Thứ Hai, 21 tháng 3, 2016

Cánh diều tuổi thơ




        “Tháng giêng ngắm trẻ thả diều/Lòng nghe sống lại ít nhiều tuổi thơ” là hai câu thơ chân chất, của nhà thơ Kiên Giang – Hà Huy Hà mà tôi thuộc nằm lòng từ lâu. Vì vậy, khi, sau những ngày Tết Nguyên đán sum vầy, nắng chang chang và gió phần phật, tôi “sống lại” tuổi thơ của mình khi ra ngoại thành, nơi có những mảnh đất rộng. Bước chân trên nền cỏ héo vàng, tôi nghe âm thanh vui nhộn của những đứa trẻ reo lên với ánh mắt ngóng cao nền trời, nơi có nhiều cánh diều no gió tung bay tạo những niềm vui. Tôi nhớ về miền quê xa.

        Đó là mảnh đất nằm bên nhánh nhỏ sông Hậu hiền hòa. Nơi, sau những ngày làm ăn vất vả, buổi chiều tháng giêng, ba tôi thường thư giãn cùng tôi qua cánh diều lồng lộng gió chướng. Tôi cầm con diều giấy, tung tăng nhịp theo bước chân ba qua con phố nhỏ, đến sân vận động địa phương. Lúc đó, trên nền cỏ xanh đã có nhiều người – cả người lớn và trẻ nhỏ – đang vui vầy với những cánh diều dễ thương của họ đang đùa vui trong gió. Ba tôi cầm con diều tự làm mấy ngày trước trong tay, nghiêng nghiêng cánh diều, chạy lấy trớn rồi nhẹ nhàng buông tay cho nó vút lên từng không. Con diều uốn éo làm duyên, càng lên cao càng đằm lại, lượn lờ hai chiếc đuôi như hai mảnh tơ phất phơ trong gió, trong ánh nắng chiều vàng vọt dần tắt phía chân trời xa. Tôi cầm sợi nhợ chắc trong tay, sợ nếu lơ đãng sợi nhợ vuột khỏi tay, cánh diều sẽ bay mất. Niềm vui của tôi dâng cao theo cánh diều trên không trong khi sợi nhợ được từ từ thả khỏi cuộn một cách cẩn trọng. Vậy mà cánh diều có lúc cũng đành đoạn lìa khỏi tay tôi khi sợi nhợ đứt bất ngờ. Cánh diếu băng, lảo đảo như người say rượu trong cơn gió giật! Tôi khóc nhìn theo diều rơi xuống một nơi xa không thể lượm lại được!

        Thấy tôi buồn, ba tôi làm cho tôi một con diều khác mà người gọi là con thửng. Con thửng lớn hơn con diều nên cần có sườn tre lớn, phất giầy dầy hơn, nhất là sợi nhợ phải lớn và chắc hơn. Kỳ công hết mấy buổi chiều, ba tôi mới hoàn thành con thửng. Ba dẫn tôi ra sân vận động rồi thả con thửng lên không trung. Hết chao dảo, rồi lượn lờ như e thẹn, con thửng mới bắt đầu đằm cánh giữa trời cao lộng gió. Nó êm ái với hai chiếc đuôi dài thượt lửng lơ phất nhẹ trên nền trời. Nhưng điều hấp dẫn nhất là trong ngọn gió chướng, từ con thửng của tôi phát ra những âm thanh êm dịu, lúc véo von, khi cao vút. Đó là những âm thanh mà người ta gọi là tiếng sáo diều. Tiếng sáo diều của tôi khiến cả sân vận động ai cũng đắm mình lắng nghe thích thú. Tiếng sáo diều đó đến nay vẫn còn trong tôi. Nhất là những cánh diếu tuổi thơ đến nay vẫn còn với tôi trong những buổi chiều “tháng giêng kéo dài”, khi mùa nắng và mùa gió chướng vẫn còn, lúc tôi vui diều cùng những đưa cháu thơ của tôi trong những buổi chiêu nhạt nắng ngoại ô thành phố. ●


Không có nhận xét nào: