Truyện ngắn của VƯƠNG TIẾN TÙNG (Phù Sa Lộc)
Anh làm mướn bằng cách sửa bản in theo chu kỳ báo của những người bạn, năm khi mười họa họ hú anh làm một lần. Nói năm khi mười họa là rất chính xác, vì báo văn nghệ tỉnh lẻ mỗi năm in chỉ có ba lần: Lần đầu tiên vào dịp Tết Âm lịch, lần thứ nhì vào ngày kỷ niệm giải phóng miền
Trước hết ở khâu chữ. Hồi mới vào nghề, anh tiếp xúc ngay với kỹ thuật in ốp-sét, chữ chì. Đây là thời kỳ cực nhọc nhất của anh. Báo bắt đầu lên khuôn anh phải có mặt thường xuyên ở nhà in, không phải để làm việc mà để ngồi tẳn mẳn nhổ râu cằm, mắt lơ đãng nhìn anh chị em công nhân lách chách bóc cứt chuột, theo cách gọi đùa về nghề nghiệp của họ là sắp chữ. Sở dĩ anh nhàn nhã như vậy vì công đoạn này làm thủ công quá chậm chạp, phải ngồi chờ họ mi từng trang, vỗ từng bông, qua một lần cò của xí nghiệp rồi mới tới tay anh.
Hồi đó chân ướt chân ráo vào nghề, anh cứ tưởng mình ngon lành nên vênh vênh cái bản mặt của một tay chủ cả, chữ nghĩa đầy mình. Điều này khiến anh sếp ty-pô ghét, Đì anh cho biết mặt, bằng cách lâu lâu mới cho ra một bông để anh sửa cầm chừng. Về sau, rút kinh nghiệm máu xương, anh phát hiện sai lầm tối quan trọng của mình trong việc sống ở đời, đó là phải nghĩ thật chín câu khẩu hiệu treo trên tường bộ phận chữ: “Xí nghiệp là nhà, công nhân là chủ”. Câu khẩu hiệu nếu nghĩ đon thuần, mình sẽ được anh chị em công nhân phục vụ từ đầu đến đũa. Nhưng thực tế xoay chiều một cách tai quái. Công nhân là chủ, tất nhiên khách là đầy tớ. Đầy tớ cư xử không điệu đời, dứt khoát sẽ bị chủ nhân cho ngồi chơi suốt mùa thu, lắm khi hẹn lần hẹn hồi cho đi tới đi lui mòn bánh xe, lả mồ hôi, rã bành tô mới vừa ý họ. Rút kinh nghiệm bản thân, đúc kết kinh nghiệm đồng nghiệp và nhất là thấu hiểu khẩu hiệu bằng nghĩa đen, anh lận theo tiền mời công nhân đi uống cà phê, hút thuốc lá và lâu lâu, vào giờ tan tầm, mời họ đi lai rai chầu rượu thuốc gọi là “bồi dưỡng”. Nhờ đó công việc chạy nhanh như bộ máy tinh xảo. Làm việc với họ, thỉnh thoảng anh nói đùa một câu, kể vài ba chuyện tiếu lâm hoặc tào lao cái gì đó, nhằm gây hứng cho họ. Lâu lâu anh đưa một điếu thuốc có cán để họ “hút cho thơm râu”, đưa thuốc đen tội nghiệp họ “không biết ngậm đầu nào”! Sau này, khi đã thân tình anh mới dám xùy điếu Đà Lạt cà khổ của mình cho họ. Có lần anh sếp ty-pô cầm nó rồi đưa tận mắt xem dòng chữ, nhìn chăm chú mép giấy dán để ngầm đánh giá thuốc lá thật hay là đồ dỏm. Lần đầu tiên thấy cử chỉ bất lịch sự này, anh tức sôi gan nghĩ mình bị sỉ nhục. Về sau gẫm lại, anh mới biết nể nang lắm người ta mới chịu khó hút điếu thuốc lá nhà quê đó.
Sửa bản in nào chỉ đơn thuần sửa lỗi chính tả, anh còn phải làm cả công tác biên tập. Biên tập có mức độ những bài viết câu cú chẳng ra làm sao. Ngoài ra anh phát hiện chỗ nào in xiên mà họ quên sắp i-ta-lic; chỗ nào xuống dòng họ chưa thụt vào, chữ đầu dòng chưa hoa; chỗ nào mở kép không đóng lại, vân vân… Ở khâu chữ chì, khi đã ký bông ba rồi, lên bảng nhũ anh cần phải đọc lại lần nữa, hầu tránh việc anh thợ nhũ cầm bát chữ lỡ làm rớt một số chữ nào đó rồi nhét đại vào khoảng trống đó. Nếu anh không đọc lại, dứt khoát những-chữ-không-nghĩa ấy sẽ khiến anh bị người ta sạt cho một trận.
Chữ điện tử cũng vậy, không đọc lại bản nhũ sẽ không làm sao biết lỗi phát sinh sau quá trình dàn trang. Ở khâu này, anh phải đối phó với những công việc mới mẻ hơn, tuy rằng nó không làm bẩn tay chân quần áo anh như ở khâu chữ chì, nhưng nó cũng nhiều lúc làm anh đau đầu. Đọc mờ cả mắt, trên bản in kim với những kỹ thuật riêng của nó. Phải căng cả mắt ra để phát hiện từng sai sót nhỏ nhặt, càng đọc anh càng thấy đầu óc mụ mẫm, căng thẳng như sợi dây đàn. Càng đọc anh càng thấy đúng vì càng đọc nhiều anh càng đọc bằng cảm tính! Đã đọc bằng cảm tính tất nhiên chẳng đọc được gì! Khi báo in xong, nằm rảnh rang đọc lại, anh mới giật mình mướt mồ hôi hột vì vẫn còn lỗi. Rút kinh nghiệm, về sau khi báo in xong, anh không dám đọc lại, thậm chí thấy ai cầm tờ báo anh làm, anh lẩn tránh như né trốn tội lỗi! Lâu lâu anh bị bạn cự nự: “Lộc ơi, mày sửa ẩu quá!”. Anh điềm nhiên tọa thị. Bị quở trách nhiều lần, anh hỏi kỹ mới hay anh bạn đó yếu chính tả. Anh cắt nghĩa, anh ta không nghe. Thế là anh quyết định làm theo ý anh ta. Nhờ vậy các bạn đều khen anh là “một thầy cò tuyệt vời”. Lời khen, với anh, như lời giễu cợt tai quái!
Đeo theo dàn trang, chế bản và coi chạy máy là công việc khá nhẹ nhàng. Dù vậy ở khâu này anh phải làm khá cực nhọc vì mỗi khâu anh đều phải điều chỉnh những sai sót do tay nghề thợ còn non, hoặc giả do họ lười vì lương chẳng có bao nhiêu so với Sài Gòn. Thực hiện mông-ta không đúng ma-két có khi bạn bè cho ngồi chơi xơi nước. Vậy là đói! Anh lo lắm!
Không lo đói sao được khi bốn miệng ăn ở nhà đều hau háu trông vào mỗi mình anh. Lương công nhân viên của anh có đủ vào đâu. Tại sao anh phải gánh quá nặng như vậy? Giản đơn là vợ anh mất khả năng lao động: đau tim nặng. Bác sĩ chỉ cho phép chị cầm xách bất cứ vật gì cũng phải dưới một lý lô. Đến như lên cầu thang còn không được nữa là! Vậy nên chị chỉ có nước nằm khểnh ở nhà đọc sách báo thuê, mượn lối xóm gì đó, ngồi lê đôi mách và lo việc giặt giũ, cơm nước. Còn ba miệng ăn kia là ba đứa nhỏ chỉ biết mỗi việc xòe tay xin tiền. Đủ thứ tiền. Tiền mua sách vở bút mực. Tiền kế hoạch nhỏ. Tiền bảo trợ học đường. Tiền bảo hiểm. Tiền bắt điện, sửa trường. Tiền cứu trợ. Vân vân và vân vân đến chóng mặt! Học phí trọn năm của chúng lo không xuể, xé làm hai cho mỗi học kỳ, may chúng học hệ A. Nào hết, anh còn phải lo tiền bạc cho chúng, mỗi đứa một tháng liểm gọn mười ngàn đồng. Không cho học thêm cũng khó lắm…Thôi thì đành cắn răng gồng mình lo cho thế hệ mai sau. Lo thì lo nhưng anh cứ ấm ức trong bụng khi làm bài toán nhân: Hễ cô (thầy) mỗi tháng dạy thêm ít nhất một lớp ba mươi em, coi như họ có thu nhập ba trăm ngàn đồng. Trời đất ơi! Số tiền đâu phải ít, quy ra vàng cũng năm phân chớ bộ! Vì vậy ai dám nói, cá biệt, giáo chức trong thời mở cửa này nghèo khổ, chỉ toàn dứt cháo? Dứt cháo hay không là anh, cháo trắng. Bởi anh còn phải lo tiền thang thuốc cho vợ và cả cho lũ nhóc vốn cứ hay đau ốm lặt vặt. Càng ăn uống thiếu thốn, con người ta càng dễ sinh bệnh tật.
Ngoài việc sửa bản in, anh còn đánh máy mướn. Cũng may có anh bạn thấy hoàn cảnh anh vậy, thương, cho mượn cái máy chữ xách tay để anh làm cần câu cơm. Anh lãnh đơn từ, luận văn tốt nghiệp đại học và bất cứ thứ gì nhờ bạn bè mối mang đưa tới. Nhờ vậy gia đình anh mới đứng vững từng ngày một. Đứng vững để kéo dài sự sống, để theo con đường tuần hoàn của cuộc sống là sửa bản in và đánh máy mướn tiếp. Kiếm được tiền anh đưa hết cho vợ. Số tiền vài chục ngàn nghe lớn lao là thế nhưng thực tế nó như cơn mưa rào đổ ào lên mái nhà te tua rách nát của anh. Mất tiêu tăm dạng. Có tiền là phải chi cả trăm thứ linh tinh, trong đó có tiền nợ không tính lãi của người hàng xóm tốt bụng, tiền trả một, hai hóa đơn trong số vài ba hóa đơn điện nước nằm chờ. Tiền luôn luôn thiếu nên tất cả gia vị gia đình anh đều phải mua từng bịch nhỏ, mỗi bịch vài trăm đồng. Một cách mua đắt nhất thế giới! Anh biết. Nhưng… nghèo khó bắt anh phải xài sang. Vì phải xài sang như vậy nên anh phải dè xẻn tối đa việc chi tiêu cho bản thân anh. Anh phải tính toán chi li vài ba ngàn anh may mắn giữ được trong túi. Tất nhiên điều đó dẫn anh đến việc phải lẳng lặng ngồi uống cà phê chực dài dài. Khổ nỗi bạn bè lại thích anh, cứ rủ rê anh liên miên. Lâu, thật lâu, vô “mánh” lớn, anh ưỡn ngực hãnh diện trả một chầu cà phê đen. Rồi anh ao ước có tiền dài dài để được làm cái hành động đầy tự hào này. Nhưng trời ạ, anh không tài nào thực hiện được mộng ước đó. Anh cố làm việc nhiều hơn để khắc phục nhược điểm đáng ghét này. Nhưng đó chỉ là mộng tưởng!
Chỉ có mỗi cái việc anh cố sửa được, đó là sửa bản in ngày một hoàn hảo hơn. Nhưng càng vào sâu nghề, anh càng thấy kinh hãi. Chữ nghĩa rắc rối vô cùng, không đơn giản như anh hằng nghĩ. Trước đây, anh thường cười mũi những ai viết sai chính tả, bây giờ anh tĩnh lặng. Chữ Việt tinh xảo, nội từ Bắc bộ anh đã muốn hụt hơi hà huống từ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét