Thứ Năm, 4 tháng 2, 2010

Đi Đồng Tháp mùa nước nổi


Theo câu hát “Tháp Mười đẹp nhất bông sen”; mùa nước nổi, cuối tháng 9, chúng tôi háo hức lên đường. Dài theo con đường nhựa từ thị trấn Thanh Bình (huyện Thanh Bình) tới thị trấn Tràm Chim (huyện Tam Nông), dưới nền đường cao vút, nước ngập lé đé những ruộng mạ xanh dờn. Hỏi bà chủ quán bên đường đọc báo, nghe đài loan tin lũ vượt ngưỡng báo động ba sao kỳ vậy. Mấy anh chàng chăn vịt chạy đồng ngồi uống cà phê trưa cười ha hả: “Còn cả tháng nữa mới tới đỉnh”. Vì vậy cánh đồng hai bên đường tuy trắng xóa một màu nước, nhưng không “đã con mắt” bằng khi nước nổi lên đến đỉnh điểm. Lúc đó nước là nước dập dềnh sóng, ngập tràn mọi thứ nơi nó đi qua.


Sen mọc tràn mặt kinh VQG Tràm Chim.

Vườn Quốc gia Tràm Chim thuộc huyện Tam Nông (Đồng Tháp) là điểm du lịch sinh thái rất hấp dẫn của đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Được xếp trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam, trở thành Vườn Quốc gia Tràm Chim từ năm 1998 nhằm bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước của vùng Đồng Tháp Mười, bảo vệ khu vực di trú cho các loài chim di cư, đặc biệt là sếu đầu đỏ, song song với việc bảo tồn các loài động - thực vật, các nguồn gen quý hiếm, và duy trì những điều kiện thích hợp cho việc nghiên cứu môi trường tự nhiên và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Vườn Quốc gia Tràm Chim có 7 phòng lạnh, mỗi phòng 3 giường giá 150.000 đồng; cùng một phòng quạt bốn giường giá 100.000 đồng. Giường sắt trải nệm mỏng mềm nhũn có chiếc giường kêu ọp ẹp khi ngồi lên hoặc trở mình! Ngủ một đêm tới sáng, chúng tôi thuê 1 trong mấy chiếc vỏ lãi composite tham quan Vườn. Một chiếc, 600.000 đồng, chở 17 người. Máy nổ bành bạch, vỏ xé nước lao trên dòng kinh đỏ màu tràm, bông súng ma nở bông (cánh trắng tinh, cánh tim tím, cánh phớt hồng…). Thích thú khi bắt gặp một ghe chờ đầy những đóa bông súng vừia hái. Vỏ lướt qua vạt rau tràng nở bông trăng trắng; đặc biệt là một vùng tràn ngập cả khúc kênh, cả bề ngang mặt nước, hàng hà sa số những chiếc lá sen xanh, lấm tấm điểm những búp sen hồng hoặc những cánh sen mãn khai. Vun vút lướt qua mắt là vạt rừng tràm mỏng rồi cánh đồng lúa ma xanh dờn tới chân rừng tràm, chiếm diện tích khoảng 10ha. Người địa phương gọi đây là lúa trời, Trịnh Hoài Đức viết trong “Gia Định thành thông chí” là “quỷ cốc”. Hằng năm, vào khoảng tháng tư âm lịch, trời bắt đầu mưa, lúa bắt đầu mọc. Tháng 4 dương lịch, lúa nhú cao chừng năm tấc, thân cứng, lá to bản. Mùa nước nổi (tháng 8 – 12 dương lịch) lúa trỗ đòng. Nước dâng tới đâu, ngọn và hột lúa vươn cao lên khỏi nước tới đó. Một tháng sau lúa chín, vào ban đêm. Nắng lên lúa rụng, tiếp tục nẩy mầm... Lúa trời là đặc sản của thiên nhiên, người xưa thu hoạch bằng cách bơi xuồng con, chính giữa căng bức màn. Xuồng lướt qua ruộng lúa, người ta dùng sào đập cho lúa chạm bức màn rơi xuống khoang. Lúa thu hoạch về ngâm nước khoảng ba ngày rồi đem phơi cho rụng đuôi trước khi xay, giã thành gạo nấu ăn. Gạo lúa ma rất ngon cơm nhờ dẻo và thơm. Ngày nay, lúa ma được Vườn bảo tồn như sản phẩm độc đáo của đất trời, đồng thời làm nguồn thực phẩm cho chim chóc, không kinh doanh. Thời điểm này lúa chưa trỗ đòng.

Chèo xuồng tham quan rừng tràm Gáo Giồng.


Vỏ chạy nhanh chỉ có thể quay phim còn chụp hình khó có ảnh đẹp. Tới ruột rừng, nơi có căn nhà sàn nhân viên giữ rừng ở và căn nhà sàn dài làm nơi ăn uống. Có một đài cao, leo lên đó quan sát cảnh hồng hoang của Vườn. Rừng tràm chiếm 1.800ha diện tích với 100 loài động vật có xương sống, 40 loài cá và 147 loài chim nước. Các loài chim thường gặp gồm: cò trắng, cò bợ, cò lửa, cò lép, vạc, diệc lửa, diệc xám, điên điển, cồng cộc, tu hú, cu ngói, cu cườm, cu,... Trong đó có 13 loài chim quý hiếm thế giới, đặc biệt là hạc, thường gọi sếu đầu đỏ hoặc sếu cổ trụi. Đầu hạc màu đỏ mỏ dài, chân và cổ cao trụi, mình có bộ lông xám tro. Mỗi con hạc nặng tối đa 10kg. Hạc về Tràm Chim vào tháng giêng, tìm bạn tình vào tháng năm (trước mùa mưa), sau đó di chuyển tìm nơi đẻ trứng, nuôi con. Thực phẩm khoái khẩu nhất của hạc là củ năn - nhỏ như hột bắp, giống củ cỏ cú. Đi lúc này nên chúng tôi chẳng thấy hạc. Nhưng khi vào mùa cũng khó nhìn cảnh tượng hạc ăn củ năn no nê rồi nhảy múa. Muốn nhìn tận mắt cảnh tượng thần tiên này phải chịu khó “phục” cả buổi trời, lại phải nằm dưới gió. Nằm trên gió, hạc đánh hơi người bay đi hết.

Bến xuồng chèo Gáo Giồng với những chiếc áo phao buộc sau lái.

Tại “ruột rừng”, trên nhà thủy tạ xây gạch vững chãi, rộng rãi, chúng tôi thoải mái bày “mâm” nhậu. Thực phẩm mua ngoài chợ Tràm Chim đem theo với bếp, than, củi nhúm, vài lít rượu và thùng đá trà chữa lửa. “Mâm” nhậu là những tờ báo trải trên nền gạch bông, toàn các món nướng cho gọn. Những con rắn bông súng nhỏ cỡ ngón tay cái cuốn tròn như chiếc rế nồi đặt trong vỉ cháy nám đen. Loại này dùng tay bẻ từng khúc ngắn chấm nước mắm me ăn vừa giòn da vừa ngon ngọt thịt còn “ứa” những giọt máu hồng. Nhưng ngon “ác liệt” là nhai luôn xương. Cá lóc nướng trui quá “phổ thông”, cá lóc nướng trui Đồng Tháp “cao cấp” hơn. Ở đây người ta không gói cá lóc, rau rác bằng bánh tráng mà bằng bẹn sen. Bẹn sen là những chiếc lá sen non vành lá cuốn quấn vào trong, nhìn “sướng” mắt. Những chiếc bẹn sen mọc nhiều theo dòng kinh, phải nhanh tay hái khi vỏ lướt qua. Cầm bẹn sen “banh” ra, “nhét” thịt cá lóc nướng trui cùng bún và rau rác, chấm nước mắm me, ăn nghe chát chát mùi hoang dã, sướng cái thần hồn.

Tham quan cánh đồng lúa ma VQG Tràm Chim.


Chỉ hai món đậm chất khẩn hoang này cũng đủ khiến chúng tôi lúy túy say. Vỏ lãi đưa chúng tôi về nơi xuất phát. Hai cô hướng dẫn viên du lịch đi theo ngồi mũi vỏ trong hai chuyến vỏ chẳng nói tiếng nào, về tới bến mới chỉ cây gáo đang nở bông hỏi một người trong đoàn là cây gì! Những thông tin về Vườn chúng tôi biết được qua tìm hiểu.
Rời Vườn quốc gia Tràm Chim, theo anh bạn địa phương, chúng tôi đi trên con đường tắt xuyên ruột tỉnh Đồng Tháp đến Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng (thành phố Cao Lãnh), là một trong vài “lõm” hoang sơ của Đồng Tháp Mười xưa. Con đường đan xuyên qua những xóm làng trù mật, khoái nhất là đoạn đường đất lầy lội dành riêng cho nhân viên bảo vệ rừng tràm Gáo Giồng đi lại. Con đường được hai hàng tràm xanh mướt phủ bóng mát rượi. Vào cửa Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng 10.000 đồng/người. Uống trà, ăn hột sen rang, xem phim giới thiệu khu du lịch, nằm võng, câu được cá nhờ nhà bếp nấu nướng, tất cả đều miễn phí.


Rạo rực mua vé đi xuồng chèo tham quan rừng tràm, 8.000đồng/ người. Bao nguyên chiếc 30.000 đồng/chuyến. Một chiếc chở tối đa 4 người. Có khoảng 10 chiếc xuồng ba lá với những tay chèo là thiếu nữ bận bà ba màu thiên thanh, xinh xắn với chiếc khăn rằn quấn cổ và chiếc nón lá duyên dáng choàng ôm mái tóc đen mượt. Xuồng nào cũng có áo phao nhưng chỉ chất đống và cột chặt nơi lái. Mái chèo khua nước, xuồng lướt êm trên con kinh rập rờn bèo cám. Càng đi sâu, càng thấy bèo cám xanh mượt như tấm thảm phủ kín hàng vạn gốc tràm già chôn chân trong nước trong diện tích hơn 1.600ha. Sân chim rộng khoảng 35ha với hơn 15 loài lông vũ sinh sống, đặc biệt có diệc lửa và nhan điển - hai loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Xuồng ghé rìa sân chim. Nhìn lên các tán tràm, hàng bao nhiêu cánh chim chao lượn như thuở hồng hoang. Gáo Giồng còn là nơi trên chim dưới cá. Thủy sản ở đây phong phú với nhiều loài như cá lóc, cá bông, cá sặc, cá chốt, cá lăng, cá bống, cá nhái… Mùa nước nổi từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm, nước từ sông Mékong tràn về phủ ngập đồng, Gáo Giồng thật sự là một ốc đảo giữa trời mênh mông và nước cũng mênh mông. Mùa này, cá linh từ Biển Hồ (Campuchia) theo con nước trôi về từng đàn. Đó cũng là lúc điên điển trổ bông vàng. Cá linh và bông điên điển trở thành bản hòa thanh ẩm thực độc đáo khi cá linh non nấu me non chấm bông điên điển, là món ăn đặc trưng mang đậm sắc thái của người dân Nam bộ. Nhưng “ngon nhứt xứ” là mắm kho bằng mắm cá linh xay và cá linh tươi chấm bông điên điển, bông súng, rau dừa... Càng ăn càng “thấm thía” câu ca dao: “Muốn ăn bông súng mắm kho/Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm”. “Đã” nhất khi biết giá cá linh bán sĩ từ ghe tại chợ Tràm Chim: 2.500đồng/kg (trong khi đó tại chợ Cần Thơ tới 40.000đ/kg cá linh).

Thiên nhiên hoang dã Vườn Quốc gia Tràm Chim

Ngắm cảnh hoang sơ đã đời, thiếu nữ bơi xuồng chòng chành đưa chúng tôi về bến. Hành trình dài 2,5km mất 45 phút đi về. Thích thì có thích nhưng quá đỗi lo âu. Dân thành thị mấy ai biết đi xuồng, nên khi đặt chân lên tấm ván mũi xuồng, xuồng lắc lư, sợ. Sợ nhất là khi xuồng đang bơi. Vì là loại xuồng nhỏ, ngắn đòn, mỏng mảnh nên khi có ai đó nghiêng mình quan sát cảnh vật, xuồng nghiêng, nước mấp mé nhanh chóng tràn vào be. Xuồng chìm không mấy sợ, vì nước kinh cạn, chỉ sợ máy ảnh kỹ thuật số, điện thoại di động mang theo – những tài sản xem như đắt tiền – sẽ là thứ bỏ đi! Chợt nhớ chiếc vỏ lãi ở Vườn Quốc gia Tràm Chim tuy an toàn nhưng không có phao cứu sinh.
Thất vọng cuối cùng: Con đường xi măng cốt thép từ Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng ra Quốc lộ 30 dài khoảng 20km, xe 12 chỗ lưu thông khá bất tiện, nhất là khi có chiếc ngược chiều, lại phải mua vé qua 2 chiếc cầu, dù mỗi chiếc xe gắn máy chỉ có 2.000 đồng.

Bản sắc ngữ âm vùng miền


“Tôi là dân Huế, lần đầu tiên vào Sài Gòn học lúc người Bắc di cư vào miền Nam sau hiệp định Geneve. Chân ướt chân ráo, mua trái cây, gặp cô hàng ngước mắt hỏi: “Anh Hai ở ngoài Bắc có sầu riêng không?”. Với người Nam lúc đó, ai không phải là người Nam thì đều là dân Bắc cả. Tôi mê hai tiếng “anh hai” quá trời, vì cái giọng miền Nam ngọt ngào, chân thật như người miền Nam mà tôi… cũng mê (…) … làm sao tất cả những “người Bắc” – nghĩa là có tôi – cất giữ, trân quý cái chất ngọt ngào, chân thật đó của người Sài Gòn”.
(GS Cao Huy Thuần)

Anh bạn tôi định cư tại nước ngoài, lại ở một địa phương có rất ít người Việt nên rất cô đơn vì thiếu vắng tiếng nói của đồng bào. Cho nên nhân dịp về Việt Nam, nghe tiếng Việt là hạnh phúc khôn nguôi trong đời, anh còn tự hào khi gặp gỡ bè bạn hầu như của một số vùng miền trên đất nước. Là dân Nam bộ nên anh tâm sự rất sướng khi nghe mấy anh chàng nói rặt giọng miền Nam, ngọt ngào như nước sông Nhà Bè, Đồng Nai, Cửu Long cuồn cuộn chảy. Sao không sướng thích khi nghe họ nói: “hông”,” hổng”, “nhứt”, “bịnh”, “kinh”, “héng”, “hả”… thay vì dùng: “không”, “nhất”, “bệnh”, “kênh”, “nhé”, “nhỉ”… và chẳng thấy ai nói “về” bằng cách phát âm của người Bắc…

Phát âm khẩu ngữ Nam bộ hình như bây giờ chỉ còn một số người “hoài cổ”, bởi có khá nhiều người sử dụng ngôn ngữ và phát âm Bắc bộ. Cứ tới chỗ có chữ “v” họ mím môi, gặp chữ “gi” “siết răng”, chữ “h” cố tròn miệng, còn “d” thì phát âm theo kiểu có chữ “z” đằng sau chữ “d”. Đáng ngại là khi đang phát âm theo kiểu Bắc ngon lành, đột nhiên họ quên nói “về” mà làm một lèo theo cách cha mẹ và cả cộng đồng dân “ăn giá sống” đều phát âm. Cũng không thể không ái ngại khi nghe họ không thể phát âm chuẩn xác những từ có dấu hỏi, dấu ngã; có t có c hoặc có g hay không g ở cuối từ. Muốn phát âm chuẩn Bắc bộ, cần phải có ngữ âm ngoài ấy, đồng bộ, nghe mới thuận tai, anh thổ lộ.

Dù dân Nam phát âm “lai” Bắc cỡ nào đi nữa cũng không bị một người dân nào ngoài ấy phàn nàn, anh nhận xét. Cũng giống như vậy, có những người Bắc lại khoái thích nói giọng Nam bộ. Họ phát âm “về” thành “dề”, “dìa” cùng ngữ âm nhẹ hơn thổ ngữ của họ nghe ngồ ngộ. Đáng khâm phục là các nghệ sĩ cải lương Bắc đã ra sức phát âm, nhất là ca từ, càng có ngữ âm miền Nam chừng nào càng tốt chừng nấy. Thích và muốn trở thành người nói “tiếng” Nam là điều tốt, nhưng đừng vì vậy mà làm sử dụng phương ngữ vùng đất này một cách… trật lất, như: “Tui và cô ấy đi mình ên xuống đây”. “Mình ên” của dân Nam bộ, đặc biệt dân Sóc Trăng, có nghĩa “đi một mình”. Đằng này đi với cô gái mà nói đi “mình ên” nghe “chỏi lỗ tai”. Có lẽ khi nghe ca sĩ hát một bài dân ca Nam bộ hay những bài bản cải lương mà trong đó các tiếng “về”, “giữ gìn”, “dấu yêu”, “chặt chẽ” phát âm theo Bắc chắc bài hát ấy sẽ lạc điệu. Cũng vô duyên, không thể chấp nhận, khi gọi các địa danh: An Nhơn là An Nhân, Qui Nhơn thành Qui Nhân, Nhơn Nghĩa thành Nhân Nghĩa hoặc Chơn Thành là Chân Thành. Người ta nói phát âm Nam bộ trật chính tả, đồng ý, nhưng nghe và nhất là viết đúng chính tả mới tài, anh “khen”.

Người Nam, người Bắc dẫu có cố tình hòa hợp với phương ngữ của nhau vẫn không ai nói gì. Nhưng nếu là dân Nam mà bày đặt Trung hóa sẽ mích lòng.

Người Trung phát âm “v”, “gi”, “d”… gần giống người Bắc, nghe tự nhiên. Và tự nhiên nhất là họ phải giữ gìn và phát huy phương ngữ của mình. Nếu người đất thần kinh không nói mô, tê, răng, rứa, không còn xưng hô mi, tau… thì còn chi là Huế tui! Chính vì đặc trưng ấy mà khi nghe họ nói chuyện ta có thể biết người đó là dân vùng miền nào, như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa hay Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Nha Trang…

Bây giờ thế hệ trẻ đang nói và phát âm hầu như gần theo kiểu Bắc, anh góp ý. Chẳng đứa trẻ nào nói “về” bình thường với hơi gió xưa nay của ông bà… Phát âm Nam bộ chỉ còn thấy ở số ít một bộ phận người có tuổi. Họ “vô tình” giữ gìn bản sắc. Như mọi thứ trên đời, bản sắc không phải bất biến. Bản sắc người Việt hôm nay chẳng thể giống hoàn toàn với người Việt của trăm năm trước. Đó là văn hóa. Mà văn hóa thì phải theo quy luật tự nhiên. Do vậy, đã là dân Nam bộ thì phải là dân… Nam bộ một cách hoàn toàn tự nhiên với ngữ âm mềm mại và ngọt ngào sông nước Cửu Long. Và, đã là dân Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình - Trị - Thiên, Quảng Ngãi, Quảng Nam… thì phải giữ ngữ âm của mình. Chính họ mới là những “vị” rất đáng trân trọng vì đã làm đa dạng và phong phú ngữ âm vùng miền nước Việt.