Dễ chừng có hơn hai chục năm rồi anh mới về được quê nhà, nhân đám tang bà chị họ. Khi chiếc đò máy xình xịch giảm tốc độ tiến vào bến, anh kinh ngạc trước con sông thơ ấu của mình. Chao, hồi đó anh đã sợ hãi khi trầm mình xuống mặt nước, dù bên cạnh có người anh thứ ba của mình đóng vai huấn luyện viên bơi lội. Hồi ấy anh thấy nó vừa to vừa sâu, vậy mà bây giờ nó hẹp và cạn xợt như vầy! Còn phố chợ. Dãy phố trệt mái ngói cũ kỹ đen xì. Xưa nó cao to dữ lắm. Giờ thấp lè tè như con người càng già càng lùn thấp vậy. Rồi con đường trải đá nữa. Nó nhỏ bé quá. Mỗi con đường thị trấn dài không quá sải tay. Chỉ cần bỏ năm ba phút anh có thể đi hết vòng thị trấn rồi. Vậy mà hồi xưa anh đã phải mỏi giò với nó, dù chỉ đi một nửa con đường trước nhà thôi, để mua món nào đó mẹ nhờ.
Phố chợ vẫn tràn ngập người Hoa. Lác đác vài căn hộ người Việt. Còn người Khmer chiếm mấy con giồng bao quanh thị trấn.
Nắng tháng ba âm lịch chang chang. Gió khô thổi tung mù cát. Cát ơi là cát trên con đường đưa quan bà chị họ anh. Cát lún ngập mắt cá chân. Ấm nóng. Buổi trưa gần đúng ngọ. Đoàn người lặng lẽ. Mỗi người cầm một thẻ nhang. Bước chậm. Tiếng nhạc “tùa lầu cấu” (1) rền vang hợp âm của nào phèng la, trống, hắc tiêu, kèn đồng, chập chõa và đờn cò. Âm thanh buồn não ruột.
Trong đám tang anh gặp người dì họ. Bà năm nay gần sáu chục. Mừng rỡ, bà ôm chằm lấy anh:
- Mèn ơi! Mầy đó hả Tỷ (2)? Con Mũi (3) không nói chắc ý (4) không dám nhìn đâu, tưởng ông nào đó chớ.
Anh xúc động trước tình cảm chân thành của người dì nên đồng ý ở chơi nhà bà sau khi tang lễ xong.
Đó là một căn nhà lá ba gian cất theo lối xưa có sân rộng, được bao bọc xung quanh bằng nhiều khóm tre và me keo, trên một mé giồng. Gió mùa khô thổi lướt qua lá tre tạo âm thanh buồn buồn một thời thơ ấu. Và tiếng ve râm ran cả một vùng trời. Nghiêng bên này nghe thấy, quay bên kia cũng bắt gặp. Anh trầm mình trong không khí êm đềm thôn dã xưa.
Chiều xế. Nắng dịu. Gió mát hơn. Trời cao xa vời. Những đụn mây u ám cơn mưa vời vợi. Sấm rền thinh không lăng lắc. Anh ngồi trên chõng tre ở hiên nhà. Những thanh tre vàng sẫm lên nước bóng ngời. Anh rờ rẫm và cảm nhận hơi mát lạnh của nó thấm qua làn da tay. Anh nhìn những con vật nhỏ bay vụt ngang mái nhà. Tiếng vỗ cánh xè xè, êm ái. Đột nhiên thằng cháu nỗi của người dì chạy vụt ra sân, la hét một cách sướng khoái:
- Úm (5) ơi, bù rầy (6) nhiều quá!
Anh giật mình, ngồi không yên, đứng hẳn lên, bước vội ra sân phóng tia nhìn theo những cánh bay loang loáng của những con vật trên trời. Nó đó sao? Bọ rầy! Anh bước sấn tới bên thằng nhỏ, gặc gặc tay nó:
- Bọ rầy hả cháu? Bắt đi!
Thằng cháu nhỏ ngơ ngác nhìn anh, cái con người xa lạ với nó từ lúc gặp tới giờ đột nhiên thân thiện một cách khó hiểu. Nó tròn mắt nghe anh ra lệnh:
- Đi hốt cứt trâu đi! Lẹ lên cháu!
Rồi không đợi nó thi hành lệnh của mình, anh nhanh chân bước tới đụn rơm vàng bên hàng me keo rậm lá sau hè. Anh bốc một bánh phân trâu khô cứng lên tay một cách nhẹ nhàng. Tiện tay anh quơ một nắm rơm khô. Anh bước hối hả đến khoảnh đất trống sân nhà. Anh vun rơm khô lại, đặt miếng phân trâu lên, tay run run bật quẹt châm lửa. Khói nghi ngút. Anh chu miệng thổi phù phù. Lửa bén. Anh chợt nhớ, hối:
- Lấy chổi chà!
Rồi thêm:
- Hai cây.
Thằng nhỏ lật đật mang đến cho anh hai cây chổi tàu cau. Anh cầm một, đứng thủ thế:
- Chuẩn bị. Đập tiếp nhe!
Khói um mù bay tỏa không gian. Anh đứng dưới gió. Mùi rơm khô đậm mùi phân trâu hăng hắc. Anh hít thoải mái, thích thú, ngất ngây. Và, không đầy một tích tắc, anh đã nghe tiếng xè xè của những con bọ rầy bắt đầu bay vòng quanh đám khói. Anh huơ chổi lia lịa. Thằng bé cũng vậy. Nó thích chí huơ chổi vào đám bọ rầy khiến chúng rơi lộp độp. Anh quýnh quáng bỏ chổi chộp từng con, quơ đùa nhiều con nắm trong tay một lượt. Anh sung sướng nghe những chiếc chân nhỏ bé và thô rám của con vật chạm vào da thịt mình. Và anh nghe nhồn nhột một cách thích thú ở cánh tay mình khi những con bọ rầy bò lên. Anh hối hả chạy vào nhà tìm chiếc hộp giấy to. Không thấy. Anh la toáng lên. Người dì đứng chết trân quên cả nhai trầu nhìn anh lạ lẫm. Cuối cùng anh cũng có chiếc hộp như ý. Anh bỏ bọ rầy vào đó. Chúng lổn nhổn bò lên nhau, lên cả thành hộp tìm đường thoát. Nhưng dễ gì! Anh sướng mắt nhìn những con vật to bằng ngón tay cái của mình, cánh màu nâu chấm chấm đen có, trắng nhờ nhờ có, toàn thân trắng mốc có. Anh bắt những con cánh nâu có chấm đen vứt ra ngoài, chừa lại những con trắng mốc toàn thân. Anh cầm nguyên chiếc hộp chạy ra sân nhà, hỏi giật giọng thằng nhỏ với đám bọ rầy của nó:
- Bọ rầy mốc đâu? Đưa đây!
Anh tham lam giật trên tay thằng nhỏ những con bọ rầy theo yêu cầu của mình. Rồi anh ôm khư khư nó trong tay như báu vật. Anh nắm tay thằng nhỏ, bước từng bước dài đến những lùm cây rậm bên vệ con đường giồng ngập cát. Anh lẩm bẩm như người điên:
- Lá duối. Lá duối đâu?
- Tưởng gì - Thằng nhỏ cười – Đây nhóc nè, chệt (7).
Nó đưa anh đến bụi duối. Anh bứt từng nắm lá màu xanh sẫm.
- Cho nó ăn. Biết không?
Thằng nhỏ nhoẻn cười.
Đêm đó anh ngủ chập chờn với đám bọ rầy bay đầy giấc mơ. Anh mong trời mau sáng. Gà gáy hiệp một, anh lật đật thức dậy, chào từ giã mọi người rồi hối hả ra thị trấn, xuống đò máy để về nhà cho sớm.
Anh về sớm hơn dự tính khiến chị ngạc nhiên đến thích thú. Cả nhà kinh ngạc khi anh hào hứng mở túi xách lấy ra chiếc hộp giấy. Anh cẩn trọng he hé một phần nắp hộp cho cả nhà ghé mắt vào.
- Thấy chưa? – Anh hứng chí tự hào.
- Thấy - Chị dấm dẳng - Thấy mà ghê!
- Ôi, con gì dễ sợ quá! – Các con anh kêu lên.
Không nói gì, anh bắt một con bọ rầy ra, lật hai cánh chập sát nhau, giữ nó lại giữa hai ngón trỏ và cái. Con bọ rầy lật ngửa, giơ đít về phía mặt anh. Anh kề môi, phùng má thổi. Chỉ một nửa hơi thôi, con bọ rầy vẫy cánh đập xè xè, càng lúc càng nhanh hơn. Anh khoái thích đưa con bọ rầy vào mặt, vào ngực mình rồi làm như vậy với vợ và các con anh. Chị bình thản hỏi:
- Gì vậy?
- Không thấy gì hết sao?
- Mát.
- Đúng rồi.
- Mát. Đã quá! – Các con anh bắt đầu ham thích.
- “Quạt máy” của ba hồi nhỏ đó – Anh vênh mặt lên.
Rồi anh trao cho thằng út con bọ rầy đó. Anh dạy nó giữ lấy con vật mà chơi. Anh bắt con khác làm vậy cho thằng lớn. Hai đứa run run tay chạm vào con vật gớm ghiếc giống hệt con bọ hung khổng lồ. Nhưng rồi chúng cũng vui với trò chơi mới lạ.
Anh bươi tìm khắp nhà lấy ra nào dây chì nhỏ cọng, mấy lõi chỉ bằng nhựa mỏng. Anh loay hoay với công việc của mình. Sau đó từ tay anh một chiếc xe bốn bánh xinh xinh hình thành. Anh bắt một con bọ rầy lật cánh, gài chặt vào móc kẹp dây chì trên thân xe. Anh thổi vào đít nó. Cánh bọ rầy động đậy rồi đập tít mù. Kỳ diệu thay, chiếc xe bằng dây chì chạy lăn trên nền gạch một cách tuyệt vời. Chưa hết, từ tay anh xuất hiện một chiếc máy bay bằng dây chì. Anh hối chị:
- Đưa cuộn chỉ đây!
Chị xăng xái mang cho anh. Anh bứt đoạn chỉ dài buộc một đầu vào thân máy bay rồi thử độ cân bằng. Đầu chỉ kia anh buộc vào chiếc đinh trên trần nhà. Anh lật ngửa con bọ rầy lật cánh vào móc kẹp trên thân máy bay rồi thổi. Nó đập cánh xè xè, quay tít. Anh đẩy nhẹ máy bay về một phía, nó vẽ một đường tròn quanh phòng. Ban đầu đường bay ngoằn ngoèo, nhưng càng lúc càng tròn và cao hơn. Cả nhà anh thích thú vỗ tay reo. Anh xoa tay khoan khoái nhìn các con chơi một cách hứng thú, tự hào. Chúng lặp lại các động tác anh chỉ bảo. Mãi lúc lâu chúng mới hỏi:
- Con gì vậy, ba?
- Bọ rầy.
- Ba ơi, con của con nó bay chút xíu rồi nghỉ hoài nè - Thằng út bực dọc mách.
- A, con đó làm biếng. Đây, con lấy con nầy. Nó siêng phải biết - Vừa nói anh vừa đưa thằng út con bọ rầy mốc cời, nhấn mạnh - Bọ rầy mốc vô địch siêng.
Những con bọ rầy thân thiết với lũ trẻ ngay. Chúng say mê nó như một thời xưa anh từng mê say vậy!
-----------
1. Tùa lầu cấu: Dàn âm nhạc phục vụ những dịp lễ lạc, hội hè, đình đám của người Triều Châu.
2. Tỉ: Thằng nhỏ, cách gọi của người Triều Châu. Ở đây là tên, như ta gọi “Bé” vậy.
3. Mũi: Mỹ, tên người theo cách phát âm của người Triều Châu.
4. Ý: Dì, cách xưng hô của người Triều Châu.
5. Úm: Bác gái, cách xưng hô của người Triều Châu. Ở đây là mẹ, như ta gọi “vú” vậy.
6. Bù rầy, bọ rầy, theo cách phát âm không chuẩn của người địa phương.
7. Chệt: Chú, cách xưng hô của người Triều Châu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét