Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2007

TÌNH ĐẦU

Kỳ thi học kỳ một rồi cũng qua. Mỗi kỳ thi trong đời học sinh như một điểm mốc, như một vòng rào mà họ phải hết sức bật nhảy để vượt qua. Và tôi, cuối cùng rồi cũng vượt qua vòng rào đó của năm học lớp mười một. Nhảy những vòng rào này bằng tất cả hơi sức nên ngay sau đó cơ thể tôi hồ như rã rời. Tôi cần phải thư giãn, lấy lại sức và bình tâm. Sự bình tâm, lấy lại sức và thư giãn nằm trong những tiết học của những ngày cuối năm không lấy gì làm căng thẳng. Đi học, lúc bấy giờ, như một thú vui.

Đêm cuối năm trời lạnh buốt. Gió hun hút thổi trên những tàn sao già cao nghệu dọc dài hai bên những con đường quanh khu tôi ở. Tôi ở trọ trong căn nhà nhỏ nằm ở góc một ngã tư đường. Căn nhà lọt thỏm dưới hai bờ đường cao, cứ như nằm trong một… thung lũng. Đêm trời lạnh, nằm đắp chăn kín cả người, lơ mơ đọc sách dưới ánh sáng vàng vọt của bóng đèn tròn năm mươi oát cũng là điều thú vị. Những đêm như thế này, vào những giờ khuya khoắc thế này, tôi thường được một mình tận hưởng những bài hát buồn của một tay nghệ sĩ nghiệp dư. Trên đời, với tôi, có lẽ chưa có tay nào tuyệt vời như thế. Ngón đàn ghi-ta mượt mà làm sao! Và giọng hát mới buồn thấm thía tận tim gan những kẻ xa nhà như tôi!

Đêm nay, tiếng đàn giọng hát đó lại đến với tôi, từ vệ đường bên lưng hè nhà tôi trọ. Tiếng đàn giọng hát hòa nhau, nhịp nhàng một cách tài tình. “Trời đêm dần tàn, tôi đến sân ga đưa tiễn người trai đi về ngàn… Tàu cũ năm xưa tôi hỏi lòng đêm nay buồn không… Gió khuya ơi…”. Cứ thế, giọng hát, tiếng đàn của anh chàng nghệ sĩ nghiệp dư, theo tôi chắc cũng là tay lãng tử, cứ trôi tuột như những cơn mơ êm dịu vào lòng tôi. Trong cơn mơ êm dịu ấy, tự nhiên tôi lại nhớ đến Diệu. Tôi nhớ đến ánh mắt nhìn tình tứ của nàng những khi gặp tôi ở đầu cầu thang dẫn lên lớp học, những lúc tan học về lúng túng gặp nhau. Đôi khi nàng nhìn tôi nhoẻn nụ cười khoe đôi hàm răng trắng đều, theo tôi, trên đời chưa ai có được hàm răng đẹp đến thế. Chưa hết. Những lần đi phớt qua tôi, nàng còn để lại trong khứu giác tôi một dư hương ngây ngất, hồ như không bao giờ chịu tan mất trong tôi. Cái mùi hương ấy toát ra từ những sợi tóc đen mượt óng của nàng? Từ tấm thân mềm mại, uyển chuyển theo những bước đi trên đôi xăng-đan cao đế của nàng? Tôi không biết nữa! Tôi chỉ biết rằng, tất cả những gì Diệu có, đều nằm trong ký ức tôi, một ký ức vừa khổ sở vừa hạnh phúc mà cũng vừa hết sức hoang tưởng! Tôi không biết mình sẽ phải làm gì, nói năng ra sao với nàng những lúc gặp mặt! Những lúc đó, tôi như cậu học trò bé nhỏ ngu ngơ trước cô giáo già giặn và đáng kính là… nàng! Bao nhiêu dự tính, bao nhiêu câu nói văn hoa tôi tom góp được từ những trang sách, mà tôi cho là hay nhất, tự nhiên tiêu biến như nó chưa bao giờ được hình thành trong cái đầu vốn khá thông minh của tôi. Và cửa miệng tôi những lúc ấy, nếu có bật thốt, thì toàn lảm nhảm với nàng đại loại những câu hỏi ngớ ngẩn: “Ờ, Diệu khỏe không?”, “Bài toán vừa rồi hóc búa quá, Diệu làm tài ghê!”, “Chiều nay đi học nhóm nghe”,… Những câu hỏi, câu khen chung chung đó luôn khiến tôi ấm ức vì tôi chưa đủ can đảm thố lộ tâm sự của mình cùng nàng. Để rồi những đêm như đêm nay, trong tiếng đàn ghi-ta bập bùng của những sợi dây đầy âm sắc, hòa trong lời ca trầm luyến, đôi lúc được điểm xuyết bằng những ngón tay mềm mại vỗ nhẹ (hoặc mạnh) vào thùng đàn, tôi lại thả hồn mình vào một thế giới kỳ ảo, mộng mơ và huyền hoặc. Trong thế giới thần tiên ấy, tôi đã gặp Diệu và nói bao điều thiết tha tự sâu thẳm trái tim mình một cách hết sức trơn tru, mạch lạc và đầy quyến rũ. Tiếc thay, đó chỉ là những cơn mộng tưởng! Còn thực tại tôi vẫn là tôi với mái nhà trọ buồn hiu và những đêm đầy gió lạnh với tàn lá sao rên rỉ thâm trầm, thảm não cùng âm điệu những bản tình ca da diết buồn tan như tâm trạng tôi!

Niềm thất vọng, đến tuyệt vọng của tôi, rồi cũng được Thượng đế đoái hoài. Tôi đã được cùng đám bạn trai thân thiết của mình và những cô bạn gái thiết thân của chúng đi chơi một chuyến dã ngoại vào những ngày cận Tết. Trong số bạn gái ấy, có Diệu-của-tôi. Cơ hội này giúp tôi bước qua chiếc cầu định mệnh mà tôi tưởng chừng không bao giờ có dịp băng ngang con sông khắc nghiệt để đến miền đất hứa. Một ngày dã ngoại thật hết sức lý thú, hào hứng và bổ ích cho tôi. Tôi đã có dịp chăm sóc nàng một cách tự nhiên và đầy tình cảm.

Cuộc vui rồi cũng tàn. Những ngày Tết là khoảng thời gian khổ sở nhất của tôi. Tôi trở về quê nhà cùng gia đình xum họp. Rời xa mái trường, rời xa Diệu-của-tôi! Những ngày ấy mới thật sự dài và buồn chán, vô vị làm sao. Bù lại, chẳng mấy chốc tôi như được trời ban cho báu vật: Tôi đã gặp lại Diệu-của-tôi!

Trong cái nắng chang chang của một vùng đất nhiệt đới, sau những tiết học đầu năm, chúng tôi cùng rong xe đến một vùng ngoại ô đầy bóng cây xanh. Ở đó có một quán nước nhỏ, tuy tuềnh toàng nhưng đầy phong vị. Tôi và Diệu, mỗi người ngồi trên một chiếc ghế mây nhỏ. Tôi hỏi:

- Diệu uống gì?

Nàng nhỏ nhẻ đáp:

- Cho em ly chè thưng.

- Chè thương hay chè thưng?

Tự nhiên tôi lại tràn trề can đảm để đùa với nàng một câu hay ho và ý nhị đến thế. Tôi thấy mặt nàng ửng đỏ lên dù nàng đã vội quay đi hướng khác. Như để “sửa” lại “lỗi lầm”, tôi nói nhỏ như lời thú tội:

- À không, chè… thưng!

Tôi kêu cô chủ cho hai ly để không khí bớt nặng nề. Vị ngọt lạnh của chè làm tê lưỡi tôi. Có lẽ nó cũng làm lưỡi nàng tê dại. Cho nên chúng tôi cứ nín lặng mà ăn một cách chậm chạp và nặng nề. Gió chướng lồng lộng thổi trên những tàn cây trong vườn, làm xao xác bay hoang mang những chiếc lá già cỗi như những đàn chim di trú đang tìm nơi đáp đậu. Chúng tôi lặng ngắm những ánh nắng cuối ngày đang từ từ lịm tắt ở tít cuối chân trời, nơi có những thửa ruộng vàng ruộm những bông lúa oằn hạt.

Ly chè đã hết, Diệu mới hỏi:

- Định về quê ăn Tết có vui không?

Tôi im lặng. Nàng nhìn tôi chờ đợi. Có lẽ lúc bấy giờ tôi hình như không nghe thấy câu hỏi của nàng, tôi chỉ nhìn thấy ánh mắt đen láy của nàng như đã hớp hết hồn tôi. Lát sau nàng ngúng nguẩy:

- Định làm sao vậy? Diệu hỏi mà sao không trả lời?

Tôi vội bật thốt những âm thanh không rõ, chúng như mắc kẹt trong cổ họng tôi. Hình như hiểu được tâm trạng tôi, nàng hỏi lại lần nữa:

- Định về quê ăn Tết có vui không?

Bấy giờ tôi mới “à” lên một tiếng, rồi trả lời:

- Cũng thường. Có điều sao tôi thấy năm nay Tết… buồn!

Lần này, Diệu nín im nhìn tôi không chớp. Tôi dùng câu nàng đã hỏi tôi để thăm hỏi lại nàng. Nàng nín im. Giống như tôi vậy, có lẽ nàng vừa mới có một cái Tết buồn? Không khí giữa chúng tôi vừa có vẻ nặng nề nhưng lại đậm màu sắc thú vị. Chúng tôi đang nghĩ những điều tốt đẹp về nhau. Sự tốt đẹp ấy như ánh nắng vàng rực của buổi chiều tà hắt lên những vạt cây xa. Không, nó đẹp hơn nhiều. Nó là ánh mắng đầu ngày tưới rượi lên những lá hoa hương mởn còn đẫm sương mai. Tôi nghĩ thế. Và, trong một lúc bất chợt, tôi đã bạo dạn nắm lấy mấy ngón tay nhỏ nhắn, mềm mại của nàng trong những ngón tay cứng cáp nhưng run rẩy của mình. Tôi nghe giọng tôi run theo nhịp tim đứt quãng của mình:

- Diệu…, anh… muốn hỏi… em một điều…

Nàng nói như người ngạt thở:

- Thì… anh… hỏi… đi…

Mặt tôi chắc đỏ lắm, vì tôi nghe một sức nóng kỳ lạ làm căng làn da lên:

- Diệu có nhớ anh không?

- Nhớ!

Nàng đáp nhẹ như hơi thở, tay vẫn để yên trong tay tôi. Mừng quá, tôi nắm chặt tay nàng hơn, hỏi dồn:

- Thiệt không?

- Thiệt mà!

Nàng đáp gọn. Như để khẳng định, như để tăng thêm niềm tin, tôi hỏi dồn:

- Thề đi.

Nàng hổn hển nói gấp như phản xạ:

- Đứa nào nói láo, con anh!

Trong nỗi mừng vui vì điều ước mong của mình đã thành hiện thực, tôi thấy lời thề của nàng mới “linh” làm sao. Thế nhưng nhiều ngày sau đó tôi mới thấy lời thề của nàng có phần… kỳ cục. Nhưng không sao, vì đó là lời thề toát ra từ trái tim non trẻ của nàng, của một mối tình trong trắng đầu tiên trong cuộc đời còn rất vụng dại, ngu ngơ của tuổi học trò.

Không có nhận xét nào: