anh Hiển nói với con rể bằng tiếng Việt: “Mấy con khỉ rắn mắt”. Hai cha con cười vang, khoái trá. Anna Hương, con gái anh Hiển, đứng cạnh chồng, cứ hích cùi chỏ vào hông chàng trai Úc như khuyến khích cậu ta mua cho mình mấy chiếc kẹp tóc bằng gỗ dừa. Cô bảo, về bển chắc chắn “không đụng hàng”. Anh Hiển thì nhanh tay lựa và bảo cô gái bán hàng gói cho mình bộ ấm trà xinh xắn như món đồ chơi. Riêng chị Hiển đang lựa các muỗng, đũa, vá với vẻ mãn nguyện khi chọn những vật dụng nhà bếp “độc chiêu”, hãnh diện những khi có khách. Rời cơ sở, vợ chồng, con cái anh Hiển mang lỉnh kỉnh những gói hàng mà vẫn còn cứ tiếc chưa mua được đủ đầy các loại sản phẩm. Riêng Anna Hương thì cứ chắc lưỡi ân hận vì quên chưa mua được chiếc giỏ đan bằng cọng lá dừa mà cô cứ trầm trồ đẹp ơi là đẹp!
***
Chiếc xe 12 chỗ ngồi chạy êm ru trên con đường tráng nhựa phẳng phiu. Hai bên đường xanh ngút một màu xanh no ấm của hàng bao nhiêu loại cây ăn trái. Vốn được sinh ra trên đất nước kanguroo, nên Anna Hương chốc chốc lại kêu lên: “Ba ơi, đẹp quá kìa!”. Theo tay chỉ của cô, là những vườn cây xanh nổi màu đỏ quyến rũ của trái chôm chôm. Bỗng cô hét toáng lên: “Ôi, trái gì vậy, ba?”. Anh chị Hiển bật cười: “Sầu riêng, con à!”. Những trái cây đầy gai nhọn được bày bán dài theo hai bên đường. Theo yêu cầu của Anna Hương chúng tôi ghé một nhà vườn. Trên những liếp nền đất sạch sẽ, sầu riêng được trồng ngay hàng thẳng lối, cành nào cành nấy lủng lẳng những trái. Nhìn thấy một trái treo tòn ten trên cành bởi sợi dây ni-lông, người chủ vườn nhanh nhẹn leo lên. Một nhát dao cắt dây, xuống đất, một mũi dao tách vỏ, mấy múi sầu riêng có màu vàng bắt mắt ngoan ngoãn nằm yên trong lớp vỏ mỏng dánh hiện ra. Mỗi người cầm một múi mềm mụp, dầy cộm, không dính tay, như được phủ lớp ni-lông, cho vào miệng. Mùi sầu riêng thơm lựng thoảng vào mũi. Miếng sầu riêng tan trên mặt lưỡi thấm sâu đốc giọng cái mùi đặc trưng. Tuyệt vời!


Sầu riêng Cái Mơn


Anh Hữu Lộcgiới thiệu, ngoài việc nhà vườn cho sầu riêng ra trái quanh năm, Cái Mơn (Chợ Lách) còn có nhiều vườn bòn bon, măng cụt, xoài cát Hòa Lộc trái to vị ngọt thanh, bưởi da xanh ngọt giòn… Được hình thành bởi ba dãy cù lao nên ưu thế số một của Bến Tre là vườn. Vườn ở xứ này được lập từ thời Tự Đức. Cái Mơn còn có nghề chiết, tháp cây ăn trái nổi tiếng. Ngày nay, người Cái Mơn chuyên tâm sản xuất cây giống để lái nơi khác đến “ăn hàng” đưa đi khắp nơi tiêu thụ.
Cái Mơn còn có vườn kiểng. Từ xưa, kiểng được xem là sáng tạo của miệt vườn. “Người ta nuôi và uốn chúng với những đường nét, quan niệm thẩm mỹ khá độc đáo, khác lối uốn kiểng của người Trung Hoa, của miền Trung hoặc miền Bắc. Kiểng được người dân nơi đây uốn theo kiểu xuy phong, mẫu tử với những tàn tiêu biểu cho tam tùng tứ đức hoặc tam cang ngũ thường, trên chót là ba nhánh nhỏ tiêu biểu cho nhật, nguyệt, tinh. Nhánh kiểng phải “hô, ứng”, nhánh này nghinh thiên thì nhánh kia phải yểm địa…”. (*). Ngoài ra, Cái Mơn còn có nghề uốn kiểng thú. Đi trong những khu vườn yên ả, nhìn bàn tay tài hoa của người thợ uốn, bẻ, sữa, cắt từng nhánh cây, Michel không thể ngờ trên đời có một thú chơi với những con thú “lông xanh” như: nai, cá hóa rồng, ngựa, đặc biệt là con giáp của năm âm lịch, loại hàng được khách Singapore, Hồng Công ưa thích.


Kiểng thú


Trở về Cần Thơ, anh Hiển cứ tiếc nuối không có điều kiện tham quan hết các làng nghề ở Bến Tre, nơi còn có nhiều cơ sở sản xuất kẹo dừa thơm vị trái cây; bánh phồng sữa có thể ăn ngay không cần nướng có vị ngọt, béo, thơm mùi sầu riêng, lá dứa; và “bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc” nổi tiếng cả nước… Phải nói rằng, làng nghề ở Đồng bằng sông Cửu Long phân bổ đều khắp nông thôn, thu hút hàng chục ngàn lao động, lưu giữ bản sắc văn hóa của cha ông. An Giang có dệt thổ cẩm của người Chăm ở Phủm Xoài (Châu Phong, Tân Châu), của người Khmer ở Sray Sakoth (Văn Giáo, Tịnh Biên), làng cá bè ở Châu Đốc. Phú Quốc (Kiên Giang) với nghề khai thác và chế biến nước mắm cá cơm có hương vị thơm ngon đặc biệt, đến đỗi từ điển La Rousse của Pháp phải đưa từ nuoc-mam vào. Vĩnh Châu (Sóc Trăng) có nghề dệt chiếu gia truyền ở Cà Săng. Gò Đen (Long An) nổi tiếng hàng trăm năm nay với rượu nếp lứt, đặc biệt là nếp trắng cho rượu ngọt đậm, thơm lừng, nước trong, sủi tăm, không có màng bám thành ly. Trà Vinh thì được nhiều người biết đến với nghề làm bánh tráng ở Lương Hòa (Châu Thành) nằm cạnh danh thắng ao Bà Om. Đặc biệt là những nghề theo con nước lớn. Đó là làng đóng ghe xuồng ở Ngã Bảy (Thị xã Tân Hiệp, Hậu Giang) và An Bình (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), chuyên đóng xuồng tam bản phục vụ dân chài lưới, đi câu, vận chuyển lúa gạo, thủy sản, trái cây… TP Cần Thơ có xóm lưới Thơm Rơm, làng lọp tép Thới Long (Ô Môn), lò luộc tép Thạnh Quới (Thốt Nốt) hoạt động nhộn nhịp mỗi năm từ tháng 5 đến tháng 9 âm lịch…
Với cảm quan của người nước ngoài, Michel nói một cách khách quan: đa dạng và phong phú, là ưu thế của Đồng bằng sông Cửu Long có thể hấp dẫn khách du lịch. Các làng nghề cần phải được sắp xếp một cách khoa học, nhà xưởng phải được xây dựng theo truyền thống, khang trang, sạch đẹp. Sản phẩm tạo ra phải ngày càng khéo léo, tinh xảo, có giá trị sử dụng trong đời sống, chứ không đơn thuần là vật trang trí. Thiết kế, thay đổi kiểu dáng mẫu mã cần phải được quan tâm, giải quyết tốt đầu ra… Có như thế, diện mạo của các làng nghề của ĐBSCL sẽ được thay đổi, vừa giữ được bản sắc độc đáo không nước nào có vừa mang tính hiện đại, hấp dẫn du khách và phát triển bền vững hơn.
Qua nhận xét của Michel, tôi chợt nhận ra rằng lâu nay có một tiềm năng du lịch chưa được chú ý lắm, dù đã có một vài nơi khai thác. Nhưng rõ ràng nếu lập các tua du lịch làng nghề một cách nguyên xi thì chưa được, cần phải có kế hoạch dài hơi và liên kết cả vùng. Khi đó, làng nghề Đồng bằng sông Cửu Long mới thực sự vào xuân.

-----------
Sơn Nam, “Đồng bằng sông Cửu Long – Nét sinh hoạt xưa & Văn minh miệt vườn”, Nhà xuất bản Trẻ tái bản, 2004, tr. 327.
--------

tuyetdieu.com

Anh bạn tôi là nhà báo, quen sử dụng máy đánh chữ từ khi còn trẻ. Khi tòa soạn bước đầu kế hoạch “vi tính hóa”, anh chẳng màng quan tâm, bởi “lưng lửng quan” nên anh đâu phải có bài theo định mức hằng tháng mà ban biên tập đã đề ra cho toàn bộ phóng viên. Tết năm đó, tổng biên tập yêu cầu anh viết báo xuân. Thì viết. Nhưng khi nhận lại bài viết, anh thấy nơi góc trái đầu trang, gần bên tít bài, có dòng chữ: “Nhanh chóng xóa mù vi tính” của tổng biên tập. Tự ái, anh dành ra một buổi học và thực tập cách nạp liệu. Dễ ợt. Phấn khởi, anh học cách save bài cùng một vài yêu cầu bức thiết mà anh cần biết để giải quyết những mắc mứu gặp phải khi biên tập bài cộng tác viên trên máy. Dần dà anh cũng học được khá nhiều điều bổ ích từ máy tính, do mấy phóng viên đệ tử chỉ dẫn.

Các bạn khuyên anh nên học một khóa vi tính nhưng anh chẳng quan tâm vì nghĩ mình chẳng sử dụng máy tính nhiều học làm chi cho mất công, nhất là cái đầu của mình như cái băng nhão, dung nạp những điều học được chẳng là bao. Phí công, hoài của!

Rồi cũng đến ngày anh về hưu. Lương hưu chẳng là bao, lại thiếu mất món tiền phụ cấp trách nhiệm khá lớn, anh phải viết bài gởi báo để kiếm thêm thu nhập. Vậy là anh mua cái USB, rồi lẩm nhẩm, thực hành các thao tác save bài từ máy vô USB và ngược lại, mất mấy buổi trời mới nhớ. Công việc đòi hỏi anh phải vô Internet mới có điều kiện tốt gửi bài cho các báo ở Thành phố Hồ Chí Minh, ở Hà Nội, bởi gửi bài bằng trang in hiếm khi được các họ sử dụng. Vì, bài viết nếu sử dụng được phải nạp liệu lại, sửa morasse lu bu, mất thời giờ rất nhiều. Vậy là phải học sử dụng Internet. Trầy trật mãi rồi anh cũng được mấy đứa con kềm cặp thành công. Gửi bài qua email quá tiện lợi. Dù đến tòa soạn “báo nhà” chẳng bao xa nhưng với phương tiện này anh khỏi mất công mặc quần áo, phóng xe đi. Bài báo và ảnh như bóng với hình. Đó là yêu cầu số một của các báo. Không có ảnh, bài hay cỡ nào cũng “vứt”! Nên anh phải sử dụng máy ảnh kỹ thuật số. Cái này dễ, chỉ cần đưa máy ảnh lên ngang mắt cân đối bố cục là bấm. Tuy nhiên để lưu ảnh vào máy tính anh phải nhờ con. Nhiều bữa không có đứa con nào ở nhà để nhờ lưu ảnh vào máy tính để gửi đi ngay, anh bực bội vô cùng. Không lẽ thúc thủ quy hàng? Anh nghĩ chắc nó cũng giống như save bài từ USB vô máy tính. Vậy là anh loay hoay làm thử. “Rùa” dẫn đường, anh thành công mỹ mãn.

Viết báo đòi hỏi phải có nhiều tư liệu tham khảo bổ sung nhằm nâng cao giá trị bài viết. Các bạn nói “gõ” Google một cái là có nhóc. Anh thử làm, quá đạt yêu cầu. Hàng bao nhiêu núi tư liệu giúp anh giải quyết nhu cầu bức xúc, điều mà trước đây anh phải ngồi hàng giờ, thậm chí có khi cả mấy ngày kiếm cho ra quyển sách, trang sách có tư liệu đó. Mà sách nhà anh thì đâu phải ít, lại “được” sắp xếp vô cùng lộn xộn bởi vợ và các con anh sau khi đọc xong! Như vậy không mất hứng viết cái mới lạ! Anh khoan khoái cười mỉm chi, từ nay ta đã có chiếc đũa thần, chỉ cần gõ một cái là nó “hóa” thành phép lạ ngay. Vậy là hàng bao nhiêu tạp chí, sách, báo tư liệu của anh trong phút chốc đã được cân ký lô cho đỡ chật nhà, bụi bặm, mối xông, vài ba tháng lại phải đem phơi nắng một lần nữa chứ. Tuyệt vời! Tuyệt vời hơn là vô Google, gõ bút danh anh một cái, hàng bao nhiêu bài báo của anh đều được sắp hàng tới mấy trang. Cha, cả thế giới đọc, sưu tra bài viết của mình. Hãnh diện thật. Khoái nhất là mấy bài viết của anh đã “mất tích” từ lâu, nằm chình ình trên website của một báo nào đó, chỉ cần “nhấn nhấn” mấy phát, a lê hấp nó đã chễm chệ vô kho lưu trữ của máy tính nhà anh rồi. Trên net, hầu như không thiếu tờ nào nên anh đọc “chùa” thoải mái. Tin tức cập nhật liền tù tì, nóng hổi, báo giấy làm sao bì. Hồi anh bị mất điện thoại, tính mua cái mới, con anh mở máy tính, truy cập net, ê hề hàng bao nhiêu chủng loại, từ giá bèo tới giá cứng, lại còn ghi rõ các chức năng của nó. Lạ một điều, truy cập tư liệu qua Google hoặc Yahoo! nếu gõ trật một chi tiết, hoặc sai chính tả, như có một con ma, nó nhắc nhở anh ngay để làm lại tốt hơn!...

Có Internet, đã hơn nữa, là anh còn liên lạc được với bất kỳ người bạn nào, ở bất cứ địa phương nào, kể cả nước ngoài, miễn anh chị ta có Internet. Cứ thăm hỏi nhau thoải mái, chẳng tốn là bao so với điện thoại. Hình ảnh chụp chung trong chuyến đi chơi đâu đó, về mail qua mail lại, lưu trong máy lâu lâu mở coi, còn được phóng lớn theo yêu cầu nữa chứ, sướng nào bằng. Sướng nữa là vừa viết bài vừa nghe nhạc từ máy tính. Ái chà, có người còn nói gắn cái webcam gì đó khi nói chuyện với nhau sẽ thấy được mặt nhau. Cái mới “độc”!

Với số vốn sử dụng máy tính và Internet như vậy, đi đâu anh cũng quảng báo sự tuyệt vời của nó với mấy ông bạn già. Nhưng kỳ cục, chẳng thấy lão nào hưởng ứng. Ai cũng ừ hử cho qua tang lề. Bực thật. Ngẫm nghĩ, anh mới biết, té ra cái đầu của họ đã “nhão” nên rất ngán sử dụng công cụ hữu ích hiện đại này. Giống như anh hồi trước kia thôi, không nhớ được nhiều động tác ra lệnh máy tính nên rất khổ sở mỗi khi ngồi vào máy. Rồi mọi bức bối cũng trở nên dễ chịu, khi anh bạn già của anh phát hiện một phương pháp học nhanh và dễ nhớ. Đó là học “tắt”, học với mấy anh làng nhàng, bấp bỏm vài ba “chiêu” sử dụng máy như mình, cách học “bình dân”. Còn làm theo cách dạy “hàn lâm” của mấy tay siêu máy tính thì dứt khoát sẽ khiến ta “nản lòng chiến sĩ”, “buông súng” là cái chắc vì phải đi qua nhiều công đoạn lu bu! Nhờ vậy mà anh học được khá nhiều điều để sử dụng máy tính được nhiều hơn. Mà máy tính thì còn có hàng hà sa số công năng khác mà anh chưa nắm hết, vừa tốt vừa xấu, đủ cả. Nó là thứ công cụ được anh tạm gọi là tuyetdieu.com./.