Tình yêu, phải chăng là tiếng nói đồng điệu của hai tâm hồn. Người ta nói thế, nhưng tôi nào dễ tin. Đến buổi chiều kia tôi mới bắt đầu hiểu. Đó là một buổi chiều bình thường như trăm ngàn buổi chiều khác. Trên con đường về nhà sau buổi dạy, tôi gặp anh, một thanh niên gầy gò không lấy gì đẹp trai. Tuy nhiên cách khu xử và giọng nói lại gây ấn tượng đẹp. A, tôi quên kể sự gặp gỡ “kỳ diệu” này: chúng tôi gặp nhau trong chợ. Anh đứng lớ ngớ với ngón tay trỏ luôn nâng gọng kính cận, trố mắt nhìn mấy con cá biển nằm trong mẹt. Cô bán hàng luôn mồm mời mọc. Anh đảo mắt sang cô hàng thịt. Cô hàng cá níu kéo: “Cậu Hai mua cá đi. Cá ngon và tươi rói”. Cô hàng thịt đón khách: “Mua thịt đi anh, về khỏi mất công làm”. Thấy vẻ lúng túng của anh, cô hàng thịt khác cười ranh mãnh: “Anh H-a-i, đừng mua tụi nó. Mua em nè. Thịt em ngon lắm!”. Cô hàng thịt bên kia không bỏ lỡ cơ hội trêu chọc: “Ôi, đừng nghe lời nó anh-Hai-của-em. Mua em đi. Mông em ngon số dách!”. Các cô hàng cứ thế mời mọc, trêu chọc khiến anh đỏ cả mặt, chưa biết đối đáp làm sao. Đắn đo một lát anh dợm bước sau cái lắc đầu chán nản. Một cô nhảy ra níu áo. Anh lúng túng. Nhìn hình ảnh gã con trai đi chợ lâm vào tình huống này thốt nhiên tôi bật cười thương hại. Tôi khéo léo tách anh ra khỏi mấy cô hàng ranh ma quỷ quái. Sau đó tôi mua hộ anh mớ cá về kho cho vừa túi tiền. Hóa ra anh cũng là đồng nghiệp: thầy giáo vừa mới chân ướt chân ráo đến đất địa này nhận nhiệm sở. Thay vì ra quán ăn một bữa cơm, anh đi chợ cho đỡ tốn cái hầu bao quá nhỏ bé của mình.
Trời đang trong. Nắng trắng như tờ giấy cao cấp. Đột ngột cơn gió mạnh ùa tới. Khí lạnh bao trùm khắp không gian. Rồi mưa. Mưa ngon lành. Hả hê. Mưa cho đã nư như đã từ lâu bị ức chế. Mưa đan chéo khắp bầu trời, nhanh chóng làm tôi ướt một phần quần áo dù đã tìm nơi trú ẩn kịp thời. Không thể đứng lâu dưới tán dù bệ rạc, anh đề nghị: “Mưa như vầy cô ướt hết! Hay là ta vào quán vừa nghỉ chân vừa đụt mưa, cô nhé”. Tôi thương cảm túi tiền tí tẹo của anh nên chối từ nhưng sau cùng đành bước vào quán nước gần đó.
Thời gian là liều thuốc mầu nhiệm, nó làm quên đi đau khổ nhưng cũng nhanh chóng khiến người ta nhích lại gần nhau. Chúng tôi thì có khổ đau gì ngoài trăn trở vì đồng lương èo uột. Nhưng sự quen biết, qua lại ngày càng thắt chặt tình cảm hơn. Đúng là tình yêu có một tiếng nói diệu kỳ. Tiếng nói của con tim tôi và anh hình như cùng trọng âm. Chuyện sẽ tới đã tới. Đó là một buổi xế chiều trên bãi biển vắng người, cạnh tảng đá xù xì, dưới tán dừa. Gió muối từ trùng khơi từng đợt ùa vào, lùa những ngón tay nghịch ngợm vào tóc lá dừa. Hai chúng tôi nhìn ra đại dương. Biển gần xanh nhạt. Biển xa xanh đậm. hững đợt sóng mải mê đuổi nhau. Tiếng sóng vỡ trên những gộp đá phát ra âm thanh buồn thảm. Chúng tôi nói về chuyện dạy dỗ học trò, chất lượng giáo dục, để từ đó rút ra kinh nghiệm giảng dạy rồi cùng nghe chút buồn tủi ngầm dâng trong lòng. Sự nghiệp giáo dục là sự nghiệp trồng người: một trăm năm. Nhưng “cây người” đã có, còn hoa trái biết ra sao trong tình hình này. Học sinh bữa học bữa nghỉ. Sức học chúng yếu kém một phần vì chương trình dạy, phần vì phải kiếm sống. Nỗi buồn lây đến thân phận nhà giáo nghèo nàn, chúng tôi ngậm ngùi những hơi thở dài như hòa cùng tiếng thở dài bất tận của đại dương.
Trong phút bất chợt anh quàng tay ngang vai tôi. Phản xạ tự nhiên khiến tôi co người lại. Nhanh như làn gió biển tôi nghe từ cánh tay ấy lan vào tôi cái êm ái, cái ấm áp của những làn nước mặm mà biển khơi nhiệt đới. Trái tim tôi nhói lên như có bàn tay bóp nhẹ. Từ đó trào ra khóe mắt tôi giọt lệ hoan ca khi nghe anh nói qua hơi thở: “Anh yêu em, Minh Nga à!”. Chỉ thế thôi. Không một nụ hôn môi trần tục. Chỉ có tiếng sóng biển ì ầm từng đợt tung trắng xóa đầu gờ đá dưới chân. Như buổi chiều đầu tiên gặp gỡ: trời hanh khô. Nắng trắng xóa một dải không gian hiền hòa. Chợt nhiên gió lạnh. Rồi mưa. Mưa xối xả. Hai chúng tôi đã ướt khá nhiều khi tìm ra chỗ núp. Tôi rét run trong vòng tay ấm áp của anh. Cứ thế, chúng tôi vừa nhìn mưa mải miết vừa sưởi ấm cho nhau. Những hạt mưa giăng giăng chạy tung tăng mặt đường sũng nước. Những hạt mưa bắn vào người không làm chúng tôi lạnh. Cơn mưa dứt, anh đưa tôi về nhà trọ.
Thời gian cũng chẳng lâu gì để chúng tôi kết hợp cuộc đời nhau một cách vui vẻ bằng lễ cưới đơn giản dưới sự chứng kiến của hai đơn vị học đường. Cha mẹ anh qua đời từ lâu. Anh sống tự lập. Còn tôi, cha mất từ khi tôi mới vừa năm tuổi. Mẹ lấy chồng. Hai ông bà buông đầu này chụp đầu kia kiếm sống. Tôi không ưa người cha ghẻ song cũng chẳng thấy yêu mẹ như thuở nào còn bé. Cố gắng chịu đựng cuộc sống nặng nề cho đến khi tốt nghiệp đại học, tôi nhanh chân từ giã quê hương đến xứ biển xa xôi này. Tôi tự coi mình là đứa trẻ mồ côi. Những đêm nằm một mình cô quạnh trong nhà trọ tôi khóc tủi thân. Vừa thương mẹ vừa oán giận bà. Tại sao đời con oái oăm vậy?! Tôi thấy mình bất hạnh. Những câu hát ru ngày xưa mẹ cất lên bên cánh võng nói về người đàn bà Việt
***
Đó cũng là một buổi trời trong. Như ngọc. Bầu trời xanh thẳm như vô tận. Đây đó, những giề mây trắng lang thang. Sau buổi dạy đầy phấn khởi về, tôi mặc tình thả tưởng tượng rong chơi cùng mây gió. Con đường về nhà không xa nhưng tôi cố tình trì hoãn. Lâu lắm tôi mới thấy tâm hồn hưng phấn như hôm nay. Đến bây giờ, sau năm năm chung sống, tôi và anh có một đứa con gái. Đời sống ngày càng khó khăn, chúng tôi cố gắng chịu đựng. Nhiều đêm nằm buồn tôi tủi thân khóc rấm rứt. Anh thì chẳng rượu chè hút xách, ngoài giờ dạy cùng tôi chăn con và chăn một ít súc vật làm kế nâng cao đời sống mà người ta thường gọi là cải thiện. Chà, danh từ nghe mới tuyệt làm sao nhưng cũng không kém phần hài hước. Đời sống chật vật như thế thử hỏi làm sao có mầm vui hé nhú? Nên, tội tình gì khi lòng hứng khởi như chiều nay lại không tận hưởng. Tôi thả xe dọc con đường hai bên cồn cát cao mọc đầy cây dại. Chiếc xe đang ngon trớn đột ngột tay lái đảo. Khi kịp hiểu ra bánh trước xẹp thì tôi đã té nhào. Chiếc xe du lịch đời mới trờ tới.
Về đến nhà, ông nói cái thứ tiếng Việt ba rọi với chồng tôi. Sau khi biết chúng tôi có khả năng đàm thoại Anh ngữ, dù hạn chế, ông mừng ra mặt. Nhưng đột ngột ông xin phép rời nhà. Lát sau ông trở lại. Lát sau nữa người tài xế đạp chiếc xe cà tàng của tôi về. Không, đây là chiếc xe đạp mới toanh, toàn đồ nhập, cứ nhìn nước xi hảo hạng của nó cũng thấy sướng mắt rồi. Ngoài việc bồi thường chiếc xe đạp mới, ông còn biếu chúng tôi số tiền kha khá gọi là lấy lại sức sau tai nạn hút chết. Vợ chồng tôi mừng như trúng số nhưng cũng chối từ. Không mừng sao được khi nhà đã hết gạo, củi bó chưa kịp mua mà lương thì còn lâu mới đáo hạn.
Từ đó ông đến nhà chúng tôi luôn. Mỗi lần là một món quà đi kèm. Khỏi phải nói, con bé nhà tôi coi ông như một người cha.
***
Hạnh phúc và bất hạnh đến với con người như thế nào làm sao tôi đoán được. Tôi chỉ biết từ sau tai nạn ông là người tốt. Người ta thường bảo những kẻ bụng to trái tim teo nhỏ. Đằng này Jean Moon Man lại khác. Cái tên ông nghe khôi hài làm sao, như tính tình vui vẻ hoạt bát của ông vậy. Cái tên như “người mặt trăng” đến. Thật thế, ông là người từ thiên thể đó xuống “hành tinh gia đình” tôi với một niềm tin yêu cuộc sống. Lâu dần, chúng tôi chối từ khéo léo không nhận quà cáp của ông nữa. Ông nói để gia đình chúng tôi không phải thụ ơn ông như thế nữa, ông sẽ giúp chúng tôi lần cuối cùng bằng cách đưa tôi vào làm công ty của ông. Đúng là thêm lần trúng số đối với chúng tôi. Từ ngày vào làm công ty ông, đời sống chúng tôi thay đổi thấy rõ. Ngày trước chúng tôi băn khoăn về cái ăn cái mặc, băn khoăn về đói và lạnh. Bây giờ chúng tôi băn khoăn về sự không biết sẽ phải ăn những thức gì, đến đỗi phải lên sẵn một thực đơn cho cả tuần.
Chồng tôi vẫn giữ chân giáo viên như một thứ cây cảnh. Phải thực tình mà nói anh cũng hết khả năng xoay trở dù sống tự lập nhưng bản chất hiền lành khó hội nhập với xã hội. Mỗi thời một khác, làm sao đem cái thời kia áp dụng cho thời này được. Nhưng không sao. Chúng tôi sống như vầy là quá đủ. Ơn miệng đã trả cho bạn bè bằng cách thịt hết bầy gia cầm làm những bữa tiệc chiêu đãi những người bạn nối khố.
Như quy luật tự nhiên của đất trời: sau khoảnh khắc nắng ấm là cơn mưa.
Đó là một chiều mưa tầm tã, kéo dài từ đầu giờ đến cuối giờ chiều vẫn không tạnh ngớt. Tôi nhấp nhỏm trên chiếc ghế salon ở phòng khách, mắt đăm đăm trông chiều trời. Mây đen đầy. Đại dương thở những hơi hung bạo. Sóng bạc đầu lao chồm như hải thú, gầm gào phóng vào bờ như những lằn chớp lóe trắng trời. Mưa khủng khiếp. Trời đất hòa làm một. Chỉ nghe tiếng gió hú rợn người. Ông đến bên tôi, nói: “Mời cô đi ăn tối. Muộn lắm rồi!”. Tôi gật đầu ưng thuận. Đây không phải lần đầu tôi đi ăn cùng ông. Nó đã trở thành bình thường sau ngày tôi đi làm. Lâu lâu chúng tôi mời ông đến nhà đãi một bữa cơm Việt
Tình yêu là gì, phải chăng là tiếng nói hòa điệu giữa hai con tim. Chắc có lẽ vậy. Sự so sánh vô hình đã có từ lâu trong tôi giữa ông và anh đã nảy nở tự lúc nào. Tôi chỉ cảm nhận anh là cái bóng mờ vô tích sự bên tôi trong những ngày tháng sau này. Còn ông, một hình bóng to lớn, choán ngợp lòng tôi. Tôi được ông yêu chiều rất mực, dù không nói ra lời. Người ta thường nói “đàn ông ham hố, đàn bà nhẹ dạ”? Vâng, đúng như vậy. Đêm đó tôi đã nằm trong vòng tay ông, tôi sống lại cái cảm giác hạnh phúc đầu đời cách đây năm năm tôi đã có với anh trong một căn phòng sang trọng của một villa cực đẹp nằm sát bờ biển. Tôi chìm sâu vào niềm khoái cảm rạt rào như sóng đại dương. Nhưng sau đó, khi đứng một mình bên tấm màn voan hồng nhìn xuyên qua cửa kính ra đại dương đen thẳm, tôi bật khóc. Còn ông, ông như con dã thú no mồi ngồi nhẩn nha nhấm nháp từng chút thức ăn còn dính kẽ răng.
Tôi khóc ân hận. Ông đến bên tôi hôn nhẹ lên một bên má ràn rụa nước mắt. Chuỗi hạt nằm trong tay cựa quậy như nhắc nhở tôi điều gì. A, phải rồi, ông mua sự thủy chung, tâm hồn tôi dần dần bằng những món quà đó, kể cả tấm lòng chân thật của ông. Đàn bà luôn muốn được chiều chuộng, và luôn muốn được làm đẹp. Tôi thích thú với những thỏi son môi đắt tiền, những lọ nước hoa hảo hạng, những xấp vải cực đẹp để phục vụ cho bản năng đàn bà. Có ai đó nói phụ nữ như con thú nằm liếm láp bộ lông mượt mà của mình thêm bóng mướt. Cho tới giờ phút này tôi mới thông hiểu và thương mẹ tôi hơn. Bà cũng là một con người, giống cái, ham muốn như tôi thôi. Tội nghiệp mẹ quá!
Bi kịch của con người là sống, nhưng bi kịch lớn nhất là sống nghèo. Phúc thay cho những ai sống nghèo mà biết được nhục vinh, làm điều tốt và sống trong sạch, thủy chung. Còn tôi coi như đã hết. Hãy tha tội cho em, Tân ạ! Hãy tha thứ cho mẹ, con gái yêu ơi!
Mưa! Mưa gội nhuần cây lá chứ đâu gội sạch nhục nhã suốt đời tôi. Biển! Biển mặn cũng chẳng ích gì dù tôi có trầm mình suốt kiếp!
-------------
* Chuyện xảy ra đầu những năm 1990 .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét