Thứ Hai, 29 tháng 10, 2007

Về Bạc Liêu

Ngô Tuấn phổ nhạc bài thơ "Về Bạc Liêu"
Click vào hình để có bản phóng lớn


Nghe "Về Bạc Liêu"

_

Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2007

Đêm trắng ao Bà Om

Phố Thu phổ nhạc bài thơ "Đêm trắng ao Bà Om"
Click vào hình để có bản phóng lớn

Thứ Năm, 20 tháng 9, 2007

Chia tay không vội

Mặc Tuân phổ thơ bài "Chia tay không vội"
Click vào hình để có bản phóng lớn.

Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2007

Trắng đêm trăng

Đó là một đêm cuối năm. Nằm trong giường, anh cứ lăn qua trở lại, không tài nào ngủ được.Chợt nhớ đến phương pháp dỗ giấc cổ điển, anh bèn áp dụng thử. Anh nhẩm đếm từ một đến một trăm, rồi đếm trở lại nhiều lần. Nhưng vẫn không thể nào đi sâu vào giấc ngủ! Mắt anh hết nhắm rồi lại mở. Dù nhắm hay mở mắt, ánh trăng chiếu vãi ngoài sân nhà vẫn tác động đến nó. Trăng sáng quá! Vằng vặc. Xuyên qua khe cửa, khuôn bông mặt tiền nhà, anh thấy nó lung linh, huyền ảo như gọi như mời. Vậy là anh trỗi dậy, bước ra khỏi giường, khẽ khàng mở chốt cửa.

Quả thật là tuyệt! Một màu trăng sữa trong chảy tràn trề, tắm đẫm trên toàn cảnh vật trước mắt anh. Anh mê lịm đi. Anh ngồi vào chiếc băng đá bên hiên nhà, trong khuôn sân nhỏ của mình. Mùi hương nồng ngát từ bụi nguyệt quế lấm tấm những đài hoa trắng đi thẳng vào khứu giác anh. Trăng chiếu lên nó, khiến nó trở thành một sinh vật sinh động hẳn lên. Hình như chính trăng là nguồn động lực thúc mùi hoa thêm nồng ngát hơn. Không chỉ riêng nguyệt quế, dường như ánh trăng còn tác động lên cả những bông hoa có mặt trong sân nhà. Nào trúc đào, mào gà, hồng nhung, soi nhái, cả những bông hoa hèn mọn của vú sữa đất và cỏ dại nữa. Tất cả hình như vươn thẳng lên hứng ánh trăng. Thật tuyệt!

Anh phóng mắt xuyên qua những thanh tre làm rào. Con hẻm nhỏ tráng xi mắng trắng màu trăng. Bên kia đường hẻm, đối diện nhà anh là nhà Tư Soạn. Đó là người đàn bà trẻ hời hợt, vô tư, thương yêu con và rất chí thú làm ăn thường hay sang nhà anh chơi, nhất là vào những buổi đầu hôm. Chị ta sang xem tivi, tào lao với vợ anh những chuyện vặt vãnh trong nghề nghiệp của mình. Những câu chuyện bâng quơ, nhiều khi tẻ ngắt của một người bán vé số dạo từ rạng sáng tới chiều tối. Điều anh không thích là ít khi chị ta ăn mặc đứng đắn, đàng hoàng. Cứ với chiếc xà lỏn lở rộng rinh và chiếc áo khoét rộng nách, rộng cổ - cũng rộng rinh như chiếc quần - là chị ta có quyền xề qua, ngồi bệt lên nền gạch nhà anh ngóc mỏ xem tivi. Lắm lúc anh rất khó chịu phải đế mắt đến cái hốc nách đầy những chùm lông đen mượt, loắn xoắn khi chị ta đưa hai tay lên sửa lại mái tóc dài lõa xõa của mình. Chiếc áo khoét rộng nách vô tình (hay cố ý) còn bày ra trước mắt anh một bờ ngực trắng nhễ nhại mang hình ảnh vầng trăng mồng mười, của người đàn bà trẻ hai con. Nó buộc anh phải nhìn, dù lòng anh rất không muốn! Cũng như vậy, trong nhiều câu chuyện của chị ta với vợ anh, dù không thích, anh vẫn phải nghe những lời phê phán lối ăn, cách ở, kể cả phẩm hạnh của những người phụ nữ, mà theo anh, qua lời chị ta, thật là đáng trách.

Dẫu sao Tư Soạn vẫn còn biết điều đôi chút là biết để vợ chồng con cái anh có thời gian theo dõi chương trình truyền hình. Anh bực nhất Tám Hoa, cô gái già năm mươi bốn tuổi. Các con anh đặt cô là “Đài phát thanh”. Xước hiệu này, với cô, quả là tương xứng. Cô vẫn thích đến nhà xem kịch, thế giới đó đây và cải lương trên tivi. Nhưng cô có xem gì đâu. Hễ thấy cô xuất hiện ngay ngạch cửa là y như rằng chương trình thời sự địa phương còn đúng năm phút nữa là chấm dứt. Dù muốn tắt tivi anh cũng không thể khiếm nhã. Vậy là anh phải chịu đựng suốt buổi với những chuyện nhân nghĩa ở đời, chuyện đức hạnh, chuyện tu hành mà cô thuyết giảng liên hồi kỳ trận. Trong ngõ hẻm này ai làm việc gì, ở đâu cũng không thoát khỏi cặp mắt và lỗ tai tò mò tinh tường cùng những lời phê bình đích đáng của cô. Theo cô, qua những câu chuyện của cô, quả thật cô là một người đạo đức từ chân lông tới sợi tóc. Kinh Thánh có lẽ phải sửa như vầy: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn khó hơn cô Tám Hoa vào nước Thiên đàng”. Cả nhà anh không ai thích coi cải lương, vì lịch sự đành để tivi phục vụ cô. Trong khi đó cô phục vụ gia đình anh một chương trình “tân cổ… vô duyên”! Các danh ca, danh hài cứ hát, cứ diễn theo tuồng tích trên màn ảnh nhỏ, phần cô cứ thoải mái tự biên tự diễn những tích tuồng của mình hoặc phóng tác!

Nhà anh có cái tivi đèn cổ lỗ sĩ, loại cửa lùa, chân đứng nhưng vẫn thu hút đủ mọi thành phần trong ngõ hẻm. Ngoài bộ sậu ngồi hẳn trong nhà như Tám Hoa, Tư Soạn cùng một lô một lốc con nít đông ơi là đông vào để… đùa giỡn, cãi cọ, đánh lộn, còn có khán giả đặc biệt bên khung cửa sổ, ngồi trên lưng ghế đá. Đó là khán giả vào loại kỳ cựu. Anh ta ngồi đó, ngọn gió thông thoáng trượt dài theo con hẻm qua anh ta, mang vào nhà anh mùi hèm đến muốn mửa của một người say rượu kinh niên. Hầu như không đêm nào gia đình anh, kể cả những khán giả bất đắc dĩ kia, là không trân mình “thưởng thức” cái mùi vị trời ơi đó! Đã vậy, anh ta thường hay tham gia vào bất cứ lĩnh vực nào mà, không Tư Soạn đưa ra thì cũng Tám Hoa đề xuất. Dù chỉ là tay bốc vác ngoài bến chợ nhưng Út Gấu - tên anh ta - thông hiểu tất cả mọi việc trên đời, y như nhà thông kim quán cổ. Út Gấu quen biết hết thảy những nhân vật của nhiều cơ quan ban ngành, từ giám đốc cho chí nhân viên quèn. Với trình độ học vấn chẳng có là bao, nhiều chuyện Út Gấu xía vô thường trớt quớt, trật chìa. Vì vậy Út Gấu không được khán giả trong nhà anh ưa. Họ tỏ ra bực bội, ghét bỏ anh, thậm chí còn đốc thúc gia đình anh đóng hẳn cửa sổ lại để tống anh ta đi phứt cho rảnh. Nhưng vợ chồng anh không đành. Người phản đối Út Gấu nhiếu nhất là Tám Hoa. Với cái giọng oang oang của mình, cô, nhà đạo đức, bực mình nói như đay nghiến:

- Thầy cứ trọng con người. Trọng thì trong nhưng cũng phải có ngằn, có lớp. Cái thằng sáng xỉn chiều say, nói bá xàm bá láp mà thầy cũng trọng, thiệt tui hiểu hổng nổi!

Tư Soạn bình luận:

- Đó là cái thằng cà chớn gió, vô duyên. Tù mặt làm mướn, cùi còn hổng thèm ưng mà bày bặt quen biết tùm, lum. Nè, thí dụ thầy với cô gặp chuyện rắc rối, phải nhờ nhõi ai, hì hì…, cứ nói với nó một tiếng là phẻ re.

Một trận cười khinh thị nổ vang nhà. Vợ chồng anh dù tỏ ra điềm tĩnh cách gì cũng phải bật cười theo. Không khí hào hứng đó giục Tám Hoa đưa thêm ý kiến:

- Đóng mẹ cửa sổ đi, cho nó đi chỗ khác!

- Ờ, cho nó qua bên bà Lắc coi – Tư Soạn ủng hộ liền.

- Phải đó, cho ổng qua bển đi - Thằng Lượm hưởng ứng lời má nó.

Không chịu thua kém anh mình, con Rớt tham gia với một giọng non nớt, nhão nhoẹt của lứa tuổi lên bốn:

- Ở bển thướng lắm. Tivi màu xịn. Đã thí mồ!

- Gạch bông, quạt máy mát lạnh - Thằng Lượm giặm thêm.

- Nhưng mà khó nuốt lắm con ơi! – Tám Hoa nói trổng, không biết kêu ai bằng “con”, Út Gấu hay mấy đứa nhỏ con Tư Soạn.

Vậy là câu chuyện xoay quanh đề tài Út Gấu cho tới khi chương trình của đài truyền hình chấm dứt vẫn còn rôm rả, với sự tham gia nhiệt tình của cả vợ anh nữa! Cũng dễ hiểu, vì vợ anh ghét Út Gấu từ lâu. Ngoài cái mùi rượu nồng nặc, chua lè, ngoài việc anh ta hay nhảy xổm vô câu chuyện của người khác, ngoài những lần đánh giá, phán đoán, giải thích trật lất, anh ta còn có những cái nhìn không mấy lịch sự với phụ nữ. Anh ta dòm lom lom vô mặt, vô ngực của Tư Soạn, Tám Hoa… Có lần Tư Soạn đốp thẳng vô mặt Út Gấu:

- Ông làm cái giống gì mà dòm muốn nổ tròng con mắt vô vú tui vậy?

Không chút ngượng ngùng, Út Gấu cười khè khè như rắn hổ mang phun nọc:

- Hờ! Bà làm như bà “đoẹp” lắm dậy!

Tuy Tư Soạn chĩa thẳng mũi dùi vào Út Gấu nhưng anh cũng nghe nhột nhạt khắp người. Dù những lúc Tư Soạn vô ý hớ hênh, dù không muốn nhìn những khoản thịt da trắng nõn, non tơ, mát mẻ hơn vợ mình gấp nhiều lần, anh vẫn thấy thòm thèm nếu “quên” để mắt tới đó. Những lần như vậy, tận sâu trong lòng anh vẫn sôi lên niềm phấn khích nào đó. Anh cố kềm nhưng con mắt quái quỷ của anh thì chỉ biết tuân theo bản năng của nó!

Trước là vậy. Bây giờ, từ hơn một năm nay, chương trình phát sóng của đài truyền hình, qua chiếc tivi nhà anh, mỗi đêm lại hấp dẫn hơn với số khán giả cố hữu ấy. Anh đã khá lên từ khi mở lớp dạy toán cấp ba. Dù chúng nó, gia đình chúng nó không muốn theo học ngoài giờ với anh, cũng chẳng thể nào trốn tránh “trách nhiệm” “bồi dưỡng”, “nâng cao” bài học chính khóa, đồng thời đảm bảo chương trình học của nhà trường tốt hơn. Vậy là hầu như gần hết số học trò của anh tham gia học thêm. Mỗi em, mỗi tháng anh lấy có hai chục ngàn đồng. Một lớp vị chi bốn chục em, mỗi tháng anh liễm ngon lành tám trăm ngàn. Nhờ đó vợ anh không còn phải tần tảo, hết thời nuôi heo, chạy chợ một cách nhếch nhác như trước. Chị ở nhà, ăn ngon, mặc đẹp, trắng da dài tóc, lân la hàng xóm tán dóc. Đêm đêm chị không còn than thở, ước mơ có một tivi màu và đầu máy để “coi cho mãn nhãn”. Tuy không đủ sức mua tivi màu hai mươi mốt inches hiệu Sony, anh vẫn thừa khả năng mua chiếc Etron mười bốn inches cùng chiếc đầu máy video loại nhỏ. Nhà có tivi màu, số khán giả tăng lên rõ rệt. Tuy gia đình Tám Hoa đã có tivi đen trắng do các cháu cô mua sắm, cô vẫn tới lui khi có kịch, thế giới đó đây và cải lương, để “phát thanh tiếp” chương trình truyền hình. Cả đàn cả đống ấy hầu như ngự nhà anh suốt đêm, suốt ngày để theo dõi hết cuốn phim võ hiệp này đến cuốn phim hình sự, ma quái khác, khi thì Hongkong, lúc của Mỹ. Quả thật, anh hết sức khổ tâm. Nhưng biết sao giờ? Anh chỉ còn có nước lẳng lặng ôm xách mùng mền chiếu gối ra gian nhà bếp bắc chiếc ghế bố xếp mà nằm cho thoải mái. Anh cần phải ngủ, ngủ lấy sức cho công việc giảng dạy vừa chính khóa vừa ngoại khóa. Ngủ đêm và ngủ trưa. Nhưng thường những lúc sau giờ cơm trưa, khi anh bắt đầu mơ màng thì y như rằng, mười ngày như một, nhà Út Gấu lại rộ lên những lời đối đáp ồn ào như bầy ong vò vẽ. Thôi thì hết mẹ anh ta, tới chị dâu anh ta, tới cả đám con dâu, con rể cùng cháu chắt mười người kia của nhà anh ta đồng thanh tham dự vào một cuộc tranh luận nào đó. Họ nói như hét hầu như muốn nhét vô lỗ tai lối xóm những điều ấy. Hơn vậy nữa, khi cười, họ cười sằng sặc, hô hố. Bữa nào Út Gấu vô mánh, nhậu sớm, về nhà lè nhè tranh cãi chỗ ăn chỗ nằm thì, cũng y như rằng, mười ngày như một, sẽ nổ ra một cuộc đấu đá quyết liệt, phang cây liệng củi bất kể trời đất. Chưa hết. Nhà bà Lắc, đám con choai choai của bà sau buổi buôn bán ở chợ về nhà ăn cơm, xả hơi bằng nhạc. Cái thứ nhạc rock metal nước ngoài vốn không lấy gì làm êm ả, lại được mở hết volume qua hai thùng loa ba tấc thì, họa có trời cũng không chịu nổi. Vậy là anh lồm cồm bò dậy, lấy thuốc lá ra hút để quên đi sự khổ sở của hai con mắt đờ đẫn vì thiếu ngủ của mình!

Út Gấu tuy không mấy được cảm tình của lối xóm nhưng lại là người vui tính, hay tận tình giúp đỡ bà con trong bất cứ công việc gì, không ai cần phải kêu réo. Con nít trong xóm, chẳng hạn như hai đứa con anh, thường được Út Gấu nâng niu, bồng ẵm, nói chuyện tào lao, trững giỡn như cùng trang lứa. Bữa nào tỉnh táo, có tiền, anh ta còn mua bánh kẹo cho chúng nữa. Kể ra, trong cái xấu, anh ta cũng có điều tốt, hơn hẳn Tám Hoa. Tám Hoa miệng lưỡi ngọt ngào, tu hành, nhân nghĩa nhưng là người cho vay bạc có thế chân. Phải có thế chân cô mới chịu. Lúc chưa dạy thêm, gia đình anh luôn túng quẫn. Vợ anh thường khi mang cái đồng hồ thổ tả của anh, lúc mang chiếc nhẫn cưới của mình sang nhà Tám Hoa thế chân vay tiền. Vợ anh thỏ thẻ với anh việc phải có vật thế chân cổ mới cho vay, khiến anh nổi quạu gắt:

- Mình vay trả lời đàng hoàng, có giựt bả hồi nào chưa mà làm quá đáng vậy!

- Nhưng bả hổng chịu.

Anh ngao ngán thở dài, nghe nỗi nhục tủi đầy ứ lên cổ họng. Rồi anh cười khan, chua cay, đắng uất nhớ đến những lời thuyết giảng của cô ta. Điệu này, anh nghĩ một cách hài hước, Kinh Thánh nói đúng thật: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn Tám Hoa vào nước Thiên đàng”!

Đời là vậy! Anh chẳng còn tin ai. Tin sao được, khi vừa mới đây thôi, bạn anh từ Mỹ về ghé thăm. Sau chầu cà phê ngoài quán cóc đầu hẻm, anh ta kiếu từ:

- Tao phải về mới được. Ba giờ chiều mày làm ơn tới khách sạn kêu tao dậy đi nhậu. Tao sợ ngủ quên. Mày thông cảm, tao không làm bộ làm tịch, mà chính vì giờ này bên đó đang nửa khuya. Tao quen lệ bên đó rồi!

Đúng ba giờ chiều, anh đến gõ cửa phòng khách sạn anh ta nghỉ. Cánh cửa bật mở. Anh không tin vào mắt mình. Tư Soạn, phải, Tư Soạn nằm ườn trên chiếc nệm trắng tinh, phủ hờ chiếc mền hai da lên tấm thân trắng nhễ nhại. Cái tép da quen thuộc của chị ta dùng để đựng tiền và các cọc vé số để trên mặt chiếc bàn ngủ đầu giường. Thật, anh không thể ngờ Tư Soạn dám cả gan “làm chuyện động trời” như vầy. Nếu không đến đây chắc anh sẽ luôn luôn tin vào sự cần cù, khổ cực của Tư Soạn, cũng như xúc động mỗi chiều thấy vợ chồng con cái chị ta đề huề đi dạo phố bằng chiếc xe lôi kiếm cơm của chồng chị!

Từ đó anh nảy sinh tâm lý bất kính, hoài nghi đối với mọi người trong ngõ hẻm. Hóa ra, ngoài cái vỏ đạo mạo, sâu trong lòng con người là một đống bầy nhầy, thối tha, nhơ nhớp! Nhưng ở đời làm sao anh biết được sẽ có ngày anh bị mọi người khinh thị. Họ coi thường anh qua thằng con trai mười bốn tuổi của anh. Nó ăn cắp. Ăn cắp nhà Tám Hoa. Bị bắt tại trận. Anh vừa nhục vừa tủi vừa hối hận. Bấy lâu anh đã lơi là trong việc giáo dục nó, cứ thây kệ mấy cuốn phim video quái quỷ của nó làm công tác giáo khoa! Tám Hoa vừa méc thằng con anh với anh, vừa kết luận một câu cũ rích mà xanh dờn:

- Cha làm thầy con bán sách.

Thật là tai họa! Tai họa vừa mới đây thôi!

Ngồi lặng lẽ ngắm trăng với gói thuốc lá đẩu lọc vơi đi hơn một nửa, anh bỗng nghe chán ngán sự đời. Buồn quá! Nhục quá! Nhớ tới những nụ cười khinh bỉ của mình với Tám Hoa, Tư Soạn, cả Út Gấu trước đây, anh rùng mình nghĩ rằng rồi mình sẽ chẳng dám coi thường bất cứ một ai. Đâu phải chỉ thằng con lớn anh hư, cả bản thân anh cũng hư nữa. Vì tiền, vì tivi màu, đầu máy video, xe cub, áo quần son phấn cho vợ mà anh đánh mất lương tâm nhà giáo. Anh buộc học trò học thêm, với tiền “bồi dưỡng” cao, với những lời hăm dọa vu vơ nhưng đầy hiệu quả…

Mùi nguyệt quế lại phả vào khứu giác anh, làm vơi đi nỗi muộn phiền đang trùm phủ khắp đầu óc anh. Trăng vẫn sáng. Vằng vặc. Mềm mại và trắng trong một màu sữa non. Ánh trăng tràn chảy khắp con hẻm trên những mái nhà cửa đóng im ỉm. Chỉ riêng anh thức. Với những bông hoa. Những bông hoa được anh chăm sóc, cùng những bông hoa dại đang mở rộng cánh, vươn cao cành vừa hứng ánh trăng vừa vươn lên với đời. Chúng muốn hiến dâng cho đời những gì tinh túy của chúng. Còn anh…!

Ngọn gió bấc lồng lộng thổi không ngớt từ đầu hôm đến giờ qua manh áo phong phanh của anh. Bấy giờ anh mới cảm nhận ra sự hiện diện của nó. Lạnh! Anh rùng mình đứng lên bước vô nhà. Đường phố ngoài xa kia đang rộn ràng thức dậy.


1991

Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2007

Đêm ngủ trên cồn


Lần thứ nhì trở lại cùng anh

Đến với căn nhà sàn bên mép cồn Ông Hổ

Gặp nhau anh vồn vã

Cái bắt tay nồng nàn

Cứ nhói mãi tim tôi


Cứ nhói mãi tim tôi

Cái bắt tay nồng nàn

Những nốt chai sau nhiều năm sương gió

Cộm lòng tôi mỗi sớm mỗi chiều


Chúng tôi ngồi xếp bằng trên sàn gỗ xoài

Căn nhà ấm thơm mùi lá mới

Gió theo sông cuộn thổi

Khua xạc xào tàn xoài tàn mận

Gió hay tay tôi làm ra con sóng

Dợn từng hồi trong chiếc ly con?


Uống với nhau ly rượu cay nồng

Lần thứ nhì gặp lại

Những nếp nhăn cuối đuôi mắt anh tan biến

Có niềm vui nào

Bằng tình bạn lâu năm


Lần thứ nhì ngủ lại nhà anh

Gà gáy sáng

Đầu ngày – tôi thao thức

Cả hai lần ngủ trên cồn tôi đâu nghe sông vỗ sóng

Chỉ biết lòng mình con sóng thức thâu đêm



1987

Câu hỏi


Nơi má sinh ra cũng là chốn con khóc tiếng chào đời

Không có sóng biển rì rầm đưa nôi khuya sớm

Cũng chẳng có dãy núi cao mây đùn trắng ngọn

Để lớn lên lòng con nhớ khôn nguôi


Giản đơn quê mình chỉ mảnh đất liền thôi

Xa ngút ngát dòng Hậu Giang đục ngừ cuộn chảy

Cũng xa lắm cồn xanh vững chãi

Như một con tàu neo lại giữa sông sâu


Quê xứ mình giồng cát bao quanh

Mùa mưa mịn êm bàn chân bước

Mùa nắng dữ cát đùn sau trước

Cái nóng ấm suốt đời đốt lửa lòng con


Dẫu đi xa con cũng nhớ về

Lũy tre xanh cựa mình thao thức

Cơn mưa nhỏ và tiếng ve hè rộn

Ngai ngái phân trâu chiều chuyển nồm


Sương trắng dòng sông nhỏ tháng giêng

Như tóc má viền nhăn vầng trán

Cái mùi dầu dừa qua bao năm tháng

Không thể nào phai trước hương phấn cuộc đời


Con đi xa cuối đất cùng trời

Vẫn nhớ mãi tàn cây thốt nốt

Đứng trơ vơ trong đêm đơn độc

Như dáng má đợi con về – cái thuở chiến tranh


Nơi má sinh ra cũng là chốn con khóc chào đời

Không thơ mộng cũng không hùng vĩ

Sao đánh động lòng con đến vậy

Dẫu chỉ là những điều bé nhỏ, giản đơn



Cầu Kè, 1-8-1987

Mẹ tôi


Suốt cuộc đời mẹ chẳng lúc nào vui

Ơi câu hát “con cò” đau từng khúc ruột

Trên đồng xa hay trên dòng sông vắng

Một chiếc xuồng con chèo chống thâu đêm


Mắt thâm quầng lo cái mặc cái ăn

Cái áo vá vai cái quần vá đáy

Mẹ với cha oằn vai đóng thuế

Giọt mồ hôi và giọt nước mắt cân bằng


Mỗi đứa con sinh ra là mẹ sinh thêm nhọc nhằn

Ao rách thêm, quần vá nhiều thêm

Tiếng hát ru con nao lòng trưa vắng

Hạt muối mặn môi sao lời mẹ ngọt ngào!


Có niềm vui nào trong mắt mẹ đâu

Chỉ thấy mây chiều lặn sân trong đó

Sông quê ta bên bồi bên lở

Bờ nhà mình ngày một khuyết sâu


Suốt cuộc đời con chẳng thấy mẹ vui

Nỗi lo toan đốt tro tàn mái tóc

Con: đứa nhỏ, đứa chống càn, đứa theo giặc

Riêng đám cháu thơ kề cận bà thôi


Chiến tranh kéo dài như một trận mưa dai

Mẹ dặn mình sao kham nổi

Khi mẹ mất đất quê mình giải phóng

Tiếc lòng con mẹ chẳng hưởng được ngày vui.



26-4-1987

Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2007

Ý nghĩ trong khi mất điện

Xin cảm ơn sự trở chứng bất thường

Của một đường dây tải điện

Đêm nay

Ở miền viễn tây Nam bộ

Chúng tôi ngồi trong bóng tối mênh mông


Trời đang ngày bỗng chốc hóa đêm

Đen như những giọt cà phê hằn đáy cốc

Cái nồng nã cái nôn nao câu chuyện

Chợt đứt ngang như dòng điện tắt không lời


Tám chúng tôi ngồi mỗi đứa một nơi

Quanh chiếc bàn tròn, trên ghế mình, dĩ nhiên thế

Mỗi người thả tưởng tượng rong chơi một phía

Bất chợt cùng kêu lên khi có ánh trăng soi


Sự bình thường đột ngột đến với chúng tôi

Thông qua đêm mất điện

Ai cũng thấy mình mỗi ngày một mất

Thiên nhiên diệu kỳ và rất bao dung


Xin cảm ơn đêm nay không phải tối ba mươi

Đã treo ngọn đèn đẹp xinh đến thế.

___________
Châu Đốc, 9-2-1987

Bài thơ trên toa thí

 

                   Chẳng hãi hùng vì mìn đặt dưới đường ray

                   Khi bật nổ em là người hy sinh trước

                   Lòng nôn nã đến với đoàn quân xa nước

                   Vũ khí em là cây viết trên tay

 

                   Đâu phải vì em chẳng biết hiểm nguy

                   Khi chân bước lên sàn toa thí

                   Cô gái Việt Nam đương thì rất đẹp

                   Vẫy tay chào tạm biệt Phnom Penh

 

                   Chung với em còn có bao người

                   Áo sặc sỡ cùng màu xà-rông lượt bượt

                   Cụ già nâng ly mời em nếm trước

                   Rượu Chmar Khmau vị quế ấm nồng

 

                   Tàu rú còi rung ngọn thốt nốt cao

                   Gió nồng nã đầu mùa mưa thổi dạt

                   Tay che mắt tay che đầu: nắng gắt

                   Em mỉm cười học tiếng Khmer

 

                   Bên này đồi bên kia núi - vượt qua

                   Bao ga lẻ đón con tàu đi tới

                   Mở căng mắt em nhìn đất đai đổi mới

                   Rừng chồi ơi! Xanh lá tươi mầm.

 

Phsar Roméas, 6-1987


Chia tay không vội

 

                   Tôi đưa em về chiều mưa vội bến sông

                   Ngọn gió vội thổi tàn cây rơi lá vội

                   Mặt đường ướt nhòe vội đen sắc nhựa

                   Người vội qua xe vội vút trong mù

 

                   Mưa vội rơi nặng hạt dài sông

                   Đợt sóng vội đẩy thuyền đi vội

                   Chiều vội tàn. Đèn ai vội sáng

                   Đêm vội về. Lâu. Đã chừng lâu

 

                   Mưa. Cứ mưa. Mưa mãi. Mưa hoài

                   Con đường vắng đôi người vội muộn

                   Em nép sát vào tôi mắt nhìn lơ đãng

                   Trắng một khung trời. Mưa đổ. Vội chi xa.

 

30-6-1988


Chuyện tình

 

                   Đã quen nhau bốn năm rồi

                   Mà sao mỗi đứa một đời riêng tư

                   Em hiền như một lá thư

                   Không lên tiếng - vẫn tiếp thu được lời

 

                   Bữa nay trắng một khung trời

                   Mận nhà em trắng ngõ mời tôi vô

                   Tôi vô – thì cứ tôi vô

                   Làm như thể rất tình cờ gặp nhau

 

                   Lá trầu ăn với miếng cau

                   Năm xưa - cắn chỉ đỏ au môi người

                   Em như cái lá trầu tươi

                   Cắn tôi đến nỗi dập môi – ái tình

 

                   Rất vô tình - rất vô tình

                   Cái ly nước đứng một mình – còn nguyên

                   Tấm lòng nguyên ở con tim

                   Mà sao nó chảy triền miên - mắt nhìn

 

                   Tôi ho đâu phải vô tình

                   (Đến hồi lá phổi bất bình cái môi)

                   Tôi ho là để ho thôi

                   Cho nhà em bớt lẻ loi tiếng người

 

                   Lá thư còn nói nên lời

                   Mà em, tôi - vẫn cứ ngồi trơ trơ

                   Cầu trời cho có cơn mưa

                   Để tôi run với sấm lùa trên không

 

                   Cuối cùng – hà tiện vẫn hơn

                   Trời đâu chịu đổ một cơn mưa dầm

                   Trái tim tôi đập ầm ầm

                   Chắc em nghe rõ khi gần - nắm tay

 

                   Ban đầu tưởng chỉ riêng tôi

                   Run tay là bởi bồi hồi – tay run

                   Bàn tay em – phút cuối cùng

                   Thú nhận hết nỗi lo chung – khác gì!

 

24-8-1988


Câu chuyện “lửa” và “khói”

8-8-2007

Nhà thơ Lê Chí từ bỏ chức giám đốc Nhà xuất bản Cà Mau, về làm cán bộ sáng tác tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Cần Thơ. Khoảng đầu năm 1994, một hôm, anh nói với tôi: “Ông làm bản thảo tập thơ đi, tôi biên tập”. Tôi từ chối ngay: “Thôi, tiền đâu in!”. Anh cười trấn an: “Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Cần Thơ in”. Chần chừ rồi tôi cũng bị anh thuyết phục. Tập thơ đầu tay “Thơ tình tuổi bốn mươi” của tôi in có nhiều sai sót, nhiều năm qua tôi muốn in tập khác theo sự đôn đốc của bạn bè. Tôi đã chọn cho tập thơ này cái tên: “Buồn sống”. “Buồn” ở đây có nghĩa là “mắc”, “muốn”, “ham”, như “buồn ngủ”… Cái tên này, theo tôi, quá đã…nhưng không có tiền in. Buồn ngủ gặp chiếu manh, vậy là tôi gom thơ lại, đưa anh Lê Chí với tên tập thơ là “Vòng quay”, ý nói cuộc sống như một vòng quay đối với con người. Tên này dễ chấp nhận hơn tên “Buồn sống” nhiều khiêu khích, có thể bị hội “ách” lại.

Lâu lâu, gặp nhau, tôi hỏi hoặc tự ý anh Lê Chí cho biết tập thơ đang được duyệt…

Một hôm, anh Lê Chí hớt hải báo hung tin: “Chết rồi, tập thơ ông bị đánh tơi tả, cho là bôi đen chế độ, ở tù như chơi”. Rồi anh lấy bản viết tay trên hai mặt giấy nhận xét về tập thơ này (xin xem bản photo) mà anh bí mật lấy được đem photocopy. Đọc xong, tôi hoảng kinh hồn vía. Anh Lê Chí nói không biết nét chữ của ai, có thể của một tay nào đó ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Găng lắm! Tôi than: “Cũng tại ông!”. Anh Lê Chí bèn hiến kế: “Để cứu nguy, ông phải cho in gấp tập thơ này, không được bỏ một bài nào, không được sửa một câu, một chữ”. Trong đầu tôi liền nghĩ đến nhà thơ Nguyễn Liên Châu và nhà văn Nguyễn Đình Bổn. Hai ông bạn thân của tôi đang làm dịch vụ in sách ở Sài Gòn. Nhẹ cả người, tôi nói xuôi xị: “Được. Nhưng căng nhứt là tiền”.


Lỡ “phóng lao”, tôi phải “theo lao”, đem bản thảo lên Sài Gòn, vô con hẻm 220 đường Lê Văn Sĩ, quận 3, gặp và nhờ Nguyễn Liên Châu nhờ xin giấy phép ở Nhà xuất bản Đồng Nai với điều kiện gắt gao ấy. Không thèm đọc bản thảo tập thơ, bạn vàng Nguyễn Liên Châu cười mỉm: “Chuyện nhỏ”, rồi bảo cứ yên tâm, đừng lo tiền bạc, sẽ tính sau. Tập thơ được lấy tên “Ngọn khói”, vì “khói” này “phải” có do “lửa” từ nhận xét “có thể vô tù” ấy. Tôi gặp nhà thơ Ngô Nguyên Nghiễm ở 21, Hưng Phú, phường 8, quận 8, TPHCM, nói chuyện này. Anh và nhà thơ Trần Hữu Dũng gợi ý nhờ họa sĩ Chóe vẽ chân dung cho thêm phần “bề thế”. Ông Chóe ô kê cái rụp. Thêm vào, tôi đã có sẵn chân dung do Lê Thánh Thư vẽ. Lần lên Sài Gòn đó, anh Nghiễm rủ tôi lên nhà nhà thơ Phạm Nhã Dự ở Bà Điểm nhậu. Biết tên Phạm Nhã Dự trước 1975 nên tôi vui vẻ nhận lời. Đi cùng còn có Trần Hữu Dũng, Lê Thánh Thư và một vài bạn bè mà tôi không nhớ được. Đang nhậu rượu thuốc, Lê Thánh Thư nổi hứng bảo chúng tôi lần lượt làm mẫu cho anh vẽ chân dung. Anh Nghiễm đùa: “Nó mà vẽ cái gì”. Bởi, Lê Thánh Thư tới lúc đó chỉ toàn làm thơ, có học qua hội họa với ai, trường lớp nào đâu. Cùng xỉn xỉn, chúng tôi lẳng lặng ngồi yên cho Thư vẽ chân dung mình. Thật bất ngờ, trong số chân dung do Thư vẽ ấy chỉ có bức vẽ tôi là “xuất thần” hơn cả. Ai cũng khen. Và tôi quý nó như vàng, giữ kín đến đỗi mới tìm thấy ngày hôm qua (7-8-2008) trong đống sách vở bề bộn của mình (còn bức họa sĩ Chóe vẽ thì biệt tăm!). Sau này, Lê Thánh Thư đoạt giải môi trường của ASEAN cách đây khoảng chục năm và trở thành họa sĩ thứ thiệt, sống giàu. Bìa thì nhờ họa sĩ Lưu Nhữ Thụy, bạn thân, đã từng làm bìa tập “Thơ tình tuổi bốn mươi” cho tôi, rất đẹp. Để tăng thêm phần trang trọng cho tập thơ, Nguyễn Liên Châu nhờ các họa sĩ Nguyễn Bá Văn, Đỗ Trung Quân và Nguyễn Thúy Bắc vẽ phụ bản…


Tập thơ nằm “nhà in”, tôi rầu rĩ vì tiền. May mắn mỉm cười với tôi khi Tuổi Trẻ Chủ Nhật (số 41-94 (572) năm thứ 12, ngày 16-10-1994) đăng truyện ngắn “Bọ rầy” của tôi. Anh Lê Chí đọc, mừng rỡ nói “nó cứu ông đó”, bởi truyện này đậm đà bản sắc dân tộc, mấy ông tuyên giáo có lẽ sẽ lờ vụ kia. Tôi còn mừng hơn vì truyện ngắn đăng ở báo này nhuận bút “đậm” lắm, vì tôi đã nhận với truyện ngắn “Đảo mộng” và “Sợi dây” (ký tên Lữ Thị Tường Vy) vào năm 1991...

Tập thơ in xong vào tháng 1-1995, cả tôi và nhà thơ Lê Chí thở hắt ra. Tôi chỉ phải lo một triệu rưỡi đồng tiền in vì người bạn chí cốt Nguyễn Liên Châu đã hào hiệp chịu một nửa. Tôi “khỏe” vì có sẵn nhuận bút truyện ngắn “Bọ rầy”…

Mãi về sau này, “điệp viên” Lê Chí mới biết và tiết lộ người viết nhận xét không ký tên ấy không phải ông tuyên huấn nào mà là nhạc sĩ Cửu Long, lúc đó đang làm thường trực Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Cần Thơ. Tôi bèn nhớ ngay và biết rằng mình đã phạm phải một sai lầm “chết người”.

Hồi đó, tôi làm thường trực Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Cần Thơ (số 4, Lý Tự Trọng), thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Cần Thơ (số 170, Lý Tự Trọng). Tuy cùng “chức” với nhạc sĩ Cửu Long nhưng tôi nhỏ “quyền” hơn. Một hôm Cửu Long “xuống” hội “cấp dưới”, đề nghị với tôi: “Ông cho mấy bài thơ tình để tôi phổ nhạc”. Vốn biết tài năng nhạc sĩ cấp quốc gia này nên tôi từ chối không mấy “khéo”: “Trời đất, tôi có thơ đâu, làm xong bài nào là tôi chùi… hết, lo làm bài mới”. “Ngọn khói” bắt nguồn cho “ngọn lửa”. Có “lửa” mới có “khói”, là vậy!



Tôi không muốn kể lại chuyện này, nhưng có nhiều người thắc mắc tên tập thơ kỳ quá, đành phải “thú thiệt”. Rất mong hồn nhạc sĩ Cửu Long (mới mất năm 2006) ở đâu đó đánh cho tôi hai chữ “đại xá”. Vô vàn biết ơn!

VỀ CỘI

Tặng Hồng Hạnh

Gần ba chục năm anh mới có chuyến trở về Cầu Kè. Chuyến đi nhân người cháu lên Cần Thơ chơi, vui miệng cho biết Vu lan thắng hội ở chùa ông Bổn mấy năm rồi vui lắm.

- Ngày mốt bắt đầu vào lễ – Nó nhấn mạnh.

Trong anh thức dậy ngay bao kỷ niệm xưa cũ về nơi chôn nhau cắt rún của mình, một thị trấn vùng sâu vùng xa của tỉnh Trà Vinh chẳng có gì vui ngoài lễ hội độc đáo của đồng bào Tiều định cư tại đây hàng mấy trăm năm. Anh lẩm nhẩm câu hát:

Hăm lăm vào đám

Hăm tám ra giàn

Rồi nhớ tới những giỏ tre nhỏ mà năm nào nhà chùa cũng đem tới từng nhà cho bổn phố (1) nhận lãnh, đặt lễ vật vào trước khi đem cúng chùa trong ngày hăm bảy tháng bảy âm lịch. Còn từ ngày hăm lăm thì bao nhiêu chuyện cúng kiếng, tụng niệm diễn ra liên tục suốt ngày đêm do các nhà sư ở chùa Phật, chùa Khmer trong thị trấn chủ trì. Những ngày, những đêm đó, bọn trẻ các anh thường la cà suốt, rình khi người lớn sơ ý là nhanh tay chộp một nắm hột dưa, bánh in, bánh men để trong dĩa đặt trên bàn nước, chạy nhanh ra nơi nào đó túm tụm lại ăn, cười đùa hỉ hả. Lớn hơn một chút, cũng với cách ấy, bọn anh còn lấy cả thuốc Bastos hoặc Mélia rồi vừa ăn bánh kẹo vừa phì phà khói thuốc một cách khoái trá vì cho rằng (một cách tại hại) mình đã là người lớn rồi! Nhưng khoái nhất là khi đói bọn anh được ăn một bụng cháo trắng với xá pấu (2) ngâm giấm đường. Cái thứ cháo trắng nóng hổi, bốc hơi nghi ngút như có lửa trong đó, vậy mà thằng Sến (3) húp một cái rột là hết ngay. Mấy đứa còn lại dở hơn, nhấm nháp từng muỗng, nhờ vậy mới được thưởng thức cái hương vị tuyệt trần của một thức ăn hèn mọn. Những lát xá pấu vừa mặn vừa ngọt vừa chua kích thích dịch vị, làm đậm đà khẩu vị, rất hòa hợp với thứ cháo trắng hạt gạo được nấu nở bung. Càng ăn càng mê, no phình bụng hồi nào không biết. Lệ chùa thường dọn sẵn trên bàn những dĩa xá pấu ngâm giấm ấy, bất kể lúc nào trong ngày, hễ có khách, bất kể người lớn hoặc con nít, cũng đều được đãi một bữa no nê. Nhưng đáng nhớ với bọn anh có lẽ là ngày “hăm tám ra giàn”. Sau khi cúng tất, nhà chùa cho người lên một giàn cao dựng sẵn ở sân vận động, cầm từng nắm thẻ tre ném rải khắp xung quanh. Người lớn và cả trẻ con huyên náo chen nhau giành giật từng chiếc thẻ một để rồi sung sướng vô chùa nhận giỏ đồ cúng của bổn phố. Mỗi thẻ tre được nhận một giỏ đồ. Mỗi giỏ đựng một thứ đồ cúng khác nhau: gạo, muối, mía, chuối, khoai… Nhận những giỏ đồ ăn ấy đem về nhà cũng là lúc những ngày vui trong năm của huyện lỵ nghèo này chấm dứt. Bọn anh trở lại với việc học hành cùng những trò chơi thôn dã.

Bây giờ trở lại mảnh đất quê nhà, lòng anh bồi hồi khôn xiết, vì anh đi biệt từ khi mới mười tuổi đầu. Đứa cháu chở anh trên chiếc Dream phóng như bay trên con đường tráng nhựa phẳng phiu. Cảnh quan hai bên đường thật đẹp, còn đậm bản sắc một nông thôn Nam bộ xưa: Những cánh đồng xanh mướt lúa chạy như mút mắt đến chân trời. Những hàng dừa, hàng tre lay lắt trong gió. Những đụn rơm vàng và mấy con trâu, con bò nhẩn nha nhơi cỏ. Và kia, cánh đồng vàng rực lúa đang được những người nông dân gặt rồi đưa vô máy “vọt”. Một khung cảnh hết sức thanh bình. Nó hoàn toàn khác hẳn khung cảnh đã in đậm trong tâm thức anh hồi cất bước ra đi: khung cảnh của một thời chiến tranh ác liệt. Vườn tược, ruộng vườn xơ xác, xóm làng đìu hiu và con đường lổn nhổn đá bốn sáu, đầy ổ gà, mà những chuyến xe đò phải bò qua một cách thận trọng. Bây giờ, cái gì cũng mới, duy chỉ có mấy cây cầu sắt han gỉ là còn nguyên như trong kỷ niệm của anh. Có lẽ những chiếc cầu xài tạm này lớn tuổi hơn anh rất nhiều!... Nhưng, kia rồi, phố chợ hiện ra. Sung sướng! Có lẽ đó là tiếng kêu thầm một cách thống khoái của bất cứ ai khi trở lại quê nhà dù lâu hay mới vừa đây. Và anh càng rộn lòng hơn khi nghe tiếng trống của giàn “tùa lầu cấu” (4) ở chùa rộn vang như thúc giục. Anh hối thằng cháu vọt xe mau để kịp vào xem ông Bổn. Anh và thằng cháu chen chân trong dòng người đen đặc, vào tới sân chùa. Ngôi chùa ngày xưa với anh sao lớn rộng quá, vậy mà bây giờ nhỏ bé làm sao! Mùi khói nhang bay quyện khắp không gian. Tiếng trống làm nhịp cho tiếng chập chõa, tiếng chiêng, tiếng cồng nhỏ hòa trong âm điệu réo rắt của tiếng tiêu khiến anh nôn nao bụng dạ. Bất ngờ, anh gặp một vài người bạn cũ, bây giờ đã là thành viên của ban quản trị chùa. Cả bọn cười thích thú khi anh nhắc lại kỷ niệm cũ của một thời thơ dại xa xưa. Trong câu chuyện, không biết duyên cớ gì, một người bạn chợt dưng khoe thứ trái cây có tên gọi dừa sáp, một thứ trái cây độc đáo mà có lẽ không nơi nào trên đất nước này có được. Với anh, một người “cố cựu” mà dừa sáp vẫn là một sản vật chỉ nghe tên chứ chưa được nếm bao giờ. Nghe vậy, anh bạn nhanh nhảu đưa anh đến một vườn dừa nằm ở ngoại ô thị trấn, khu vực Sóc Kha. Trong bóng mát của những hàng dừa cao nghệu, được trồng hai bên bờ đất giữa hai con mương, anh được ông chủ vườn người Khmer tiếp đón nồng nhiệt, tận tình chỉ dẫn cách phân biệt thứ trái cây có cơm dầy như chiếm hết phần trong gáo dừa, chỉ còn một ít nước sền sệt ở giữa.

- Đây là một thứ nước giải khát tuyệt hảo trong bất cứ thời tiết nào – Lán (5), giáo viên, bạn của con gái ông lão vườn dừa, tình cờ đến chơi, sẵn dịp tiếp khách “phương xa”, “tiếp thị” như vậy.

Rồi bằng động tác nhanh nhẹn, thuần thục, cô và cô bạn vạt vỏ, mở miệng, nạo cơm dừa cho vào máy xay sinh tố cùng với những phụ gia cần thiết. Trong phút chốc, anh đã có ly nước giải khát độc đáo, vừa béo vị dừa, vị sữa vừa ngọt vị đường vừa lạnh các chân răng vì nước đá, thật là sảng khoái! Giữa từng hớp nước dừa sáp đặc sánh, béo ngậy, thơm tho ấy, câu chuyện giữa ông chủ nhà, con gái ông, Lán, bạn anh, và anh càng lúc càng đậm đà đủ thứ chuyện nảy sinh. Nhưng tình cảm càng thắm thiết hơn khi Lán biết anh là dân sinh đẻ ở nơi này và anh biết Lán là cô con gái Hoa lai Khmer, con của một người gia đình anh quen biết, chưa lập gia đình. Cả hai được câu chuyện “dẫn dắt” như có thể xa rời những người đang có mặt. Tiếc rằng cuộc chia tay rồi cũng đến, anh hẹn năm sau sẽ trở lại vào đúng dịp Vu lan này.

Y hẹn, không phải với ông chủ vườn dừa, với Lán, mà vì nghe thằng cháu điện thoại cho hay năm nay có đánh động trở lại, sau mấy chục năm tạm ngưng. Vậy là anh điện nhờ bạn dạy thế, khóa cửa nhà (vợ anh mất sớm khi chưa có con), hướng dẫn mấy người bạn thân làm một chuyến du lịch hành hương. Cả bọn phóng xe Honda về đúng ngày “hăm ba vào đám”. Đến nơi vào lúc xế chiều, tắm rửa xong, các bạn anh hối đưa đi vườn dừa để được thưởng thức đặc sản đất giồng mà họ nghe tiếng từ lâu. Vừa bước vào vườn, anh nghe tiếng nói quen quen:

- Về rồi, đúng hẹn quá!

Anh thấy Lán từ trong nhà bước ra, cười tươi, chào. Một niềm vui bất chợt tràn đầy trong tim, anh hào hứng:

- Chớ sao, đã hứa thì phải giữ lời. Nào, cô giáo trổ tài chặt dừa cho các bạn tôi thưởng thức thứ nước giải khát trứ danh của quê mình.

Chẳng mấy chốc, các bạn anh đã mỗi người có một ly nước dừa sáp trên tay và hân hoan lộ rõ nét mặt khi họ nhấm nháp từng chút hương vị độc đáo ấy.

Anh và Lán hỏi thăm sức khỏe và công việc làm của nhau. Cả hai ngồi dưới bóng mát của giàn cy dạ lý ngan ngát tỏa hương. Câu chuyện như không thể dứt ra được còn nhờ những kỷ niệm ấu thời về những ngày lễ hội này mà họ đã trải qua. Bóng mát của giàn bơng, của vườn dừa ngày một đậm màu. Buổi chiều tắt nắng. Không khí lễ hội từ đường phố xa âm vọng đến nghe nôn nao. Trong chốc lát tiếng náo động đó ngày một gần, lớn hơn, mà tiếng của giàn “tùa lầu cấu” là vang động hơn cả. Lán hớn hở giục:

- Mời mọi người đi coi đánh động – rồi cô nghiêng tai nói nhỏ với anh – Từ nhỏ tới giờ em chưa hề được coi đánh động nên nôn nao mấy tháng nay khi nghe nó được diễn lại.

Lán nhanh nhảu hướng dẫn mọi người ra lộ. Cả bọn nối chân theo, quên cả lời chào từ biệt ông lão chủ vườn dừa. Dẫn đầu đoàn người đen kịt chen nhau trên con đường đất cát, là nhà sư Tam Tạng tay cầm thiền trượng ngồi trên lưng ngựa giấy đang từng bước tiến lên. Tề Thiên đại thánh nhảy nhót múa thiết bảng, Trư Bát Giới bụng phệ lệt bệt cầm xà mâu, còn Sa Tăng thì è ạch quảy hành lý theo sau. Bước chân thầy trò nhà sư Đại Đường dừng lại trước một động yêu quái được làm bằng sườn tre cắm đầy lá đủng đỉnh giữa một khoảnh đất trống. Từ trong động, một con yêu mặt mày vằn vện bước ra, huơi vũ khí tấn công địch thủ. Cuộc chiến diễn ra gay cấn. Trong bóng tối nhá nhem của buổi hoàng hôn, cuộc chiến càng thêm hấp dẫn bởi những đám lửa bay vù vào đối phương từ một chiếc miệng ngậm đầy dầu lửa thổi qua một ngọn đuốc. Trong ánh lửa sáng bùng lên, anh chợt nghe tay mình ấm mềm trong bàn tay ai. Cùng lúc ấy, anh nghe hơi ấm nóng chạy xuyên khắp thân thể và một giọng nói run run đầy hơi ấm phả vào tai mình:

- Anh giáo! Em sợ! – Lán hổn hển.

Như một phản xạ, bàn tay anh áp lên bàn tay cô đang nắm tay kia của mình. Họ chìm trong cảm giác bồng bềnh của một thứ hạnh phúc không tên giữa tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng chập chõa, tiếng tiêu âm vang làm nền cho cuộc chiến đấu giữa cái thiện và cái ác đang diễn ra trước mặt mọi người. Hai người đi lạc khỏi đám bạn của anh, hòa trôi theo đám rước trên con đường đi Tây Trúc thỉnh kinh của thầy trò Đường tăng. Ở mỗi ngã ba, ngã tư đường, ba đệ tử của Tam Tạng phải ác chiến diệt loài quỷ dữ và ngọn lửa được liên tục thổi bùng. Mỗi lần như thế là một lần anh và Lán như hòa vào nhau trong một trạng thái có lẽ suốt đời cả hai người chẳng thể nào quên! *

--------------


1. Bổn phố: Những người sống trong thị trấn.

2. Xá pấu: Củ cải muối.

3. Sện: Thành, tên gọi theo tiếng Tiều (Triều Châu).

4. Tùa lầu cấu: Giàn nhạc người Tiều dùng để phục vụ các lễ hội, đình đám quan trọng.

4. Lán: Lan, tên gọi theo tiếng Tiều.

Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2007

Lửa rơm


Nếu cần kể lại những gì đã xảy ra khi đi nghỉ mát Vũng Tàu cho vợ tôi nghe, tôi cũng sẵn lòng. Theo tôi nghĩ, chẳng qua đó là sự thật, một sự thật không thể đậy che, không thể chối bỏ vì xấu hổ. Đã là sự thật, dĩ nhiên không chóng thì chầy mọi người rồi cũng biết.

***

Rời nhà khách, xe đưa chúng tôi đến Bãi Sau. Con đường khi đó còn chạy len giữa cồn cát, những tàn cây rậm mát đột ngột mở rộng. Kia, biển kia rồi. Trời cao: xanh. Biển mênh mông: xanh. Lưỡi biển: trắng. Bờ cát: trắng. Cả đoàn xuống xe ùa chạy trên cát như trẻ nhỏ. Tôi cũng là đứa trẻ ấy. Trước thiên nhiên, con người hóa thành non thơ đã để tuột trôi tất cả những dằn vật, xót đau cuộc đời. Những khốn nạn cuộc đời trôi tuột trong họ như những hạt cát trôi tuột trong lòng tay.

Trong phút giây hòa mình với thiên nhiên cùng mọi người, đột nhiên tôi sững người lại. Ai vậy kìa? người đàn bà nửa nằm nửa ngồi trên ghế vải. Phải chăng là Duyên? Hẳn vậy rồi! Không thể nào lầm lẫn được! Bởi, dù thời gian có làm tàn phai nhan sắc cô chăng nữa, cũng chẳng thể nào che khuất một Duyên của tôi mười mấy năm trước.

Hồi ấy Duyên thon thả trong chiếc áo bà ba ở nhà, trong chiếc áo dài trắng khi đi học mà tôi mê say yêu đắm. Tôi tình nguyện làm tên gác cửa nhà cô, phía bên kia đường trong một quán cà phê. Tôi ngồi đó, hầu như thường trực, với cái túi tiền lép kẹp, thành thử chỉ dám kêu ly cà phê đen cùng vài ba điếu thuốc lá đen. Tôi ghiền hai thứ này từ đó. Nhấp ngụm cà phê, hít sâu vài hơi thuốc lá là tôi có quyền phóng mắt sang nhà cô, để chỉ được ngắm cô đi tới đi lui trong nhà hoặc cầm chổi quét sân. Vậy thôi. Tôi mua sự chiêm ngưỡng cô bằng cái giá hời. Cứ một ly cà phê cùng vài điếu thuốc lá đen và dăm ba bình trà nóng là tôi có quyền ngồi đó suốt sáng, suốt chiều trong những ngày nhàn tản.

Ở đời, việc gì mình rắp tâm thực hiện thế nào cũng được đền đáp. Tôi rắp tâm trồng cây si trước cửa nhà Duuyên, lâu dần cũng được toại nguyện. Đó là một lần vào chủ nhật cả nhà cô đi vắng, mà đường dây điện chập phát hỏa thế nào tôi không biết. Cô hốt hoảng chạy ra cửa kêu toáng lên. Không bỏ lỡ cơ hội, tôi nhanh chân băng qua đường, đồng thời nhanh tay cũng không kém, cắt cầu dao điện rồi dập tắt ngọn lửa mới vừa bùng không lấy gì khó khăn.

Chúng tôi quen nhau từ ấy. Đó là năm tôi học lớp mười hai, cô học lớp mười một, khác trường.

Khoảng cách từ quen biết tới tình yêu không xa. Chúng tôi thường tha thẩn đạp xe ra ngoại ô đến với những khu vườn cây xanh. Tình yêu tuổi học trò, lại là học trò của nhiều chục năm trước, không cho phép chúng tôi vượt qua giới hạn lễ giáo. Chúng tôi ăn trái cây, nói chuyện học hành cùng nỗi niềm thương nhớ, nếu vì lẽ gì đó khoảng một vài hôm không gặp nhau. Giới hạn cuối cùng của tình yêu của chúng tôi chỉ là những cái nắm tay rụt rè hoặc những lần va chạm bất ngờ giữa hai thân thể. Vậy mà nó cũng làm thằng thanh niên đầy sức sống như tôi bồi hồi luyến nhớ suốt ngày.

Nét đẹp của tình yêu, nỗi say đắm của những lần hò hẹn rong chơi, kết quả là kỳ thi tú tài hai của tôi hỏng.Giấc mộng vào đại học của tôi vì đó cũng tan tành. Tôi không phải bị động viên vào Thủ Đức nhờ là con một. Chông chênh giữa đời, tôi chẳng biết làm gì với hai bàn tay vừa buông cán viết học trò. Trong lúc rối trăm bề, tôi gặp may. Số là người tài phú (*) cho nhà máy xay lúa mà ba tôi quen, đột ngột qua đời. Nhờ đó tôi được vào thế chân ông. Còn Duyên, năm sau đậu tú tài hai đồng thời vào đại học y khoa một cách dễ dàng. Cùng lúc, ba cô dời nhiệm sở về Sài Gòn. Mối tình chúng tôi có một khoảng không gian quá rộng, nên lời yêu đương thương nhớ mỗi khi muốn tỏ lộ đều phải “đóng thuế” ông bưu điện. Nhưng không vì vậy mà tình chúng tôi nhạt phai, trái lại…

Năm tháng qua đi êm ả như về lục bình trôi lững lờ theo dòng nước sông Hậu, khoe những bông tím đẹp trong sắc nắng nhiệt đới rực rỡ. Những tưởng là vậy. Nhưng không. Lịch sử đã sang trang vào tháng tư năm một chín bảy mươi lăm. Nhà máy tôi làm việc đã quốc hữu hóa. Công nhân được lưu dụng, còn tôi bị thải hồi với lý do đơn giản là có người thay chân đáng tin cậy hơn. Như thị dân lúc bấy giờ, cha mẹ tôi vốn là tiểu thương nhưng cũng hốt hoảng vì lời đồn đãi nên về nông thôn mua mảnh đất nhỏ lập vườn, làm ruộng. Ai cũng nghĩ vậy, nhưng công việc ruộng nương, vườn tược nào phải ai cũng làm được, vậy nên vườn cây ngày một èo uột, ruộng nương ngày một thất bát. Đến ngày kia, biết không thể cầm cự được trước cuộc sống quá sức bấp bênh, nhân có nhiều người bỏ nông thôn về thành, gia đình tôi cũng nhanh chân trở lại phố phường với nghề cũ bằng số vốn đã lưng khá nhiều. Tôi xin vào làm việc cơ quan thương nghiệp, cũng may nhờ có người quen giới thiệu.

Với những biến động của đời tôi như vậy, tôi không dám trách Duyên đã không thư và hồi âm thư cho tôi. Trách sao được khi kẻ ở nông thôn không có đường bưu điện, người ở thành thị biết giờ ra sao? Nỗi nhớ lâu ngày như vết thương thành sẹo, tôi vâng lời cha mẹ cưới một thiếu nữ chung cơ quan. Tôi không thể lần khân chờ Duyên, vì thời gian sắp rắc muối tiêu lên mái tóc tôi, và cha mẹ tôi đang sống những ngày cuối đời, đang mong có đứa cháu nối dõi tông đường. Người bạn đời của tôi chỉ là “vợ” không hơn không kém. Bởi cô không thể thay Duyên được - một Duyên mà tôi hằng nhung nhớ không nguôi. Tôi nói sự thật đó cùng cô, cô buồn bã cúi đầu rưng rưng nước mắt cam chịu, bởi cô đã yêu tôi không biết tự bai giờ!

Và, bây giờ, ngay trước mắt tôi, hết sức tình cờ, Duyên đang nửa nằm nửa ngồi trên chiếc ghế vải. Như có quỷ thần xui khiến, hai bàn chân tôi bước về phía Duyên lúc nào không biết. Tôi đứng sững trước cặp mắt kinh ngạc của cô. Mãi lúc lâu cô mới bật thốt được câu ngắn đầy xúc cảm:

- Trời ơi! Tuấn.

Tôi nở nụ cười sung sướng vì đã tìmn được cái địa chỉ ngỡ đã thất lạc muôn đời. Tôi như cậu học trò nhỏ ngoan ngoãn ngồi xuống chiếc ghế vải cô vừa nhấc để bên cạnh. Cô giới thiệu mấy cô bạn ngồi quanh nhưng tôi nào có nghe biết. Sau một hồi trêu chọc, các cô gái tản đi như bầy sinh vật đáng ghét thường quấy quá những bữa ăn, như bữa ăn thịnh soạn hôm nay mà đã lâu ngày tôi không được nếm hưởng. Họ đi, khoảng không gian như thu hẹp lại, cái khoảng cách dị hợm hốt nhiên cũng biến mất theo. Hai chúng tôi trầm ngâm chìm sâu suy tưởng. Mỗi người thả tưởng tượng mình một phía. Riêng tôi chỉ có cái đầu trống rỗng. Mãi lâu sau tôi mới thốt nên cái câu hỏi luôn là vấn nạn suốt quãng đời qua:

- Sau một chín bảy mươi lăm, em ở đâu mà anh tìm hoài không được? Thư đi không tin về? Mấy chuyến lên Sài Gòn anh hoàn toàn tuyệt vọng trước căn nhà em vì đó là cơ quan nhà nước. Anh biết hỏi ai để tìm ra em? Đành lặng lẽ quay về buồn bã!

Nói xong, tôi như trút được khối nặng khổng lồ đè ụp tâm hồn tôi hàng bao nhiêu năm trời. Đột nhiên tôi thấy nơi khóe mắt Duyên long lanh mấy giọt nước mắt và cái giọng nghèn nghẹn, tức tưởi được hai vành môi cô mở thoát:

- Em à? Lúc ấy gia đình em cũng như bao gia đình khác đồng cảnh ngộ, hốt hoảng với cái không đáng hốt hoảng, bám víu vào những chuyến tàu vượt biên. Khổ nỗi, bến bờ hy vọng chỉ là ảo vọng, cái hiện thực trước mắt là nhà cửa không còn, tài sản khánh kiệt. Gia đình em xoay qua làm nghề vấn thuốc lá bọc trong một ngõ hẻm tồi tàn. Còn anh? Anh đi đâu mà thư em gửi cứ bặt vô âm tín?

- Như em vậy thôi, anh và gia đình hốt hoảng với cái không đáng hốt hoảng, về quê mua đất vườn đất ruộng làm nông dân!

Tôi ném tàn thuốc ra xa như ném đi cái dĩ vãng đớn đau mình đã hứng chịu, ngửa người thoải mái trên ghế vải, dường như, thêm lần nữa, tôi đã trút sạch những gì cần trút sạch. Tôi cười to. Như đồng cảm, Duyên cũng có những tiếng cười ràn rụa nước mắt vừa buồn vừa xót đau, vừa nhạo báng chính mình. Qua câu chuyện tôi biết Duyên đang là bác sĩ của một bệnh viện lớn ở thành phố biển này. Cha mẹ Duyên lần lượt qua đời vì sầu khổ sau những chuyến đi không thành, nạn nhân chính của mình. Được cái, một vài em cô đi thoát, giúp cô được nhiều điều trong việc tiến thân. Duyên đành lập gia đình sau khi đã tuyệt vọng vì không tìm được tôi, nhưng cũng không may, chồng cô qua đời vì ung thư khi hai người chẳng có đứa con nào.

Chiều đó, Duyên đến nhà khách mời tôi về nhà cô. Đó là căn nhà nhỏ đâu lưng với núi, giáp mặt cùng biển, ở Bến Đá. Bữa cơm thân mật, đoàn tụ với hải sản mới ngon làm sao. Lần đầu tiên tôi được thưởng thức những con chem chép. Loài nhuyễn thể này qua bàn tay khéo léo của Duyên biến thành những món ăn ngọt ngào, thi vị như tình xưa cô dành cho tôi. Tôi ăn mê mải như kẻ đói lâu ngày khiến cô sung sướng đỏ mặt. Phải thừa nhận rằng vợ tôi, dù có làm món ngon vật lạ thế nào cũng chẳng tài nào khiến tôi ngon miệng đến vậy.

Đêm, chúng tôi ngồi tì tay lên thành cửa sổ phóng mắt nhìn ra vụng biển lặng im đến khó hiểu. Những ánh đèn tàu nhấp nháy như những con mắt đêm. Tiếng gió rong dài hun hút biển đen, bất chợt khiến tôi rùng mình. Tôi quàng tay ngang lưng Duyên. Hơi ấm cô phả vào tôi rạo rực như thuở nào. Chúng tôi say đắm hôn nhau, nụ hôn sâu, đầu tình. Trong trạng thái lâng lâng mê đắm ấy chúng tôi đã tan vào nhau…

Rạng ngày, khi sương còn phủ kín sườn núi Lớn, khi tiếng chuông nhà thờ gióng giả từng hồi giục thức, chúng tôi ngồi bên nhau, trước mặt là hai ly cà phê đen bốc hơi ấm áp. Biển ngoài kia vẫn lặng im đến khó chịu. Tôi bỏ đoàn sống với Duyên như vậy suốt gần tuần. Bỏ những bãi bờ đẹp nổi tiếng đợi chờ, để đến bãi bờ nhớ nhung mà tôi những tưởng đã trôi tuột như cát qua kẽ tay. Không, Duyên không là hạt cát biển tuột trôi khỏi lòng tay tôi, cô là hạt cát bé nhỏ cố tình sót lại đâu đó trên một trong năm ngón tay đợi chờ của tôi. Chúng tôi sống vói nhau như vậy, y như cặp vợ chồng mới cưới. Hoàn toàn hạnh phúc trong căn nhà nhỏ như một lâu đài biệt lập.

Thời gian rồi cũng làm lụy phiền chúng tôi. Ngày về cũng đến. Duyên khóc vùi trong đêm rạng sáng chia tay. Tôi im lặng. Lặng im như cái vụng biển trước mặt kỳ bí đến khó chịu. Lặng im như đỉnh núi Lớn sau lưng câm nín đến bức bối. Duyên nhất quyêt không ra xe tiễn tôi. Tôi cho hành động cô hợp lý. Ích gì khi thời gian đã cố tình bứt lìa? Ngồi trên xe tôi như kẻ mất hồn. Biển xa xanh, ầm ào sóng vỗ, bọt tung trắng xóa bờ đại dương. Hàng dừa rợp mát, gió lùa tán lá rì rào khúc hát ru bất tận, lâu lâu lả ngọn như ai lả mình trong tôi những ngày qua. Tự nhiên tôi nghe mình yếu mềm đến độ muốn ứa nước mắt. Tôi kềm lòng, nhưng không kịp rồi, giọt nước mắt đã lăn ra khóe. Xe dợm chuyển bánh. Duyên đang tất tả, tức tưởi chạy đến tôi bằng những bước chân xiêu vẹo, tay cầm gói quà. Cô vịn thành xe, thì thào qua hơi thở đứt quãng:

- Gởi… anh, gởi… chị… nhà, gởi… các cháu… món quà biển. Món quà… của…

Cô ngưng giọng, nghẹn tức với mấy giọt nước mắt lăn tròn, vỡ tan. Thôi Duyên ơi! Chẳng còn gì nữa. Ta sẽ đạt được gì? ngoài nỗi đau thêm lớn! Tôi thầm an ủi cô, cũng thầm an ủi mình. Tôi chẳng có quà gì cho cô hết, ngoài món quà xưa xa: cái nắm tay, lần này, vĩnh biệt! Tôi nắm tay Duyên xiết chặt như xiết chặt trái tim mình. Tiếng còi xe rít dài. Xe chuyển bánh. Tay chúng tôi đành lìa. Tôi ôm chặt gói quà vào lòng như cố giữ Duyên lại! Nhưng…

***

Nếu cần kể lại những gì xảy ra khi đi nghỉ mát ở Vũng Tàu cho vợ nghe tôi cũng sẵn lòng. Bởi, vợ tôi vẫn dành trong trái tim tôi một chỗ trống thiêng liêng cho Duyên. Đó là khoảng “phượng thờ”, bất khả xâm phạm, cô biết vậy. Nhưng, từ nay trở đi, khoảng trống đó đã hút đi trong tim tôi như tan hủy vào không gian vô tận. Tôi không thể lưu giữ nó được bởi một lẽ giản đơn là phải đứng vào vị trí của mình, đừng đứng lệch hàng!


Tháng 9-1991

-------

* Tài phú: Tiếng Tiều, có nghĩa là thư ký.