Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2009

Vu Lan Thắng Hội ở Cầu Kè

Vu Lan Thắng Hội được các chùa Phật Bắc Tông tổ chức hằng năm vào ngày rằm tháng bảy Âm lịch với ý nghĩa là ngày “xá tội vong nhân”. Đồng bào Phật tử coi dịp Vu Lan là “mùa báo hiếu” đối với cha mẹ, ông bà đã qua đời. Nhưng Vu Lan Thắng Hội ở Cầu Kè (Trà Vinh) lại diễn ra tại các chùa ông Bổn, rải rác trong suốt tháng bảy Âm lịch, cụ thể như sau: Vạn Ứng Phong Cung (Chùa Giữa, xã Hòa Ân, trong 3 ngày, 8-9-10), Niên Phong Cung (Chùa Cây Sanh, xã Tam Ngãi, trong 2 ngày, 15-16), Minh Đức Cung (Chùa Giồng Lớn, xã Hòa Ân, trong 3 ngày, 18-19-20) và Vạn Niên Phong Cung (Chùa Chợ, thị trấn Cầu Kè, trong 4 ngày, từ 25-28).

Trong cuốn “Chuyện Xưa Tích Cũ” của Sơn Nam - Tô Nguyệt Đình ghi: “Ở Chợ Lớn, TP.HCM, có ngôi chùa thờ Ông Bổn là quan Thái giám tên Trịnh Hòa. Ông làm quan vào đời vua Vĩnh Lạc (1403 - 1424) ở Trung Quốc. Lúc thăng quan, ông được vua tín nhiệm phái đi điều tra các nước ở miền Đông Nam Á như Chiêm Thành Mã Lai, Xiêm, Việt Nam... để tìm cách liên lạc với những người Hoa kiều hải ngoại. Tuân lịnh vua, lúc đi du hành, ông Trịnh Hòa cố gắng giúp đỡ dân chúng, ra sức thi ân bố đức, giúp giới Hoa kiều tìm sinh kế và dạy họ phải giữ gìn thuần phong mỹ tục ... Nên sau khi ông mất, giới Hoa Kiều nhớ ơn ông, thờ làm phúc thần. Nhà vua còn phong sắc cho ông chức tước “Bổn Đầu Công” tức Ông Bổn ngày nay”. Nhưng ở Cầu Kè lại thờ 4 ông Bổn khác. Theo dân địa phương, đây là 4 anh em kết nghĩa, thành thần. Minh Đức Cung thờ ông Nhứt, Vạn Ứng Phong Cung thờ ông Nhì, Vạn Niên Phong Cung thờ ông Ba và Niên Phong Cung thờ ông Tư.

Bốn chùa ông Bổn tại Cầu Kè đều là những ngôi chùa được xây dựng từ mấy trăm năm nay, do nhóm di thần nhà Minh đến tìm đất sống sau khi nhà Minh bị nhà Thanh lật đổ. Ngôi chùa nào cũng được cất theo hình chữ “Quốc”, đặc biệt không có kèo, khuôn viên chánh điện có diện tích gần bằng nhau, khoảng 1.200 mét vuông, với gỗ, đá đem từ Trung Quốc qua. Đáng chú ý là các ngạch cửa đều được làm bằng những thanh đá xanh to. Hai bên tường trước chánh điện họa hình từ các tích Tàu, nêu tấm gương tiết nghĩa, nhân hậu ở đời. Hông tả chánh điện thờ Bạch Hổ. Hông hữu chánh điện thờ Thanh Long. Bàn thờ chính chánh điện thờ tượng ông Bổn. Tượng ông Bổn ở Vạn Niên Phong Cung được tạc vào khoảng năm 1960 bằng đoạn trầm hương thỉnh từ miền Đông Nam bộ về, do thợ Sóc Trăng đảm nhiệm, rất sinh động. Đây là pho tượng thứ hai của chùa, sau khi pho thứ nhất bị hư mục... Tất cả các công trình của chùa đều giàu giá trị văn hóa, giá trị cổ vật. Riêng Vạn Ứng Phong Cung, sau hàng trăm năm tồn tại đã xuống cấp trầm trọng. Từ rằm tháng Giêng Mậu Tý (2008), chùa đã được xây mới tiền điện và trung điện theo bản vẽ của kiến trúc sư Giang Thành Duy (Công ty Bình Điền, Sài Gòn). Phần chính điện giữ nguyên với tường gạch loang lở do cây bồ đề có bộ rễ to lớn đeo bám từ hơn nửa thế kỷ nay. Vạn Ứng Phong Cung vừa làm lễ lạc thành vào ngày 9-7 Mậu Tý (2008).
Cổng Vạn Niên Phong Cung ngày lễ.
Vu Lan Thắng Hội tại các chùa ông Bổn đều vui nhưng rôm rả và thu hút hàng chục ngàn người nhiều nơi đến tham dự là ở Vạn Niên Phong Cung. Người địa phương có câu: “Hăm ba vào đám, hăm tám ra giàn” để nói thời gian diễn ra lễ hội dân gian này ở đây. Trước kia, bắt đầu “vào đám” (25-7 âm lịch), diễn ra “đánh động”. Đó là cảnh thầy trò Tam Tạng đi thỉnh kinh. Người hóa thân Đường Tăng là nhà sư Vạn Hòa Cổ Tự cỡi con ngựa trắng phất bằng giấy bồi cùng với các đệ tử Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng (cũng do người hóa thân) lên đường sang thiên trúc thỉnh kinh. Trên đường đi, ba đệ tử Đường Tăng khiêu chiến đấu với quỹ dữ (trong những cái động được làm bằng lá đủng đỉnh quấn trên sườn tre đặt ở mỗi ngã ba, ngã tư thị trấn). Cuộc chiến giữa ba đệ tử Trần Huyền Trang và ác quỷ diễn ra với phù phép “ ảo diệu” được thể hiện bằng cách phun dầu lửa vào ngọn đuốc. Đám lửa đỏ rực bay về phía trước, tỏa sáng trong đêm tối đã thu hút người xem vào không khí huyền hoặc, hấp dẫn. Kết thúc màn “đánh động”, thầy trò Đường Tăng thỉnh được kinh phật dâng vào chùa.

Sau đó, tại chùa liên tục tổ chức các buổi trai đàn có sự tham gia của các chư tăng ở Vạn Hòa Cổ Tự và sư sãi chùa Khmer trong phạm vi nội ô thị trấn. Lễ này cúng chay nên gọi là “làm chay”. Hội thì nhiều ngày, nhưng lễ chính thức diễn ra trong một ngày rưỡi, suốt ngày 27 đến trưa ngày 28 thì chấm dứt. Từ rạng sáng ngày 27, xe du lịch, nhiều nhất là xe đò 50-60 chỗ ngồi từ các nơi, đông nhất là quận 5, quận 6 (TP.HCM) lũ lượt đổ về, tạo thành nhiều hàng dãy dài dằng dặc đậu nối nhau trên dọc quốc lộ 54, các bãi đất trống. Các nhà trong phạm vi thị trấn có điều kiện đều chuyển sang buôn bán nước giải khát, cơm, cháo, còn không thì dọn dẹp gọn ghẽ cho khách phương xa tạm trú. Bỏ ra từ 10.000 đồng hoặc 20.000 đồng là người ta có nơi vạ vật qua đêm với chiếu và gối. Tiết kiệm thì cứ vào các chùa trong thị trấn cũng có chỗ nghỉ qua đêm mà không tốn tiền. Tiện nghi hơn thì thuê phòng máy lạnh với số tiền 300.000đ/ngày đêm. Dân lân cận có xe gắn máy đều trở thành xe ôm, hoạt động ì xèo. Đêm 27, đường phố nhộn nhịp tới sáng.
Đường phố tấp nập khách thập phương.
Sáng ngày 27, tại chánh điện, bốn ông Bổn, ông nào cũng mặc quần áo lụa màu đỏ, trùm khăn lụa đỏ, ông tay cầm gươm bén, ông cầm trái chông tua tủa những mũi thép dài 6 phân, sắc nhọn, sáng giới quất mạnh vào ngực vào lưng mình. Các ông dùng dao bén rạch lưỡi, đầu bút lông thấm máu vẽ ngoằn ngoèo lên tờ giấy hình chữ nhật dài màu vàng nhạt...
Ông Bổn rạch lưỡi lấy máu vẽ bùa.
Tất cả diễn ra trong âm thanh dồn dập, nôn nao, đầy tính thần linh của dàn “tùa lầu cấu” (dàn nhạc gồm: trống lớn với phèng la, chập chã, chiêng và kèn lá). Sáng ngày 28, “ra giàn”, cúng tất, cúng mặn bằng con heo trắng. Tại bàn thờ Ông Thiên trước sân chùa cũng diễn ra buổi lễ y như sáng hôm trước của các ông Bổn. Bao quanh sân lễ là hàng ngàn người chen lấn nhau nhìn xem cho bằng được cảnh tượng siêu nhiên lạ kỳ khó tin, đó là cảnh đánh trái chông và rạch lưỡi vẽ bùa. Trong khuôn viên sân chùa là những hàng kệ sắp liền kề nhau bày những giỏ phẩm vật do bổn phố dâng cúng, phần lớn là gạo, muối, khoai lang... Lễ kết thúc vào gần trưa bằng việc “thí giàn”.

Vu Lan Thắng Hội đã kết thúc. Đây là dịp giữ gìn bản sắc văn hóa tâm linh người Hoa Triều Châu, góp phần phát huy bản sắc đa văn hóa của dân tộc Việt Nam, thể hiện tình đoàn kết gắn bó keo sơn của cộng đồng ba dân tộc ngụ cư lâu đời tại địa phương là: Kinh, Hoa và Khmer, dạy con người yêu thương nhau, hiếu kính ông bà cha mẹ... Vu Lan Thắng Hội vừa mới được Trà Vinh công nhận là lễ hội văn hóa dân gian tâm linh cấp tỉnh. Tuy nhiên, so với nhiều thập niên trước, Vu Lan Thắng Hội ở Cầu Kè hiện nay chỉ còn diễn ra được một phần nhỏ. Bởi, xưa kia, lễ hội này còn có cảnh ông Bổn tắm dầu (dầu phộng nấu sôi, dùng ngọn lá tre nhúng vào rồi quất vào người), ông Bổn đi trên than hồng (than đước cháy đỏ trải dài chục thước), ông Bổn ngồi kiệu gươm (như kiệu thường nhưng chân đạp, lưng tựa và ghế ngồi đều được thiết kế mỗi vị trí ba thanh gươm bén ngót để ngửa, riêng ghế ngồi có 4 thanh và 2 tay vịn mỗi tay 1 thanh gươm) khiêng dài theo đường phố, ông Bổn ếm ma da, ông Bổn đi thuyền trừ thủy quái...
Ông Bổn chuẩn bị tắm dầu.
Người ta mong rằng các lễ vừa nêu sẽ được sớm phục hồi. Buổi trưa kết thúc lễ có tục “thí giàn”. Từ giàn cao người ta ném những thanh tre nhỏ khắp xung quanh để người dân tranh nhau lượm. Cảnh này giống như lễ hội ném cà chua ở một quốc gia châu Âu nào đó. Nhặt được bao nhiêu thẻ thì vô chùa nhận bấy nhiêu giỏ đồ cúng đem về nhà ăn lấy lộc và phước đức... Ngày nay tục này không còn, các vật phẩm cúng thần dược phân phát cho những gia đình nghèo khó để tỏ tình tương thân tương ái./.

Không có nhận xét nào: