Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2007

Lửa rơm


Nếu cần kể lại những gì đã xảy ra khi đi nghỉ mát Vũng Tàu cho vợ tôi nghe, tôi cũng sẵn lòng. Theo tôi nghĩ, chẳng qua đó là sự thật, một sự thật không thể đậy che, không thể chối bỏ vì xấu hổ. Đã là sự thật, dĩ nhiên không chóng thì chầy mọi người rồi cũng biết.

***

Rời nhà khách, xe đưa chúng tôi đến Bãi Sau. Con đường khi đó còn chạy len giữa cồn cát, những tàn cây rậm mát đột ngột mở rộng. Kia, biển kia rồi. Trời cao: xanh. Biển mênh mông: xanh. Lưỡi biển: trắng. Bờ cát: trắng. Cả đoàn xuống xe ùa chạy trên cát như trẻ nhỏ. Tôi cũng là đứa trẻ ấy. Trước thiên nhiên, con người hóa thành non thơ đã để tuột trôi tất cả những dằn vật, xót đau cuộc đời. Những khốn nạn cuộc đời trôi tuột trong họ như những hạt cát trôi tuột trong lòng tay.

Trong phút giây hòa mình với thiên nhiên cùng mọi người, đột nhiên tôi sững người lại. Ai vậy kìa? người đàn bà nửa nằm nửa ngồi trên ghế vải. Phải chăng là Duyên? Hẳn vậy rồi! Không thể nào lầm lẫn được! Bởi, dù thời gian có làm tàn phai nhan sắc cô chăng nữa, cũng chẳng thể nào che khuất một Duyên của tôi mười mấy năm trước.

Hồi ấy Duyên thon thả trong chiếc áo bà ba ở nhà, trong chiếc áo dài trắng khi đi học mà tôi mê say yêu đắm. Tôi tình nguyện làm tên gác cửa nhà cô, phía bên kia đường trong một quán cà phê. Tôi ngồi đó, hầu như thường trực, với cái túi tiền lép kẹp, thành thử chỉ dám kêu ly cà phê đen cùng vài ba điếu thuốc lá đen. Tôi ghiền hai thứ này từ đó. Nhấp ngụm cà phê, hít sâu vài hơi thuốc lá là tôi có quyền phóng mắt sang nhà cô, để chỉ được ngắm cô đi tới đi lui trong nhà hoặc cầm chổi quét sân. Vậy thôi. Tôi mua sự chiêm ngưỡng cô bằng cái giá hời. Cứ một ly cà phê cùng vài điếu thuốc lá đen và dăm ba bình trà nóng là tôi có quyền ngồi đó suốt sáng, suốt chiều trong những ngày nhàn tản.

Ở đời, việc gì mình rắp tâm thực hiện thế nào cũng được đền đáp. Tôi rắp tâm trồng cây si trước cửa nhà Duuyên, lâu dần cũng được toại nguyện. Đó là một lần vào chủ nhật cả nhà cô đi vắng, mà đường dây điện chập phát hỏa thế nào tôi không biết. Cô hốt hoảng chạy ra cửa kêu toáng lên. Không bỏ lỡ cơ hội, tôi nhanh chân băng qua đường, đồng thời nhanh tay cũng không kém, cắt cầu dao điện rồi dập tắt ngọn lửa mới vừa bùng không lấy gì khó khăn.

Chúng tôi quen nhau từ ấy. Đó là năm tôi học lớp mười hai, cô học lớp mười một, khác trường.

Khoảng cách từ quen biết tới tình yêu không xa. Chúng tôi thường tha thẩn đạp xe ra ngoại ô đến với những khu vườn cây xanh. Tình yêu tuổi học trò, lại là học trò của nhiều chục năm trước, không cho phép chúng tôi vượt qua giới hạn lễ giáo. Chúng tôi ăn trái cây, nói chuyện học hành cùng nỗi niềm thương nhớ, nếu vì lẽ gì đó khoảng một vài hôm không gặp nhau. Giới hạn cuối cùng của tình yêu của chúng tôi chỉ là những cái nắm tay rụt rè hoặc những lần va chạm bất ngờ giữa hai thân thể. Vậy mà nó cũng làm thằng thanh niên đầy sức sống như tôi bồi hồi luyến nhớ suốt ngày.

Nét đẹp của tình yêu, nỗi say đắm của những lần hò hẹn rong chơi, kết quả là kỳ thi tú tài hai của tôi hỏng.Giấc mộng vào đại học của tôi vì đó cũng tan tành. Tôi không phải bị động viên vào Thủ Đức nhờ là con một. Chông chênh giữa đời, tôi chẳng biết làm gì với hai bàn tay vừa buông cán viết học trò. Trong lúc rối trăm bề, tôi gặp may. Số là người tài phú (*) cho nhà máy xay lúa mà ba tôi quen, đột ngột qua đời. Nhờ đó tôi được vào thế chân ông. Còn Duyên, năm sau đậu tú tài hai đồng thời vào đại học y khoa một cách dễ dàng. Cùng lúc, ba cô dời nhiệm sở về Sài Gòn. Mối tình chúng tôi có một khoảng không gian quá rộng, nên lời yêu đương thương nhớ mỗi khi muốn tỏ lộ đều phải “đóng thuế” ông bưu điện. Nhưng không vì vậy mà tình chúng tôi nhạt phai, trái lại…

Năm tháng qua đi êm ả như về lục bình trôi lững lờ theo dòng nước sông Hậu, khoe những bông tím đẹp trong sắc nắng nhiệt đới rực rỡ. Những tưởng là vậy. Nhưng không. Lịch sử đã sang trang vào tháng tư năm một chín bảy mươi lăm. Nhà máy tôi làm việc đã quốc hữu hóa. Công nhân được lưu dụng, còn tôi bị thải hồi với lý do đơn giản là có người thay chân đáng tin cậy hơn. Như thị dân lúc bấy giờ, cha mẹ tôi vốn là tiểu thương nhưng cũng hốt hoảng vì lời đồn đãi nên về nông thôn mua mảnh đất nhỏ lập vườn, làm ruộng. Ai cũng nghĩ vậy, nhưng công việc ruộng nương, vườn tược nào phải ai cũng làm được, vậy nên vườn cây ngày một èo uột, ruộng nương ngày một thất bát. Đến ngày kia, biết không thể cầm cự được trước cuộc sống quá sức bấp bênh, nhân có nhiều người bỏ nông thôn về thành, gia đình tôi cũng nhanh chân trở lại phố phường với nghề cũ bằng số vốn đã lưng khá nhiều. Tôi xin vào làm việc cơ quan thương nghiệp, cũng may nhờ có người quen giới thiệu.

Với những biến động của đời tôi như vậy, tôi không dám trách Duyên đã không thư và hồi âm thư cho tôi. Trách sao được khi kẻ ở nông thôn không có đường bưu điện, người ở thành thị biết giờ ra sao? Nỗi nhớ lâu ngày như vết thương thành sẹo, tôi vâng lời cha mẹ cưới một thiếu nữ chung cơ quan. Tôi không thể lần khân chờ Duyên, vì thời gian sắp rắc muối tiêu lên mái tóc tôi, và cha mẹ tôi đang sống những ngày cuối đời, đang mong có đứa cháu nối dõi tông đường. Người bạn đời của tôi chỉ là “vợ” không hơn không kém. Bởi cô không thể thay Duyên được - một Duyên mà tôi hằng nhung nhớ không nguôi. Tôi nói sự thật đó cùng cô, cô buồn bã cúi đầu rưng rưng nước mắt cam chịu, bởi cô đã yêu tôi không biết tự bai giờ!

Và, bây giờ, ngay trước mắt tôi, hết sức tình cờ, Duyên đang nửa nằm nửa ngồi trên chiếc ghế vải. Như có quỷ thần xui khiến, hai bàn chân tôi bước về phía Duyên lúc nào không biết. Tôi đứng sững trước cặp mắt kinh ngạc của cô. Mãi lúc lâu cô mới bật thốt được câu ngắn đầy xúc cảm:

- Trời ơi! Tuấn.

Tôi nở nụ cười sung sướng vì đã tìmn được cái địa chỉ ngỡ đã thất lạc muôn đời. Tôi như cậu học trò nhỏ ngoan ngoãn ngồi xuống chiếc ghế vải cô vừa nhấc để bên cạnh. Cô giới thiệu mấy cô bạn ngồi quanh nhưng tôi nào có nghe biết. Sau một hồi trêu chọc, các cô gái tản đi như bầy sinh vật đáng ghét thường quấy quá những bữa ăn, như bữa ăn thịnh soạn hôm nay mà đã lâu ngày tôi không được nếm hưởng. Họ đi, khoảng không gian như thu hẹp lại, cái khoảng cách dị hợm hốt nhiên cũng biến mất theo. Hai chúng tôi trầm ngâm chìm sâu suy tưởng. Mỗi người thả tưởng tượng mình một phía. Riêng tôi chỉ có cái đầu trống rỗng. Mãi lâu sau tôi mới thốt nên cái câu hỏi luôn là vấn nạn suốt quãng đời qua:

- Sau một chín bảy mươi lăm, em ở đâu mà anh tìm hoài không được? Thư đi không tin về? Mấy chuyến lên Sài Gòn anh hoàn toàn tuyệt vọng trước căn nhà em vì đó là cơ quan nhà nước. Anh biết hỏi ai để tìm ra em? Đành lặng lẽ quay về buồn bã!

Nói xong, tôi như trút được khối nặng khổng lồ đè ụp tâm hồn tôi hàng bao nhiêu năm trời. Đột nhiên tôi thấy nơi khóe mắt Duyên long lanh mấy giọt nước mắt và cái giọng nghèn nghẹn, tức tưởi được hai vành môi cô mở thoát:

- Em à? Lúc ấy gia đình em cũng như bao gia đình khác đồng cảnh ngộ, hốt hoảng với cái không đáng hốt hoảng, bám víu vào những chuyến tàu vượt biên. Khổ nỗi, bến bờ hy vọng chỉ là ảo vọng, cái hiện thực trước mắt là nhà cửa không còn, tài sản khánh kiệt. Gia đình em xoay qua làm nghề vấn thuốc lá bọc trong một ngõ hẻm tồi tàn. Còn anh? Anh đi đâu mà thư em gửi cứ bặt vô âm tín?

- Như em vậy thôi, anh và gia đình hốt hoảng với cái không đáng hốt hoảng, về quê mua đất vườn đất ruộng làm nông dân!

Tôi ném tàn thuốc ra xa như ném đi cái dĩ vãng đớn đau mình đã hứng chịu, ngửa người thoải mái trên ghế vải, dường như, thêm lần nữa, tôi đã trút sạch những gì cần trút sạch. Tôi cười to. Như đồng cảm, Duyên cũng có những tiếng cười ràn rụa nước mắt vừa buồn vừa xót đau, vừa nhạo báng chính mình. Qua câu chuyện tôi biết Duyên đang là bác sĩ của một bệnh viện lớn ở thành phố biển này. Cha mẹ Duyên lần lượt qua đời vì sầu khổ sau những chuyến đi không thành, nạn nhân chính của mình. Được cái, một vài em cô đi thoát, giúp cô được nhiều điều trong việc tiến thân. Duyên đành lập gia đình sau khi đã tuyệt vọng vì không tìm được tôi, nhưng cũng không may, chồng cô qua đời vì ung thư khi hai người chẳng có đứa con nào.

Chiều đó, Duyên đến nhà khách mời tôi về nhà cô. Đó là căn nhà nhỏ đâu lưng với núi, giáp mặt cùng biển, ở Bến Đá. Bữa cơm thân mật, đoàn tụ với hải sản mới ngon làm sao. Lần đầu tiên tôi được thưởng thức những con chem chép. Loài nhuyễn thể này qua bàn tay khéo léo của Duyên biến thành những món ăn ngọt ngào, thi vị như tình xưa cô dành cho tôi. Tôi ăn mê mải như kẻ đói lâu ngày khiến cô sung sướng đỏ mặt. Phải thừa nhận rằng vợ tôi, dù có làm món ngon vật lạ thế nào cũng chẳng tài nào khiến tôi ngon miệng đến vậy.

Đêm, chúng tôi ngồi tì tay lên thành cửa sổ phóng mắt nhìn ra vụng biển lặng im đến khó hiểu. Những ánh đèn tàu nhấp nháy như những con mắt đêm. Tiếng gió rong dài hun hút biển đen, bất chợt khiến tôi rùng mình. Tôi quàng tay ngang lưng Duyên. Hơi ấm cô phả vào tôi rạo rực như thuở nào. Chúng tôi say đắm hôn nhau, nụ hôn sâu, đầu tình. Trong trạng thái lâng lâng mê đắm ấy chúng tôi đã tan vào nhau…

Rạng ngày, khi sương còn phủ kín sườn núi Lớn, khi tiếng chuông nhà thờ gióng giả từng hồi giục thức, chúng tôi ngồi bên nhau, trước mặt là hai ly cà phê đen bốc hơi ấm áp. Biển ngoài kia vẫn lặng im đến khó chịu. Tôi bỏ đoàn sống với Duyên như vậy suốt gần tuần. Bỏ những bãi bờ đẹp nổi tiếng đợi chờ, để đến bãi bờ nhớ nhung mà tôi những tưởng đã trôi tuột như cát qua kẽ tay. Không, Duyên không là hạt cát biển tuột trôi khỏi lòng tay tôi, cô là hạt cát bé nhỏ cố tình sót lại đâu đó trên một trong năm ngón tay đợi chờ của tôi. Chúng tôi sống vói nhau như vậy, y như cặp vợ chồng mới cưới. Hoàn toàn hạnh phúc trong căn nhà nhỏ như một lâu đài biệt lập.

Thời gian rồi cũng làm lụy phiền chúng tôi. Ngày về cũng đến. Duyên khóc vùi trong đêm rạng sáng chia tay. Tôi im lặng. Lặng im như cái vụng biển trước mặt kỳ bí đến khó chịu. Lặng im như đỉnh núi Lớn sau lưng câm nín đến bức bối. Duyên nhất quyêt không ra xe tiễn tôi. Tôi cho hành động cô hợp lý. Ích gì khi thời gian đã cố tình bứt lìa? Ngồi trên xe tôi như kẻ mất hồn. Biển xa xanh, ầm ào sóng vỗ, bọt tung trắng xóa bờ đại dương. Hàng dừa rợp mát, gió lùa tán lá rì rào khúc hát ru bất tận, lâu lâu lả ngọn như ai lả mình trong tôi những ngày qua. Tự nhiên tôi nghe mình yếu mềm đến độ muốn ứa nước mắt. Tôi kềm lòng, nhưng không kịp rồi, giọt nước mắt đã lăn ra khóe. Xe dợm chuyển bánh. Duyên đang tất tả, tức tưởi chạy đến tôi bằng những bước chân xiêu vẹo, tay cầm gói quà. Cô vịn thành xe, thì thào qua hơi thở đứt quãng:

- Gởi… anh, gởi… chị… nhà, gởi… các cháu… món quà biển. Món quà… của…

Cô ngưng giọng, nghẹn tức với mấy giọt nước mắt lăn tròn, vỡ tan. Thôi Duyên ơi! Chẳng còn gì nữa. Ta sẽ đạt được gì? ngoài nỗi đau thêm lớn! Tôi thầm an ủi cô, cũng thầm an ủi mình. Tôi chẳng có quà gì cho cô hết, ngoài món quà xưa xa: cái nắm tay, lần này, vĩnh biệt! Tôi nắm tay Duyên xiết chặt như xiết chặt trái tim mình. Tiếng còi xe rít dài. Xe chuyển bánh. Tay chúng tôi đành lìa. Tôi ôm chặt gói quà vào lòng như cố giữ Duyên lại! Nhưng…

***

Nếu cần kể lại những gì xảy ra khi đi nghỉ mát ở Vũng Tàu cho vợ nghe tôi cũng sẵn lòng. Bởi, vợ tôi vẫn dành trong trái tim tôi một chỗ trống thiêng liêng cho Duyên. Đó là khoảng “phượng thờ”, bất khả xâm phạm, cô biết vậy. Nhưng, từ nay trở đi, khoảng trống đó đã hút đi trong tim tôi như tan hủy vào không gian vô tận. Tôi không thể lưu giữ nó được bởi một lẽ giản đơn là phải đứng vào vị trí của mình, đừng đứng lệch hàng!


Tháng 9-1991

-------

* Tài phú: Tiếng Tiều, có nghĩa là thư ký.

Không có nhận xét nào: