Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

Về cội




Gần ba chục năm anh mới có chuyến trở về Cầu Kè (Trà Vinh). Chuyến đi nhân người cháu lên Cần Thơ chơi, vui miệng cho biết Vu lan thắng hội ở chùa ông Bổn mấy năm rồi vui lắm.
- Ngày mốt bắt đầu vào lễ – Nó nhấn mạnh.

Trong anh thức dậy ngay bao kỷ niệm xưa cũ về nơi chôn nhau cắt rún của mình, một thị trấn vùng sâu vùng xa của tỉnh Trà Vinh chẳng có gì vui ngoài lễ hội độc đáo của đồng bào Tiều định cư tại đây hàng mấy trăm năm qua. Anh lẩm nhẩm câu hát:

Hăm lăm vào đám
Hăm tám ra giàn


Rồi nhớ tới những bội tre nhỏ mà năm nào nhà chùa cũng đem tới từng nhà cho bổn phố (1) nhận lãnh, đặt lễ vật vào trước khi đem cúng chùa trong ngày hăm bảy tháng bảy âm lịch. Còn từ ngày hăm lăm thì bao nhiêu chuyện cúng kiếng, tụng niệm diễn ra liên tục suốt ngày đêm do các nhà sư ở chùa Phật, chùa Khmer trong thị trấn chủ trì. Những ngày, những đêm đó, bọn trẻ các anh thường la cà suốt, rình khi người lớn sơ ý là nhanh tay chộp một nắm hột dưa, bánh in, bánh men để trong dĩa đặt trên bàn nước, chạy nhanh ra nơi nào đó túm tụm lại ăn, cười đùa hỉ hả. Lớn hơn một chút, cũng với cách ấy, bọn anh còn lấy cả thuốc Bastos hoặc Mélia rồi vừa ăn bánh kẹo vừa phì phà khói thuốc một cách khoái trá vì cho rằng (một cách tại hại) mình đã là người lớn rồi! Nhưng khoái nhất là khi đói bọn anh được ăn một bụng cháo trắng với xái pấu (2) ngâm giấm đường. Cái thứ cháo trắng nóng hổi, bốc hơi nghi ngút như có lửa trong đó, vậy mà thằng Sến (3) húp một cái rột là hết ngay. Mấy đứa còn lại dở hơn, nhấm nháp từng muỗng, nhờ vậy mới được thưởng thức cái hương vị tuyệt trần của một thức ăn hèn mọn là những lát xái pấu vừa mặn vừa ngọt vừa chua kích thích dịch vị, làm đậm đà khẩu vị, rất hòa hợp với thứ cháo trắng hạt gạo được nấu nở bung. Càng ăn càng mê, no phình bụng hồi nào không biết. Lệ chùa thường dọn sẵn trên bàn những dĩa xái pấu ngâm giấm ấy, bất cứ lúc nào trong những ngày lễ này, khách, bất kể người lớn hay con nít, cũng đều được đãi một bữa no nê. Nhưng đáng nhớ với bọn anh có lẽ là ngày “hăm tám ra giàn”. Sau khi cúng tất, nhà chùa cho người lên một giàn cao dựng sẵn ở sân vận động, cầm từng nắm thẻ tre ném rải khắp xung quanh. Người lớn và cả trẻ con huyên náo chen nhau giành giật từng chiếc thẻ một để rồi sung sướng vô chùa nhận bội đồ cúng của bổn phố. Mỗi thẻ tre được nhận một bội đồ. Mỗi bội đựng một thứ đồ cúng khác nhau: gạo, muối, mía, chuối, khoai… Nhận những bội đồ ăn ấy đem về nhà cũng là lúc những ngày vui trong năm của huyện lỵ nghèo này chấm dứt. Bọn anh trở lại với việc học hành cùng những trò chơi thôn dã.

Bây giờ trở lại mảnh đất quê nhà, lòng anh bồi hồi khôn xiết, vì anh đi biệt từ khi mới mười tuổi đầu. Đứa cháu chở anh trên chiếc Dream phóng như bay trên con đường tráng nhựa phẳng phiu. Cảnh quan hai bên đường thật đẹp, còn đậm bản sắc một nông thôn Nam bộ xưa: Những cánh đồng xanh mướt lúa chạy như mút mắt đến chân trời. Những hàng dừa, hàng tre lay lắt trong gió. Những đụn rơm vàng và mấy con trâu, con bò nhẩn nha nhơi cỏ. Và kia, cánh đồng vàng rực lúa đang được những người nông dân gặt rồi đưa vô máy “vọt”. Một khung cảnh hết sức thanh bình. Nó hoàn toàn khác hẳn khung cảnh đã in đậm trong tâm thức anh hồi cất bước ra đi: khung cảnh của một thời chiến tranh ác liệt. Vườn tược, ruộng vườn xơ xác, xóm làng đìu hiu và con đường lổn nhổn đá bốn sáu, đầy ổ gà, mà những chuyến xe đò phải bò qua một cách thận trọng. Bây giờ, cái gì cũng mới, duy chỉ có mấy cây cầu sắt han gỉ là còn nguyên như trong kỷ niệm của anh. Có lẽ những chiếc cầu xài tạm này lớn tuổi hơn anh rất nhiều!... Nhưng, kia rồi, phố chợ hiện ra. Sung sướng! Có lẽ đó là tiếng kêu thầm một cách thống khoái của bất cứ ai khi trở lại quê nhà dù lâu hay mới vừa đây. Và anh càng rộn lòng hơn khi nghe tiếng trống của giàn “tùa lầu cấu” (4) ở chùa rộn vang như thúc giục. Anh hối thằng cháu vọt xe mau để kịp vào coi ông Bổn. Anh và thằng cháu chen chân trong dòng người đen đặc, vào tới sân chùa. Ngôi chùa ngày xưa với anh sao lớn rộng quá, vậy mà bây giờ nhỏ bé làm sao! Mùi khói nhang bay quyện khắp không gian. Tiếng trống làm nhịp cho tiếng chập chõa, tiếng chiêng, tiếng cồng nhỏ hòa trong âm điệu réo rắt của tiếng tiêu khiến anh nôn nao bụng dạ. Bất ngờ, anh gặp một vài người bạn cũ, bây giờ đã là thành viên của ban quản trị chùa. Cả bọn cười thích thú khi anh nhắc lại kỷ niệm cũ của một thời thơ dại xa xưa. Trong câu chuyện, không biết duyên cớ gì, một người bạn chợt dưng khoe thứ trái cây có tên gọi dừa sáp, một thứ trái cây độc đáo mà có lẽ không nơi nào trên đất nước này có được. Với anh, một người “cố cựu” mà dừa sáp vẫn là một sản vật chỉ nghe tên chứ chưa được nếm bao giờ. Nghe vậy, anh bạn nhanh nhảu đưa anh đến một vườn dừa nằm ở ngoại ô thị trấn, khu vực Sóc Kha. Trong bóng mát của những hàng dừa cao nghệu, được trồng hai bên bờ đất giữa hai con mương, anh được ông chủ vườn người Khmer tiếp đón nồng nhiệt, tận tình chỉ dẫn cách phân biệt thứ trái cây có cơm dầy như chiếm hết phần trong gáo dừa, chỉ còn một ít nước sền sệt ở giữa.

- Đây là một thứ nước giải khát tuyệt hảo trong bất cứ thời tiết nào – Lán (5), giáo viên, bạn của con gái ông lão vườn dừa, tình cờ đến chơi, sẵn dịp tiếp khách “phương xa”, “tiếp thị” như vậy.

Rồi bằng động tác nhanh nhẹn, thuần thục, cô và cô bạn vạt vỏ, mở miệng, nạo cơm dừa cho vào máy xay sinh tố cùng với những phụ gia cần thiết. Trong phút chốc, anh đã có ly nước giải khát độc đáo, vừa béo vị dừa, vị sữa vừa ngọt vị đường vừa lạnh các chân răng vì nước đá, thật là sảng khoái! Giữa từng hớp nước dừa sáp đặc sánh, béo ngậy, thơm tho ấy, câu chuyện giữa ông chủ nhà, con gái ông, Lán, bạn anh, và anh càng lúc càng đậm đà đủ thứ chuyện nảy sinh. Nhưng tình cảm càng thắm thiết hơn khi Lán biết anh là dân sinh đẻ ở nơi này và anh biết Lán là cô con gái Hoa lai Khmer, con của một người gia đình anh quen biết, chưa lập gia đình. Cả hai được câu chuyện “dẫn dắt” như có thể xa rời những người đang có mặt. Tiếc rằng cuộc chia tay rồi cũng đến, anh hẹn năm sau sẽ trở lại vào đúng dịp Vu lan này.

Y hẹn, không phải với ông chủ vườn dừa, với Lán, mà vì nghe thằng cháu điện thoại cho hay năm nay có “đánh động” trở lại, sau mấy chục năm tạm ngưng. Vậy là anh điện nhờ bạn dạy thế, khóa cửa nhà (vợ anh mất sớm khi chưa có con), hướng dẫn mấy người bạn thân làm một chuyến du lịch hành hương. Cả bọn phóng xe Honda về đúng ngày “hăm ba vào đám”. Đến nơi vào lúc xế chiều, tắm rửa xong, các bạn anh hối đưa đi vườn dừa để được thưởng thức đặc sản đất giồng mà họ nghe tiếng từ lâu. Vừa bước vào vườn, anh nghe tiếng nói quen quen:

- Về rồi, đúng hẹn quá!

Anh thấy Lán từ trong nhà bước ra, cười tươi, chào. Một niềm vui bất chợt tràn đầy trong tim, anh hào hứng:

 - Chớ sao, đã hứa thì phải giữ lời. Nào, cô giáo trổ tài chặt dừa cho các bạn tôi thưởng thức thứ nước giải khát trứ danh của quê mình.

Chẳng mấy chốc, các bạn anh đã mỗi người có một ly nước dừa sáp trên tay và hân hoan lộ rõ nét mặt khi họ nhấm nháp từng chút hương vị độc đáo ấy.

Anh và Lán hỏi thăm sức khỏe và công việc làm của nhau. Cả hai ngồi dưới bóng mát của giàn cây dạ lý ngan ngát tỏa hương. Câu chuyện như không thể dứt ra được còn nhờ những kỷ niệm ấu thời về những ngày lễ hội này mà họ đã trải qua. Bóng mát của giàn bông, của vườn dừa ngày một đậm màu. Buổi chiều tắt nắng. Không khí lễ hội từ đường phố xa âm vọng đến nghe nôn nao. Trong chốc lát tiếng náo động đó ngày một gần, lớn hơn, mà tiếng của giàn “tùa lầu cấu” là vang động hơn cả. Lán hớn hở giục:
- Mời mọi người đi coi đánh động – rồi cô nghiêng tai nói nhỏ với anh – Từ nhỏ tới giờ em chưa hề được coi đánh động nên nôn nao mấy tháng nay khi nghe nó được diễn lại.
Lán nhanh nhảu hướng dẫn mọi người ra lộ. Cả bọn nối chân theo, quên cả lời chào từ biệt ông lão chủ vườn dừa. Dẫn đầu đoàn người đông kịt chen nhau trên con đường đất cát, là nhà sư Tam Tạng tay cầm thiền trượng ngồi trên lưng ngựa giấy đang từng bước tiến lên. Tề Thiên đại thánh nhảy nhót múa thiết bảng, Trư Bát Giới bụng phệ lệt bệt cầm xà mâu, còn Sa Tăng thì è ạch quảy hành lý theo sau. Bước chân thầy trò nhà sư Đại Đường dừng lại trước một động yêu quái được làm bằng sườn tre cắm đầy lá đủng đỉnh giữa một khoảnh đất trống. Từ trong động, một con yêu mặt mày vằn vện bước ra, hươi vũ khí  tấn công địch thủ. Cuộc chiến diễn ra gay cấn. Trong bóng tối nhá nhem của buổi hoàng hôn, cuộc chiến càng thêm hấp dẫn bởi những đám lửa bay vù vào đối phương từ một chiếc miệng ngậm đầy dầu lửa thổi qua một ngọn đuốc. Trong ánh lửa sáng bùng lên, anh chợt nghe tay mình ấm mềm trong bàn tay ai. Cùng lúc ấy, anh nghe hơi ấm nóng chạy xuyên khắp thân thể và một giọng nói run run đầy hơi ấm phả vào tai mình:

 - Anh giáo! Em sợ! – Lán hổn hển.

Như một phản xạ, bàn tay anh áp lên bàn tay cô đang nắm tay kia của mình. Họ chìm trong cảm giác bồng bềnh của một thứ hạnh phúc không tên giữa tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng chập chõa, tiếng tiêu âm vang làm nền cho cuộc chiến đấu giữa cái thiện và cái ác đang diễn ra trước mặt mọi người. Hai người đi lạc khỏi đám bạn của anh, hòa trôi theo đám rước trên con đường đi Tây Trúc thỉnh kinh của thầy trò Đường tăng. Ở mỗi ngã ba, ngã tư đường, ba đệ tử của Tam Tạng phải ác chiến diệt loài quỷ dữ và ngọn lửa được liên tục thổi bùng. Mỗi lần như thế là một lần anh và Lán như hòa vào nhau trong một trạng thái có lẽ suốt đời cả hai người chẳng thể nào quên!

--------------   

1. Bổn phố: Những người  sống trong thị trấn.
2. Xái pấu: Củ cải muối. 
3.  Sện: Thành, tên gọi theo tiếng Tiều (Triều Châu).   
 4. Tùa lầu cấu: Giàn nhạc người Tiều dùng để phục vụ các lễ hội, đình đám quan trọng.
4. Lán: Lan, tên gọi theo tiếng Tiều.

Thứ Ba, 14 tháng 7, 2015

Cung đàn xanh - Lời ru con sáo nhỏ

Nhạc: Đắc Lợi - Thơ: Phù Sa Lộc


Thứ Tư, 1 tháng 7, 2015

Chiêc nón

Bài hát: Chiếc Nón - Thơ Phù Sa Lộc, nhạc Đắc Lợi, ca sĩ Hải Đăng


Thứ Hai, 9 tháng 2, 2015

Nón lá mùa xuân




Thơ: Phù Sa Lộc
Nhạc: Hồ Hoàng

Click vào hình để có ảnh phóng lớn