Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2007

NGÀY HÔM ẤY

Không một tiếng chim báo thức, không một tia sáng mặt trời lọt vào nhà vì, như thường lệ, cứ vào quãng năm giờ hơn là tôi thức dậy tập thể dục. Hôm nay, cũng như thường lệ ấy, sau khi tập thể dục buổi sáng, việc đầu tiên là tôi đánh thức bà xã dậy. Trời gai gai lạnh là môi trường tốt cho giấc ngủ kéo dài, nên chi những cái lắc mạnh của tôi chỉ tổ làm phiền giấc ngủ ngon của nàng! Xoay qua trở lại mấy bận, nàng ụ ợ trong cơn ngái ngủ:

- Làm gì mà hét toáng lên thế?!

- Dậy đi mà, nói cho nghe cái này đặc biệt.

- Đặc biệt với đặc sệt cái mốc xì! Buồn ngủ muốn chết đây!

- Ây, đặc biệt lắm chớ.

Tôi thò tay chọc vào nách khiến nàng cười ngặt ngoẽo.

- Đặc biệt là vì... Tôi để ngón trỏ bàn tay mặt lên thái dương, vẻ đăm chiêu hiện trên hai con mắt mơ màng. Là vì... Tôi nhắc lại. Nghe anh nói đây, anh tuyên bố hôm nay cho em nghỉ làm việc cả ngày.

Nàng bật dậy như có cái lò xo từ dưới nệm bung ra đẩy mạnh lên. Miệng nàng há hốc với những chiếc răng trắng đều đặn chìa ra một cách duyên dáng, đáng yêu. Hai mắt nàng tròn xoe:

- Gì? Nàng vỗ vỗ tay lên trán, nghĩ ngợi. Gì vậy kìa? Để coi... Sao lại có chuyện kỳ cục vậy?

- Vì có chuyện kỳ cục nên mới nói là đặc biệt. Đố biết.

- Thua. Nàng giơ hai tay lên đầu hàng.

Tôi cười rũ ra:

- Nè, để nói nghe. Tôi lẩn thẩn đọc thơ: Hôm nay mùng tám tháng ba / Đàn ông đi chợ, quét nhà, giữ con.

- Tuyệt vời! Trên cả tuyệt vời!

Nàng vừa nói vừa nhảy dựng lên.

- Chưa. Còn một điều đặc biệt nữa nên anh mới thức em dậy sớm. Xúc miệng, đánh răng đi rồi em ra chợ ăn cà phê uống hủ tiếu.

- Gì? Nàng trố mắt nhìn tôi. Anh nói cái gì?

- Thấy chưa. Mới nghe đã “phê” rồi. Đã nói đặc biệt mà. Em thong thả ra chợ ăn cà phê, uống hủ tiếu đi, anh long trọng lặp lại lần nữa, em nghe cho rõ.

- Thôi, đừng có ba trợn! Nàng huých cùi chỏ vào ba sườn tôi. Làm quái gì có chuyện đó, bồ tèo. Bộ muốn đùa dai tui sao?

- Thiệt mờ!

- Thiệt cái con khỉ mốc. Làm gì có chuyện ăn cà phê với uống hủ tiếu?

Tôi ngã ra giường:

- Chết mồ! Quên. Xin lỗi em yêu, hôm nay kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ, anh chiêu đãi em một chầu cà phê hủ tiếu sáng. Tôi nói lại chậm rãi. Ăn cà phê, ý quên, sao cứ nói lộn hoài vậy trời! Em uống cà phê, ăn hủ tiếu thoải mái rồi nằm khễnh đọc tiểu thuyết hay đi chơi đâu đó, tùy ý, mọi việc để anh chu toàn.

Nàng hôn tôi một cái rõ kêu như là một tặng phẩm đặc biệt của ngày lễ này vậy, trước khi tôi xách giỏ tòn ten đi chợ.

Đến đầu chợ, quả tình, tôi gặp một chuyện khó khăn không lường được. Đó là vấn đề hôm nay ăn món gì. Trước khi bước chân ra khỏi nhà, trong đầu tôi đã bày biện một thực đơn sốp dẻo với đầy đủ hình ảnh, màu sắc và cả mùi vị từng món sẽ thực hiện. Thế mà đến đây tôi đâm khựng. Quả là nan giải!

Đi chợ với tính cách bàng quan, cố nhiên thích thú lắm. Nhưng với mục đích mua sắm thức ăn là chuyện rối rắm. Có cả trăm thức và cả trăm phẩm chất. Biết chọn cái nào, bỏ cái nào? Biết giá cả ra sao? Và biết nấu món này phải hội đủ những gia vị gì, món kia phải có linh tinh tiêu, hành, tỏi, ớt nào, nhức cái đầu chớ đâu phải chơi!

Tôi lơn tơn tới chợ cá.

Những con cá tươi roi rói quẫy mạnh đuôi trong mâm xăm xắp nước. Những con tôm lóng bự ứ ự trứng một màu son nằm vun thau, thấy bắt thèm. Những con cá hấp nằm yên trong sọt tre nhỏ như ngủ say. Mua gì và làm gì? Đó là câu hỏi cứ lẩn quẩn trong tâm trí tôi. Phải đánh bạo mới được. Tôi xề vào một chỗ bán cá. Mấy con cá lượn lờ trong mâm trông đến thích.

- Cá ba sa hả bác? Tôi hỏi đồng thời đưa tay khều khều một vài con, rồi chùi ngón tay lầy nhớt vô lai quần.

- Ừ, cậu. Về nấu chua nhậu bá cháy.

- Chà, bà xã cháu thích món này vô cùng. Bác bán con này bao nhiêu?

Bà bán hàng bắt con cá tôi chọn cho vào cân:

- Lấy cậu mười lăm ngàn thôi.

- Trời đất, mắc dữ vậy? Bớt đi.

Đàn ông con trai đi chợ mà. Bà bán hàng vừa bốc cục thuốc xỉa trong miệng đánh xoạch một cái xuống đất vừa nói, tui hổng nói thách đâu. Nói đúng giá không xê một cắc.

Còn đang nhẩm tính mua thêm những món gì để hoàn thành nồi canh chua cá ba sa tuyệt hẩu thì có ai đó khều vai, tôi quay lại.

- Ồ, tôi kêu lên kinh ngạc, đồng thời nghe mặt mày mình đỏ rực, nóng rang. Đi chợ hả Thúy Lan?

- Chớ đi đâu. Anh cũng bày đặt đi chợ nữa sao? Chắc gần sập trời rồi.

- Tầm bậy! Tôi vẫn còn đỏ mặt. Đi chợ hoài chớ giỡn chơi sao. Tôi cãi. Nghề-của-chàng mà! Nè, bữa nay tới nhà anh ăn canh chua cá ba sa nghe.

- Hổng dám đâu.

- Sao vậy?

- Cá ba sa đây hả? Thúy Lan nhướng mắt, rụt cổ vừa hỏi vừa chỉ mâm cá-ba-sa-của-tôi.

- Ờ, tới nghe.

- Thôi, cá vồ đó tía non, đừng có làm bộ tài... ngu.

- Hừm, tài khôn chớ. Tôi sửa Thúy Lan để che lấp sự vụng về của mình rồi xạc bà bán cá một trận. Vậy mà bà dám hô cá ba sa.

- Cá ba sa chớ bộ. Bà ta vừa nói vừa cười thích thú kéo theo tràng cười của những người bán hàng bên cạnh.

Thúy Lan kéo tay tôi đi một nước. Lúng túng như chưa hề lúng túng, tôi nói để mở một cánh cửa thoát:

- Thôi tôi về, Thúy Lan đi chợ đi.

- Không, em đi chợ xong rồi, đang tính về thì gặp anh đó.

- Vậy hả?

- Em về nghen.

Nói xong Thúy Lan lướt khỏi mắt tôi, chìm trong dòng người của khu chợ đông. Ngày mai, tôi rủa thầm, chắc cả cơ quan sẽ có đề tài mới để cười đùa: tôi đi chợ.

Thúy Lan về, đúng là mở một con đường cho tôi tiếp tục đi chợ, vì tôi sẽ không còn một cuộc đụng-đầu-lịch-sử nào nữa.

Mua cá, mua lươn, đúng là việc không thích thú gì. Về nhà sờ vô nó đã thấy ghê tay. Tôi ghé qua hàng thịt, nhìn mấy miếng đỏ hồng nằm khoe mình trên cái xịa tre, đã nghe một loạt tiếng mời chào:

- Thịt đi anh.

- Thịt em, anh.

- Mua em đi, anh Hai.

Tình cảm ngọt ngào quá làm sao bứt đi được, tôi đành tạt vô.

- Thịt em nè anh. Một cô ốm nhom, tay lem luốc mỡ màng, mở đầu.

- Mua em anh. Một cô roi roi ăn bận khá hơn rủ ren.

Tôi sờ vào miếng ba rọi của một xề thịt mà cảm quan tôi đánh giá là ngon. Cô bán hàng quýnh quíu bốc miếng thịt dài lòng thòng đưa cho tôi. Miếng thịt mỏng te, nhỏ xíu. Chắc không đủ để làm bất cứ món gì. Tôi lắc đầu:

- Có sườn cốc lết không?

- Hết rồi.

- Thịt em ngon nè, anh Hai. Cô bên cạnh ỏn ẻn.

- Mông em hết sẩy nè, anh Ba. Cô khít bên tấn công.

- Đùi em láng lứt, anh Tư. Cô bên cạnh kêu réo.

Tôi loay hoay một hồi mua đại nửa ký thịt đùi “láng lứt”. Cho thịt vô giỏ, tôi đưa tiền cho cô bán hàng. Đang chờ thối lại thì, như một đàn bướm to tướng, cả mấy xề thịt xung quanh ùn ùn túa “bay” tứ phía, lẫn lộn vào các hàng quán mất hút tăm dạng. Ngơ ngác chẳng hiểu gì, tôi kêu trời như bộng. Vậy là mất toi số tiền thối rồi! May sao, chẳng mấy lúc, khi tôi còn ngó ngang ngó dọc, thì các cô hàng thịt đã trở lại, ai vào chỗ đó. Vừa quạu, vừa mừng, tôi nhấm nhẳng:

- Làm ăn gì kỳ cục vậy?

- Anh thông cảm. Cô bán thịt thở hổn hển, mặt đỏ lên vì mệt, đưa ống tay áo quệt mồ hôi trán. Nó “bao” anh hổng thấy à?

- Nó nào?

- Nó đó.

- Trời ơi, nó nào đâu?

Nó... Cô hàng thịt nhìn tôi không chớp, nhoẻn miệng cười. Nó là mấy thằng cha ban quản trị chợ đi bắt thịt “lậu” đó mà.

Lấy xong tiền thối, định mua chục trứng, chợt nhớ tối qua có đứa em đem cho nên tôi rẽ vào mua bó rau muống cùng hai trái cà chua rồi thơ thới hân hoan ra về.

Nàng đang nằm đọc sách thấy tôi về nhổm dậy cười rạng rỡ:

- Anh về đó à. Đi lẹ dữ, mới có... hai tiếng đồng hồ thôi.

- Mua kỹ mà em. Tôi vuốt má nàng, đùa cho đỡ ngượng. Em xem sách đi, anh ra sau giặt quần áo rồi lau nhà.

Công việc tưởng nhẹ hóa ra mệt nhọc vô cùng. Đánh vật với thau quần áo toát mồ hôi, mỏi nhử hai tay. Đánh vật với cái nền nhà cho bóng lộn càng làm cơ thể tôi nhểu nhảo mồ hôi hột. Khi xong việc, tôi nói vọng lên nhà trên:

- Làm gì trước đây, em?

- Nấu cơm. Nàng nói vọng xuống.

- Mấy lít?

- Trời! Lon rưỡi thôi.

- Vừa loay hoay vo gạo, tôi hỏi:

- Đổ bao nhiêu nước đây?

- Sấp mu bàn tay.

- Sấp làm sao?

- Up bàn tay lên mặt gạo trong nồi, đổ nước ngập mu là được.

- Dễ ợt!

Đặt xong nồi cơm, tôi bắt đầu rửa và xắt thịt cho vô nồi. Khi tháo tung mớ rau muống tôi mới thắc mắc:

- Lặt rau sao đây?

- Lấy đọt non, bỏ lá úa, lá sâu.

- Tới cỡ nào là non?

- Bấm móng tay mềm.

- Dễ ợt!

Tôi huýt sáo. Bé Phú nắm lăn trên nhà hòa tiếng hát theo. Mấy con heo kêu ột ột trong chuồng, ủi hất máng ăn. Tôi vỗ về:

- Ột, đừng có lạng quạng, tao cho ăn ngay mà.

Mấy cọng rau muống già từ tay tôi bay vèo vèo vô chuồng, một loáng là hết nhẵn. Hai con heo chừng như còn đói, dĩ nhiên, nên cứ nặng nề đi tới đi lui, ghếch mõm lên thành chuồng. Tôi vuốt ve mõm nó:

- Đừng lộn xộn mậy, tao bận tay đây nè.Nồi cơm sôi ùng ục, nước trong nồi không chịu nổi áp lực của lửa cao ngọn, hất tung nắp vung. Tôi phóng tới chộp lấy, ấn mạnh tay xuống. Hai con heo lại kêu ỏm tỏi. Nồi thịt để ở sàn nước đổ chỏng gọng vì con mèo vừa chồm tới ăn vụng. Quýnh quýu, tôi gào:
- Xuống mau!

- Gì đó? Nàng đủng đỉnh.

- Lẹ đi bà chằn. Cơm “thơm” quá tay rồi!

- Bớt lửa. Khê quá mạng rồi ông ơi!

- Thì bớt lửa. Mà xuống đây cái đã.

- Làm gì?

- Đã nói xuống lẹ lên mà. Heo đòi ăn như giặc. Mèo tha thịt đi rồi.

Nàng ba chân bốn cẳng chạy xuống, gắp than bỏ sang lò khác, nhấc nồi cơm sang, nhặt nhạnh mớ thịt đổ tung tóe rửa sạch cho vô nồi đặt lên bếp:

- Thịt anh xắt, ăn một cục ớn tới già!

- Tại sao? Tôi ngạc nhiên.

- Bự chần dần hơn bàn tay.

- Xắt lại.

- Rồi!

- Rồi thì cho heo ăn.

- Hử? Nàng trừng mắt dòm tôi. Bữa nay Ngày Quốc tế phụ nữ mờ. Anh hứa rồi.

- Ờ hén. Cho heo ăn gì đây? Cám ở đâu?

- Mẹ ơi! Anh làm như nào giờ mới đút mặt vô bếp vậy.

- Đâu có, vô hoài chớ.

- Sao không biết cám để đâu?

Nàng xúc cám vô máng, đổ nước lạnh vào định quậy, tôi chen vô:

- Để đó.

Rồi tôi thọc tay vào máng quậy đều trong tiếng táp phầm phập của hai con heo đói, đôi lần chúng suýt táp nhầm tay tôi.

Trở lại nhà bếp, nhìn nồi thịt sôi ùng ục, tôi nhớ tới hột vịt bèn mở tủ chén lấy ra rửa sạch định cho vào, chợt “cao hứng” hỏi:

- Còn trứng thì sao đây?

- Luộc chín bóc vỏ.

- Hú hồn! Chút nữa hư bột hư đường hết trọi.

Lại nhấc nồi thịt xuống, cho nồi nước luộc trứng lên.

Thằng Vinh đi chơi đâu về khóc bù lu bù loa, áo quấn lấm lem. Tôi nghe nàng hỏi:

- Làm gì thấy ghê như ông kẹ vậy cậu?

- Con đá banh té vô vũng nước.

- Hừ! Ra ba tắm cho.

- Tắm cái con khỉ. Tôi nổi sùng. Làm không hở tay nè. Chợt nhớ cái-bổn-phận-sự của mình hôm nay, tôi dịu giọng. Xuống đây, tía non.

Tắm cho thằng bé xong tôi nghe mệt mỏi chán chường. Nồi trứng luộc làm sao biết chín? Tôi kêu hỏi nàng. Nàng bảo lấy đũa gắp. Gắp hoài, trượt hoài. Tôi không kiên nhẫn nữa:

- Em nè...

- Gì đó?

- Xuống đây cái coi.

- Gì đây? Nàng đủng đỉnh đi xuống.

- Em làm đi, anh chịu thua rồi. Tôi bẹo má nàng, hôn một cái dài đầy tính toán. Ba cái lặt vặt này sao vướng tay vướng chân quá.

Nàng mở nắp vung lấy đũa gắp trứng lên một cách tài tình:

- Nứt hết trọi rồi!

Nhấc nồi trứng xuống, nàng cho nồi thịt lên, ra sàn nước bóc vỏ trứng. Tôi xề tới bên nàng:

- Anh tiếp cho.

- Ừ, tiếp đi. Mười hai giờ hơn rồi đó.

- Sao, hơn mười hai giờ rồi à? Trời, ba cái lắt nhắt này sao mất thời giờ quá vậy!

- Vậy sao? Nàng nói giọng nhẹ hều.

- Bao nhiêu là dự định cho em ăn một chầu thỏa thuê đều sụp đổ như lâu đài xây trên cát. Nào là chả giò. Gà nấu nấm, cà ri nị, vịt tiềm nữa. Cuối cùng chỉ một nồi thịt kho giản đơn cùng một dĩa rau luộc cũng đã mất đứt buổi sáng, lại còn không nên cơm cháo gì hết!

- Vậy sao?

Lại cái giọng nhẹ hều mà nặng nề của nàng.

- Nè, nếu theo chương trình còn món chè thương, ủa quên, chè thưng, nữa đó.

- Vậy sao?

- Sao em cứ vậy sao hoài vậy?

- Vậy sao? Nếu theo cái chương trình của anh chắc tới tối cả nhà sẽ có đủ cơm khê, thịt khét, chè lạt nhách.

- Thôi mà.

- Nói anh biết để sau này không còn cằn nhằn em làm chậm như rùa, coi tụi phụ nữ rẻ rề.

- Ờ, coi rẻ rề như... hột xoàn. Tôi cù vào nách nàng khiến nàng cười rũ rượi, chạy lên nhà trên, ngã lăn ra giường. Tôi ngã theo nàng, lẩm bẩm:

- Hôm nay mùng tám tháng ba

Phần anh đi chợ, quết nhà... đờ-mi!*

Không có nhận xét nào: