Thứ Hai, 28 tháng 12, 2009

“Cỡi ngựa…” Nha Trang

Đi Nha Trang (Khánh Hòa) chẳng có mấy ngày, lại gặp ngay cơn bão số 11 (Mirinae)!

Thác YangBay


1-11-2009:
Từ Nha Trang vượt qua cảnh quan ngoạn mục của đèo dốc núi rừng cùng những ngôi nhà nhỏ bé ẩn trong những khu vườn cây ăn trái của đồng bào Răglay là đến Công viên du lịch Yang Bay (Khánh Phú, Khánh Vĩnh). Yang Bay tọa lạc trên diện tích 570ha xung quanh là rừng nguyên sinh chập chùng theo triền dốc núi cao. Vào cổng: người lớn 30.000đ/vé, trẻ em 30.000đ/2 vé. Nếu cần hướng dẫn viên thì thuê: tiếng Anh 100.000đ/giờ, tiếng Việt 50.000đ/giờ. Đi xe điện vào thác 10.000đ/vé/khứ hồi. Du ngoạn bằng xe ngựa toàn tuyến 200.000đ/45’. Dạo chơi bằng xe đạp đơn 10.000đ/giờ, xe đạp đôi 30.000đ/giờ. Đáng chú ý, ngay cổng vào có bảng cảnh báo: Mang đồ ăn thức uống vào phạt 50.000đ/bịch. Tuy nhiên khách vẫn thoải mái mang mọi thứ vào. Bảng là… bảng.

Thư giãn bên thác.


Thác Yang Bay 1 cao 80m, dài 200m với nhiều hồ lớn và nhỏ. Hồ lớn có tên Voi Đầm, sâu 16m, là nơi nước chảy cuồn cuộn, không được tắm. Đi dọc bờ hồ, trên con đường dốc đá vài nơi nước rịn chảy từ sườn núi, bờ có tay vịn nhưng bảo vệ vẫn đi theo đề phòng bất trắc. Ngang hồ nhỏ (sâu khoảng 3m) là đập tràn dài 30m được xây dựng bằng xi măng và đá tảng, hài hòa, nước chảy qua lạnh cóng. Qua đập là thác Yang Khang, nhỏ hơn và “hiền” hơn. Tắm thác với áo phao 5.000đ, quần tắm nam 60.000đ, đồ tắm nữ 70.000đ. Tắm xong nằm võng, 10.000đ/chiếc. Sau đó thưởng thức “sơn hào hải vị” do Nhà hàng Yang Khang phục vụ, đáng chú ý: Từ cá sấu có chiên nấm, nướng sả ớt, nướng ớt xanh: 90.000đ/dĩa. Heo rừng có: nướng muối ớt, xào: 90.000đ/dĩa. Nai nướng hoặc xào sả ớt: 90.000đ/dĩa. Các món đà điểu gồm: xào lúc lắc, chiên giòn, nướng ngũ vị, bao tử hấp gừng, bao tử nướng sả ớt, gân xào măng rừng, gân nướng sả: 80.000đ/dĩa. Còn có món xúc xích đà điểu: 30.000đ/cây, ngon, nhưng ăn khá phản cảm vì nó giống như…! Bàn ăn dài theo bờ thác trong bóng mát cổ thụ, khá “quái” là ghế xích đu dùng để ngồi ăn. Ghi giá mỗi chiếc 10.000đ to tướng ngay trên mặt bàn. Vì vậy phần lớn người ta bày thức ăn trên những tảng đá tương đối bằng phẳng cùng nhau vui thú với đồ ăn thức uống đem theo. Nhà vệ sinh sạch đẹp bố trí nhiều nơi.

Trở ra, tại ngã ba Vườn đào – một khu vườn mai anh đào xanh tươi lá, có lẽ khi nở hoa rất đẹp. Đối diện là nhà hàng Yang Bay. Rẽ phải vài trăm thước đến vườn lan. Kỹ sư Huỳnh Thị Kim Loan, 27 tuổi, cho biết nơi đây trồng nhiều loại lan cấy mô, bán giá từ 10.000đ-250.000đ/giò. Cô hưởng lương 1,7 triệu đồng/tháng, đủ sống nhờ rau cải rẻ. Cùng với cô, chăm sóc vườn lan còn có 2 công nhân cấy mô và 2 lao công. (Cả Yang Bay có 150 công nhân). Qua hồ câu cá thư giãn không còn hoạt động, nước xanh ô nhiễm, là khu nuôi gấu, rộng 4.500m2. Đập vào mắt là bức tường thành cao hình vòng cung cao như ngọn đồi, có bậc cấp để lên xem gấu. Bên trong cây cỏ um tùm, chẳng thấy gấu đâu. Trở xuống, đi một quãng, nhiều chuồng gấu nhỏ hẹp xây trong vòng thành. Những chú gấu “ngọ nguậy” rất tội nghiệp trong đó. Nhân viên cho biết có 20 con đang nuôi. Thêm đoạn nữa tới thác Ho Cho. Công nhân đang trồng hoa, tạo cảnh trên sườn núi, khá đẹp. Đang giữa mùa mưa mà thác Ho Cho như con suối nhỏ, chẳng hấp dẫn gì dù được “quảng cáo” là nơi tắm nước khoáng có hai luồng nóng lạnh tự nhiên!

Trở ra cổng có quầy lưu niệm với khá nhiều mặt hàng. Cô Bạch Thị Kim Ngân phụ trách luôn giới thiệu khách mua da voi: dây nịt 110.000đ/chiếc, bóp 120.000đ/chiếc, da voi 100.000đ/miếng. Cô cho biết, da voi là thuốc trị mồ hôi trộm trẻ con (?). Hỏi giết voi lấy da thuộc, cô cười bảo voi chết tự nhiên (?).

Trở ra, ngồi trên xe, một người trong nhóm buột miệng: “Tốn 40.000 đồng khá lãng, thác gì như cái ao nếu so với thác bên Lào, lại nữa đường từ Thành cổ Diên Khánh vào đây có bao nhiêu ngã ba ngã tư mà chỉ có duy nhất một bảng chỉ đường!”.

2-11-2009:
Đêm qua, anh Trương Cao Duy, người địa phương, vấn kế sáng nay không nên đi vùng biển vì sắp có bão, chỉ nên đi núi. Anh đề cử Khánh Sơn, nơi có hang núi người xưa chế tác đàn đá. Hỏi có gì nữa không?, anh cười: “Có mấy em Răglay hát karaoké”. Lắc đầu. Anh chỉ Ba Hồ.

Cảnh quan dưới chân Ba Hồ.

Sáng sớm, anh Duy đến đưa đi Ba Hồ (Vạn Thuận, Ninh Ích, Ninh Hòa), cách Nha Trang khoảng 30km. Con đường từ quốc lộ 1 vào đây hẹp, càng vào sâu càng xấu, khó lái xe. Dọc đường là những ngôi nhà nhỏ bé, bề ngang lớn hơn bề sâu, thấp lè tè, cái xây gạch không tô tường, cái vách đất. Khi xe dừng tránh đường xe ngược chiều, trẻ con từ trong nhà chạy ra xòe tay xin tiền!

Trên đỉnh núi Hòn Sơn, cao 600m, có dòng suối chảy tạo thành ba cái hồ nên đặt tên Ba Hồ. Con đường từ chân núi lên tới đỉnh dài 10km xuyên qua cánh rừng nguyên sinh chằng chịt cổ thụ. “Suối Ba Hồ có độ cao – rộng khác nhau, sinh động và hấp dẫn được nhân dân nơi đây gọi là danh thắng Suối Ba Hồ”, tấm bảng xi măng giả cẩm thạch đen ghi như vậy. Nhưng muốn đọc được phải vẹt miệng những bao cát chồng đống. Ngồi trong quầy giải khát của khu du lịch, nơi bán một số thức uống thông dụng nhưng chẳng thấy có ai bán, mái lá nhiều nơi mục nát nhểu từng giọt nước của cơn mưa lất phất phủ trùm cả không gian. Một nhân viên phụ trách cảnh báo không thể lên xem hồ vì nguy hiểm. Buồn buồn ngắm nhìn dòng suối trước mặt khá nhiều nước chảy qua những tảng đá to, hạ lưu là bãi cát dài xuyên rừng cây xanh rũ lá. Mưa càng lúc càng dầy, đành ra về vì chẳng thể “du ngoạn rừng nhiệt đới, tắm suối và thác nước hùng vĩ, câu cá, bơi thuyền, cắm trại” như tấm bảng treo trước văn phòng khu du lịch. Bảng còn quảng cáo khu nhà nghỉ và quầy lưu niệm nhưng chẳng thấy đâu!

Trở ra, gần đến quốc lộ 1, thấy tấm bảng báo có đường xe lửa băng ngang. Thấy bảng đã “đụng” đường xe lửa rồi, sao đề phòng kịp! Giã từ “con đường đau khổ” của Làng văn hóa (?) Vạn Thuận về Nha Trang, con đường dài theo cảng Lương Sơn, khá nhiều người đứng nhìn sóng biển cao ngất bỏ vòi trắng xóa.

Hai giờ chiều, hẹn anh bạn địa phương Huỳnh Ngọc Minh chở xe gắn máy đi làng mắm. Mưa, không đi được, đành ra quán cà phê. Chia tay anh Minh, lái xe đưa thăm Hội quán Vịnh Nha Trang. Đây là ngôi nhà rường Huế, gồm ba căn. Căn giữa triển lãm ảnh; căn bên phải giới thiệu tranh cát và trầm hương; căn bên trái trưng bày và bán tranh đá quý và sản phẩm làm từ vỏ ốc. Tại căn bên trái, ta như lạc vào thế giới không thể tin được. Đá nhiều hình thù, kích cỡ được đánh bóng đẹp như ngọc. Nhiều bức tranh cẩn đá. Nhiều vỏ sò vỏ ốc chế tác tinh xảo. Món rẻ nhất 70.000đ và đắt nhất 60 triệu đồng. Đặc biệt, nơi đây có trưng bày 2 cây trầm hương (dó bầu, tên khoa học Aquilaria Crassna), mỗi cây cao khoảng 2m, tìm thấy tại Khánh Hòa. Phía sau Hội quán là Hòn Chồng nổi tiếng. Bên phải, phía sau Hội quán là khu bán hàng lưu niệm với nhiều mặt hàng làm từ vỏ ốc vỏ sò. Độc đáo là vỏ sò có tên “Kim khôi nữ hoàng”, giá “hét” 400.000đ/cái (trong khi ở Cầu Đá chỉ rao 250.000đ/cái). Vào cửa tham quan 6.000đ/vé.

Trở về khách sạn, dài theo con đường bờ biển, người dân che dù đứng nhìn sóng biển cao có vòi trắng xòa từng đợt, từng đợt đánh vào bờ. Bão Mirinae đang gần tới. Anh bạn Phan Đình Du, dân Bắc di cư sống gần trọn đời ở Nha Trang đang sống ở Sài Gòn, điện cho biết dân ngoài này khoái đi “đón bão”. Họ thích thú đứng trên bờ biển, trên cầu Trần Phú (song song cầu Xóm Bóng) xem sóng tràn vào bờ chừng 2-3m. Nằm phòng buồn, anh bạn đi cùng rủ đón xe buýt đi Cầu Đá mua cá biển. 3.000đ/chuyến. Chỉ có hàng lưu niệm. Trong gian nhà không tường nhiều người đứng nhìn hòn đảo Vinpearl chìm trong mưa. Nhân viên phụ trách cáp treo cho biết ra Vinpearl bằng cáp treo 300.000đ/người/khứ hồi, đi horsboard khứ hồi 400.000đ/người. Tất cả đều được tham dự các trò chơi miễn phí ngoài ấy. Mưa bão nên chính quyền cấm đi biển.


“Tháp Trầm Hương” tai tiếng.

Đón taxi trở về, đoạn đuờng dài khoảng 9km, 110.000đ. Đường Trần Phú ven biển đẹp với “rừng” dừa, “rừng” dương, đáng tiếc là vài nơi bị nhà hàng, resort che chắn kín mít. Mưa triền miên. Suốt đêm. Có lúc gió rít rợn người. Cứ sợ bão theo cảnh báo của báo, đài. Nhưng anh Minh cười tỉnh queo: “Nha Trang chẳng bao giờ có bão (một số nơi của Khánh Hòa mới có bão) nên người dân háo hức “đón”. Xưa kia người ta tin bão không vào Nha Trang nhờ có Bà (Thiên Y A Na) độ. Còn bây giờ người ta nói bão vào đây gặp “Tháp Trầm Hương” xấu quá vội trở ra”.


3-11-2009:

Người dân đội mưa “đón” bão, xa phía tay phải là Hòn Chồng.

Sáng thức dậy, vẫn còn mưa. Con đường Phạm Văn Đồng, Trần Phú sát bãi biển, nhiều nơi nước ngập nửa thân xe. Chỉ mưa thôi. Mưa tầm tã. Đành lên xe đi Phan Rang (Ninh Thuận) qua con đường vịnh Cam Ranh uốn lượn theo một bên là biển bên kia là núi, đẹp. Người ta nói Nha Trang đẹp ở một nửa kia trên biển, nhưng “đất liền” cũng lắm điều “thú vị” như có người nói: “Đi chơi cho biết Nha Trang. Đi rồi mới biết nó sang hơn mình. Có tắm biển có tắm sình. Có hồ nho nhỏ cho mình tắm chim”. Chắc là vậy, vì chúng tôi mới “cỡi ngựa xem…” Nha Trang lại “đụng” bão Mirinae.


Ăn gì cũng sợ


Hồi nhỏ tôi thường nghe người lớn ta thán: “Khuất mày khuất mặt ăn đại” để chỉ cảnh “cơm hàng cháo chợ”. Hơn nửa thế kỷ sau, việc vệ sinh an toàn thực phẩm chẳng những không bị ngăn chặn, trái lại ngày càng phát triển thêm hơn đến nỗi “ăn gì cũng sợ!”.



Buổi sáng, ra hàng quán ngồi với tô bún riêu, tô hủ tiếu, tô phở hoặc dĩa cơm tấm nóng hổi với những lát thịt bày biện ngon mắt. Những lát thịt tươi rói cùng những sợi bún, sợi hủ tiếu, sợi phở trắng ngần, óng ả nhưng ai biết chúng được làm đẹp và giữ lâu ngày nhờ ướp formol! Ăn xong, nhâm nhi ly cà phê đen. Vẫn là vị cà phê đắng ngọt nhưng sao biết được đó chỉ là “tinh” chứ không phải cà phê nguyên chất.

Buổi trưa không về nhà ghé quán cóc ăn bậy dĩa cơm. Quán khang trang lịch sự hay xập xệ cũng đều là những nơi chất chứa hiểm nguy cho dạ dày, dù ai cũng khen ngon. Không ngon sao được khi thịt tươi, rau cải xanh dờn, dưa chua giòn rụm… Để rồi một hôm đọc báo mới hãi hùng. Mỡ động vật không rõ nguồn gốc bị quản lý thị trường Hà Nội bắt, phần mốc meo, phần đầy giòi bọ. Khi truy nguyên chủ số hàng không nói mục đích sử dụng nhưng ai cũng biết số hàng thậm mất vệ sinh này được tiêu thụ ở nơi nào. Rồi thịt heo, thịt gà, thịt vịt ế chợ, để lâu ngày được ướp phân urea nhằm bảo quản sắc độ tươi ngon, vào tay các hàng quán trở thành những miếng sườn nướng, cánh gà chiên vàng hươm, vịt kho gừng ngậy mỡ ăn đã thèm.

Cánh đàn ông thường tụ bảy tụ ba nhậu nhẹt. Mồi nhậu từ thịt cá. Thịt đã vậy, nên cá cũng đâu thoát khỏi bàn tay “nhào nắn tuyệt vời” của “thương trường”. Độc nhất là thịt rừng. Thứ đặc sản này lúc nào cũng là mồi nhậu rất “bắt”. Càng “bắt” bao nhiêu càng đưa chất độc vào cơ thể nhiều bấy nhiêu. Ai cũng biết thịt rừng được cánh thợ săn ướp uréa chôn giấu tại chỗ hàng nửa tháng trời để rãnh tay đi săn tiếp. Khi thu hoạch nhiều họ trở lại từng nơi đào lên đem về tiêu thụ. Sợ thịt rừng ăn nem cho chắc. Cũng dính. Cơ quan quản lý thị trường thành phố Cần Thơ đã từng bắt giữ một xe chở nhiều bao da heo mốc meo cung ứng cho một cơ sở làm nem địa phương. Tại thành phố này trước đây cơ quan quản lý thị trường còn phát hiện một cơ sở sản xuất thịt chà bông bằng giấy carton đánh tơi ướp gia vị. Dân ăn nhậu thưởng thức món “chỉ bông gòn da cá sấu” (chà bông khổ qua) cứ nức nở khen ngon. Rượu đưa cay cũng vậy. Tốt lắm là pha tinh một loại trái cây với cồn cao độ. Nhưng tệ hại hơn người ta chỉ cần bỏ vài ngàn đồng đã có một bịch “bột thần kỳ” pha 20 lít nước lạnh cho ra rượu gạo hoặc rượu nếp theo yêu cầu với giá hợp túi tiền. Bảo đảm nâng ly uống xong ai cũng chép miệng đánh khà khoái tỉ.

Kể sao xiết sự dối lừa trong chế biến thức ăn của hàng quán nhằm nâng cao lợi nhuận.

Thôi thì ăn cơm nhà. Nhưng vẫn không sao thoát được vệ sinh thực phẩm mất an toàn. Miếng thịt, con cá, đều đã nhiễm độc, do nguồn thức ăn và môi trường sống của chúng. Sợ quá ăn chay. Rau xanh ngằn ngặt không một con sâu là thứ đậm đầy hóa chất diệt côn trùng. Tàu hũ ngon nhờ… hàn the. Nước tương cũng đầy hiểm họa. Vụ “nước tương đen” ầm ĩ một thời khiến ai cũng kinh hoàng vì đã nuốt phải chất 3-MCPD, tác nhân gây ung thư. Ngay cả gạo cũng chẳng còn bổ béo gì, chúng có mặt nhờ thuốc trừ sâu và phân hóa học. Nước uống đâu không thoát khỏi “vòng vây nguy hiểm”. Cẩn thận, uống nước tinh khiết. Có dịp đi tới “hóc bà tó” nào cũng thấy có cơ sở sản xuất loại nước này. Nhưng cơ quan chức năng đã phát hiện khá nhiều nơi đóng chai nước tinh khiết là thứ chẳng khiết và tinh. Càng nói càng kinh sợ. Nhưng không lẽ không ăn, không uống? Thôi thì bắt chước ông bà than câu: “Khuất mày khuất mặt ăn đại!”. Bệnh việc đầy nghẹt người có lẽ vì các nguyên dân trên, bao giờ trời kêu thì mình… “dạ”!./.

Thứ Ba, 1 tháng 12, 2009

Đêm cao nguyên

Click vào hình để xem bản phóng lớn