Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2007

Đêm trắng ao Bà Om

Phố Thu phổ nhạc bài thơ "Đêm trắng ao Bà Om"
Click vào hình để có bản phóng lớn

Thứ Năm, 20 tháng 9, 2007

Chia tay không vội

Mặc Tuân phổ thơ bài "Chia tay không vội"
Click vào hình để có bản phóng lớn.

Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2007

Trắng đêm trăng

Đó là một đêm cuối năm. Nằm trong giường, anh cứ lăn qua trở lại, không tài nào ngủ được.Chợt nhớ đến phương pháp dỗ giấc cổ điển, anh bèn áp dụng thử. Anh nhẩm đếm từ một đến một trăm, rồi đếm trở lại nhiều lần. Nhưng vẫn không thể nào đi sâu vào giấc ngủ! Mắt anh hết nhắm rồi lại mở. Dù nhắm hay mở mắt, ánh trăng chiếu vãi ngoài sân nhà vẫn tác động đến nó. Trăng sáng quá! Vằng vặc. Xuyên qua khe cửa, khuôn bông mặt tiền nhà, anh thấy nó lung linh, huyền ảo như gọi như mời. Vậy là anh trỗi dậy, bước ra khỏi giường, khẽ khàng mở chốt cửa.

Quả thật là tuyệt! Một màu trăng sữa trong chảy tràn trề, tắm đẫm trên toàn cảnh vật trước mắt anh. Anh mê lịm đi. Anh ngồi vào chiếc băng đá bên hiên nhà, trong khuôn sân nhỏ của mình. Mùi hương nồng ngát từ bụi nguyệt quế lấm tấm những đài hoa trắng đi thẳng vào khứu giác anh. Trăng chiếu lên nó, khiến nó trở thành một sinh vật sinh động hẳn lên. Hình như chính trăng là nguồn động lực thúc mùi hoa thêm nồng ngát hơn. Không chỉ riêng nguyệt quế, dường như ánh trăng còn tác động lên cả những bông hoa có mặt trong sân nhà. Nào trúc đào, mào gà, hồng nhung, soi nhái, cả những bông hoa hèn mọn của vú sữa đất và cỏ dại nữa. Tất cả hình như vươn thẳng lên hứng ánh trăng. Thật tuyệt!

Anh phóng mắt xuyên qua những thanh tre làm rào. Con hẻm nhỏ tráng xi mắng trắng màu trăng. Bên kia đường hẻm, đối diện nhà anh là nhà Tư Soạn. Đó là người đàn bà trẻ hời hợt, vô tư, thương yêu con và rất chí thú làm ăn thường hay sang nhà anh chơi, nhất là vào những buổi đầu hôm. Chị ta sang xem tivi, tào lao với vợ anh những chuyện vặt vãnh trong nghề nghiệp của mình. Những câu chuyện bâng quơ, nhiều khi tẻ ngắt của một người bán vé số dạo từ rạng sáng tới chiều tối. Điều anh không thích là ít khi chị ta ăn mặc đứng đắn, đàng hoàng. Cứ với chiếc xà lỏn lở rộng rinh và chiếc áo khoét rộng nách, rộng cổ - cũng rộng rinh như chiếc quần - là chị ta có quyền xề qua, ngồi bệt lên nền gạch nhà anh ngóc mỏ xem tivi. Lắm lúc anh rất khó chịu phải đế mắt đến cái hốc nách đầy những chùm lông đen mượt, loắn xoắn khi chị ta đưa hai tay lên sửa lại mái tóc dài lõa xõa của mình. Chiếc áo khoét rộng nách vô tình (hay cố ý) còn bày ra trước mắt anh một bờ ngực trắng nhễ nhại mang hình ảnh vầng trăng mồng mười, của người đàn bà trẻ hai con. Nó buộc anh phải nhìn, dù lòng anh rất không muốn! Cũng như vậy, trong nhiều câu chuyện của chị ta với vợ anh, dù không thích, anh vẫn phải nghe những lời phê phán lối ăn, cách ở, kể cả phẩm hạnh của những người phụ nữ, mà theo anh, qua lời chị ta, thật là đáng trách.

Dẫu sao Tư Soạn vẫn còn biết điều đôi chút là biết để vợ chồng con cái anh có thời gian theo dõi chương trình truyền hình. Anh bực nhất Tám Hoa, cô gái già năm mươi bốn tuổi. Các con anh đặt cô là “Đài phát thanh”. Xước hiệu này, với cô, quả là tương xứng. Cô vẫn thích đến nhà xem kịch, thế giới đó đây và cải lương trên tivi. Nhưng cô có xem gì đâu. Hễ thấy cô xuất hiện ngay ngạch cửa là y như rằng chương trình thời sự địa phương còn đúng năm phút nữa là chấm dứt. Dù muốn tắt tivi anh cũng không thể khiếm nhã. Vậy là anh phải chịu đựng suốt buổi với những chuyện nhân nghĩa ở đời, chuyện đức hạnh, chuyện tu hành mà cô thuyết giảng liên hồi kỳ trận. Trong ngõ hẻm này ai làm việc gì, ở đâu cũng không thoát khỏi cặp mắt và lỗ tai tò mò tinh tường cùng những lời phê bình đích đáng của cô. Theo cô, qua những câu chuyện của cô, quả thật cô là một người đạo đức từ chân lông tới sợi tóc. Kinh Thánh có lẽ phải sửa như vầy: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn khó hơn cô Tám Hoa vào nước Thiên đàng”. Cả nhà anh không ai thích coi cải lương, vì lịch sự đành để tivi phục vụ cô. Trong khi đó cô phục vụ gia đình anh một chương trình “tân cổ… vô duyên”! Các danh ca, danh hài cứ hát, cứ diễn theo tuồng tích trên màn ảnh nhỏ, phần cô cứ thoải mái tự biên tự diễn những tích tuồng của mình hoặc phóng tác!

Nhà anh có cái tivi đèn cổ lỗ sĩ, loại cửa lùa, chân đứng nhưng vẫn thu hút đủ mọi thành phần trong ngõ hẻm. Ngoài bộ sậu ngồi hẳn trong nhà như Tám Hoa, Tư Soạn cùng một lô một lốc con nít đông ơi là đông vào để… đùa giỡn, cãi cọ, đánh lộn, còn có khán giả đặc biệt bên khung cửa sổ, ngồi trên lưng ghế đá. Đó là khán giả vào loại kỳ cựu. Anh ta ngồi đó, ngọn gió thông thoáng trượt dài theo con hẻm qua anh ta, mang vào nhà anh mùi hèm đến muốn mửa của một người say rượu kinh niên. Hầu như không đêm nào gia đình anh, kể cả những khán giả bất đắc dĩ kia, là không trân mình “thưởng thức” cái mùi vị trời ơi đó! Đã vậy, anh ta thường hay tham gia vào bất cứ lĩnh vực nào mà, không Tư Soạn đưa ra thì cũng Tám Hoa đề xuất. Dù chỉ là tay bốc vác ngoài bến chợ nhưng Út Gấu - tên anh ta - thông hiểu tất cả mọi việc trên đời, y như nhà thông kim quán cổ. Út Gấu quen biết hết thảy những nhân vật của nhiều cơ quan ban ngành, từ giám đốc cho chí nhân viên quèn. Với trình độ học vấn chẳng có là bao, nhiều chuyện Út Gấu xía vô thường trớt quớt, trật chìa. Vì vậy Út Gấu không được khán giả trong nhà anh ưa. Họ tỏ ra bực bội, ghét bỏ anh, thậm chí còn đốc thúc gia đình anh đóng hẳn cửa sổ lại để tống anh ta đi phứt cho rảnh. Nhưng vợ chồng anh không đành. Người phản đối Út Gấu nhiếu nhất là Tám Hoa. Với cái giọng oang oang của mình, cô, nhà đạo đức, bực mình nói như đay nghiến:

- Thầy cứ trọng con người. Trọng thì trong nhưng cũng phải có ngằn, có lớp. Cái thằng sáng xỉn chiều say, nói bá xàm bá láp mà thầy cũng trọng, thiệt tui hiểu hổng nổi!

Tư Soạn bình luận:

- Đó là cái thằng cà chớn gió, vô duyên. Tù mặt làm mướn, cùi còn hổng thèm ưng mà bày bặt quen biết tùm, lum. Nè, thí dụ thầy với cô gặp chuyện rắc rối, phải nhờ nhõi ai, hì hì…, cứ nói với nó một tiếng là phẻ re.

Một trận cười khinh thị nổ vang nhà. Vợ chồng anh dù tỏ ra điềm tĩnh cách gì cũng phải bật cười theo. Không khí hào hứng đó giục Tám Hoa đưa thêm ý kiến:

- Đóng mẹ cửa sổ đi, cho nó đi chỗ khác!

- Ờ, cho nó qua bên bà Lắc coi – Tư Soạn ủng hộ liền.

- Phải đó, cho ổng qua bển đi - Thằng Lượm hưởng ứng lời má nó.

Không chịu thua kém anh mình, con Rớt tham gia với một giọng non nớt, nhão nhoẹt của lứa tuổi lên bốn:

- Ở bển thướng lắm. Tivi màu xịn. Đã thí mồ!

- Gạch bông, quạt máy mát lạnh - Thằng Lượm giặm thêm.

- Nhưng mà khó nuốt lắm con ơi! – Tám Hoa nói trổng, không biết kêu ai bằng “con”, Út Gấu hay mấy đứa nhỏ con Tư Soạn.

Vậy là câu chuyện xoay quanh đề tài Út Gấu cho tới khi chương trình của đài truyền hình chấm dứt vẫn còn rôm rả, với sự tham gia nhiệt tình của cả vợ anh nữa! Cũng dễ hiểu, vì vợ anh ghét Út Gấu từ lâu. Ngoài cái mùi rượu nồng nặc, chua lè, ngoài việc anh ta hay nhảy xổm vô câu chuyện của người khác, ngoài những lần đánh giá, phán đoán, giải thích trật lất, anh ta còn có những cái nhìn không mấy lịch sự với phụ nữ. Anh ta dòm lom lom vô mặt, vô ngực của Tư Soạn, Tám Hoa… Có lần Tư Soạn đốp thẳng vô mặt Út Gấu:

- Ông làm cái giống gì mà dòm muốn nổ tròng con mắt vô vú tui vậy?

Không chút ngượng ngùng, Út Gấu cười khè khè như rắn hổ mang phun nọc:

- Hờ! Bà làm như bà “đoẹp” lắm dậy!

Tuy Tư Soạn chĩa thẳng mũi dùi vào Út Gấu nhưng anh cũng nghe nhột nhạt khắp người. Dù những lúc Tư Soạn vô ý hớ hênh, dù không muốn nhìn những khoản thịt da trắng nõn, non tơ, mát mẻ hơn vợ mình gấp nhiều lần, anh vẫn thấy thòm thèm nếu “quên” để mắt tới đó. Những lần như vậy, tận sâu trong lòng anh vẫn sôi lên niềm phấn khích nào đó. Anh cố kềm nhưng con mắt quái quỷ của anh thì chỉ biết tuân theo bản năng của nó!

Trước là vậy. Bây giờ, từ hơn một năm nay, chương trình phát sóng của đài truyền hình, qua chiếc tivi nhà anh, mỗi đêm lại hấp dẫn hơn với số khán giả cố hữu ấy. Anh đã khá lên từ khi mở lớp dạy toán cấp ba. Dù chúng nó, gia đình chúng nó không muốn theo học ngoài giờ với anh, cũng chẳng thể nào trốn tránh “trách nhiệm” “bồi dưỡng”, “nâng cao” bài học chính khóa, đồng thời đảm bảo chương trình học của nhà trường tốt hơn. Vậy là hầu như gần hết số học trò của anh tham gia học thêm. Mỗi em, mỗi tháng anh lấy có hai chục ngàn đồng. Một lớp vị chi bốn chục em, mỗi tháng anh liễm ngon lành tám trăm ngàn. Nhờ đó vợ anh không còn phải tần tảo, hết thời nuôi heo, chạy chợ một cách nhếch nhác như trước. Chị ở nhà, ăn ngon, mặc đẹp, trắng da dài tóc, lân la hàng xóm tán dóc. Đêm đêm chị không còn than thở, ước mơ có một tivi màu và đầu máy để “coi cho mãn nhãn”. Tuy không đủ sức mua tivi màu hai mươi mốt inches hiệu Sony, anh vẫn thừa khả năng mua chiếc Etron mười bốn inches cùng chiếc đầu máy video loại nhỏ. Nhà có tivi màu, số khán giả tăng lên rõ rệt. Tuy gia đình Tám Hoa đã có tivi đen trắng do các cháu cô mua sắm, cô vẫn tới lui khi có kịch, thế giới đó đây và cải lương, để “phát thanh tiếp” chương trình truyền hình. Cả đàn cả đống ấy hầu như ngự nhà anh suốt đêm, suốt ngày để theo dõi hết cuốn phim võ hiệp này đến cuốn phim hình sự, ma quái khác, khi thì Hongkong, lúc của Mỹ. Quả thật, anh hết sức khổ tâm. Nhưng biết sao giờ? Anh chỉ còn có nước lẳng lặng ôm xách mùng mền chiếu gối ra gian nhà bếp bắc chiếc ghế bố xếp mà nằm cho thoải mái. Anh cần phải ngủ, ngủ lấy sức cho công việc giảng dạy vừa chính khóa vừa ngoại khóa. Ngủ đêm và ngủ trưa. Nhưng thường những lúc sau giờ cơm trưa, khi anh bắt đầu mơ màng thì y như rằng, mười ngày như một, nhà Út Gấu lại rộ lên những lời đối đáp ồn ào như bầy ong vò vẽ. Thôi thì hết mẹ anh ta, tới chị dâu anh ta, tới cả đám con dâu, con rể cùng cháu chắt mười người kia của nhà anh ta đồng thanh tham dự vào một cuộc tranh luận nào đó. Họ nói như hét hầu như muốn nhét vô lỗ tai lối xóm những điều ấy. Hơn vậy nữa, khi cười, họ cười sằng sặc, hô hố. Bữa nào Út Gấu vô mánh, nhậu sớm, về nhà lè nhè tranh cãi chỗ ăn chỗ nằm thì, cũng y như rằng, mười ngày như một, sẽ nổ ra một cuộc đấu đá quyết liệt, phang cây liệng củi bất kể trời đất. Chưa hết. Nhà bà Lắc, đám con choai choai của bà sau buổi buôn bán ở chợ về nhà ăn cơm, xả hơi bằng nhạc. Cái thứ nhạc rock metal nước ngoài vốn không lấy gì làm êm ả, lại được mở hết volume qua hai thùng loa ba tấc thì, họa có trời cũng không chịu nổi. Vậy là anh lồm cồm bò dậy, lấy thuốc lá ra hút để quên đi sự khổ sở của hai con mắt đờ đẫn vì thiếu ngủ của mình!

Út Gấu tuy không mấy được cảm tình của lối xóm nhưng lại là người vui tính, hay tận tình giúp đỡ bà con trong bất cứ công việc gì, không ai cần phải kêu réo. Con nít trong xóm, chẳng hạn như hai đứa con anh, thường được Út Gấu nâng niu, bồng ẵm, nói chuyện tào lao, trững giỡn như cùng trang lứa. Bữa nào tỉnh táo, có tiền, anh ta còn mua bánh kẹo cho chúng nữa. Kể ra, trong cái xấu, anh ta cũng có điều tốt, hơn hẳn Tám Hoa. Tám Hoa miệng lưỡi ngọt ngào, tu hành, nhân nghĩa nhưng là người cho vay bạc có thế chân. Phải có thế chân cô mới chịu. Lúc chưa dạy thêm, gia đình anh luôn túng quẫn. Vợ anh thường khi mang cái đồng hồ thổ tả của anh, lúc mang chiếc nhẫn cưới của mình sang nhà Tám Hoa thế chân vay tiền. Vợ anh thỏ thẻ với anh việc phải có vật thế chân cổ mới cho vay, khiến anh nổi quạu gắt:

- Mình vay trả lời đàng hoàng, có giựt bả hồi nào chưa mà làm quá đáng vậy!

- Nhưng bả hổng chịu.

Anh ngao ngán thở dài, nghe nỗi nhục tủi đầy ứ lên cổ họng. Rồi anh cười khan, chua cay, đắng uất nhớ đến những lời thuyết giảng của cô ta. Điệu này, anh nghĩ một cách hài hước, Kinh Thánh nói đúng thật: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn Tám Hoa vào nước Thiên đàng”!

Đời là vậy! Anh chẳng còn tin ai. Tin sao được, khi vừa mới đây thôi, bạn anh từ Mỹ về ghé thăm. Sau chầu cà phê ngoài quán cóc đầu hẻm, anh ta kiếu từ:

- Tao phải về mới được. Ba giờ chiều mày làm ơn tới khách sạn kêu tao dậy đi nhậu. Tao sợ ngủ quên. Mày thông cảm, tao không làm bộ làm tịch, mà chính vì giờ này bên đó đang nửa khuya. Tao quen lệ bên đó rồi!

Đúng ba giờ chiều, anh đến gõ cửa phòng khách sạn anh ta nghỉ. Cánh cửa bật mở. Anh không tin vào mắt mình. Tư Soạn, phải, Tư Soạn nằm ườn trên chiếc nệm trắng tinh, phủ hờ chiếc mền hai da lên tấm thân trắng nhễ nhại. Cái tép da quen thuộc của chị ta dùng để đựng tiền và các cọc vé số để trên mặt chiếc bàn ngủ đầu giường. Thật, anh không thể ngờ Tư Soạn dám cả gan “làm chuyện động trời” như vầy. Nếu không đến đây chắc anh sẽ luôn luôn tin vào sự cần cù, khổ cực của Tư Soạn, cũng như xúc động mỗi chiều thấy vợ chồng con cái chị ta đề huề đi dạo phố bằng chiếc xe lôi kiếm cơm của chồng chị!

Từ đó anh nảy sinh tâm lý bất kính, hoài nghi đối với mọi người trong ngõ hẻm. Hóa ra, ngoài cái vỏ đạo mạo, sâu trong lòng con người là một đống bầy nhầy, thối tha, nhơ nhớp! Nhưng ở đời làm sao anh biết được sẽ có ngày anh bị mọi người khinh thị. Họ coi thường anh qua thằng con trai mười bốn tuổi của anh. Nó ăn cắp. Ăn cắp nhà Tám Hoa. Bị bắt tại trận. Anh vừa nhục vừa tủi vừa hối hận. Bấy lâu anh đã lơi là trong việc giáo dục nó, cứ thây kệ mấy cuốn phim video quái quỷ của nó làm công tác giáo khoa! Tám Hoa vừa méc thằng con anh với anh, vừa kết luận một câu cũ rích mà xanh dờn:

- Cha làm thầy con bán sách.

Thật là tai họa! Tai họa vừa mới đây thôi!

Ngồi lặng lẽ ngắm trăng với gói thuốc lá đẩu lọc vơi đi hơn một nửa, anh bỗng nghe chán ngán sự đời. Buồn quá! Nhục quá! Nhớ tới những nụ cười khinh bỉ của mình với Tám Hoa, Tư Soạn, cả Út Gấu trước đây, anh rùng mình nghĩ rằng rồi mình sẽ chẳng dám coi thường bất cứ một ai. Đâu phải chỉ thằng con lớn anh hư, cả bản thân anh cũng hư nữa. Vì tiền, vì tivi màu, đầu máy video, xe cub, áo quần son phấn cho vợ mà anh đánh mất lương tâm nhà giáo. Anh buộc học trò học thêm, với tiền “bồi dưỡng” cao, với những lời hăm dọa vu vơ nhưng đầy hiệu quả…

Mùi nguyệt quế lại phả vào khứu giác anh, làm vơi đi nỗi muộn phiền đang trùm phủ khắp đầu óc anh. Trăng vẫn sáng. Vằng vặc. Mềm mại và trắng trong một màu sữa non. Ánh trăng tràn chảy khắp con hẻm trên những mái nhà cửa đóng im ỉm. Chỉ riêng anh thức. Với những bông hoa. Những bông hoa được anh chăm sóc, cùng những bông hoa dại đang mở rộng cánh, vươn cao cành vừa hứng ánh trăng vừa vươn lên với đời. Chúng muốn hiến dâng cho đời những gì tinh túy của chúng. Còn anh…!

Ngọn gió bấc lồng lộng thổi không ngớt từ đầu hôm đến giờ qua manh áo phong phanh của anh. Bấy giờ anh mới cảm nhận ra sự hiện diện của nó. Lạnh! Anh rùng mình đứng lên bước vô nhà. Đường phố ngoài xa kia đang rộn ràng thức dậy.


1991

Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2007

Đêm ngủ trên cồn


Lần thứ nhì trở lại cùng anh

Đến với căn nhà sàn bên mép cồn Ông Hổ

Gặp nhau anh vồn vã

Cái bắt tay nồng nàn

Cứ nhói mãi tim tôi


Cứ nhói mãi tim tôi

Cái bắt tay nồng nàn

Những nốt chai sau nhiều năm sương gió

Cộm lòng tôi mỗi sớm mỗi chiều


Chúng tôi ngồi xếp bằng trên sàn gỗ xoài

Căn nhà ấm thơm mùi lá mới

Gió theo sông cuộn thổi

Khua xạc xào tàn xoài tàn mận

Gió hay tay tôi làm ra con sóng

Dợn từng hồi trong chiếc ly con?


Uống với nhau ly rượu cay nồng

Lần thứ nhì gặp lại

Những nếp nhăn cuối đuôi mắt anh tan biến

Có niềm vui nào

Bằng tình bạn lâu năm


Lần thứ nhì ngủ lại nhà anh

Gà gáy sáng

Đầu ngày – tôi thao thức

Cả hai lần ngủ trên cồn tôi đâu nghe sông vỗ sóng

Chỉ biết lòng mình con sóng thức thâu đêm



1987

Câu hỏi


Nơi má sinh ra cũng là chốn con khóc tiếng chào đời

Không có sóng biển rì rầm đưa nôi khuya sớm

Cũng chẳng có dãy núi cao mây đùn trắng ngọn

Để lớn lên lòng con nhớ khôn nguôi


Giản đơn quê mình chỉ mảnh đất liền thôi

Xa ngút ngát dòng Hậu Giang đục ngừ cuộn chảy

Cũng xa lắm cồn xanh vững chãi

Như một con tàu neo lại giữa sông sâu


Quê xứ mình giồng cát bao quanh

Mùa mưa mịn êm bàn chân bước

Mùa nắng dữ cát đùn sau trước

Cái nóng ấm suốt đời đốt lửa lòng con


Dẫu đi xa con cũng nhớ về

Lũy tre xanh cựa mình thao thức

Cơn mưa nhỏ và tiếng ve hè rộn

Ngai ngái phân trâu chiều chuyển nồm


Sương trắng dòng sông nhỏ tháng giêng

Như tóc má viền nhăn vầng trán

Cái mùi dầu dừa qua bao năm tháng

Không thể nào phai trước hương phấn cuộc đời


Con đi xa cuối đất cùng trời

Vẫn nhớ mãi tàn cây thốt nốt

Đứng trơ vơ trong đêm đơn độc

Như dáng má đợi con về – cái thuở chiến tranh


Nơi má sinh ra cũng là chốn con khóc chào đời

Không thơ mộng cũng không hùng vĩ

Sao đánh động lòng con đến vậy

Dẫu chỉ là những điều bé nhỏ, giản đơn



Cầu Kè, 1-8-1987

Mẹ tôi


Suốt cuộc đời mẹ chẳng lúc nào vui

Ơi câu hát “con cò” đau từng khúc ruột

Trên đồng xa hay trên dòng sông vắng

Một chiếc xuồng con chèo chống thâu đêm


Mắt thâm quầng lo cái mặc cái ăn

Cái áo vá vai cái quần vá đáy

Mẹ với cha oằn vai đóng thuế

Giọt mồ hôi và giọt nước mắt cân bằng


Mỗi đứa con sinh ra là mẹ sinh thêm nhọc nhằn

Ao rách thêm, quần vá nhiều thêm

Tiếng hát ru con nao lòng trưa vắng

Hạt muối mặn môi sao lời mẹ ngọt ngào!


Có niềm vui nào trong mắt mẹ đâu

Chỉ thấy mây chiều lặn sân trong đó

Sông quê ta bên bồi bên lở

Bờ nhà mình ngày một khuyết sâu


Suốt cuộc đời con chẳng thấy mẹ vui

Nỗi lo toan đốt tro tàn mái tóc

Con: đứa nhỏ, đứa chống càn, đứa theo giặc

Riêng đám cháu thơ kề cận bà thôi


Chiến tranh kéo dài như một trận mưa dai

Mẹ dặn mình sao kham nổi

Khi mẹ mất đất quê mình giải phóng

Tiếc lòng con mẹ chẳng hưởng được ngày vui.



26-4-1987