Vậy là anh quyết định cho nó đi bán vé số dạo. Thằng con anh. Thằng nhỏ mười bốn tuổi đang đi học phải nghỉ ngang! Không phải nó là thằng bé hư hỏng, ngỗ nghịch, ham chơi hơn ham học nên mới ra nông nỗi. Mà chính vì một lý do khác. Một lý do hết sức đơn giản là do anh. Anh đã mệt mỏi lắm rồi, đã không còn kham nổi cái gánh nặng trên vai mình. Có nghĩa anh đã hoàn toàn bất lực trước cuộc sống!
Trước đây, hồi còn đi hát, anh chị đã lo cho gia đình những bữa cơm tuy không lấy gì làm ngon, nhưng lâu lâu cũng có thịt, cá. Còn bây giờ, trước tình hình các đoàn cải lương ngày một suy sụp vì khán giả thường rất ít chịu khó đến rạp, phải nghỉ hát hầu như liên tục, anh và vợ anh không đủ tiền để sinh nhai. Không đủ tiền, tất nhiên thiếu thốn. Hễ thiếu thốn thì phải vay mượn. Anh mang nợ. Đó là khoản tiền anh cần phải có để sống lây lất qua ngày, chờ sự hồi sinh của cải lương, của đòan. Nhưng đó chỉ là sự chờ đợi đầy hoang tưởng. Không cách gì vực các đoàn hát thoát khỏi cái hố thẳm tối đen mà nó đang giam mình trong đó, dù các đoàn đã cố sức dàn dựng các vở tuồng mới với kinh phí lớn. Thế nhưng các diễn viên chính vẫn sống ngon lành, dù mỗi tháng đoàn chỉ diễn một vài suất. Mỗi suất họ bỏ túi bạc triệu. Còn anh và các diễn viên phụ mỗi suất chỉ lãnh vài chục ngàn, dứt khoát không sống nổi. Các bạn anh còn cầm cự chờ thời, vì có nguồn việc trợ của gia đình. Riêng anh chẳng có ai giúp đỡ. Cũng như anh, chị có mỗi một thân một mình. Cho nên quyết định để con nghỉ học đi bán vé số rong là một quyết định được coi là sáng suốt của anh, chị dù rất buồn bã và đau lòng, kể cả sự buồn bã, đau lòng đầy cam chịu của thằng nhỏ.
Tiếp theo là quyết định nghỉ hát của anh và chị. Chị chơi một chân hụi, hốt đầu lấy tiền làm vốn bán chè dạo. Anh lãnh sửa đàn ghi-ta, kể cả việc làm các cây ghi-ta phím lõm dùng cho các ban cổ nhạc. Lâu lâu mới có một mối. Công việc hết sức bấp bênh, đầy tính phiêu lưu nhưng anh vẫn cắn răng chịu đựng. Bởi vì anh chỉ có duy nhất cái nghề lận lưng này. Anh chẳng biết một nghề ngỗng nào khác. Anh không thể làm lao động nặng vì thể trạng ốm yếu. Việc có thể làm được là đạp xe đạp ôm anh lại không làm. Chỉ vì sĩ diện. Dù là một diễn viên chuyên đóng vai kép độc, anh cũng đã có một chỗ đứng khả dĩ chấp nhận trong lòng khán giả. Ra đường, nhiều người biết anh. Cái kẹt để anh không đạp xe ôm là chỗ đó!
Việc kiếm sống bằng phương cách mới của anh xem ra đạt được phần nào hiệu quả. Gánh chè của chị ngoài việc cung cấp tiền gạo, tiền chợ, còn trang trải phần nào nợ nần ắp lẫm của gia đình, với sự giúp sức của thằng con. Đời sống anh tươi hơn trước. Anh nhìn đời khác hơn trước. Dẫu vậy, tận đáy lòng anh vẫn còn một nỗi buồn gần như thiên thu bất tận, không gì lấp nổi, tẩy xóa nổi. Đó là nỗi buồn nhớ ánh đèn màu, phông màn và sàn gỗ với những khán giả đáng kính ngồi dầy đặc mấy hàng ghế đầu trong rạp. Anh nhớ nó da diết, kể cả nhớ những bạn diễn năm nào. Bây giờ họ ở đâu, làm gì, anh chẳng tài nào tưởng tượng nổi. Anh chỉ có thể phác họa mơ hồ trong đầu mình về những sinh hoạt thường ngày của họ hồi anh còn đi theo đoàn. Nhưng càng nghĩ tưởng đến họ, anh càng nghe đau thắt tâm can. Như có con vi trùng độc hại nào đó cắn xé tâm hồn anh từng mảnh tả tơi.
Chiều nay cũng vậy, con vi trùng ấy lại day dứt trái tim nhớ bạn của anh, khi anh vừa có một món tiền lớn, nhờ làm xong một cây ghi-ta phím lõm cho một đơn vị văn hóa thông tin huyện. Phải chi như lúc trước, lúc còn đi hát, có tiền như vậy là cả bọn kéo nhau ra quán lai rai vài ba xị, nói đủ thứ chuyện trên đời. Vui hết sức là vui. Còn bây giờ, anh đành nằm chèo queo trên chiếc giường gỗ ọp ẹp của mình, nhớ bạn, nhớ đoàn đến chảy nước mắt. Anh vẫn có bạn lối xóm. Nhưng anh chẳng thể khề khà chén chú chén anh với họ. Họ chỉ là họ, không thể nào đồng cảm với anh, cũng như nói với anh những chuyện chỉ có những người trong giới mới biết.
Đang nằm co ro như vậy với điếu thuốc hút gần tàn, vụt mắt anh sáng lên. Hai thằng bạn thân của anh lù lù đứng trước cánh cửa khép hờ của nhà anh. Cả hai bước xấn vô nhà trong khi anh chưa kịp lồm cồm ngồi dậy. Minh Phúc, gã chuyên đóng vai vua, bước tới nắm tay anh:
- Trời đất! Mày bịnh hay sao mà nằm cú rũ vậy?
Anh chưa kịp trả lời, Hoàng Thiện, tay chuyên thủ vai kép lão, nói ngay:
- Không bịnh sao mặt mày bí xị? Bộ... “đói” hả?
Anh đứng bật dậy, níu tay, quàng vai các bạn ra bàn nước, bắt họ ngồi trên ghế đẩu. Anh hào hứng hẳn lên, nỗi buồn tự nhiên bay biến, giọng phấn khởi:
- Bịnh họan gì tao. Đương nhớ tụi mày thúi ruột thúi gan đây!
- Nhớ? – Hoàng Thiện gằn mạnh – Hê... hê... Nhớ!...
- Nhớ chớ! – Minh Phúc bênh bạn với ánh mắt u buồn. Mày chưa nghỉ hát lần nào, có nghĩa là “chưa thấy quan tài nên chưa sa nước mắt”! Phải nghỉ hát một thời gian rồi mày mới biết đá vàng.
- Vậy sao – Hoàng Thiện buông thõng với vẻ thông cảm thấy trong ánh mắt.
Không khí vừa mới bắt đầu sinh động chợt bùi ngùi. Anh cố nói một cách linh hoạt:
- X-ơ-ờ-I! Mấy thằng bây làm gì kỳ cục vậy? Vui lên chớ! Nè, tụi mày lang thang đâu mà ghé đây?
- Không dám lang thang đâu – Minh Phúc khoa tay khẳng định – Đoàn mới về bến này. Mai hát.
- Vậy sao – Anh reo lên – Sao tao không hay?
- Vậy mà dám hô nhớ sân khấu! – Hoàng Thiện trách – Thôi đi cha nội, áp-phích người ta dán đầy trời kia kìa.
Anh bật ngật vỗ trán mấy cái, phân bua:
- À... Phải rồi. Suốt tuần nay tao không ló mặt ra khỏi nhà, bù đầu với cây đàn nên không biết gì ráo. Mà thôi, mình làm cái gì đó sương sương chút đỉnh cho vui.
- Hay – Minh Phúc dáo dác nhìn khắp nhà – Bả đâu rồi?
- Bả đi rồi! – Anh nói xuôi xị – Tao với bả chia tay vĩnh viễn!
- Trời! Còn mấy đứa nhỏ? – Hoàng Thiện quan tâm.
- Bả đem theo hết ngoại trừ thằng lớn. Đừng nhắc tới bả nữa, tao buồn. Đồ cái thứ... đào... lẳng!
Anh buông tiếng thở dài. Anh không thể ngờ vợ anh nhập vai từ sân khấu đến tận ngoài đời! Khi anh bị suy sụp chị đã bỏ rơi anh, đi theo một tay khá giả. Cũng không sao, miễn mấy đứa nhỏ con anh được sống sung sướng. Sau khi chia tay chị, anh sang một đoàn khác, rồi sau đó khá lâu sống hẳn với bà vợ hiện nay, một cô đào mụ. Trước khi ở hẳn với nhau, rút kinh nghiệm lần tan vỡ trước, anh chọn chị. Là một đào mụ chắc chị sẽ an phận, không lẳng lơ, trái lại có lòng bao dung. Đúng y như vậy.
- Thôi đừng buồn – Minh Phúc an ủi. Rồi anh ta đổi giọng – Vui lên chớ! Sống một thân một mình là cha đời rồi.
- Đâu có – Anh cải chính – Tao đang gá với bà mới.
- Ai vậy? – Hoàng Thiện chồm qua mặt bàn lay vai anh.
- Hồng Ngọc.
- Tưởng ai – Cả hai bạn anh reo lên.
- Thằng lớn mày đâu? – Minh Phúc hỏi – Kêu nó đi mua rượu mừng duyên mới của mày coi.
- Nó không có ở nhà.
- Đi học à? – Hoàng Thiện hỏi một cách khẳng định.
- Không – Anh phủ nhận – Nó đi... nó đi... bán vé số!
Cả hai bạn anh cùng kêu lên một tiếng đầy cảm thán. Anh thấy trong mắt họ một nỗi buồn u ám. Đứng dậy, anh bước nhanh ra nhà sau để che giấu nỗi buồn khổ của mình, rồi cầm cái chai không đi lên:
- Tụi mày đợi tao chút.
Anh dợm bước tới cửa. Cả Hoàng Thiện lẫn Minh Phúc cùng đứng lên, níu tay anh lại. Mỗi người đưa ra một ít tiền để anh không phải lo toan nặng nề. Anh gạt phăng tay họ:
- Bậy nà! Để tao. Mới vô mánh cây ghi-ta phím lõm mà.
Trước thái độ quyết liệt của anh, họ đành tiu nghỉu ngồi xuống. Chỉ lát sau, mồi màng và rượu được bày ra bán. Họ nâng ly chúc sức khỏe nhau. Không khí ấm áp, sinh động hẳn lên, anh nghe tâm thần sảng khoái. Anh đã được uống thuốc tiên: “thuốc sân khấu”. Anh “uống” no nê những mẩu chuyện về nghề mà nhiều tháng qua anh rời xa nó, nhớ nhung nó. Cuộc nhậu đang rôm rả, chợt có thằng nhỏ bán vé số dạo bước vào. Nó chìa xấp vé số trước mặt từng người nài nỉ:
- Mua giùm con đi chú. Ba tấm lấy hên. Gần tời giờ xổ rồi – Nó lia ánh mắt van vỉ trên những gương mặt thờ ơ của họ, khẳng định – Còn đúng ba vé thôi, mua cho con đi, làm ơn, chút trúng.
Thấy thằng nhỏ tội nghiệp, Minh Phúc xót ruột cầm lấy ba tờ vé số duy nhất trên tay nó, lặng lẽ móc tiền trả. Rồi sau đó anh chia mỗi người một vé. Thằng nhỏ chưa đi khuất, anh nói như tiếng thở dài:
- Mua thì mua. Dễ gì...
- Hừ! – Minh Phúc nổi quạu - Con bán vé số mà nói cái giọng nghe phát ghét. Tao mua vé số giúp nó là vì nhớ tới thằng con mày.
Anh im lặng như nuốt lưỡi vào sâu đốc giọng. Tự nhiên mấy giọt nước mắt xúc động lặng lẽ ứa ra khóe anh. Anh kín đáo đưa tay chùi rồi gượng gạo nâng ly uống. Cuộc nhậu lại tiếp tục trong không khí rôm rả. Đột nhiên Hoàng Thiện to tiếng:
- Ê, xổ số rồi kìa.
Có tiếng phát thanh viên thông báo cuộc mở số bắt đầu, qua ra-đi-ô của nhà kế bên. Anh hắng giọng:
- Kệ nó, dễ gì!
- Hừ! – Minh Phúc nổi sùng – Cũng mày!
Nói xong anh ta lặng lẽ đưa tờ vé số ra trước mắt, chăm chú lắng nghe kết quả từng lô. Bỗng anh ta la toáng lên:
- Hê! Trúng. Trúng rồi! Hai triệu đồng!
Như chưa đã, anh ta nhảy ra khỏi ghế, đứng dạng chân, khuỳnh tay ngang hông, tay kia vuốt chòm râu vua tưởng tượng. Vừa bước những bước dài đầy bộ tịch vừa vuốt bộ râu đầu uy quyền, Minh Phúc vừa dài giọng:
- Ả... i... ả... i...! Này chư khanh... Hãy theo ta!
Anh và Hoàng Thiện ngơ ngác tưởng bạn mình nổi điên, cùng kêu lên một lượt:
- Đi đâu?
- Bia. Đi uống bia – Minh Phúc nói trong tiếng cười sảng khóai. Rồi anh ta gằn giọng một cách trang trọng – Bia... ôm! K-h-à... k-h-à...
Vậy là cả bọn xăng xái rời khỏi hẻm, ghé sạp vé số trên hè đường. Minh Phúc gom ba tờ vé số, cẩn trọng dò lại từng lô, từng tờ. Sau khi nắm chắc mình chỉ trúng duy nhất lô hai triệu đồng, anh ta chìa tờ giấy số trúng ra đổi. Có tiền, cả bọn leo lên xe lôi, nghểu nghện tới một quán bia ôm bình dân mà người lái xe điềm chỉ. Cả ba gã xồn xồn xuống xe, mang sự vui tươi phấn khởi của mình vào quá “chia sớt” cho các cô tiếp viên. Bia khui lốp bốp. Họ cụng ly, nốc từng hơi dài. Mặt đã đỏ vì rượu ở nhà, giờ càng thêm đỏ lựng vì bia. Cuộc vui rôm rả như đại tiệc. Anh say quá vì uống liên tu do sự nài ép của các bạn, nhất là của cô tiếp viên. Anh ve vuốt, nựng nịu, hôn hít cô y như các bạn. Cuộc đời mà! Nó quả thật đầy sinh thú nếu ta có tiền. Có nhiều tiền là có tất cả. Tất nhiên là có niềm vui dù ta chỉ nằm khòeo ở nhà, không cần đến một thứ giải trí nào hết. Đã thật!
Anh nâng ly:
- D-ô-ô! Trắng đít nghe.
Các ly bia sùi bọt tràn trề trên tay mỗi người đụng cốp vào nhau rồi tản ra. Mỗi người tự cho cái chất nước màu vàng hổ phách ấy chui tọt vào miệng mình một cách thống khoái. Anh ôm chầm lấy cô tiếp viên, kề môi mình vào môi cô. Đột nhiên có ba thằng nhỏ bán vé số bước xộc vào sau tấm bình phong hờ hững che bàn họ. Mỗi đứa chọn một người, một cách ngẫu nhiên, trong bóng đèn đỏ năm oát tù mù. Chúng nài nỉ, van xin họ mua vé số. Minh Phúc cụt hứng, nổi sùng:
- Mua. Mua cái con khỉ. Mới trúng đây, chơi chưa hết tiền.
- Trúng nữa biết làm giống gì? – Hoàng Thiện bồi thêm, rồi nạt – Đi chỗ khác chơi!
Còn anh thì gạt tay thằng nhỏ đang chìa xấp vé số trước mặt mình. Anh mạnh tay đẩy nó đi đồng thời nghe giọng nó sao mà quen thuộc quá. Anh xoay nhìn rồi bất chợt quay nhanh mặt lại. Anh giấu mặt vào ngực cô tiếp viên, nói với cái giọng cố ý lè nhè cho khác giọng thường ngày của mình:
- T-h-ô-i... đ-i... m-à-y!
Ba thằng nhỏ thấy bọn anh say quá và hung hăng quá đành lủi thủi đi bàn khác. Anh vẫn để mặt mình trong ngực cô tiếp viên. Anh không dám nhìn mặt các bạn vì sợ họ biết thằng nhỏ bán vé số vừa mời anh. Chắc họ say dữ lắm nên không thèm để ý tới nó, cái thằng bận chiếc áo pull màu nâu đất cho đỡ thấy dơ và bận được nhiều ngày ấy mà. Thằng nhỏ đó, con anh! Chắc nó “biết” anh rồi!
Có một con vi trùng xuất hiện trong anh. Nó không chỉ phá nát tâm can anh, mà cắn rệu rã tủy xương anh. *
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét