Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2007

Ý nghĩ trong khi mất điện

Xin cảm ơn sự trở chứng bất thường

Của một đường dây tải điện

Đêm nay

Ở miền viễn tây Nam bộ

Chúng tôi ngồi trong bóng tối mênh mông


Trời đang ngày bỗng chốc hóa đêm

Đen như những giọt cà phê hằn đáy cốc

Cái nồng nã cái nôn nao câu chuyện

Chợt đứt ngang như dòng điện tắt không lời


Tám chúng tôi ngồi mỗi đứa một nơi

Quanh chiếc bàn tròn, trên ghế mình, dĩ nhiên thế

Mỗi người thả tưởng tượng rong chơi một phía

Bất chợt cùng kêu lên khi có ánh trăng soi


Sự bình thường đột ngột đến với chúng tôi

Thông qua đêm mất điện

Ai cũng thấy mình mỗi ngày một mất

Thiên nhiên diệu kỳ và rất bao dung


Xin cảm ơn đêm nay không phải tối ba mươi

Đã treo ngọn đèn đẹp xinh đến thế.

___________
Châu Đốc, 9-2-1987

Bài thơ trên toa thí

 

                   Chẳng hãi hùng vì mìn đặt dưới đường ray

                   Khi bật nổ em là người hy sinh trước

                   Lòng nôn nã đến với đoàn quân xa nước

                   Vũ khí em là cây viết trên tay

 

                   Đâu phải vì em chẳng biết hiểm nguy

                   Khi chân bước lên sàn toa thí

                   Cô gái Việt Nam đương thì rất đẹp

                   Vẫy tay chào tạm biệt Phnom Penh

 

                   Chung với em còn có bao người

                   Áo sặc sỡ cùng màu xà-rông lượt bượt

                   Cụ già nâng ly mời em nếm trước

                   Rượu Chmar Khmau vị quế ấm nồng

 

                   Tàu rú còi rung ngọn thốt nốt cao

                   Gió nồng nã đầu mùa mưa thổi dạt

                   Tay che mắt tay che đầu: nắng gắt

                   Em mỉm cười học tiếng Khmer

 

                   Bên này đồi bên kia núi - vượt qua

                   Bao ga lẻ đón con tàu đi tới

                   Mở căng mắt em nhìn đất đai đổi mới

                   Rừng chồi ơi! Xanh lá tươi mầm.

 

Phsar Roméas, 6-1987


Chia tay không vội

 

                   Tôi đưa em về chiều mưa vội bến sông

                   Ngọn gió vội thổi tàn cây rơi lá vội

                   Mặt đường ướt nhòe vội đen sắc nhựa

                   Người vội qua xe vội vút trong mù

 

                   Mưa vội rơi nặng hạt dài sông

                   Đợt sóng vội đẩy thuyền đi vội

                   Chiều vội tàn. Đèn ai vội sáng

                   Đêm vội về. Lâu. Đã chừng lâu

 

                   Mưa. Cứ mưa. Mưa mãi. Mưa hoài

                   Con đường vắng đôi người vội muộn

                   Em nép sát vào tôi mắt nhìn lơ đãng

                   Trắng một khung trời. Mưa đổ. Vội chi xa.

 

30-6-1988


Chuyện tình

 

                   Đã quen nhau bốn năm rồi

                   Mà sao mỗi đứa một đời riêng tư

                   Em hiền như một lá thư

                   Không lên tiếng - vẫn tiếp thu được lời

 

                   Bữa nay trắng một khung trời

                   Mận nhà em trắng ngõ mời tôi vô

                   Tôi vô – thì cứ tôi vô

                   Làm như thể rất tình cờ gặp nhau

 

                   Lá trầu ăn với miếng cau

                   Năm xưa - cắn chỉ đỏ au môi người

                   Em như cái lá trầu tươi

                   Cắn tôi đến nỗi dập môi – ái tình

 

                   Rất vô tình - rất vô tình

                   Cái ly nước đứng một mình – còn nguyên

                   Tấm lòng nguyên ở con tim

                   Mà sao nó chảy triền miên - mắt nhìn

 

                   Tôi ho đâu phải vô tình

                   (Đến hồi lá phổi bất bình cái môi)

                   Tôi ho là để ho thôi

                   Cho nhà em bớt lẻ loi tiếng người

 

                   Lá thư còn nói nên lời

                   Mà em, tôi - vẫn cứ ngồi trơ trơ

                   Cầu trời cho có cơn mưa

                   Để tôi run với sấm lùa trên không

 

                   Cuối cùng – hà tiện vẫn hơn

                   Trời đâu chịu đổ một cơn mưa dầm

                   Trái tim tôi đập ầm ầm

                   Chắc em nghe rõ khi gần - nắm tay

 

                   Ban đầu tưởng chỉ riêng tôi

                   Run tay là bởi bồi hồi – tay run

                   Bàn tay em – phút cuối cùng

                   Thú nhận hết nỗi lo chung – khác gì!

 

24-8-1988


Câu chuyện “lửa” và “khói”

8-8-2007

Nhà thơ Lê Chí từ bỏ chức giám đốc Nhà xuất bản Cà Mau, về làm cán bộ sáng tác tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Cần Thơ. Khoảng đầu năm 1994, một hôm, anh nói với tôi: “Ông làm bản thảo tập thơ đi, tôi biên tập”. Tôi từ chối ngay: “Thôi, tiền đâu in!”. Anh cười trấn an: “Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Cần Thơ in”. Chần chừ rồi tôi cũng bị anh thuyết phục. Tập thơ đầu tay “Thơ tình tuổi bốn mươi” của tôi in có nhiều sai sót, nhiều năm qua tôi muốn in tập khác theo sự đôn đốc của bạn bè. Tôi đã chọn cho tập thơ này cái tên: “Buồn sống”. “Buồn” ở đây có nghĩa là “mắc”, “muốn”, “ham”, như “buồn ngủ”… Cái tên này, theo tôi, quá đã…nhưng không có tiền in. Buồn ngủ gặp chiếu manh, vậy là tôi gom thơ lại, đưa anh Lê Chí với tên tập thơ là “Vòng quay”, ý nói cuộc sống như một vòng quay đối với con người. Tên này dễ chấp nhận hơn tên “Buồn sống” nhiều khiêu khích, có thể bị hội “ách” lại.

Lâu lâu, gặp nhau, tôi hỏi hoặc tự ý anh Lê Chí cho biết tập thơ đang được duyệt…

Một hôm, anh Lê Chí hớt hải báo hung tin: “Chết rồi, tập thơ ông bị đánh tơi tả, cho là bôi đen chế độ, ở tù như chơi”. Rồi anh lấy bản viết tay trên hai mặt giấy nhận xét về tập thơ này (xin xem bản photo) mà anh bí mật lấy được đem photocopy. Đọc xong, tôi hoảng kinh hồn vía. Anh Lê Chí nói không biết nét chữ của ai, có thể của một tay nào đó ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Găng lắm! Tôi than: “Cũng tại ông!”. Anh Lê Chí bèn hiến kế: “Để cứu nguy, ông phải cho in gấp tập thơ này, không được bỏ một bài nào, không được sửa một câu, một chữ”. Trong đầu tôi liền nghĩ đến nhà thơ Nguyễn Liên Châu và nhà văn Nguyễn Đình Bổn. Hai ông bạn thân của tôi đang làm dịch vụ in sách ở Sài Gòn. Nhẹ cả người, tôi nói xuôi xị: “Được. Nhưng căng nhứt là tiền”.


Lỡ “phóng lao”, tôi phải “theo lao”, đem bản thảo lên Sài Gòn, vô con hẻm 220 đường Lê Văn Sĩ, quận 3, gặp và nhờ Nguyễn Liên Châu nhờ xin giấy phép ở Nhà xuất bản Đồng Nai với điều kiện gắt gao ấy. Không thèm đọc bản thảo tập thơ, bạn vàng Nguyễn Liên Châu cười mỉm: “Chuyện nhỏ”, rồi bảo cứ yên tâm, đừng lo tiền bạc, sẽ tính sau. Tập thơ được lấy tên “Ngọn khói”, vì “khói” này “phải” có do “lửa” từ nhận xét “có thể vô tù” ấy. Tôi gặp nhà thơ Ngô Nguyên Nghiễm ở 21, Hưng Phú, phường 8, quận 8, TPHCM, nói chuyện này. Anh và nhà thơ Trần Hữu Dũng gợi ý nhờ họa sĩ Chóe vẽ chân dung cho thêm phần “bề thế”. Ông Chóe ô kê cái rụp. Thêm vào, tôi đã có sẵn chân dung do Lê Thánh Thư vẽ. Lần lên Sài Gòn đó, anh Nghiễm rủ tôi lên nhà nhà thơ Phạm Nhã Dự ở Bà Điểm nhậu. Biết tên Phạm Nhã Dự trước 1975 nên tôi vui vẻ nhận lời. Đi cùng còn có Trần Hữu Dũng, Lê Thánh Thư và một vài bạn bè mà tôi không nhớ được. Đang nhậu rượu thuốc, Lê Thánh Thư nổi hứng bảo chúng tôi lần lượt làm mẫu cho anh vẽ chân dung. Anh Nghiễm đùa: “Nó mà vẽ cái gì”. Bởi, Lê Thánh Thư tới lúc đó chỉ toàn làm thơ, có học qua hội họa với ai, trường lớp nào đâu. Cùng xỉn xỉn, chúng tôi lẳng lặng ngồi yên cho Thư vẽ chân dung mình. Thật bất ngờ, trong số chân dung do Thư vẽ ấy chỉ có bức vẽ tôi là “xuất thần” hơn cả. Ai cũng khen. Và tôi quý nó như vàng, giữ kín đến đỗi mới tìm thấy ngày hôm qua (7-8-2008) trong đống sách vở bề bộn của mình (còn bức họa sĩ Chóe vẽ thì biệt tăm!). Sau này, Lê Thánh Thư đoạt giải môi trường của ASEAN cách đây khoảng chục năm và trở thành họa sĩ thứ thiệt, sống giàu. Bìa thì nhờ họa sĩ Lưu Nhữ Thụy, bạn thân, đã từng làm bìa tập “Thơ tình tuổi bốn mươi” cho tôi, rất đẹp. Để tăng thêm phần trang trọng cho tập thơ, Nguyễn Liên Châu nhờ các họa sĩ Nguyễn Bá Văn, Đỗ Trung Quân và Nguyễn Thúy Bắc vẽ phụ bản…


Tập thơ nằm “nhà in”, tôi rầu rĩ vì tiền. May mắn mỉm cười với tôi khi Tuổi Trẻ Chủ Nhật (số 41-94 (572) năm thứ 12, ngày 16-10-1994) đăng truyện ngắn “Bọ rầy” của tôi. Anh Lê Chí đọc, mừng rỡ nói “nó cứu ông đó”, bởi truyện này đậm đà bản sắc dân tộc, mấy ông tuyên giáo có lẽ sẽ lờ vụ kia. Tôi còn mừng hơn vì truyện ngắn đăng ở báo này nhuận bút “đậm” lắm, vì tôi đã nhận với truyện ngắn “Đảo mộng” và “Sợi dây” (ký tên Lữ Thị Tường Vy) vào năm 1991...

Tập thơ in xong vào tháng 1-1995, cả tôi và nhà thơ Lê Chí thở hắt ra. Tôi chỉ phải lo một triệu rưỡi đồng tiền in vì người bạn chí cốt Nguyễn Liên Châu đã hào hiệp chịu một nửa. Tôi “khỏe” vì có sẵn nhuận bút truyện ngắn “Bọ rầy”…

Mãi về sau này, “điệp viên” Lê Chí mới biết và tiết lộ người viết nhận xét không ký tên ấy không phải ông tuyên huấn nào mà là nhạc sĩ Cửu Long, lúc đó đang làm thường trực Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Cần Thơ. Tôi bèn nhớ ngay và biết rằng mình đã phạm phải một sai lầm “chết người”.

Hồi đó, tôi làm thường trực Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Cần Thơ (số 4, Lý Tự Trọng), thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Cần Thơ (số 170, Lý Tự Trọng). Tuy cùng “chức” với nhạc sĩ Cửu Long nhưng tôi nhỏ “quyền” hơn. Một hôm Cửu Long “xuống” hội “cấp dưới”, đề nghị với tôi: “Ông cho mấy bài thơ tình để tôi phổ nhạc”. Vốn biết tài năng nhạc sĩ cấp quốc gia này nên tôi từ chối không mấy “khéo”: “Trời đất, tôi có thơ đâu, làm xong bài nào là tôi chùi… hết, lo làm bài mới”. “Ngọn khói” bắt nguồn cho “ngọn lửa”. Có “lửa” mới có “khói”, là vậy!



Tôi không muốn kể lại chuyện này, nhưng có nhiều người thắc mắc tên tập thơ kỳ quá, đành phải “thú thiệt”. Rất mong hồn nhạc sĩ Cửu Long (mới mất năm 2006) ở đâu đó đánh cho tôi hai chữ “đại xá”. Vô vàn biết ơn!

VỀ CỘI

Tặng Hồng Hạnh

Gần ba chục năm anh mới có chuyến trở về Cầu Kè. Chuyến đi nhân người cháu lên Cần Thơ chơi, vui miệng cho biết Vu lan thắng hội ở chùa ông Bổn mấy năm rồi vui lắm.

- Ngày mốt bắt đầu vào lễ – Nó nhấn mạnh.

Trong anh thức dậy ngay bao kỷ niệm xưa cũ về nơi chôn nhau cắt rún của mình, một thị trấn vùng sâu vùng xa của tỉnh Trà Vinh chẳng có gì vui ngoài lễ hội độc đáo của đồng bào Tiều định cư tại đây hàng mấy trăm năm. Anh lẩm nhẩm câu hát:

Hăm lăm vào đám

Hăm tám ra giàn

Rồi nhớ tới những giỏ tre nhỏ mà năm nào nhà chùa cũng đem tới từng nhà cho bổn phố (1) nhận lãnh, đặt lễ vật vào trước khi đem cúng chùa trong ngày hăm bảy tháng bảy âm lịch. Còn từ ngày hăm lăm thì bao nhiêu chuyện cúng kiếng, tụng niệm diễn ra liên tục suốt ngày đêm do các nhà sư ở chùa Phật, chùa Khmer trong thị trấn chủ trì. Những ngày, những đêm đó, bọn trẻ các anh thường la cà suốt, rình khi người lớn sơ ý là nhanh tay chộp một nắm hột dưa, bánh in, bánh men để trong dĩa đặt trên bàn nước, chạy nhanh ra nơi nào đó túm tụm lại ăn, cười đùa hỉ hả. Lớn hơn một chút, cũng với cách ấy, bọn anh còn lấy cả thuốc Bastos hoặc Mélia rồi vừa ăn bánh kẹo vừa phì phà khói thuốc một cách khoái trá vì cho rằng (một cách tại hại) mình đã là người lớn rồi! Nhưng khoái nhất là khi đói bọn anh được ăn một bụng cháo trắng với xá pấu (2) ngâm giấm đường. Cái thứ cháo trắng nóng hổi, bốc hơi nghi ngút như có lửa trong đó, vậy mà thằng Sến (3) húp một cái rột là hết ngay. Mấy đứa còn lại dở hơn, nhấm nháp từng muỗng, nhờ vậy mới được thưởng thức cái hương vị tuyệt trần của một thức ăn hèn mọn. Những lát xá pấu vừa mặn vừa ngọt vừa chua kích thích dịch vị, làm đậm đà khẩu vị, rất hòa hợp với thứ cháo trắng hạt gạo được nấu nở bung. Càng ăn càng mê, no phình bụng hồi nào không biết. Lệ chùa thường dọn sẵn trên bàn những dĩa xá pấu ngâm giấm ấy, bất kể lúc nào trong ngày, hễ có khách, bất kể người lớn hoặc con nít, cũng đều được đãi một bữa no nê. Nhưng đáng nhớ với bọn anh có lẽ là ngày “hăm tám ra giàn”. Sau khi cúng tất, nhà chùa cho người lên một giàn cao dựng sẵn ở sân vận động, cầm từng nắm thẻ tre ném rải khắp xung quanh. Người lớn và cả trẻ con huyên náo chen nhau giành giật từng chiếc thẻ một để rồi sung sướng vô chùa nhận giỏ đồ cúng của bổn phố. Mỗi thẻ tre được nhận một giỏ đồ. Mỗi giỏ đựng một thứ đồ cúng khác nhau: gạo, muối, mía, chuối, khoai… Nhận những giỏ đồ ăn ấy đem về nhà cũng là lúc những ngày vui trong năm của huyện lỵ nghèo này chấm dứt. Bọn anh trở lại với việc học hành cùng những trò chơi thôn dã.

Bây giờ trở lại mảnh đất quê nhà, lòng anh bồi hồi khôn xiết, vì anh đi biệt từ khi mới mười tuổi đầu. Đứa cháu chở anh trên chiếc Dream phóng như bay trên con đường tráng nhựa phẳng phiu. Cảnh quan hai bên đường thật đẹp, còn đậm bản sắc một nông thôn Nam bộ xưa: Những cánh đồng xanh mướt lúa chạy như mút mắt đến chân trời. Những hàng dừa, hàng tre lay lắt trong gió. Những đụn rơm vàng và mấy con trâu, con bò nhẩn nha nhơi cỏ. Và kia, cánh đồng vàng rực lúa đang được những người nông dân gặt rồi đưa vô máy “vọt”. Một khung cảnh hết sức thanh bình. Nó hoàn toàn khác hẳn khung cảnh đã in đậm trong tâm thức anh hồi cất bước ra đi: khung cảnh của một thời chiến tranh ác liệt. Vườn tược, ruộng vườn xơ xác, xóm làng đìu hiu và con đường lổn nhổn đá bốn sáu, đầy ổ gà, mà những chuyến xe đò phải bò qua một cách thận trọng. Bây giờ, cái gì cũng mới, duy chỉ có mấy cây cầu sắt han gỉ là còn nguyên như trong kỷ niệm của anh. Có lẽ những chiếc cầu xài tạm này lớn tuổi hơn anh rất nhiều!... Nhưng, kia rồi, phố chợ hiện ra. Sung sướng! Có lẽ đó là tiếng kêu thầm một cách thống khoái của bất cứ ai khi trở lại quê nhà dù lâu hay mới vừa đây. Và anh càng rộn lòng hơn khi nghe tiếng trống của giàn “tùa lầu cấu” (4) ở chùa rộn vang như thúc giục. Anh hối thằng cháu vọt xe mau để kịp vào xem ông Bổn. Anh và thằng cháu chen chân trong dòng người đen đặc, vào tới sân chùa. Ngôi chùa ngày xưa với anh sao lớn rộng quá, vậy mà bây giờ nhỏ bé làm sao! Mùi khói nhang bay quyện khắp không gian. Tiếng trống làm nhịp cho tiếng chập chõa, tiếng chiêng, tiếng cồng nhỏ hòa trong âm điệu réo rắt của tiếng tiêu khiến anh nôn nao bụng dạ. Bất ngờ, anh gặp một vài người bạn cũ, bây giờ đã là thành viên của ban quản trị chùa. Cả bọn cười thích thú khi anh nhắc lại kỷ niệm cũ của một thời thơ dại xa xưa. Trong câu chuyện, không biết duyên cớ gì, một người bạn chợt dưng khoe thứ trái cây có tên gọi dừa sáp, một thứ trái cây độc đáo mà có lẽ không nơi nào trên đất nước này có được. Với anh, một người “cố cựu” mà dừa sáp vẫn là một sản vật chỉ nghe tên chứ chưa được nếm bao giờ. Nghe vậy, anh bạn nhanh nhảu đưa anh đến một vườn dừa nằm ở ngoại ô thị trấn, khu vực Sóc Kha. Trong bóng mát của những hàng dừa cao nghệu, được trồng hai bên bờ đất giữa hai con mương, anh được ông chủ vườn người Khmer tiếp đón nồng nhiệt, tận tình chỉ dẫn cách phân biệt thứ trái cây có cơm dầy như chiếm hết phần trong gáo dừa, chỉ còn một ít nước sền sệt ở giữa.

- Đây là một thứ nước giải khát tuyệt hảo trong bất cứ thời tiết nào – Lán (5), giáo viên, bạn của con gái ông lão vườn dừa, tình cờ đến chơi, sẵn dịp tiếp khách “phương xa”, “tiếp thị” như vậy.

Rồi bằng động tác nhanh nhẹn, thuần thục, cô và cô bạn vạt vỏ, mở miệng, nạo cơm dừa cho vào máy xay sinh tố cùng với những phụ gia cần thiết. Trong phút chốc, anh đã có ly nước giải khát độc đáo, vừa béo vị dừa, vị sữa vừa ngọt vị đường vừa lạnh các chân răng vì nước đá, thật là sảng khoái! Giữa từng hớp nước dừa sáp đặc sánh, béo ngậy, thơm tho ấy, câu chuyện giữa ông chủ nhà, con gái ông, Lán, bạn anh, và anh càng lúc càng đậm đà đủ thứ chuyện nảy sinh. Nhưng tình cảm càng thắm thiết hơn khi Lán biết anh là dân sinh đẻ ở nơi này và anh biết Lán là cô con gái Hoa lai Khmer, con của một người gia đình anh quen biết, chưa lập gia đình. Cả hai được câu chuyện “dẫn dắt” như có thể xa rời những người đang có mặt. Tiếc rằng cuộc chia tay rồi cũng đến, anh hẹn năm sau sẽ trở lại vào đúng dịp Vu lan này.

Y hẹn, không phải với ông chủ vườn dừa, với Lán, mà vì nghe thằng cháu điện thoại cho hay năm nay có đánh động trở lại, sau mấy chục năm tạm ngưng. Vậy là anh điện nhờ bạn dạy thế, khóa cửa nhà (vợ anh mất sớm khi chưa có con), hướng dẫn mấy người bạn thân làm một chuyến du lịch hành hương. Cả bọn phóng xe Honda về đúng ngày “hăm ba vào đám”. Đến nơi vào lúc xế chiều, tắm rửa xong, các bạn anh hối đưa đi vườn dừa để được thưởng thức đặc sản đất giồng mà họ nghe tiếng từ lâu. Vừa bước vào vườn, anh nghe tiếng nói quen quen:

- Về rồi, đúng hẹn quá!

Anh thấy Lán từ trong nhà bước ra, cười tươi, chào. Một niềm vui bất chợt tràn đầy trong tim, anh hào hứng:

- Chớ sao, đã hứa thì phải giữ lời. Nào, cô giáo trổ tài chặt dừa cho các bạn tôi thưởng thức thứ nước giải khát trứ danh của quê mình.

Chẳng mấy chốc, các bạn anh đã mỗi người có một ly nước dừa sáp trên tay và hân hoan lộ rõ nét mặt khi họ nhấm nháp từng chút hương vị độc đáo ấy.

Anh và Lán hỏi thăm sức khỏe và công việc làm của nhau. Cả hai ngồi dưới bóng mát của giàn cy dạ lý ngan ngát tỏa hương. Câu chuyện như không thể dứt ra được còn nhờ những kỷ niệm ấu thời về những ngày lễ hội này mà họ đã trải qua. Bóng mát của giàn bơng, của vườn dừa ngày một đậm màu. Buổi chiều tắt nắng. Không khí lễ hội từ đường phố xa âm vọng đến nghe nôn nao. Trong chốc lát tiếng náo động đó ngày một gần, lớn hơn, mà tiếng của giàn “tùa lầu cấu” là vang động hơn cả. Lán hớn hở giục:

- Mời mọi người đi coi đánh động – rồi cô nghiêng tai nói nhỏ với anh – Từ nhỏ tới giờ em chưa hề được coi đánh động nên nôn nao mấy tháng nay khi nghe nó được diễn lại.

Lán nhanh nhảu hướng dẫn mọi người ra lộ. Cả bọn nối chân theo, quên cả lời chào từ biệt ông lão chủ vườn dừa. Dẫn đầu đoàn người đen kịt chen nhau trên con đường đất cát, là nhà sư Tam Tạng tay cầm thiền trượng ngồi trên lưng ngựa giấy đang từng bước tiến lên. Tề Thiên đại thánh nhảy nhót múa thiết bảng, Trư Bát Giới bụng phệ lệt bệt cầm xà mâu, còn Sa Tăng thì è ạch quảy hành lý theo sau. Bước chân thầy trò nhà sư Đại Đường dừng lại trước một động yêu quái được làm bằng sườn tre cắm đầy lá đủng đỉnh giữa một khoảnh đất trống. Từ trong động, một con yêu mặt mày vằn vện bước ra, huơi vũ khí tấn công địch thủ. Cuộc chiến diễn ra gay cấn. Trong bóng tối nhá nhem của buổi hoàng hôn, cuộc chiến càng thêm hấp dẫn bởi những đám lửa bay vù vào đối phương từ một chiếc miệng ngậm đầy dầu lửa thổi qua một ngọn đuốc. Trong ánh lửa sáng bùng lên, anh chợt nghe tay mình ấm mềm trong bàn tay ai. Cùng lúc ấy, anh nghe hơi ấm nóng chạy xuyên khắp thân thể và một giọng nói run run đầy hơi ấm phả vào tai mình:

- Anh giáo! Em sợ! – Lán hổn hển.

Như một phản xạ, bàn tay anh áp lên bàn tay cô đang nắm tay kia của mình. Họ chìm trong cảm giác bồng bềnh của một thứ hạnh phúc không tên giữa tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng chập chõa, tiếng tiêu âm vang làm nền cho cuộc chiến đấu giữa cái thiện và cái ác đang diễn ra trước mặt mọi người. Hai người đi lạc khỏi đám bạn của anh, hòa trôi theo đám rước trên con đường đi Tây Trúc thỉnh kinh của thầy trò Đường tăng. Ở mỗi ngã ba, ngã tư đường, ba đệ tử của Tam Tạng phải ác chiến diệt loài quỷ dữ và ngọn lửa được liên tục thổi bùng. Mỗi lần như thế là một lần anh và Lán như hòa vào nhau trong một trạng thái có lẽ suốt đời cả hai người chẳng thể nào quên! *

--------------


1. Bổn phố: Những người sống trong thị trấn.

2. Xá pấu: Củ cải muối.

3. Sện: Thành, tên gọi theo tiếng Tiều (Triều Châu).

4. Tùa lầu cấu: Giàn nhạc người Tiều dùng để phục vụ các lễ hội, đình đám quan trọng.

4. Lán: Lan, tên gọi theo tiếng Tiều.

Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2007

Lửa rơm


Nếu cần kể lại những gì đã xảy ra khi đi nghỉ mát Vũng Tàu cho vợ tôi nghe, tôi cũng sẵn lòng. Theo tôi nghĩ, chẳng qua đó là sự thật, một sự thật không thể đậy che, không thể chối bỏ vì xấu hổ. Đã là sự thật, dĩ nhiên không chóng thì chầy mọi người rồi cũng biết.

***

Rời nhà khách, xe đưa chúng tôi đến Bãi Sau. Con đường khi đó còn chạy len giữa cồn cát, những tàn cây rậm mát đột ngột mở rộng. Kia, biển kia rồi. Trời cao: xanh. Biển mênh mông: xanh. Lưỡi biển: trắng. Bờ cát: trắng. Cả đoàn xuống xe ùa chạy trên cát như trẻ nhỏ. Tôi cũng là đứa trẻ ấy. Trước thiên nhiên, con người hóa thành non thơ đã để tuột trôi tất cả những dằn vật, xót đau cuộc đời. Những khốn nạn cuộc đời trôi tuột trong họ như những hạt cát trôi tuột trong lòng tay.

Trong phút giây hòa mình với thiên nhiên cùng mọi người, đột nhiên tôi sững người lại. Ai vậy kìa? người đàn bà nửa nằm nửa ngồi trên ghế vải. Phải chăng là Duyên? Hẳn vậy rồi! Không thể nào lầm lẫn được! Bởi, dù thời gian có làm tàn phai nhan sắc cô chăng nữa, cũng chẳng thể nào che khuất một Duyên của tôi mười mấy năm trước.

Hồi ấy Duyên thon thả trong chiếc áo bà ba ở nhà, trong chiếc áo dài trắng khi đi học mà tôi mê say yêu đắm. Tôi tình nguyện làm tên gác cửa nhà cô, phía bên kia đường trong một quán cà phê. Tôi ngồi đó, hầu như thường trực, với cái túi tiền lép kẹp, thành thử chỉ dám kêu ly cà phê đen cùng vài ba điếu thuốc lá đen. Tôi ghiền hai thứ này từ đó. Nhấp ngụm cà phê, hít sâu vài hơi thuốc lá là tôi có quyền phóng mắt sang nhà cô, để chỉ được ngắm cô đi tới đi lui trong nhà hoặc cầm chổi quét sân. Vậy thôi. Tôi mua sự chiêm ngưỡng cô bằng cái giá hời. Cứ một ly cà phê cùng vài điếu thuốc lá đen và dăm ba bình trà nóng là tôi có quyền ngồi đó suốt sáng, suốt chiều trong những ngày nhàn tản.

Ở đời, việc gì mình rắp tâm thực hiện thế nào cũng được đền đáp. Tôi rắp tâm trồng cây si trước cửa nhà Duuyên, lâu dần cũng được toại nguyện. Đó là một lần vào chủ nhật cả nhà cô đi vắng, mà đường dây điện chập phát hỏa thế nào tôi không biết. Cô hốt hoảng chạy ra cửa kêu toáng lên. Không bỏ lỡ cơ hội, tôi nhanh chân băng qua đường, đồng thời nhanh tay cũng không kém, cắt cầu dao điện rồi dập tắt ngọn lửa mới vừa bùng không lấy gì khó khăn.

Chúng tôi quen nhau từ ấy. Đó là năm tôi học lớp mười hai, cô học lớp mười một, khác trường.

Khoảng cách từ quen biết tới tình yêu không xa. Chúng tôi thường tha thẩn đạp xe ra ngoại ô đến với những khu vườn cây xanh. Tình yêu tuổi học trò, lại là học trò của nhiều chục năm trước, không cho phép chúng tôi vượt qua giới hạn lễ giáo. Chúng tôi ăn trái cây, nói chuyện học hành cùng nỗi niềm thương nhớ, nếu vì lẽ gì đó khoảng một vài hôm không gặp nhau. Giới hạn cuối cùng của tình yêu của chúng tôi chỉ là những cái nắm tay rụt rè hoặc những lần va chạm bất ngờ giữa hai thân thể. Vậy mà nó cũng làm thằng thanh niên đầy sức sống như tôi bồi hồi luyến nhớ suốt ngày.

Nét đẹp của tình yêu, nỗi say đắm của những lần hò hẹn rong chơi, kết quả là kỳ thi tú tài hai của tôi hỏng.Giấc mộng vào đại học của tôi vì đó cũng tan tành. Tôi không phải bị động viên vào Thủ Đức nhờ là con một. Chông chênh giữa đời, tôi chẳng biết làm gì với hai bàn tay vừa buông cán viết học trò. Trong lúc rối trăm bề, tôi gặp may. Số là người tài phú (*) cho nhà máy xay lúa mà ba tôi quen, đột ngột qua đời. Nhờ đó tôi được vào thế chân ông. Còn Duyên, năm sau đậu tú tài hai đồng thời vào đại học y khoa một cách dễ dàng. Cùng lúc, ba cô dời nhiệm sở về Sài Gòn. Mối tình chúng tôi có một khoảng không gian quá rộng, nên lời yêu đương thương nhớ mỗi khi muốn tỏ lộ đều phải “đóng thuế” ông bưu điện. Nhưng không vì vậy mà tình chúng tôi nhạt phai, trái lại…

Năm tháng qua đi êm ả như về lục bình trôi lững lờ theo dòng nước sông Hậu, khoe những bông tím đẹp trong sắc nắng nhiệt đới rực rỡ. Những tưởng là vậy. Nhưng không. Lịch sử đã sang trang vào tháng tư năm một chín bảy mươi lăm. Nhà máy tôi làm việc đã quốc hữu hóa. Công nhân được lưu dụng, còn tôi bị thải hồi với lý do đơn giản là có người thay chân đáng tin cậy hơn. Như thị dân lúc bấy giờ, cha mẹ tôi vốn là tiểu thương nhưng cũng hốt hoảng vì lời đồn đãi nên về nông thôn mua mảnh đất nhỏ lập vườn, làm ruộng. Ai cũng nghĩ vậy, nhưng công việc ruộng nương, vườn tược nào phải ai cũng làm được, vậy nên vườn cây ngày một èo uột, ruộng nương ngày một thất bát. Đến ngày kia, biết không thể cầm cự được trước cuộc sống quá sức bấp bênh, nhân có nhiều người bỏ nông thôn về thành, gia đình tôi cũng nhanh chân trở lại phố phường với nghề cũ bằng số vốn đã lưng khá nhiều. Tôi xin vào làm việc cơ quan thương nghiệp, cũng may nhờ có người quen giới thiệu.

Với những biến động của đời tôi như vậy, tôi không dám trách Duyên đã không thư và hồi âm thư cho tôi. Trách sao được khi kẻ ở nông thôn không có đường bưu điện, người ở thành thị biết giờ ra sao? Nỗi nhớ lâu ngày như vết thương thành sẹo, tôi vâng lời cha mẹ cưới một thiếu nữ chung cơ quan. Tôi không thể lần khân chờ Duyên, vì thời gian sắp rắc muối tiêu lên mái tóc tôi, và cha mẹ tôi đang sống những ngày cuối đời, đang mong có đứa cháu nối dõi tông đường. Người bạn đời của tôi chỉ là “vợ” không hơn không kém. Bởi cô không thể thay Duyên được - một Duyên mà tôi hằng nhung nhớ không nguôi. Tôi nói sự thật đó cùng cô, cô buồn bã cúi đầu rưng rưng nước mắt cam chịu, bởi cô đã yêu tôi không biết tự bai giờ!

Và, bây giờ, ngay trước mắt tôi, hết sức tình cờ, Duyên đang nửa nằm nửa ngồi trên chiếc ghế vải. Như có quỷ thần xui khiến, hai bàn chân tôi bước về phía Duyên lúc nào không biết. Tôi đứng sững trước cặp mắt kinh ngạc của cô. Mãi lúc lâu cô mới bật thốt được câu ngắn đầy xúc cảm:

- Trời ơi! Tuấn.

Tôi nở nụ cười sung sướng vì đã tìmn được cái địa chỉ ngỡ đã thất lạc muôn đời. Tôi như cậu học trò nhỏ ngoan ngoãn ngồi xuống chiếc ghế vải cô vừa nhấc để bên cạnh. Cô giới thiệu mấy cô bạn ngồi quanh nhưng tôi nào có nghe biết. Sau một hồi trêu chọc, các cô gái tản đi như bầy sinh vật đáng ghét thường quấy quá những bữa ăn, như bữa ăn thịnh soạn hôm nay mà đã lâu ngày tôi không được nếm hưởng. Họ đi, khoảng không gian như thu hẹp lại, cái khoảng cách dị hợm hốt nhiên cũng biến mất theo. Hai chúng tôi trầm ngâm chìm sâu suy tưởng. Mỗi người thả tưởng tượng mình một phía. Riêng tôi chỉ có cái đầu trống rỗng. Mãi lâu sau tôi mới thốt nên cái câu hỏi luôn là vấn nạn suốt quãng đời qua:

- Sau một chín bảy mươi lăm, em ở đâu mà anh tìm hoài không được? Thư đi không tin về? Mấy chuyến lên Sài Gòn anh hoàn toàn tuyệt vọng trước căn nhà em vì đó là cơ quan nhà nước. Anh biết hỏi ai để tìm ra em? Đành lặng lẽ quay về buồn bã!

Nói xong, tôi như trút được khối nặng khổng lồ đè ụp tâm hồn tôi hàng bao nhiêu năm trời. Đột nhiên tôi thấy nơi khóe mắt Duyên long lanh mấy giọt nước mắt và cái giọng nghèn nghẹn, tức tưởi được hai vành môi cô mở thoát:

- Em à? Lúc ấy gia đình em cũng như bao gia đình khác đồng cảnh ngộ, hốt hoảng với cái không đáng hốt hoảng, bám víu vào những chuyến tàu vượt biên. Khổ nỗi, bến bờ hy vọng chỉ là ảo vọng, cái hiện thực trước mắt là nhà cửa không còn, tài sản khánh kiệt. Gia đình em xoay qua làm nghề vấn thuốc lá bọc trong một ngõ hẻm tồi tàn. Còn anh? Anh đi đâu mà thư em gửi cứ bặt vô âm tín?

- Như em vậy thôi, anh và gia đình hốt hoảng với cái không đáng hốt hoảng, về quê mua đất vườn đất ruộng làm nông dân!

Tôi ném tàn thuốc ra xa như ném đi cái dĩ vãng đớn đau mình đã hứng chịu, ngửa người thoải mái trên ghế vải, dường như, thêm lần nữa, tôi đã trút sạch những gì cần trút sạch. Tôi cười to. Như đồng cảm, Duyên cũng có những tiếng cười ràn rụa nước mắt vừa buồn vừa xót đau, vừa nhạo báng chính mình. Qua câu chuyện tôi biết Duyên đang là bác sĩ của một bệnh viện lớn ở thành phố biển này. Cha mẹ Duyên lần lượt qua đời vì sầu khổ sau những chuyến đi không thành, nạn nhân chính của mình. Được cái, một vài em cô đi thoát, giúp cô được nhiều điều trong việc tiến thân. Duyên đành lập gia đình sau khi đã tuyệt vọng vì không tìm được tôi, nhưng cũng không may, chồng cô qua đời vì ung thư khi hai người chẳng có đứa con nào.

Chiều đó, Duyên đến nhà khách mời tôi về nhà cô. Đó là căn nhà nhỏ đâu lưng với núi, giáp mặt cùng biển, ở Bến Đá. Bữa cơm thân mật, đoàn tụ với hải sản mới ngon làm sao. Lần đầu tiên tôi được thưởng thức những con chem chép. Loài nhuyễn thể này qua bàn tay khéo léo của Duyên biến thành những món ăn ngọt ngào, thi vị như tình xưa cô dành cho tôi. Tôi ăn mê mải như kẻ đói lâu ngày khiến cô sung sướng đỏ mặt. Phải thừa nhận rằng vợ tôi, dù có làm món ngon vật lạ thế nào cũng chẳng tài nào khiến tôi ngon miệng đến vậy.

Đêm, chúng tôi ngồi tì tay lên thành cửa sổ phóng mắt nhìn ra vụng biển lặng im đến khó hiểu. Những ánh đèn tàu nhấp nháy như những con mắt đêm. Tiếng gió rong dài hun hút biển đen, bất chợt khiến tôi rùng mình. Tôi quàng tay ngang lưng Duyên. Hơi ấm cô phả vào tôi rạo rực như thuở nào. Chúng tôi say đắm hôn nhau, nụ hôn sâu, đầu tình. Trong trạng thái lâng lâng mê đắm ấy chúng tôi đã tan vào nhau…

Rạng ngày, khi sương còn phủ kín sườn núi Lớn, khi tiếng chuông nhà thờ gióng giả từng hồi giục thức, chúng tôi ngồi bên nhau, trước mặt là hai ly cà phê đen bốc hơi ấm áp. Biển ngoài kia vẫn lặng im đến khó chịu. Tôi bỏ đoàn sống với Duyên như vậy suốt gần tuần. Bỏ những bãi bờ đẹp nổi tiếng đợi chờ, để đến bãi bờ nhớ nhung mà tôi những tưởng đã trôi tuột như cát qua kẽ tay. Không, Duyên không là hạt cát biển tuột trôi khỏi lòng tay tôi, cô là hạt cát bé nhỏ cố tình sót lại đâu đó trên một trong năm ngón tay đợi chờ của tôi. Chúng tôi sống vói nhau như vậy, y như cặp vợ chồng mới cưới. Hoàn toàn hạnh phúc trong căn nhà nhỏ như một lâu đài biệt lập.

Thời gian rồi cũng làm lụy phiền chúng tôi. Ngày về cũng đến. Duyên khóc vùi trong đêm rạng sáng chia tay. Tôi im lặng. Lặng im như cái vụng biển trước mặt kỳ bí đến khó chịu. Lặng im như đỉnh núi Lớn sau lưng câm nín đến bức bối. Duyên nhất quyêt không ra xe tiễn tôi. Tôi cho hành động cô hợp lý. Ích gì khi thời gian đã cố tình bứt lìa? Ngồi trên xe tôi như kẻ mất hồn. Biển xa xanh, ầm ào sóng vỗ, bọt tung trắng xóa bờ đại dương. Hàng dừa rợp mát, gió lùa tán lá rì rào khúc hát ru bất tận, lâu lâu lả ngọn như ai lả mình trong tôi những ngày qua. Tự nhiên tôi nghe mình yếu mềm đến độ muốn ứa nước mắt. Tôi kềm lòng, nhưng không kịp rồi, giọt nước mắt đã lăn ra khóe. Xe dợm chuyển bánh. Duyên đang tất tả, tức tưởi chạy đến tôi bằng những bước chân xiêu vẹo, tay cầm gói quà. Cô vịn thành xe, thì thào qua hơi thở đứt quãng:

- Gởi… anh, gởi… chị… nhà, gởi… các cháu… món quà biển. Món quà… của…

Cô ngưng giọng, nghẹn tức với mấy giọt nước mắt lăn tròn, vỡ tan. Thôi Duyên ơi! Chẳng còn gì nữa. Ta sẽ đạt được gì? ngoài nỗi đau thêm lớn! Tôi thầm an ủi cô, cũng thầm an ủi mình. Tôi chẳng có quà gì cho cô hết, ngoài món quà xưa xa: cái nắm tay, lần này, vĩnh biệt! Tôi nắm tay Duyên xiết chặt như xiết chặt trái tim mình. Tiếng còi xe rít dài. Xe chuyển bánh. Tay chúng tôi đành lìa. Tôi ôm chặt gói quà vào lòng như cố giữ Duyên lại! Nhưng…

***

Nếu cần kể lại những gì xảy ra khi đi nghỉ mát ở Vũng Tàu cho vợ nghe tôi cũng sẵn lòng. Bởi, vợ tôi vẫn dành trong trái tim tôi một chỗ trống thiêng liêng cho Duyên. Đó là khoảng “phượng thờ”, bất khả xâm phạm, cô biết vậy. Nhưng, từ nay trở đi, khoảng trống đó đã hút đi trong tim tôi như tan hủy vào không gian vô tận. Tôi không thể lưu giữ nó được bởi một lẽ giản đơn là phải đứng vào vị trí của mình, đừng đứng lệch hàng!


Tháng 9-1991

-------

* Tài phú: Tiếng Tiều, có nghĩa là thư ký.

Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2007

Cộ đèn trên sông



Rựng sáng, khi ra bờ sông, thằng Tí bàng hoàng hết cả người. Cả khi ngồi trên chiếc cầu dừa bắc chúi xuống lòng sông, vốc từng bụm nước rửa mặt, nó vẫn không tỉnh. Nó ngây ra, mắt mê đắm nhìn dòng sông như nhìn cả gia tài. Dòng sông đỏ lòm màu phù sa đục ngầu, uốn chảy vào tận các kinh rạch xa. Màu đỏ ấy như ngọn lửa cháy phừng phừng trong lòng, khiến nó bứt rứt, nôn nao đến muốn kêu lên một tiếng lớn cho hả. Nhưng nó kềm giữ tất cả trong lòng, suốt cả sáng, cả chiều. Soạn bài, làm bài và giúp việc vặt trong nhà cho má, nhưng nó làm với tâm thần bất ổn, khiến má nó ngạc nhiên, buột miệng:

- Mày làm cái giống gì như bị ai hớp hồn vậy Tí?

- Đâu có, má – nó cười giả lả.

- Hổng có sao mày xơ vơ xửng vửng như vậy? – má nó cật vấn - Bộ mày tính tối nay đi chơi đèn Trung thu với mấy đứa bạn hả?

- Hông đâu, má – nó cười trấn an bà – Con lớn rồi, mười tuổi rồi chớ bộ, chơi đèn cái nỗi gì với mấy đứa con nít đó. Con chơi riêng, chơi đèn khác tụi nó: chơi trên sông.

- Hả? Cái gì? – má nó hoảng kinh, thảng thốt - Đừng có làm chuyện bá láp nghe con.

Nó lại cười, tươi hẳn ra:

- Má đừng có lo, con chơi đèn trên sông để hớt cá bống trứng mà. Má hổng thấy con nước son đầy sông đó sao!

- Ờ hén! – má nó tỉnh người, vui lên – Tao quên phứt vụ đó. Vậy thì được.

Trời sụp tối, thằng Tí và con Điệp em nó mang xách nào đèn chong, thùng thiếc, rổ xúc xuống chiếc xuồng ba lá nhỏ của gia đình cột trong xẻo. Chúng lùi xuồng, bơi ra sông lớn. Nước đổ cuồn cuộn. Đêm lờ mờ sao thưa. Trăng Trung thu giờ này chưa lên, nhưng đám trẻ hàng xóm đã tụm năm tụm ba trên bờ với đủ loại đèn trong tay. Ánh đèn chấp chới trông vui mắt, nhưng không đủ sức quyến rũ anh em thằng Tí bằng những ngọn đèn chong đỏ chạch chao đảo trên mặt sông. Những ánh đèn này kêu gọi chúng nó nhanh chóng tiến lên.

Một về lục bình trôi trước mũi xuồng. Con Điệp kềm lái, thằng Tí gác dầm, níu về lục bình vào sát be xuồng, thọc rổ xuống sâu dưới bộ rễ. Nó giở rổ lên. Khi vành rổ ngang mặt nước, nó gạt lục bình ra. Trong lòng rổ, những con cá bống trứng nhỏ bằng ngón tay nhảy xoi xói cùng một ít tép bạc búng tanh tách vạch những đường chỉ bạc lấp lánh, linh hoạt trong ánh sáng vàng vọt của ngọn đèn dầu.

Con Điệp nôn nóng chồm lên coi: rổ khá nhiều cá. Nó mừng rơn, kêu lên:

- Quá đã!

Thằng Tí như được tăng thêm sinh lực, hướng mũi xuồng vào các đám lục bình. Nó luôn tay thọc sâu rổ xuống nước, giở lên, gạt lục bình qua một bên, rồi trút mớ cá hớt được vào miệng thùng thiếc một cách khéo léo. Càng hớt nó như càng “say máu ngà”. Me mải. Quên thôi.

Trời lất phất mưa tự lúc nào. Mặt sông chấp chới ánh đèn vàng quạch. Ánh sáng đèn lung linh, nghiêng ngả trên sóng nước. Đẹp mê hồn như đêm cộ đèn trên sông, như đêm hội hoa đăng mà hai anh em thằng Tí đã coi được ở đâu đó. Đẹp hơn mấy đứa hàng xóm chơi đèn trên bờ nhiều. Quên cả mưa, nhưng hạt mưa lắc rắc bám đầy vai áo, lành lạnh, anh em thằng Tí ráng hớt cá đầy miệng thùng thiếc mới chịu về nhà. Tắm rửa xong xuôi, chúng được má đãi một bụng cháo trắng nóng hổi ăn với cá bống trứng kho khô săn giòn trong cái trã đất. Quất một bụng no nóc, ngon lành, ấm cả người, thằng Tí khoan khoái xoa xoa cái bụng:

- Chắc hơn chục ký đó má. Sớm mơi, má nghỉ bán xôi, đem cá ra chợ bán lấy tiền mua thuốc cho ba, mua gạo, mua đồ ăn nữa.

Con Điệp cười ỏn ẻn:

- Nhà mình… giàu rồi!

- Cái đồ…!

Má nó mắng yêu rồi cười sung sướng. Ba nó nằm gần đó vẫn còn thức, với cái chân sưng nhức sau tai nạn vác lúa mướn mấy ngày nay, nghe vậy cười khà khà:

- Hai đứa bây giỏi quá giỏi!

Thằng Tí cùng con Điệp giật mình hướng về phía ba nó, kêu lên:

- Ủa, ba còn thức đó à?



1996

Thứ Tư, 22 tháng 8, 2007

Đêm phương Nam


Gởi “Ngựa ô thương nhớ



Đêm phương Nam nằm nghe gió lùa

Đêm phương Nam lắng tiếng mưa khua

Đêm phương Nam thức dòng sông chảy

Đêm phương Nam cá quẫy tư mùa


Đêm phương Nam mùi cầu vọng cổ

Mái dầm ai nhịp gõ be xuồng

Đêm phương Nam đèn chai bấy ngọn

Là nhớ thương mình một ánh trăng


Đêm phương Nam, người ơi, đừng đợi!

Nhớ vô cùng tiếng nhặt tiếng thưa

Giọng hò ai dọc dài trăm bến

Đã hóa thành mấy khúc dân ca


Đêm phương Nam, này đêm phương Nam!

Sâu lắng tình riêng tiếng độc huyền

Đêm phương Nam mịt mùng khói tỏa

Một thuở hồng hoang rừng ngút rừng


Đêm phương Nam cọp rống beo gầm

Nóp trên vai, mác trên tay

Đêm phương Nam người đi mở lối

Đên phương Nam người dựng sơn hà


Đêm phương Nam sông rạch cựa mình

Đỏ nước tràm tươi mấy dải kinh

Đêm phương Nam bãi bồi lấn biển

Tràm đước theo nhau rừng chuyển mình.




Dấu vết thời gian


Sau quá trình quay mọi vật chất đều mòn

Quy luật vận hành không sao khắc phục

Sự ma xát dù nhiều dù ít

Có chừa đâu kim loại bậc cao


Sự bào mòn là chuyện thời gian

Đừng tưởng dòng nước chảy hiền hòa không lở bờ, gọt trơn đá nhẵn

Mưa nhỏ giọt xói sâu hàng ba nhà bạn

Dứt khoát mòn thôi, đụn cát, gió ngang tàng


Rất dịu dàng cô gái trẻ bước êm

Những bước chân nhung mềm như ru mặt đất

Ngày tháng qua đi dép mòn quai đứt

Sức mạnh thời gian tàn phá lạ kỳ


Đàn đứt dây nói tháng năm dài

Rung bao đợt âm thanh bổng trầm réo rắt

Áo sờn vai nên chi áo rách

Thương nhớ đợi chờ mòn mỏi lòng ai


Thời gian qua đi dấu ấn không phai

Tất cả đều mòn, lạ lùng thay, đầy lòng tay bạn

Thời gian qua đi, cũng đầy thế nữa

Những gan bàn chân, đời quen gọi vết chai.


18-11-1988

Đến Trà Vinh gặp Sóc Trăng


Tưởng xa xôi nhưng lại hóa gần

Cũng những hàng sao hàng dầu sai trái

Thả theo gió cánh hoa bay mãi

Trong trời chiều xoay tít giữa cơn mưa



Nào khác chi đâu mấy mảnh đất giồng

Cái nắng mùa khô tơi từng hạt cát

Lưu luyến giữ chân khách

Khúc nhạc thiên nhiên tre hát muôn lời


Đã từng đến thăm chùa Dơi

Sao vẫn thích những đàn chim quần tụ

Trên ngọn sao cao ngọn dầu ồn ĩ

Mái chùa cong sư sãi áo vàng tươi


Sông vẫn xanh màu nước biển dịu hiền

Một mùa ngọt mùa sau hóa mặn

Đi qua những con đường thinh lặng

Áo trắng em là điểm sáng cuối chân trời


Khu chợ rộn ràng dậy một mùi hương

Thơm lựng mũi sao cầm lòng được

Ăn tô bún nước lèo đậm đà vị mặn

Ngọt lòng tôi thế hở người dưng?


Sao ngọt lòng đến vậy hở người dưng

Câu hát a-day và tiếng nhạc ngũ âm

Em mềm mại cánh tay làm mờ vầng trăng sáng

Có niềm vui nào hơn đêm lâm-thon


Tưởng xa xôi nhưng rất thật gần

Hai thị xã cách sông sâu đồng rộng

Bước ở nơi này cơ hồ như mộng

Chừng như mình đang sống ở nơi kia.


Trà Vinh, 28-5-1987

Đợi


Đợi em trắng tóc dài râu

Trắng mưa dài nắng trắng thâu đêm chờ

Đợi em đợi đến bao giờ

Hoa cau rộ nở mấy mùa tân hôn

Đợi em lắm nỗi bồn chồn

Rực hè hoa phượng tím đông hoa dừa

Đợi em tôi đợi tôi đưa

Sáng tôi đưa một trưa tôi đưa mười

Tôi đưa tôi muộn tối rồi

Con chim đi ngủ con người đi vui

Còn tôi chong nỗi ngậm ngùi

Đợi em thuốc ngắn tay đời khói tan

Cá mùa sinh sản bao năm

Cá tôi kín chậu sùi tăm một mình.

6-3-1988

Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2007

Muộn


Muộn rồi em. Muộn chiều rôi

Muộn cây khép lá. Muộn trời nắng tan

Muộn đêm con phố đèn giăng

Muộn sao nở rộ. Muộn trăng ngủ rồi

Muộn em. Và muộn cả tôi

Bâng khuâng bốn bức tường vôi lặng thầm.



Long Xuyên, 31-5-1988