Thứ Tư, 26 tháng 8, 2009

Bộ sưu tập “đồ bỏ”




Người ta chơi đồ gốm sứ đời Minh, Thanh hoặc các loại hồng ngọc, lam ngọc, hoàng ngọc... nhưng ông thì lượm lặt những thứ được xem là chẳng có giá trị gì, bị ngay cả người Việt Nam coi thường, làm thành bộ sưu tập cho riêng mình, trở thành “tên tuổi lớn” trong làng chơi đồ cổ nước ta


Người đàn ông vừa bước sang tuổi lục tuần ấy có dáng người cao to, vạm vỡ. Ông sống trong căn nhà mà nhiều người dân thị trấn Cai Lậy (Cai Lậy, Tiền Giang) kêu là “biệt thự”. Ngôi nhà tường có sân rộng rãi với một số hoa kiểng của ông tọa lạc trong khuôn viên chừng 1.000 mét vuông. Buổi trưa, trời mưa tầm tã, chúng tôi ngỡ ngàng nhìn thấy nơi bậc tam cấp nhà ông để những thùng giấy, những khay nhựa, chẳng thứ tự gì, dường như chúng sắp được ông đem vứt bỏ. Đó là những tượng ông Địa nằm lộn xộn trong mấy cái thùng giấy chưa đậy nắp, mấy cái khay nhựa “lổn nhổn” những đồng tiền xu bằng kẽm, đồng này dính chặt đồng kia, có cái sứt mẻ, cùng vài ba xâu tiền nằm “cong queo” như tủi thân “đồ cổ” của mình. Thấy chúng tôi chăm chú nhìn có vẻ tiếc rẻ, ông chép miệng nói tỉnh queo: “Ba cái thứ đó ở Tiền Giang này cứ mà “đổ đống”. Theo lời ông, đó là những đồng tiền kẽm được đúc vào triều Nguyễn Gia Long. Triều Tây Sơn tuy ngắn ngủi nhưng số lượng tiền lưu hành trong dân còn nhiều lắm, dù người ta cho rằng Nguyễn Ánh đã tiêu hủy nó hết. Rồi ông khẳng định: “Tiền của nước mình có mặt chừng 1.000 năm trở lại. Đồng tiền quý là được đúc vào thời Hàm Nghi. Ông này chỉ làm vua có 8 tháng nên đúc tiền chẳng được bao nhiêu. Đã vậy những đồng tiền này đã bị nấu chảy để đúc thành đồng tiền khác khi vua Đồng Khánh lên ngôi. Điều này cho thấy, đồng tiền quý hay không không phải do niên đại mà là khó kiếm”. Chính vì vậy mà tiền kẽm bị ông bỏ lung tung rải rác trong hàng ba quanh nhà. Có lẽ đó là tiền kẽm Nguyễn Ánh cho đúc xài tạm bợ ở đồng bằng sông Cửu Long trên đường bôn tẩu quân Tây Sơn.


Không biết cái này có quý không mà ông phải vô buồng lấy ra. Đó là cái khung gỗ lên nước đen mun, một đầu cao do “gối” lên một bệ gỗ, đầu còn lại nằm sát đất. Khung gỗ ấy được khoét lõm bốn rãnh, mỗi rãnh vừa vặn bề hoành đồng tiền kẽm khi được xỏ xâu. Ông nói đó là cái thước đo tiền kẽm. Nhưng nói vậy là nói theo bây giờ, chớ khi xưa người ta gọi nó là “cái di”. Từ đầu này đến đầu kia của một “lõm” là nửa quan, tức 300 đồng tiền kẽm. Ông bảo nhiều người đọc tác phẩm Trương Vĩnh Ký thấy từ “cái di” mà chẳng hiểu là cái gì. Cũng dễ hiểu vì cái di đã không được sử dụng cả trăm năm nay, khi tiền xu, tiền kẽm đã trở thành giấy bạc.

Đồ gỗ ông chơi còn có rất nhiều bài vị thờ thần mà ông sưu tầm từ các ngôi đình ở lưu vực sông Cửu Long, trong đó có bài vị Thần Nông. Cũng bị bỏ trong các thùng giấy, nằm chồng sấp lên nhau. Cùng tình cảnh ấy là mấy bản in khắc gỗ, đặc biệt là bản khắc gỗ để in “cò bay ngựa chạy” bán trong ngày 23 tháng Chạp âm lịch để người dân cúng đưa ông Táo về Trời. Bản khắc gỗ này có hai mặt. Ông đưa cho chúng tôi xem một mặt, tay chỉ vào chân con ngựa, nói: “Đây là bản in cúng ông Táo vào năm đủ, con ngựa thong thả đi”. “Và đây là bản in dùng cho năm thiếu, con ngựa co giò phóng tới. Phải chạy cho nhanh vì năm đó ngắn quá”, ông trở mặt tấm bản khắc gỗ chỉ chúng tôi xem rồi cười sung sướng.

Bộ sưu tập gỗ của ông còn có mấy cái nọc cấy của người Khmer Nam bộ. Cũng nằm lăn lóc bên nhau trên chiếc bàn chứa đủ thứ thập vật, nơi hàng ba ngôi nhà. Tuy đã lâu năm không sử dụng, không biết ông có cầm nắm hay không mà cái nào cũng lên nước bóng láng dù đã phủ lớp bụi mỏng. Ông nói đồng bào dân tộc này có “hoa tay” lắm, vật dụng nào của họ làm ra cũng sắc sảo và xinh đẹp. Tuy nhiên về mặt tiện dụng thì còn khiếm khuyết. “Nọc cấy của người Việt khom lưng thấp, của người Khmer thì khom lưng cao, mà cao mau mỏi hơn thấp”, ông phân tích.

Trong gian phòng khách cũng bề bộn “hằm bà lằng” thứ, cái để trên bàn, cái nằm dưới nền gạch bông. Nơi góc tường bên trái phòng, treo lủng lẳng mấy cái tù và. Ông gỡ xuống. Tù và lớn có, nhỏ có, vừa vừa cũng có, đều đen mượt. Ông cầm một tù và lên và bảo đó là đồ giả, được làm bằng nhựa. Cũng đen bóng thấy mê. Tù và thật phải làm bằng sừng trâu. Ông cắt nghĩa: “Tù và, ốc và còi là những dụng cụ báo cho nhân dân ta biết điều gì đó xảy ra. Theo Huỳnh Ngọc Trảng, ở Quảng Nam người ta thổi tù và báo cho biết trong làng có đám tang. Đó là loại tù và nhỏ, có gắn lưỡi gà, nên thổi nhẹ. Còn ở trong Nam thì tù và cất lên báo hiệu cho người dân khởi hành ra ruộng cấy. Tù và Nam lớn, thổi rất nặng. Hồi Nam kỳ khởi nghĩa, tù và đã dõng dạc được cất lên. Năm 1989, kỷ niệm 40 năm ngày Nam kỳ khởi nghĩa, chỉ còn 1 – 2 vị thổi được tù và nhân ngày lễ này. Bây giờ, chẳng còn ai biết thổi tù và! Riêng thầy phù thủy đồng bào dân tộc Khmer thì thổi còi khi cúng kiếng. Khu vực Đông Nam Á, nhiều dân tộc dùng tù và. Tù và sừng trâu là biểu hiện nền văn minh lúa nước”, ông kết luận.



Bước sang lĩnh vực đồ đất nung, nhà ông “tràn ngập” những bức tượng ông Địa. Mỗi ông một dáng thế, một nét mặt, một nụ cười khác nhau. Ông nào cũng được tô vẽ lòe loẹt, tay phe phẩy chiếc quạt to bè với nụ cười rộng tới mang tai, trông vừa ngộ nghĩnh vừa vui mắt. Theo tư liệu, ông Địa còn được gọi là Thổ Công, Thổ Địa hoặc Thổ Thần, là một vị thần trong tín ngưỡng Á Đông, cai quản một vùng đất đai. Sống ở đâu thì có Thổ Công ở đó. Chính vì vậy mà dân ta có câu: “Đất có Thổ công, sông có Hà Bá”. Thường, trước khi bắt đầu công việc “động thổ”, như cất nhà, đào ao, mở vườn, mở ruộng, đào huyệt mộ..., người ta đều bày mâm cúng vị thần này. Ông Địa là cách gọi riêng của người Nam bộ. Do ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, nhiều nơi người ta còn gọi ông Địa là Thần Tài. Ông Địa được nhiều người xem là vị thần quan trọng nhất trong gia đình. Tổ tiên có công sinh thành dưỡng dục nên được tôn vinh nhất nên bàn thờ tổ tiên ở giữa nhà - vị trí quan trọng nhất; bàn thờ ông Địa ở bên trái ngay sát nền nhà - quan trọng thứ hai. Nhưng khi cúng lễ tổ tiên, người ta đều phải khấn Thổ Công trước để xin phép cho tổ tiên về. Mỗi sáng sớm, trước khi mở cửa hàng, người ta đều đốt một điếu thuốc lá gắn vào tay ông Địa, bày ly cà phê (đen hoặc sữa) trước mặt ông Địa rồi thắp mấy cây nhang thành kính mong cầu ông phù hộ làm ăn phát đạt. Cho tới nay, ông Địa vẫn còn được nhiều nhà trọng vọng thờ kính, nhất là những gia đình làm ăn, buôn bán. Và, tùy theo nơi sản xuất mà ông Địa có hình dáng khác nhau. Đó là điều hấp dẫn mà người sưu tầm khó lòng tìm cho “đủ bộ”.

Đồ đất nung của ông còn có nhiều loại đèn. Đèn chân cao xài bấc, đèn chân cao có dĩa đựng dầu. Đó là các loại đèn của người Tiều (Triều Châu) hoặc người Quảng (Quảng Đông, đều thuộc Trung Quốc) sử dụng, được sản xuất tại Lái Thiêu (Bình Dương). Hồi xưa, người ta xài dầu lửa, đặc biệt là dầu mù u. Để có loại dầu này, người ta đem trái mù u hấp rồi xắt nhỏ mới đem ép ra dầu. Lấy dầu này quết với bông gòn rồi quấn quanh cọng dừa, khi đốt cho lửa sáng, đặc biệt có mùi thơm dễ chịu.

Gia tài của ông không chỉ có những thứ “thường thường” như vậy, vì còn có nhiều bảo vật đang cất bên trong các căn phòng, dù ông nói mình không chơi những đồ quý giá, như gốm sứ. Bởi, ông còn “khoe” với chúng tôi nhiều bảo vật khác, như sắc vua Tự Đức phong cho Phạm Đăng Tuyên làm đội trưởng Quảng Ngãi, theo ý chỉ bà Từ Dụ; 4 bản Truyện Kiều, trong đó bản in năm 1872 là bản Nam xưa nhất; cùng nhiều sách cổ và “hằng hà sa số” những cổ vật khác mà chúng tôi ngờ chưa được ông tiết lộ.

Người có bộ sưu tập “kỳ quặc” ấy là ông Trương Ngọc Tường, sinh năm 1949. Mục đích sưu tập những thứ “đồ bỏ” ấy của ông là nhằm tạo cho mọi người ý thức bảo tồn giá trị văn hóa dân gian, “nắm” được cách ăn, thói ở và sự giao tiếp xưa đang dần mai một trước đà cơ khí hóa vũ bão hiện nay.


----------------

- Ông Trương Ngọc Tường và bức tượng ông Địa.

- Tiền kẽm và cái di đo tiền.

Không có nhận xét nào: