8-8-2007
Nhà thơ Lê Chí từ bỏ chức giám đốc Nhà xuất bản Cà Mau, về làm cán bộ sáng tác tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Cần Thơ. Khoảng đầu năm 1994, một hôm, anh nói với tôi: “Ông làm bản thảo tập thơ đi, tôi biên tập”. Tôi từ chối ngay: “Thôi, tiền đâu in!”. Anh cười trấn an: “Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Cần Thơ in”. Chần chừ rồi tôi cũng bị anh thuyết phục. Tập thơ đầu tay “Thơ tình tuổi bốn mươi” của tôi in có nhiều sai sót, nhiều năm qua tôi muốn in tập khác theo sự đôn đốc của bạn bè. Tôi đã chọn cho tập thơ này cái tên: “Buồn sống”. “Buồn” ở đây có nghĩa là “mắc”, “muốn”, “ham”, như “buồn ngủ”… Cái tên này, theo tôi, quá đã…nhưng không có tiền in. Buồn ngủ gặp chiếu manh, vậy là tôi gom thơ lại, đưa anh Lê Chí với tên tập thơ là “Vòng quay”, ý nói cuộc sống như một vòng quay đối với con người. Tên này dễ chấp nhận hơn tên “Buồn sống” nhiều khiêu khích, có thể bị hội “ách” lại.
Lâu lâu, gặp nhau, tôi hỏi hoặc tự ý anh Lê Chí cho biết tập thơ đang được duyệt…
Một hôm, anh Lê Chí hớt hải báo hung tin: “Chết rồi, tập thơ ông bị đánh tơi tả, cho là bôi đen chế độ, ở tù như chơi”. Rồi anh lấy bản viết tay trên hai mặt giấy nhận xét về tập thơ này (xin xem bản photo) mà anh bí mật lấy được đem photocopy. Đọc xong, tôi hoảng kinh hồn vía. Anh Lê Chí nói không biết nét chữ của ai, có thể của một tay nào đó ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Găng lắm! Tôi than: “Cũng tại ông!”. Anh Lê Chí bèn hiến kế: “Để cứu nguy, ông phải cho in gấp tập thơ này, không được bỏ một bài nào, không được sửa một câu, một chữ”. Trong đầu tôi liền nghĩ đến nhà thơ Nguyễn Liên Châu và nhà văn Nguyễn Đình Bổn. Hai ông bạn thân của tôi đang làm dịch vụ in sách ở Sài Gòn. Nhẹ cả người, tôi nói xuôi xị: “Được. Nhưng căng nhứt là tiền”.
Lỡ “phóng lao”, tôi phải “theo lao”, đem bản thảo lên Sài Gòn, vô con hẻm 220 đường Lê Văn Sĩ, quận 3, gặp và nhờ Nguyễn Liên Châu nhờ xin giấy phép ở Nhà xuất bản Đồng Nai với điều kiện gắt gao ấy. Không thèm đọc bản thảo tập thơ, bạn vàng Nguyễn Liên Châu cười mỉm: “Chuyện nhỏ”, rồi bảo cứ yên tâm, đừng lo tiền bạc, sẽ tính sau. Tập thơ được lấy tên “Ngọn khói”, vì “khói” này “phải” có do “lửa” từ nhận xét “có thể vô tù” ấy. Tôi gặp nhà thơ Ngô Nguyên Nghiễm ở 21, Hưng Phú, phường 8, quận 8, TPHCM, nói chuyện này. Anh và nhà thơ Trần Hữu Dũng gợi ý nhờ họa sĩ Chóe vẽ chân dung cho thêm phần “bề thế”. Ông Chóe ô kê cái rụp. Thêm vào, tôi đã có sẵn chân dung do Lê Thánh Thư vẽ. Lần lên Sài Gòn đó, anh Nghiễm rủ tôi lên nhà nhà thơ Phạm Nhã Dự ở Bà Điểm nhậu. Biết tên Phạm Nhã Dự trước 1975 nên tôi vui vẻ nhận lời. Đi cùng còn có Trần Hữu Dũng, Lê Thánh Thư và một vài bạn bè mà tôi không nhớ được. Đang nhậu rượu thuốc, Lê Thánh Thư nổi hứng bảo chúng tôi lần lượt làm mẫu cho anh vẽ chân dung. Anh Nghiễm đùa: “Nó mà vẽ cái gì”. Bởi, Lê Thánh Thư tới lúc đó chỉ toàn làm thơ, có học qua hội họa với ai, trường lớp nào đâu. Cùng xỉn xỉn, chúng tôi lẳng lặng ngồi yên cho Thư vẽ chân dung mình. Thật bất ngờ, trong số chân dung do Thư vẽ ấy chỉ có bức vẽ tôi là “xuất thần” hơn cả. Ai cũng khen. Và tôi quý nó như vàng, giữ kín đến đỗi mới tìm thấy ngày hôm qua (7-8-2008) trong đống sách vở bề bộn của mình (còn bức họa sĩ Chóe vẽ thì biệt tăm!). Sau này, Lê Thánh Thư đoạt giải môi trường của ASEAN cách đây khoảng chục năm và trở thành họa sĩ thứ thiệt, sống giàu. Bìa thì nhờ họa sĩ Lưu Nhữ Thụy, bạn thân, đã từng làm bìa tập “Thơ tình tuổi bốn mươi” cho tôi, rất đẹp. Để tăng thêm phần trang trọng cho tập thơ, Nguyễn Liên Châu nhờ các họa sĩ Nguyễn Bá Văn, Đỗ Trung Quân và Nguyễn Thúy Bắc vẽ phụ bản…
Tập thơ nằm “nhà in”, tôi rầu rĩ vì tiền. May mắn mỉm cười với tôi khi Tuổi Trẻ Chủ Nhật (số 41-94 (572) năm thứ 12, ngày 16-10-1994) đăng truyện ngắn “Bọ rầy” của tôi. Anh Lê Chí đọc, mừng rỡ nói “nó cứu ông đó”, bởi truyện này đậm đà bản sắc dân tộc, mấy ông tuyên giáo có lẽ sẽ lờ vụ kia. Tôi còn mừng hơn vì truyện ngắn đăng ở báo này nhuận bút “đậm” lắm, vì tôi đã nhận với truyện ngắn “Đảo mộng” và “Sợi dây” (ký tên Lữ Thị Tường Vy) vào năm 1991...
Tập thơ in xong vào tháng 1-1995, cả tôi và nhà thơ Lê Chí thở hắt ra. Tôi chỉ phải lo một triệu rưỡi đồng tiền in vì người bạn chí cốt Nguyễn Liên Châu đã hào hiệp chịu một nửa. Tôi “khỏe” vì có sẵn nhuận bút truyện ngắn “Bọ rầy”…
Mãi về sau này, “điệp viên” Lê Chí mới biết và tiết lộ người viết nhận xét không ký tên ấy không phải ông tuyên huấn nào mà là nhạc sĩ Cửu Long, lúc đó đang làm thường trực Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Cần Thơ. Tôi bèn nhớ ngay và biết rằng mình đã phạm phải một sai lầm “chết người”.
Hồi đó, tôi làm thường trực Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Cần Thơ (số 4, Lý Tự Trọng), thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Cần Thơ (số 170, Lý Tự Trọng). Tuy cùng “chức” với nhạc sĩ Cửu Long nhưng tôi nhỏ “quyền” hơn. Một hôm Cửu Long “xuống” hội “cấp dưới”, đề nghị với tôi: “Ông cho mấy bài thơ tình để tôi phổ nhạc”. Vốn biết tài năng nhạc sĩ cấp quốc gia này nên tôi từ chối không mấy “khéo”: “Trời đất, tôi có thơ đâu, làm xong bài nào là tôi chùi… hết, lo làm bài mới”. “Ngọn khói” bắt nguồn cho “ngọn lửa”. Có “lửa” mới có “khói”, là vậy!
Tôi không muốn kể lại chuyện này, nhưng có nhiều người thắc mắc tên tập thơ kỳ quá, đành phải “thú thiệt”. Rất mong hồn nhạc sĩ Cửu Long (mới mất năm 2006) ở đâu đó đánh cho tôi hai chữ “đại xá”. Vô vàn biết ơn!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét