Thứ Hai, 28 tháng 12, 2009

“Cỡi ngựa…” Nha Trang

Đi Nha Trang (Khánh Hòa) chẳng có mấy ngày, lại gặp ngay cơn bão số 11 (Mirinae)!

Thác YangBay


1-11-2009:
Từ Nha Trang vượt qua cảnh quan ngoạn mục của đèo dốc núi rừng cùng những ngôi nhà nhỏ bé ẩn trong những khu vườn cây ăn trái của đồng bào Răglay là đến Công viên du lịch Yang Bay (Khánh Phú, Khánh Vĩnh). Yang Bay tọa lạc trên diện tích 570ha xung quanh là rừng nguyên sinh chập chùng theo triền dốc núi cao. Vào cổng: người lớn 30.000đ/vé, trẻ em 30.000đ/2 vé. Nếu cần hướng dẫn viên thì thuê: tiếng Anh 100.000đ/giờ, tiếng Việt 50.000đ/giờ. Đi xe điện vào thác 10.000đ/vé/khứ hồi. Du ngoạn bằng xe ngựa toàn tuyến 200.000đ/45’. Dạo chơi bằng xe đạp đơn 10.000đ/giờ, xe đạp đôi 30.000đ/giờ. Đáng chú ý, ngay cổng vào có bảng cảnh báo: Mang đồ ăn thức uống vào phạt 50.000đ/bịch. Tuy nhiên khách vẫn thoải mái mang mọi thứ vào. Bảng là… bảng.

Thư giãn bên thác.


Thác Yang Bay 1 cao 80m, dài 200m với nhiều hồ lớn và nhỏ. Hồ lớn có tên Voi Đầm, sâu 16m, là nơi nước chảy cuồn cuộn, không được tắm. Đi dọc bờ hồ, trên con đường dốc đá vài nơi nước rịn chảy từ sườn núi, bờ có tay vịn nhưng bảo vệ vẫn đi theo đề phòng bất trắc. Ngang hồ nhỏ (sâu khoảng 3m) là đập tràn dài 30m được xây dựng bằng xi măng và đá tảng, hài hòa, nước chảy qua lạnh cóng. Qua đập là thác Yang Khang, nhỏ hơn và “hiền” hơn. Tắm thác với áo phao 5.000đ, quần tắm nam 60.000đ, đồ tắm nữ 70.000đ. Tắm xong nằm võng, 10.000đ/chiếc. Sau đó thưởng thức “sơn hào hải vị” do Nhà hàng Yang Khang phục vụ, đáng chú ý: Từ cá sấu có chiên nấm, nướng sả ớt, nướng ớt xanh: 90.000đ/dĩa. Heo rừng có: nướng muối ớt, xào: 90.000đ/dĩa. Nai nướng hoặc xào sả ớt: 90.000đ/dĩa. Các món đà điểu gồm: xào lúc lắc, chiên giòn, nướng ngũ vị, bao tử hấp gừng, bao tử nướng sả ớt, gân xào măng rừng, gân nướng sả: 80.000đ/dĩa. Còn có món xúc xích đà điểu: 30.000đ/cây, ngon, nhưng ăn khá phản cảm vì nó giống như…! Bàn ăn dài theo bờ thác trong bóng mát cổ thụ, khá “quái” là ghế xích đu dùng để ngồi ăn. Ghi giá mỗi chiếc 10.000đ to tướng ngay trên mặt bàn. Vì vậy phần lớn người ta bày thức ăn trên những tảng đá tương đối bằng phẳng cùng nhau vui thú với đồ ăn thức uống đem theo. Nhà vệ sinh sạch đẹp bố trí nhiều nơi.

Trở ra, tại ngã ba Vườn đào – một khu vườn mai anh đào xanh tươi lá, có lẽ khi nở hoa rất đẹp. Đối diện là nhà hàng Yang Bay. Rẽ phải vài trăm thước đến vườn lan. Kỹ sư Huỳnh Thị Kim Loan, 27 tuổi, cho biết nơi đây trồng nhiều loại lan cấy mô, bán giá từ 10.000đ-250.000đ/giò. Cô hưởng lương 1,7 triệu đồng/tháng, đủ sống nhờ rau cải rẻ. Cùng với cô, chăm sóc vườn lan còn có 2 công nhân cấy mô và 2 lao công. (Cả Yang Bay có 150 công nhân). Qua hồ câu cá thư giãn không còn hoạt động, nước xanh ô nhiễm, là khu nuôi gấu, rộng 4.500m2. Đập vào mắt là bức tường thành cao hình vòng cung cao như ngọn đồi, có bậc cấp để lên xem gấu. Bên trong cây cỏ um tùm, chẳng thấy gấu đâu. Trở xuống, đi một quãng, nhiều chuồng gấu nhỏ hẹp xây trong vòng thành. Những chú gấu “ngọ nguậy” rất tội nghiệp trong đó. Nhân viên cho biết có 20 con đang nuôi. Thêm đoạn nữa tới thác Ho Cho. Công nhân đang trồng hoa, tạo cảnh trên sườn núi, khá đẹp. Đang giữa mùa mưa mà thác Ho Cho như con suối nhỏ, chẳng hấp dẫn gì dù được “quảng cáo” là nơi tắm nước khoáng có hai luồng nóng lạnh tự nhiên!

Trở ra cổng có quầy lưu niệm với khá nhiều mặt hàng. Cô Bạch Thị Kim Ngân phụ trách luôn giới thiệu khách mua da voi: dây nịt 110.000đ/chiếc, bóp 120.000đ/chiếc, da voi 100.000đ/miếng. Cô cho biết, da voi là thuốc trị mồ hôi trộm trẻ con (?). Hỏi giết voi lấy da thuộc, cô cười bảo voi chết tự nhiên (?).

Trở ra, ngồi trên xe, một người trong nhóm buột miệng: “Tốn 40.000 đồng khá lãng, thác gì như cái ao nếu so với thác bên Lào, lại nữa đường từ Thành cổ Diên Khánh vào đây có bao nhiêu ngã ba ngã tư mà chỉ có duy nhất một bảng chỉ đường!”.

2-11-2009:
Đêm qua, anh Trương Cao Duy, người địa phương, vấn kế sáng nay không nên đi vùng biển vì sắp có bão, chỉ nên đi núi. Anh đề cử Khánh Sơn, nơi có hang núi người xưa chế tác đàn đá. Hỏi có gì nữa không?, anh cười: “Có mấy em Răglay hát karaoké”. Lắc đầu. Anh chỉ Ba Hồ.

Cảnh quan dưới chân Ba Hồ.

Sáng sớm, anh Duy đến đưa đi Ba Hồ (Vạn Thuận, Ninh Ích, Ninh Hòa), cách Nha Trang khoảng 30km. Con đường từ quốc lộ 1 vào đây hẹp, càng vào sâu càng xấu, khó lái xe. Dọc đường là những ngôi nhà nhỏ bé, bề ngang lớn hơn bề sâu, thấp lè tè, cái xây gạch không tô tường, cái vách đất. Khi xe dừng tránh đường xe ngược chiều, trẻ con từ trong nhà chạy ra xòe tay xin tiền!

Trên đỉnh núi Hòn Sơn, cao 600m, có dòng suối chảy tạo thành ba cái hồ nên đặt tên Ba Hồ. Con đường từ chân núi lên tới đỉnh dài 10km xuyên qua cánh rừng nguyên sinh chằng chịt cổ thụ. “Suối Ba Hồ có độ cao – rộng khác nhau, sinh động và hấp dẫn được nhân dân nơi đây gọi là danh thắng Suối Ba Hồ”, tấm bảng xi măng giả cẩm thạch đen ghi như vậy. Nhưng muốn đọc được phải vẹt miệng những bao cát chồng đống. Ngồi trong quầy giải khát của khu du lịch, nơi bán một số thức uống thông dụng nhưng chẳng thấy có ai bán, mái lá nhiều nơi mục nát nhểu từng giọt nước của cơn mưa lất phất phủ trùm cả không gian. Một nhân viên phụ trách cảnh báo không thể lên xem hồ vì nguy hiểm. Buồn buồn ngắm nhìn dòng suối trước mặt khá nhiều nước chảy qua những tảng đá to, hạ lưu là bãi cát dài xuyên rừng cây xanh rũ lá. Mưa càng lúc càng dầy, đành ra về vì chẳng thể “du ngoạn rừng nhiệt đới, tắm suối và thác nước hùng vĩ, câu cá, bơi thuyền, cắm trại” như tấm bảng treo trước văn phòng khu du lịch. Bảng còn quảng cáo khu nhà nghỉ và quầy lưu niệm nhưng chẳng thấy đâu!

Trở ra, gần đến quốc lộ 1, thấy tấm bảng báo có đường xe lửa băng ngang. Thấy bảng đã “đụng” đường xe lửa rồi, sao đề phòng kịp! Giã từ “con đường đau khổ” của Làng văn hóa (?) Vạn Thuận về Nha Trang, con đường dài theo cảng Lương Sơn, khá nhiều người đứng nhìn sóng biển cao ngất bỏ vòi trắng xóa.

Hai giờ chiều, hẹn anh bạn địa phương Huỳnh Ngọc Minh chở xe gắn máy đi làng mắm. Mưa, không đi được, đành ra quán cà phê. Chia tay anh Minh, lái xe đưa thăm Hội quán Vịnh Nha Trang. Đây là ngôi nhà rường Huế, gồm ba căn. Căn giữa triển lãm ảnh; căn bên phải giới thiệu tranh cát và trầm hương; căn bên trái trưng bày và bán tranh đá quý và sản phẩm làm từ vỏ ốc. Tại căn bên trái, ta như lạc vào thế giới không thể tin được. Đá nhiều hình thù, kích cỡ được đánh bóng đẹp như ngọc. Nhiều bức tranh cẩn đá. Nhiều vỏ sò vỏ ốc chế tác tinh xảo. Món rẻ nhất 70.000đ và đắt nhất 60 triệu đồng. Đặc biệt, nơi đây có trưng bày 2 cây trầm hương (dó bầu, tên khoa học Aquilaria Crassna), mỗi cây cao khoảng 2m, tìm thấy tại Khánh Hòa. Phía sau Hội quán là Hòn Chồng nổi tiếng. Bên phải, phía sau Hội quán là khu bán hàng lưu niệm với nhiều mặt hàng làm từ vỏ ốc vỏ sò. Độc đáo là vỏ sò có tên “Kim khôi nữ hoàng”, giá “hét” 400.000đ/cái (trong khi ở Cầu Đá chỉ rao 250.000đ/cái). Vào cửa tham quan 6.000đ/vé.

Trở về khách sạn, dài theo con đường bờ biển, người dân che dù đứng nhìn sóng biển cao có vòi trắng xòa từng đợt, từng đợt đánh vào bờ. Bão Mirinae đang gần tới. Anh bạn Phan Đình Du, dân Bắc di cư sống gần trọn đời ở Nha Trang đang sống ở Sài Gòn, điện cho biết dân ngoài này khoái đi “đón bão”. Họ thích thú đứng trên bờ biển, trên cầu Trần Phú (song song cầu Xóm Bóng) xem sóng tràn vào bờ chừng 2-3m. Nằm phòng buồn, anh bạn đi cùng rủ đón xe buýt đi Cầu Đá mua cá biển. 3.000đ/chuyến. Chỉ có hàng lưu niệm. Trong gian nhà không tường nhiều người đứng nhìn hòn đảo Vinpearl chìm trong mưa. Nhân viên phụ trách cáp treo cho biết ra Vinpearl bằng cáp treo 300.000đ/người/khứ hồi, đi horsboard khứ hồi 400.000đ/người. Tất cả đều được tham dự các trò chơi miễn phí ngoài ấy. Mưa bão nên chính quyền cấm đi biển.


“Tháp Trầm Hương” tai tiếng.

Đón taxi trở về, đoạn đuờng dài khoảng 9km, 110.000đ. Đường Trần Phú ven biển đẹp với “rừng” dừa, “rừng” dương, đáng tiếc là vài nơi bị nhà hàng, resort che chắn kín mít. Mưa triền miên. Suốt đêm. Có lúc gió rít rợn người. Cứ sợ bão theo cảnh báo của báo, đài. Nhưng anh Minh cười tỉnh queo: “Nha Trang chẳng bao giờ có bão (một số nơi của Khánh Hòa mới có bão) nên người dân háo hức “đón”. Xưa kia người ta tin bão không vào Nha Trang nhờ có Bà (Thiên Y A Na) độ. Còn bây giờ người ta nói bão vào đây gặp “Tháp Trầm Hương” xấu quá vội trở ra”.


3-11-2009:

Người dân đội mưa “đón” bão, xa phía tay phải là Hòn Chồng.

Sáng thức dậy, vẫn còn mưa. Con đường Phạm Văn Đồng, Trần Phú sát bãi biển, nhiều nơi nước ngập nửa thân xe. Chỉ mưa thôi. Mưa tầm tã. Đành lên xe đi Phan Rang (Ninh Thuận) qua con đường vịnh Cam Ranh uốn lượn theo một bên là biển bên kia là núi, đẹp. Người ta nói Nha Trang đẹp ở một nửa kia trên biển, nhưng “đất liền” cũng lắm điều “thú vị” như có người nói: “Đi chơi cho biết Nha Trang. Đi rồi mới biết nó sang hơn mình. Có tắm biển có tắm sình. Có hồ nho nhỏ cho mình tắm chim”. Chắc là vậy, vì chúng tôi mới “cỡi ngựa xem…” Nha Trang lại “đụng” bão Mirinae.


Ăn gì cũng sợ


Hồi nhỏ tôi thường nghe người lớn ta thán: “Khuất mày khuất mặt ăn đại” để chỉ cảnh “cơm hàng cháo chợ”. Hơn nửa thế kỷ sau, việc vệ sinh an toàn thực phẩm chẳng những không bị ngăn chặn, trái lại ngày càng phát triển thêm hơn đến nỗi “ăn gì cũng sợ!”.



Buổi sáng, ra hàng quán ngồi với tô bún riêu, tô hủ tiếu, tô phở hoặc dĩa cơm tấm nóng hổi với những lát thịt bày biện ngon mắt. Những lát thịt tươi rói cùng những sợi bún, sợi hủ tiếu, sợi phở trắng ngần, óng ả nhưng ai biết chúng được làm đẹp và giữ lâu ngày nhờ ướp formol! Ăn xong, nhâm nhi ly cà phê đen. Vẫn là vị cà phê đắng ngọt nhưng sao biết được đó chỉ là “tinh” chứ không phải cà phê nguyên chất.

Buổi trưa không về nhà ghé quán cóc ăn bậy dĩa cơm. Quán khang trang lịch sự hay xập xệ cũng đều là những nơi chất chứa hiểm nguy cho dạ dày, dù ai cũng khen ngon. Không ngon sao được khi thịt tươi, rau cải xanh dờn, dưa chua giòn rụm… Để rồi một hôm đọc báo mới hãi hùng. Mỡ động vật không rõ nguồn gốc bị quản lý thị trường Hà Nội bắt, phần mốc meo, phần đầy giòi bọ. Khi truy nguyên chủ số hàng không nói mục đích sử dụng nhưng ai cũng biết số hàng thậm mất vệ sinh này được tiêu thụ ở nơi nào. Rồi thịt heo, thịt gà, thịt vịt ế chợ, để lâu ngày được ướp phân urea nhằm bảo quản sắc độ tươi ngon, vào tay các hàng quán trở thành những miếng sườn nướng, cánh gà chiên vàng hươm, vịt kho gừng ngậy mỡ ăn đã thèm.

Cánh đàn ông thường tụ bảy tụ ba nhậu nhẹt. Mồi nhậu từ thịt cá. Thịt đã vậy, nên cá cũng đâu thoát khỏi bàn tay “nhào nắn tuyệt vời” của “thương trường”. Độc nhất là thịt rừng. Thứ đặc sản này lúc nào cũng là mồi nhậu rất “bắt”. Càng “bắt” bao nhiêu càng đưa chất độc vào cơ thể nhiều bấy nhiêu. Ai cũng biết thịt rừng được cánh thợ săn ướp uréa chôn giấu tại chỗ hàng nửa tháng trời để rãnh tay đi săn tiếp. Khi thu hoạch nhiều họ trở lại từng nơi đào lên đem về tiêu thụ. Sợ thịt rừng ăn nem cho chắc. Cũng dính. Cơ quan quản lý thị trường thành phố Cần Thơ đã từng bắt giữ một xe chở nhiều bao da heo mốc meo cung ứng cho một cơ sở làm nem địa phương. Tại thành phố này trước đây cơ quan quản lý thị trường còn phát hiện một cơ sở sản xuất thịt chà bông bằng giấy carton đánh tơi ướp gia vị. Dân ăn nhậu thưởng thức món “chỉ bông gòn da cá sấu” (chà bông khổ qua) cứ nức nở khen ngon. Rượu đưa cay cũng vậy. Tốt lắm là pha tinh một loại trái cây với cồn cao độ. Nhưng tệ hại hơn người ta chỉ cần bỏ vài ngàn đồng đã có một bịch “bột thần kỳ” pha 20 lít nước lạnh cho ra rượu gạo hoặc rượu nếp theo yêu cầu với giá hợp túi tiền. Bảo đảm nâng ly uống xong ai cũng chép miệng đánh khà khoái tỉ.

Kể sao xiết sự dối lừa trong chế biến thức ăn của hàng quán nhằm nâng cao lợi nhuận.

Thôi thì ăn cơm nhà. Nhưng vẫn không sao thoát được vệ sinh thực phẩm mất an toàn. Miếng thịt, con cá, đều đã nhiễm độc, do nguồn thức ăn và môi trường sống của chúng. Sợ quá ăn chay. Rau xanh ngằn ngặt không một con sâu là thứ đậm đầy hóa chất diệt côn trùng. Tàu hũ ngon nhờ… hàn the. Nước tương cũng đầy hiểm họa. Vụ “nước tương đen” ầm ĩ một thời khiến ai cũng kinh hoàng vì đã nuốt phải chất 3-MCPD, tác nhân gây ung thư. Ngay cả gạo cũng chẳng còn bổ béo gì, chúng có mặt nhờ thuốc trừ sâu và phân hóa học. Nước uống đâu không thoát khỏi “vòng vây nguy hiểm”. Cẩn thận, uống nước tinh khiết. Có dịp đi tới “hóc bà tó” nào cũng thấy có cơ sở sản xuất loại nước này. Nhưng cơ quan chức năng đã phát hiện khá nhiều nơi đóng chai nước tinh khiết là thứ chẳng khiết và tinh. Càng nói càng kinh sợ. Nhưng không lẽ không ăn, không uống? Thôi thì bắt chước ông bà than câu: “Khuất mày khuất mặt ăn đại!”. Bệnh việc đầy nghẹt người có lẽ vì các nguyên dân trên, bao giờ trời kêu thì mình… “dạ”!./.

Thứ Ba, 1 tháng 12, 2009

Đêm cao nguyên

Click vào hình để xem bản phóng lớn

Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2009

Thời của những kẻ dối lừa


Thật ra tên chính thức của câu này là “Thời của những kẻ giết người”, tác phẩm mà nhà văn Mỹ Henry Miller đã viết hàng nửa thế kỷ trước. Chúng ta không ở trong thời đó, chỉ mới lân la bước tới ngưỡng “dối lừa” hiện đang “nở rộ” trên thị trường.

Không thể chối rằng không thấy sự việc dối lừa đang diễn ra hằng ngày hằng bữa trong cuộc sống muôn màu này. Đi dài theo đường phố, lề đường đầy dẫy những quầy hàng bán đủ thứ các loại cần thiết cho nhiều người. Bên cạnh những mặt hàng bày biện đẹp mắt là những lời mời rao hoặc dựng bảng quảng cáo, chẳng hạn: “8.000 đồng/1/2kg chôm chôm”. Nhìn thoáng qua ai cũng tắm tắc khen rẻ. “Lừa” vậy đâu bằng chuyện cua biển được cột bằng một “bó dây”!



Để quảng cáo cho các chuyến du lịch đang “mùa” suy thoái kinh tế, các hãng lữ hành đều trưng giá rẻ đến bất ngờ. Mà bất ngờ thật: Du lịch Thái Lan 4 ngày 3 đêm chỉ tốn trên 200 USD một người. Cứ tính xem: tiền vé máy bay đi về, tiền khách sạn 3 sao cũng đã “ngốn” hết số tiền bỏ ra mua tua, lại còn ăn uống, di chuyển nữa. Đem thắc mắc này hỏi một anh chuyên làm tua trong nước, anh cười nói: “Cẩn thận, coi chừng phải đóng thêm nhiều phụ phí cho chuyến bay (vì đi máy bay giá rẻ); rồi ăn nghỉ thất thường, ngày có ngày không…”.

Có thể bị lừa? Cả trong đấu thầu thi công cầu đường. Người ta bỏ thầu thật rẻ. Khi trúng thầu thì làm ngày này sang tháng nọ, công trình vừa mới đưa vào họat động đã xảy ra sự cố. Xem ti vi lúc nào cũng thấy hàng chữ chạy dài cuối màn hình, quảng cáo đủ thứ trên đời, ngắn gọn, hấp dẫn. Nào đoán số điện thoại của bạn và “người ấy” có “hạp” nhau không, số điện thoại của bạn có may mắn không, làm thế nào để biết “người ấy” có yêu bạn không, làm thế nào để biết vận mệnh bạn trong tháng này… Chỉ cần soạn tin nhắn gởi về số máy… là bạn sẽ có ngay kết quả. Làm theo, trước mắt tốn 15.000 đồng tiền cuớc nhắn tin. Còn trong phần dành cho “Thông tin thị trường”, bạn sẽ bắt gặp nhiều “chiêu” quảng cáo đầy hấp dẫn, như: “A lô xinh – Cuộc sống đẹp xinh”, chỉ cần soạn tin nhắn về số máy nào đó tham dự cuộc chơi bạn sẽ trúng được một chiếc Nouvo cáu cạnh trị giá những ba chục triệu đồng. Để thu hút người chơi, họ còn phát thêm hình ảnh và lời “bình” của một vài cá nhân: “A, tôi có được hai trăm ngàn đồng trong tài khoản rồi”, “Thật bất ngờ tôi đã trúng chiếc Nouvo mà cả đời tôi không dám nghĩ tới bằng một vài tin nhắn. A lô xinh – Cuộc sống đẹp xinh dễ chơi quá. Từ nay tôi sẽ chơi tiếp”. Trò chơi từ tin nhắn như vậy đã gây tác hại trầm trọng cho khá nhiều người. Báo Tuổi Trẻ ngày 5-3-2009 đã có bài cảnh giác về trò chơi “Đi tìm kho báu”, vậy mà vẫn có người “chết” vì một trò chơi tương tự có tên “Chiếm hữu”. Anh Nguyễn Mạnh Hưng, người chủ máy điện thoại di động để cháu mình là Dương Thanh Nhật lấy tham dự trò chơi này than: “Cháu tôi đoạt giải thưởng 2 chỉ vàng tương đương 4.200.000 đồng, đổi lại tôi phải gánh chịu hậu quả gần 20 triệu đồng cước nhắn tin”. Chưa hết, “nhờ” trò chơi này mà anh Nguyễn Trung Hiếu, 26 tuổi, chủ nhân số điện thoại 0949450xxx trúng chiếc điện thoại Nokia N86 (trị giá 10 triệu đồng) nhưng “bù lại” anh đã bị “chiếm hữu” tới hơn 147 triệu đồng trong tổng số tiền cước nhắn tin!

Cũng trên ti vi, trong những lần trực tiếp truyền hình các chương trình ca nhạc gây quỹ ủng hộ người nghèo, đồng bào bị thiên tai…, người dẫn chương trình trân trọng giới thiệu người (hoặc đại diện công ty, xí nghiệp) cầm tấm bảng to tổ bố có chữ số tiền họ trao tặng cho đại diện ban tổ chức, rồi cuối màn hình có hàng chữ giới thiệu tên người (công ty, xí nghiệp) ủng hộ số tiền nào đó chạy liên tục. Nghe và thấy cứ tưởng đơn giản, nhưng một giám đốc đài truyền hình than thở: “Trong số những người làm từ thiện thật, cũng có một số… lừa. Họ “chường” mặt lên đó cho oai vì khi chúng tôi đến nhận tiền là cả một chuỗi thời gian dài không có kết quả!”.

Làm từ thiện còn vậy thì trong chăm sóc sức khỏe cũng không thể không có người bị dối lừa. Nhiều người khốn khổ vì lao vào bán hàng đa cấp. Khổ nhất vì người mua cứ tưởng đó là thuốc thần. Đến phòng mạch tư nào bạn cũng “bị” mua thuốc do chính tay vị bác sĩ khám bệnh cấp. Toàn thuốc “trần”, không bao bì, nhãn mác. Uống hết thuốc, trở lại khám sẽ được nhận số thuốc chắc chắn khác vì vị bác sĩ này không có toa thuốc cũ để thực hiện tiếp phác đồ điều trị.

Dối gạt con người đâu đã đáng sợ bằng “lấy vải thưa che mắt thánh”. Năm nào, vía Bà Chúa Xứ ở núi Sam thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang cũng diễn ra trò này. Cúng Bà nguyên con heo quay rất tốn kém lại mất công đem về. Tiện “lợi” hơn hết là mướn con heo quay, cúng xong trả cho chủ. Con heo “quay” lia lịa một ngày không biết bao nhiêu bận, “quay” tới nỗi thối hoắc mà cũng cúng Bà được!

Ngẫm kỹ, chúng ta đang ở “thời của những kẻ dối lừa” làm sao không bị lừa dối. Cốt tủy của sự dối lừa nảy sinh từ lòng tham. Người có sản phẩm hoặc dịch vụ muốn có nhiều tiền để thỏa mãn tiện nghi vật chất đang ngày một “ê hề” trong đời sống. Người “tham dự” cũng vì những thứ ấy mà sa vào bẫy rập… chết người!

Tuy nhiên, rất may số lượng những kẻ dối lừa ấy rất “khiêm tốn” so với số đông bao la người sống lấy đạo dức ở đời làm trọng hôm nay./.

Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2009

Lan man “tự chế”




Đầu tháng 8-2009, chiếc xe bánh mì “Ba Cô” đã bị công an An Phú “bắt”. Đó là chiếc xe có thùng kiếng đặt trên 2 bánh xe đạp gắn liền với bánh xe đạp phía sau bằng sườn sắt có yên ngồi. “Ba cô” không ngồi mà chỉ đẩy xe đi trên đường. Vài ngày sau, dân ăn bánh mì sành điệu ở quận Ninh Kiều (thành phố Cần Thơ) ngơ ngác khi nhìn Ba Cô có xe bánh mì mới, lạ hoắc, là chiếc xe có thùng kiếng hình chữ nhật đặt trên bốn bánh nhỏ cỡ chiếc dĩa tròn. Dù là xe mới nhưng Ba Cô không dám đẩy trên đường, chỉ để trong khuôn viên Nhà Văn hóa thiếu nhi quận Ninh Kiều. Bởi, chiếc xe mới cũng “sẽ tịch thu bán phế liệu, sung công quỹ” nếu “tham gia giao thông”, vì nó vẫn là xe “tự chế”.

Theo quy định, xe tự chế gồm các loại: xe ba gác, xe lôi đạp, xe lôi máy, xe đẩy…, từ ba bánh trở lên. Nói “xe tự chế” nhưng thực ra những chiếc xe này đâu phải ai cũng có thể “chế” được để sử dụng trong cuộc mưu sinh của mình. Mà, những chiếc xe này đã được bàn tay của khá nhiều người thợ của một xưởng cơ khí nhỏ, gọi là “tiệm sắt” sản xuất. Xưởng cơ khí này có giấy phép cơ quan chức năng cấp và đóng đủ các loại thuế cần thiết để được kinh doanh. Xe “tự chế” đã có mặt ở miền Nam Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ nay, góp phần tốt đẹp vào việc giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người, đóng góp công sức không nhỏ trong việc vận chuyển người và các loại hàng hóa.


Từ hàng ngàn năm qua, ghe xuồng đã có mặt trên khắp các sông ngòi, kinh rạch Nam Bộ, góp công rất lớn trong việc phục vụ đời sống người dân vùng châu thổ sông Cửu Long. Chúng được ra đời từ các “trại ghe”. Mà những trại ghe này chỉ đóng những chiếc xuồng, chiếc ghe theo kinh nghiệm truyền đời của ông bà với những người thợ làm việc lâu năm. Những trại ghe này đâu chỉ đóng những chiếc ghe đi sông, mà còn cung cấp cho con người những chiếc ghe to lớn, gọi là “tàu” chuyên chở hành khách, ghe chài chở lúa gạo, kể cả những chiếc “tàu cây” ra cả biển khơi đánh bắt hải sản… Theo quan niệm cơ quan chuyên ngành, đó vẫn là những chiếc ghe, chiếc xuồng “tự chế”.

“Tự chế” còn có mặt ở cả những chiếc cầu do những người nông dân “dốt nát” miệt An Giang xây dựng nhiều nơi bắc qua các con kinh rạch của nhiều địa phương. Những chiếc cầu xinh xắn, không biết có đúng kỹ thuật không nhưng chắc chắn vì thấy người và xe cộ qua lại hàng chục năm nay không bị sự cố gì. “Tự chế” còn thấy ở những con đường nông thôn bằng xi măng cốt thép. Những con đường nhỏ bé nhưng nhiều tiện lợi này đã giúp vực dậy vùng nông thôn sâu, nối liền nó với những thị tứ, thị trấn, thị xã, thành phố lớn, do những người “thợ hồ” một nắng hai sương đổ mồ hôi lao động làm thành chứ không do một kỹ sư cầu đường nào thiết kế, bắt tay thực hiện.

Hiểu theo cách đó, “tự chế” có mặt hình như khắp các “hang cùng ngõ hẻm” ở nước ta. Từ hàng bao nhiêu năm nay, báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình đã đưa tin, viết bài ca ngợi những “nhà sáng chế không bằng cấp”. Ta đã biết những anh “Hai Lúa” ở Tiền Giang chế ra dụng cụ bao và cắt trái cây chỉ cần đứng dưới đất mà không phải leo lên cây. Ta cũng biết ông Nguyễn Văn Lang chủ cơ sở Tư Sang ở khu phố Cầu Xéo (Hậu Thành, Cái Bè, Tiền Giang) đã từng nghĩ và làm ra chiếc máy gặt đập liên hợp. Ta cũng đâu thể quên ông Văn Đức Quynh người thôn Long Hưng (Hải Phú, Hải Lăng, Quảng Trị) là người sáng chế máy tách hạt bắp mini. Không thể không nhắc tới nông dân Trịnh Văn Thành ở ấp Liên Hiệp 1 (Xà Bang, Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu) đã thành công trong việc làm chiếc lò sấy ca cao. Rồi anh nông dân Hoàng Văn Chủ ở xã Quảng Hồng (Lạng Sơn) tuy mới học tới lớp 4 nhưng đã thiết kế ra máy xắt rau. Và, còn biết bao người “chân lấm tay bùn”, chữ nghĩa“khôngđầy lá mít”, không được đào tạo bài bản, chưa có lý thuyết về cơ khí và chế tạo máy, đã lao tâm khổ tứ bền bỉ chế tạo nhiều loại máy phục vụ bản thân, bán rộng rãi cho nông dân.

Nếu theo quan niệm nêu trên thì những chiếc máy góp phần làm tăng năng suất lao động, giải phóng sức người này chẳng qua chỉ là những chiếc máy “tự chế” vì không do một cơ sở quy mô sản xuất và có bản đồ thiết kế chi tiết mang tính khoa học của kỹ sư cơ khí. Tuy nhiên các loại thiết bị này vẫn được phép hoạt động vì không gây ra tai nạn như các loại xe “tự chế”. Nhưng quy trách nhiệm này cho xe “tự chế” là hơi quá đáng, bởi gây ra tai nạn giao thông chủ yếu là do ý thức người điều khiển phương tiện chứ đâu phải do phương tiện. Nhìn ra thế giới, xe “tự chế” vẫn chạy đầy đường, nhất là các nước châu Á. Xe lôi, xe ba gác tại các quốc gia này đâu có chở hàng “cao như núi” và chạy “bất kể chết” như ở nước ta.

--------------------

Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2009

Vu Lan Thắng Hội ở Cầu Kè

Vu Lan Thắng Hội được các chùa Phật Bắc Tông tổ chức hằng năm vào ngày rằm tháng bảy Âm lịch với ý nghĩa là ngày “xá tội vong nhân”. Đồng bào Phật tử coi dịp Vu Lan là “mùa báo hiếu” đối với cha mẹ, ông bà đã qua đời. Nhưng Vu Lan Thắng Hội ở Cầu Kè (Trà Vinh) lại diễn ra tại các chùa ông Bổn, rải rác trong suốt tháng bảy Âm lịch, cụ thể như sau: Vạn Ứng Phong Cung (Chùa Giữa, xã Hòa Ân, trong 3 ngày, 8-9-10), Niên Phong Cung (Chùa Cây Sanh, xã Tam Ngãi, trong 2 ngày, 15-16), Minh Đức Cung (Chùa Giồng Lớn, xã Hòa Ân, trong 3 ngày, 18-19-20) và Vạn Niên Phong Cung (Chùa Chợ, thị trấn Cầu Kè, trong 4 ngày, từ 25-28).

Trong cuốn “Chuyện Xưa Tích Cũ” của Sơn Nam - Tô Nguyệt Đình ghi: “Ở Chợ Lớn, TP.HCM, có ngôi chùa thờ Ông Bổn là quan Thái giám tên Trịnh Hòa. Ông làm quan vào đời vua Vĩnh Lạc (1403 - 1424) ở Trung Quốc. Lúc thăng quan, ông được vua tín nhiệm phái đi điều tra các nước ở miền Đông Nam Á như Chiêm Thành Mã Lai, Xiêm, Việt Nam... để tìm cách liên lạc với những người Hoa kiều hải ngoại. Tuân lịnh vua, lúc đi du hành, ông Trịnh Hòa cố gắng giúp đỡ dân chúng, ra sức thi ân bố đức, giúp giới Hoa kiều tìm sinh kế và dạy họ phải giữ gìn thuần phong mỹ tục ... Nên sau khi ông mất, giới Hoa Kiều nhớ ơn ông, thờ làm phúc thần. Nhà vua còn phong sắc cho ông chức tước “Bổn Đầu Công” tức Ông Bổn ngày nay”. Nhưng ở Cầu Kè lại thờ 4 ông Bổn khác. Theo dân địa phương, đây là 4 anh em kết nghĩa, thành thần. Minh Đức Cung thờ ông Nhứt, Vạn Ứng Phong Cung thờ ông Nhì, Vạn Niên Phong Cung thờ ông Ba và Niên Phong Cung thờ ông Tư.

Bốn chùa ông Bổn tại Cầu Kè đều là những ngôi chùa được xây dựng từ mấy trăm năm nay, do nhóm di thần nhà Minh đến tìm đất sống sau khi nhà Minh bị nhà Thanh lật đổ. Ngôi chùa nào cũng được cất theo hình chữ “Quốc”, đặc biệt không có kèo, khuôn viên chánh điện có diện tích gần bằng nhau, khoảng 1.200 mét vuông, với gỗ, đá đem từ Trung Quốc qua. Đáng chú ý là các ngạch cửa đều được làm bằng những thanh đá xanh to. Hai bên tường trước chánh điện họa hình từ các tích Tàu, nêu tấm gương tiết nghĩa, nhân hậu ở đời. Hông tả chánh điện thờ Bạch Hổ. Hông hữu chánh điện thờ Thanh Long. Bàn thờ chính chánh điện thờ tượng ông Bổn. Tượng ông Bổn ở Vạn Niên Phong Cung được tạc vào khoảng năm 1960 bằng đoạn trầm hương thỉnh từ miền Đông Nam bộ về, do thợ Sóc Trăng đảm nhiệm, rất sinh động. Đây là pho tượng thứ hai của chùa, sau khi pho thứ nhất bị hư mục... Tất cả các công trình của chùa đều giàu giá trị văn hóa, giá trị cổ vật. Riêng Vạn Ứng Phong Cung, sau hàng trăm năm tồn tại đã xuống cấp trầm trọng. Từ rằm tháng Giêng Mậu Tý (2008), chùa đã được xây mới tiền điện và trung điện theo bản vẽ của kiến trúc sư Giang Thành Duy (Công ty Bình Điền, Sài Gòn). Phần chính điện giữ nguyên với tường gạch loang lở do cây bồ đề có bộ rễ to lớn đeo bám từ hơn nửa thế kỷ nay. Vạn Ứng Phong Cung vừa làm lễ lạc thành vào ngày 9-7 Mậu Tý (2008).
Cổng Vạn Niên Phong Cung ngày lễ.
Vu Lan Thắng Hội tại các chùa ông Bổn đều vui nhưng rôm rả và thu hút hàng chục ngàn người nhiều nơi đến tham dự là ở Vạn Niên Phong Cung. Người địa phương có câu: “Hăm ba vào đám, hăm tám ra giàn” để nói thời gian diễn ra lễ hội dân gian này ở đây. Trước kia, bắt đầu “vào đám” (25-7 âm lịch), diễn ra “đánh động”. Đó là cảnh thầy trò Tam Tạng đi thỉnh kinh. Người hóa thân Đường Tăng là nhà sư Vạn Hòa Cổ Tự cỡi con ngựa trắng phất bằng giấy bồi cùng với các đệ tử Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng (cũng do người hóa thân) lên đường sang thiên trúc thỉnh kinh. Trên đường đi, ba đệ tử Đường Tăng khiêu chiến đấu với quỹ dữ (trong những cái động được làm bằng lá đủng đỉnh quấn trên sườn tre đặt ở mỗi ngã ba, ngã tư thị trấn). Cuộc chiến giữa ba đệ tử Trần Huyền Trang và ác quỷ diễn ra với phù phép “ ảo diệu” được thể hiện bằng cách phun dầu lửa vào ngọn đuốc. Đám lửa đỏ rực bay về phía trước, tỏa sáng trong đêm tối đã thu hút người xem vào không khí huyền hoặc, hấp dẫn. Kết thúc màn “đánh động”, thầy trò Đường Tăng thỉnh được kinh phật dâng vào chùa.

Sau đó, tại chùa liên tục tổ chức các buổi trai đàn có sự tham gia của các chư tăng ở Vạn Hòa Cổ Tự và sư sãi chùa Khmer trong phạm vi nội ô thị trấn. Lễ này cúng chay nên gọi là “làm chay”. Hội thì nhiều ngày, nhưng lễ chính thức diễn ra trong một ngày rưỡi, suốt ngày 27 đến trưa ngày 28 thì chấm dứt. Từ rạng sáng ngày 27, xe du lịch, nhiều nhất là xe đò 50-60 chỗ ngồi từ các nơi, đông nhất là quận 5, quận 6 (TP.HCM) lũ lượt đổ về, tạo thành nhiều hàng dãy dài dằng dặc đậu nối nhau trên dọc quốc lộ 54, các bãi đất trống. Các nhà trong phạm vi thị trấn có điều kiện đều chuyển sang buôn bán nước giải khát, cơm, cháo, còn không thì dọn dẹp gọn ghẽ cho khách phương xa tạm trú. Bỏ ra từ 10.000 đồng hoặc 20.000 đồng là người ta có nơi vạ vật qua đêm với chiếu và gối. Tiết kiệm thì cứ vào các chùa trong thị trấn cũng có chỗ nghỉ qua đêm mà không tốn tiền. Tiện nghi hơn thì thuê phòng máy lạnh với số tiền 300.000đ/ngày đêm. Dân lân cận có xe gắn máy đều trở thành xe ôm, hoạt động ì xèo. Đêm 27, đường phố nhộn nhịp tới sáng.
Đường phố tấp nập khách thập phương.
Sáng ngày 27, tại chánh điện, bốn ông Bổn, ông nào cũng mặc quần áo lụa màu đỏ, trùm khăn lụa đỏ, ông tay cầm gươm bén, ông cầm trái chông tua tủa những mũi thép dài 6 phân, sắc nhọn, sáng giới quất mạnh vào ngực vào lưng mình. Các ông dùng dao bén rạch lưỡi, đầu bút lông thấm máu vẽ ngoằn ngoèo lên tờ giấy hình chữ nhật dài màu vàng nhạt...
Ông Bổn rạch lưỡi lấy máu vẽ bùa.
Tất cả diễn ra trong âm thanh dồn dập, nôn nao, đầy tính thần linh của dàn “tùa lầu cấu” (dàn nhạc gồm: trống lớn với phèng la, chập chã, chiêng và kèn lá). Sáng ngày 28, “ra giàn”, cúng tất, cúng mặn bằng con heo trắng. Tại bàn thờ Ông Thiên trước sân chùa cũng diễn ra buổi lễ y như sáng hôm trước của các ông Bổn. Bao quanh sân lễ là hàng ngàn người chen lấn nhau nhìn xem cho bằng được cảnh tượng siêu nhiên lạ kỳ khó tin, đó là cảnh đánh trái chông và rạch lưỡi vẽ bùa. Trong khuôn viên sân chùa là những hàng kệ sắp liền kề nhau bày những giỏ phẩm vật do bổn phố dâng cúng, phần lớn là gạo, muối, khoai lang... Lễ kết thúc vào gần trưa bằng việc “thí giàn”.

Vu Lan Thắng Hội đã kết thúc. Đây là dịp giữ gìn bản sắc văn hóa tâm linh người Hoa Triều Châu, góp phần phát huy bản sắc đa văn hóa của dân tộc Việt Nam, thể hiện tình đoàn kết gắn bó keo sơn của cộng đồng ba dân tộc ngụ cư lâu đời tại địa phương là: Kinh, Hoa và Khmer, dạy con người yêu thương nhau, hiếu kính ông bà cha mẹ... Vu Lan Thắng Hội vừa mới được Trà Vinh công nhận là lễ hội văn hóa dân gian tâm linh cấp tỉnh. Tuy nhiên, so với nhiều thập niên trước, Vu Lan Thắng Hội ở Cầu Kè hiện nay chỉ còn diễn ra được một phần nhỏ. Bởi, xưa kia, lễ hội này còn có cảnh ông Bổn tắm dầu (dầu phộng nấu sôi, dùng ngọn lá tre nhúng vào rồi quất vào người), ông Bổn đi trên than hồng (than đước cháy đỏ trải dài chục thước), ông Bổn ngồi kiệu gươm (như kiệu thường nhưng chân đạp, lưng tựa và ghế ngồi đều được thiết kế mỗi vị trí ba thanh gươm bén ngót để ngửa, riêng ghế ngồi có 4 thanh và 2 tay vịn mỗi tay 1 thanh gươm) khiêng dài theo đường phố, ông Bổn ếm ma da, ông Bổn đi thuyền trừ thủy quái...
Ông Bổn chuẩn bị tắm dầu.
Người ta mong rằng các lễ vừa nêu sẽ được sớm phục hồi. Buổi trưa kết thúc lễ có tục “thí giàn”. Từ giàn cao người ta ném những thanh tre nhỏ khắp xung quanh để người dân tranh nhau lượm. Cảnh này giống như lễ hội ném cà chua ở một quốc gia châu Âu nào đó. Nhặt được bao nhiêu thẻ thì vô chùa nhận bấy nhiêu giỏ đồ cúng đem về nhà ăn lấy lộc và phước đức... Ngày nay tục này không còn, các vật phẩm cúng thần dược phân phát cho những gia đình nghèo khó để tỏ tình tương thân tương ái./.

Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2009

Bảy Bờ Kè

Quán ăn sinh thái Bảy Bờ Kè cách cầu Bà Bộ trên quốc lộ 91B, theo Rạch Súc vào 50m. Quán rộng 5.000 m2, tọa lạc tại khu vực Bình Phó B (phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ). Khách có thể đến với quán bằng các phương tiện: xe hai bánh, xe bốn bánh, vì đường vào lót đan khá rộng. Quán có khoảng sân khoảng khoác, xe bốn bánh đậu thoải mái. Tuy mới khai trương ngày 8-9-2008, nhưng quán đã ngày càng thu hút khách đến thưởng thức vị ngọt ngon của từng món ăn do đầu bếp quán pha chế. Đặc biệt, quán luôn có vài món mới, lạ, hấp dẫn khẩu vị nhiều người. Chuẩn bị đón Tết Kỷ Sửu, Bảy Bờ Kè giới thiệu: Bò nướng mắm ruốc. Thịt bò xắt lát ướp mắm ruốc nướng, cho ra dĩa, bánh đa bẻ sắp quanh. Thịt bò chấm mắm nêm, ăn kèm bánh đa giòn rụm, xoài sống xắt sợi, rau thơm, ớt, dưa leo, rau răm, cà rốt, chuối chát... 60.000 đồng/dĩa. Cá tai tượng nướng giấy bạc rau răm. Cá làm sạch, dồn rau răm đầy bụng, quấn giấy bạc, cho vào lò nướng. Cá gần chín tươm nước ngọt, giấy bạc giữ lại; cá chín, nước ngọt rút trở vào thịt cá. Dọn ra bàn, xẻ bụng cá, mùi rau răm dễ chịu lan tỏa khứu giác. Giẽ miếng thịt cá trắng ngần cho lên miếng bánh tráng đã sắp sẵn bún, rau thơm các loại, cuốn lại, chấm mắm nêm, ăn. 70.000 đồng/dĩa. Cá đuôi phụng. Cá lóc làm sạch. Lấy phi lê hai bên hông cá chiên chả giò rế. Phần cá còn lại chiên thật giòn, sắp chả giò xung quanh như lớp vảy chim phụng. Món này thưởng thức 2 lần: chả giò rế và thịt cá chấm sốt mayonaise, ăn kèm rau thơm các loại. Đặc biệt phần cá được chiên rất giòn, tỏa mùi thơm, độc đáo nhất là thưởng thức bộ đồ lòng cá dai dai giòn giòn và nhân nhẩn. 65.000 đồng/dĩa.
Quán ăn sinh thái Bảy Bờ kè
Theo một trong các con đường tráng xi măng sạch sẽ của quán, khách sẽ chọn cho mình một chiếc tum ưng ý. Quán có 13 tum nhỏ, 1 tum dài (5 bàn) cùng 2 phòng lạnh (10 khách/phòng). Tum lá dù nhỏ hay lớn cũng đều được lợp bằng lá dừa nước xé, nền lót gạch tàu, đơn giản nhưng thanh lịch, cất trên một bờ mương nước. Các mương nước nào cũng lấm tấm màu xanh biếc của bèo hoa dâu, màu xanh ngọc của những đám lục bình dân dã. Bên dưới màu xanh dịu mắt đó, bên dưới làn nước êm ả đó, là nơi cư ngụ của những bầy cá đồng. Các tum và mương nước “chìm” trong không gian yên ả của những tàn cây ăn trái, gồm: mận, xoài, sầu riêng...
Cảnh quan của quán.
Yên vị rồi, khách có thể thư thả chọn cho mình và gia đình (hoặc bè bạn) những món ăn yêu thích trong bảng thực đơn khá phong phú của quán. Theo đó, quán có các món, đầu tiên là khai vị, với: các loại khô: cá lóc, cá khoai, cá đuối, mực, giá từ 40.000 – 50.000 đồng/dĩa; đặc biệt chả giò Bảy Bờ Kè 40.000 đồng/dĩa. “Bộ” gỏi gồm có: gỏi so đũa tôm sú thịt; gỏi bồn bồn tôm sú thịt; gỏi ngó sen tôm sú thịt, gỏi bò bóp thấu, gỏi hải sản bồn bồn; tất cả chừng 50.000 đồng/dĩa. Đặc sắc là “bộ” đặc sản Gò Công, với: bắp kèn bò chấm mắm tôm chà, 65.000 đồng/dĩa; ba rọi luộc chấm mắm tôm chà, 55.000 đồng/dĩa; ba rọi chiên giòn chấm mắm tôm chà, 55.000 đồng/dĩa; lẩu mắm tôm chà Nam bộ, 150.000 đồng/lẩu. Mắm tôm chà là đặc sản độc đáo của xứ Gò Công (Tiền Giang) từ thế kỷ thứ 19, chế biến từ thịt tôm bạc đất, được người dân địa phương sản xuất dùng trong gia đình. Muốn có mẻ mắm tôm chà đặc sắc, thơm ngon như ý, người làm mắm phải trải qua nhiều công đoạn rất kỹ càng và công phu, nếu sai sót một công đoạn nào, mắm sẽ hư ngay. Đức bà Từ Dụ mẹ vua Tự Đức là con dân đất Gò Công nên rất ưa thích mắm tôm chà. Tại kinh đô Huế, tự tay bà làm loại mắm thơm ngon bổ dưỡng này cho vua thưởng thức. Vì vậy mắm tôm chà thuở ấy là một trong 52 món cung đình được vua chuyên dùng. Ngày nay, các thức ăn có sự hiện diện của mắm tôm chà hình như chỉ duy nhất được quán Bảy Bờ Kè đưa vào thực đơn. Sau khi thưởng thức các món ngon vật lạ, khách có thể kêu mấy món ăn không ngán, như: đậu hũ chiên giòn, 30.000 đồng/dĩa; đậu hũ tay cầm Tứ Xuyên, 40.000 đồng/dĩa; đậu hũ tay cầm hải sản, 40.000 đồng/dĩa; cà phổi nướng mỡ hành, 20.000 đồng/dĩa; rau muống xào tỏi, 20.000 đồng/dĩa...
Khách thưởng thức món ngon.
Dù thưởng thức “sơn hào hải vị” gì đi nữa, khách cũng nên thưởng thức ba đặc sản “số một” của quán. Trước hết là khai vị lai rai với dĩa gỏi rau lang luộc. Rau lang luộc là món ăn hết sức phổ thông trong gia đình, nhưng dưới bàn tay điệu nghệ của người đầu bếp, quán đã “chuyển mình” nó thành món nhậu hết sức “bắt”. Rau luộc sơ trộn với nước sốt được pha chế “bí truyền” sẽ khiến cho món ăn này có hương vị độc đáo. Gắp một đũa rau, chấm nước mắm nhĩ giằm ớt, ăn một miếng, khách sẽ cảm nhận các vị chua ngọt cay vừa phải cùng vị giòn dai của rau đang “tan” trong răng. Càng nhai càng khiến đũa trong tay khách hoạt động liên hồi! Tiếp theo là món cơm cháy ăn với cá kho quẹt. Món ăn nhà nghèo hồi xưa bây giờ trở thành món ăn thời thượng, là đặc sản trên thực đơn nhiều nhà hàng trong cả nước. Vừa “dằn bụng” với hai món này, khách vừa lai rai cùng bè bạn quanh ly rượu. Lâng lâng men say, khách thưởng thức món “trứ danh” của quán: gà nấu chanh ớt. Húp miếng nước lẩu múc ra chén, khách sẽ nghe sảng khoái dâng tràn khắp các giác quan, bao nhiêu ngầy ngật của men rượu hầu như tan biến trong vị chua của chanh và vị cay của ớt hòa vị ngọt thịt gà. Ăn kèm với lẩu là rau quế nhúng. Vừa uống rượu thơm, vừa ăn miếng ngon, vừa lắng nghe tiếng đờn hòa cùng giọng ca của ban nhạc tài tử, tưởng cuộc đời chẳng gì thi vị và đáng sống hơn.
Đến với quán ăn sinh thái Bảy Bờ Kè, ai cũng thắc mắc cái tên “quái quái”. Hỏi, thì ra do quán tọa lạc bên bờ rạch được kè đá. Tết này, khi “tiếng lành bay xa, quán ăn sinh thái Bảy Bờ Kè sẽ là điểm đến của người sành ăn không chỉ khu vực Bình Phó B, mà còn là của người dân quận Ninh Kiều.
Bài, ảnh: PHƯƠNG KIỀU

Thứ Ba, 1 tháng 9, 2009

Trước nhà ngắm trời đất ngẫm nghĩ phận mình


Nửa khuya ra đứng tiền đình

Bóng trăng là một bóng mình là hai

Vườn thu hoa sót dăm đài

Tiếng chim oằn oại cuối trời mây đen

Trước sân sông nước êm đềm

Bèo kia chắc hẳn xuôi miền cố hương.






Một chỗ nhỏ nhoi nào


Người về cuối bãi đầu non

Tôi xin một góc nhà con phố cùng

Người về châu thổ một vùng

Tôi trong xó tối sống cùng nhân gian

Một ngày trần thế mau tàn

Phận tôi là đợt nắng vàng chiều hôm.






Cuối năm đi ca cổ

        • Gởi H.T.S

Tao ngồi ở giữa vòng vây

Mấy em gái tuổi chưa đầy hai mươi

Miệng tươi hoa súng nói cười

Tay nâng ly rượu mọc mời niềm vui

Cuộc đời đau đớn dần trôi

Tiếng ca lời hát ầu ơi ru lòng

Chiều phai rồi bóng hoàng hôn

Và đêm thì tối như chôn đời mình

Các em vui như vô tình

Giọt lệ nào đó đọng hình mắt tao

Càng vui càng buồn, tại sao?!



Cần Thơ, 3-2-2008




Thứ Tư, 26 tháng 8, 2009

Bộ sưu tập “đồ bỏ”




Người ta chơi đồ gốm sứ đời Minh, Thanh hoặc các loại hồng ngọc, lam ngọc, hoàng ngọc... nhưng ông thì lượm lặt những thứ được xem là chẳng có giá trị gì, bị ngay cả người Việt Nam coi thường, làm thành bộ sưu tập cho riêng mình, trở thành “tên tuổi lớn” trong làng chơi đồ cổ nước ta


Người đàn ông vừa bước sang tuổi lục tuần ấy có dáng người cao to, vạm vỡ. Ông sống trong căn nhà mà nhiều người dân thị trấn Cai Lậy (Cai Lậy, Tiền Giang) kêu là “biệt thự”. Ngôi nhà tường có sân rộng rãi với một số hoa kiểng của ông tọa lạc trong khuôn viên chừng 1.000 mét vuông. Buổi trưa, trời mưa tầm tã, chúng tôi ngỡ ngàng nhìn thấy nơi bậc tam cấp nhà ông để những thùng giấy, những khay nhựa, chẳng thứ tự gì, dường như chúng sắp được ông đem vứt bỏ. Đó là những tượng ông Địa nằm lộn xộn trong mấy cái thùng giấy chưa đậy nắp, mấy cái khay nhựa “lổn nhổn” những đồng tiền xu bằng kẽm, đồng này dính chặt đồng kia, có cái sứt mẻ, cùng vài ba xâu tiền nằm “cong queo” như tủi thân “đồ cổ” của mình. Thấy chúng tôi chăm chú nhìn có vẻ tiếc rẻ, ông chép miệng nói tỉnh queo: “Ba cái thứ đó ở Tiền Giang này cứ mà “đổ đống”. Theo lời ông, đó là những đồng tiền kẽm được đúc vào triều Nguyễn Gia Long. Triều Tây Sơn tuy ngắn ngủi nhưng số lượng tiền lưu hành trong dân còn nhiều lắm, dù người ta cho rằng Nguyễn Ánh đã tiêu hủy nó hết. Rồi ông khẳng định: “Tiền của nước mình có mặt chừng 1.000 năm trở lại. Đồng tiền quý là được đúc vào thời Hàm Nghi. Ông này chỉ làm vua có 8 tháng nên đúc tiền chẳng được bao nhiêu. Đã vậy những đồng tiền này đã bị nấu chảy để đúc thành đồng tiền khác khi vua Đồng Khánh lên ngôi. Điều này cho thấy, đồng tiền quý hay không không phải do niên đại mà là khó kiếm”. Chính vì vậy mà tiền kẽm bị ông bỏ lung tung rải rác trong hàng ba quanh nhà. Có lẽ đó là tiền kẽm Nguyễn Ánh cho đúc xài tạm bợ ở đồng bằng sông Cửu Long trên đường bôn tẩu quân Tây Sơn.


Không biết cái này có quý không mà ông phải vô buồng lấy ra. Đó là cái khung gỗ lên nước đen mun, một đầu cao do “gối” lên một bệ gỗ, đầu còn lại nằm sát đất. Khung gỗ ấy được khoét lõm bốn rãnh, mỗi rãnh vừa vặn bề hoành đồng tiền kẽm khi được xỏ xâu. Ông nói đó là cái thước đo tiền kẽm. Nhưng nói vậy là nói theo bây giờ, chớ khi xưa người ta gọi nó là “cái di”. Từ đầu này đến đầu kia của một “lõm” là nửa quan, tức 300 đồng tiền kẽm. Ông bảo nhiều người đọc tác phẩm Trương Vĩnh Ký thấy từ “cái di” mà chẳng hiểu là cái gì. Cũng dễ hiểu vì cái di đã không được sử dụng cả trăm năm nay, khi tiền xu, tiền kẽm đã trở thành giấy bạc.

Đồ gỗ ông chơi còn có rất nhiều bài vị thờ thần mà ông sưu tầm từ các ngôi đình ở lưu vực sông Cửu Long, trong đó có bài vị Thần Nông. Cũng bị bỏ trong các thùng giấy, nằm chồng sấp lên nhau. Cùng tình cảnh ấy là mấy bản in khắc gỗ, đặc biệt là bản khắc gỗ để in “cò bay ngựa chạy” bán trong ngày 23 tháng Chạp âm lịch để người dân cúng đưa ông Táo về Trời. Bản khắc gỗ này có hai mặt. Ông đưa cho chúng tôi xem một mặt, tay chỉ vào chân con ngựa, nói: “Đây là bản in cúng ông Táo vào năm đủ, con ngựa thong thả đi”. “Và đây là bản in dùng cho năm thiếu, con ngựa co giò phóng tới. Phải chạy cho nhanh vì năm đó ngắn quá”, ông trở mặt tấm bản khắc gỗ chỉ chúng tôi xem rồi cười sung sướng.

Bộ sưu tập gỗ của ông còn có mấy cái nọc cấy của người Khmer Nam bộ. Cũng nằm lăn lóc bên nhau trên chiếc bàn chứa đủ thứ thập vật, nơi hàng ba ngôi nhà. Tuy đã lâu năm không sử dụng, không biết ông có cầm nắm hay không mà cái nào cũng lên nước bóng láng dù đã phủ lớp bụi mỏng. Ông nói đồng bào dân tộc này có “hoa tay” lắm, vật dụng nào của họ làm ra cũng sắc sảo và xinh đẹp. Tuy nhiên về mặt tiện dụng thì còn khiếm khuyết. “Nọc cấy của người Việt khom lưng thấp, của người Khmer thì khom lưng cao, mà cao mau mỏi hơn thấp”, ông phân tích.

Trong gian phòng khách cũng bề bộn “hằm bà lằng” thứ, cái để trên bàn, cái nằm dưới nền gạch bông. Nơi góc tường bên trái phòng, treo lủng lẳng mấy cái tù và. Ông gỡ xuống. Tù và lớn có, nhỏ có, vừa vừa cũng có, đều đen mượt. Ông cầm một tù và lên và bảo đó là đồ giả, được làm bằng nhựa. Cũng đen bóng thấy mê. Tù và thật phải làm bằng sừng trâu. Ông cắt nghĩa: “Tù và, ốc và còi là những dụng cụ báo cho nhân dân ta biết điều gì đó xảy ra. Theo Huỳnh Ngọc Trảng, ở Quảng Nam người ta thổi tù và báo cho biết trong làng có đám tang. Đó là loại tù và nhỏ, có gắn lưỡi gà, nên thổi nhẹ. Còn ở trong Nam thì tù và cất lên báo hiệu cho người dân khởi hành ra ruộng cấy. Tù và Nam lớn, thổi rất nặng. Hồi Nam kỳ khởi nghĩa, tù và đã dõng dạc được cất lên. Năm 1989, kỷ niệm 40 năm ngày Nam kỳ khởi nghĩa, chỉ còn 1 – 2 vị thổi được tù và nhân ngày lễ này. Bây giờ, chẳng còn ai biết thổi tù và! Riêng thầy phù thủy đồng bào dân tộc Khmer thì thổi còi khi cúng kiếng. Khu vực Đông Nam Á, nhiều dân tộc dùng tù và. Tù và sừng trâu là biểu hiện nền văn minh lúa nước”, ông kết luận.



Bước sang lĩnh vực đồ đất nung, nhà ông “tràn ngập” những bức tượng ông Địa. Mỗi ông một dáng thế, một nét mặt, một nụ cười khác nhau. Ông nào cũng được tô vẽ lòe loẹt, tay phe phẩy chiếc quạt to bè với nụ cười rộng tới mang tai, trông vừa ngộ nghĩnh vừa vui mắt. Theo tư liệu, ông Địa còn được gọi là Thổ Công, Thổ Địa hoặc Thổ Thần, là một vị thần trong tín ngưỡng Á Đông, cai quản một vùng đất đai. Sống ở đâu thì có Thổ Công ở đó. Chính vì vậy mà dân ta có câu: “Đất có Thổ công, sông có Hà Bá”. Thường, trước khi bắt đầu công việc “động thổ”, như cất nhà, đào ao, mở vườn, mở ruộng, đào huyệt mộ..., người ta đều bày mâm cúng vị thần này. Ông Địa là cách gọi riêng của người Nam bộ. Do ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, nhiều nơi người ta còn gọi ông Địa là Thần Tài. Ông Địa được nhiều người xem là vị thần quan trọng nhất trong gia đình. Tổ tiên có công sinh thành dưỡng dục nên được tôn vinh nhất nên bàn thờ tổ tiên ở giữa nhà - vị trí quan trọng nhất; bàn thờ ông Địa ở bên trái ngay sát nền nhà - quan trọng thứ hai. Nhưng khi cúng lễ tổ tiên, người ta đều phải khấn Thổ Công trước để xin phép cho tổ tiên về. Mỗi sáng sớm, trước khi mở cửa hàng, người ta đều đốt một điếu thuốc lá gắn vào tay ông Địa, bày ly cà phê (đen hoặc sữa) trước mặt ông Địa rồi thắp mấy cây nhang thành kính mong cầu ông phù hộ làm ăn phát đạt. Cho tới nay, ông Địa vẫn còn được nhiều nhà trọng vọng thờ kính, nhất là những gia đình làm ăn, buôn bán. Và, tùy theo nơi sản xuất mà ông Địa có hình dáng khác nhau. Đó là điều hấp dẫn mà người sưu tầm khó lòng tìm cho “đủ bộ”.

Đồ đất nung của ông còn có nhiều loại đèn. Đèn chân cao xài bấc, đèn chân cao có dĩa đựng dầu. Đó là các loại đèn của người Tiều (Triều Châu) hoặc người Quảng (Quảng Đông, đều thuộc Trung Quốc) sử dụng, được sản xuất tại Lái Thiêu (Bình Dương). Hồi xưa, người ta xài dầu lửa, đặc biệt là dầu mù u. Để có loại dầu này, người ta đem trái mù u hấp rồi xắt nhỏ mới đem ép ra dầu. Lấy dầu này quết với bông gòn rồi quấn quanh cọng dừa, khi đốt cho lửa sáng, đặc biệt có mùi thơm dễ chịu.

Gia tài của ông không chỉ có những thứ “thường thường” như vậy, vì còn có nhiều bảo vật đang cất bên trong các căn phòng, dù ông nói mình không chơi những đồ quý giá, như gốm sứ. Bởi, ông còn “khoe” với chúng tôi nhiều bảo vật khác, như sắc vua Tự Đức phong cho Phạm Đăng Tuyên làm đội trưởng Quảng Ngãi, theo ý chỉ bà Từ Dụ; 4 bản Truyện Kiều, trong đó bản in năm 1872 là bản Nam xưa nhất; cùng nhiều sách cổ và “hằng hà sa số” những cổ vật khác mà chúng tôi ngờ chưa được ông tiết lộ.

Người có bộ sưu tập “kỳ quặc” ấy là ông Trương Ngọc Tường, sinh năm 1949. Mục đích sưu tập những thứ “đồ bỏ” ấy của ông là nhằm tạo cho mọi người ý thức bảo tồn giá trị văn hóa dân gian, “nắm” được cách ăn, thói ở và sự giao tiếp xưa đang dần mai một trước đà cơ khí hóa vũ bão hiện nay.


----------------

- Ông Trương Ngọc Tường và bức tượng ông Địa.

- Tiền kẽm và cái di đo tiền.

Thứ Hai, 24 tháng 8, 2009

Đà lạt đêm




Chiều xuống lạnh đồi nương
Chợt mưa rồi chợt nắng
Bản làng ơi xa vắng
Chìm trong màn đêm buông
*
Ngọn lửa rừng khuya nhắc
Điệu khèn ai nao lòng
Núi cao vời thông hát
Âm trầm giăng khói sương
*
Ơi sơn nữ K’Ho
“Vừa biết ca biết múa
Lại biết yêu anh nữa” (*)
Sao nỡ về Cần Thơ
*
Tiếng ca hòa tiếng trống
Tiếng cồng chiêng rực nồng
Yàng ơi người có biết
Đêm thiêng về đây không!



Đà Lạt, 9-11-2008
----------
Lời bài hát “Cô gái Tây nguyên đi làm thủy lợi”

Đà Lạt hoa



Về Đà Lạt giữa mùa hoa
Đồi cao lũng thấp nhạt nhòa mưa sương
Hoa trong vườn hoa trên tường
Và hoa nở cả bên đường cỏ xanh
Riêng em là hoa của anh
Nở thơm ngát cả mùa xanh cuối đời!



Đà Lạt, 8-11-2008

Nam Bộ - “vương quốc” mắm đồng




Miền Bắc nổi tiếng nhất với mắm tôm, mắm cáy, mắm rươi…; miền Trung phong phú với mắm nhum, mắm sò Lăng Cô, mắm ruột…; nhưng Nam Bộ mới chính là “vương quốc” mắm.

Dọc đường đi, bất cứ nơi nào, ở Nam Bộ, bạn cũng nghe mùi mắm đặc trưng phả thơm lừng trong không gian. Đó là mùi nước mắm mà hầu như ở đâu của địa phương này cũng đều có “hãng” sản xuất. Nước mắm nổi tiếng nhất ở Nam Bộ là “nước mắm hòn” (Phú Quốc) nhưng không vì thế mà lấn át được các hãng nước mắm trong đất liền. Trong khi Phú Quốc sản xuất nước mắm bằng nguyên liệu cá cơm thì trong đất liền ngoài ủ chượp loại cá này người ta còn làm nước mắm bằng cá linh đặc sản vùng tứ giác Long Xuyên. Hơn thế nữa, ở đây còn có loại nước mắm đồng, ngon không kém, được làm từ những con cá đồng.



Cũng làm thủ công dùng trong gia đình, dân miền Tây còn có đặc sản nước mắm cua đồng. Là động vật sống trong ruộng lúa, cua đồng dễ kiếm vào mùa mưa, nhất là khoảng tháng 9 tháng 10 Âm lịch. Cua đồng đem về nhà rửa sạch, giã nhuyễn, pha nước lạnh, lược lấy nước cua, trộn muối hột. Ủ 20 ngày sẽ có vị mặn dịu, hậu ngọt. Muốn nước mắm cua đồng thơm ngon thì thêm vài lát gừng hay ớt sừng chín đỏ. Nước mắm là dung dịch đạm mà chủ yếu là các acid amin được tạo thành do quá trình thủy phân protein cá (cua) nhờ hệ enzym protease có trong cá (cua). Nước mắm “thường” đã ngon mà nước mắm cua đồng lại càng ngon hơn. Nước mắm cua đồng giàu đạm, chất lượng hơn các loại nước mắm đã làm nên danh tiếng nước ta. Vì nước mắm cua đồng tươi múc ra chén tỏa mùi thơm, trong màu vàng ươm nổi lên lớp gạch cua bắt mắt. Nước mắm cua đồng ăn với bún và rau sống, ăn với cá kho thì ngon lắm. Nhưng tuyệt vời hơn, gặp ngày mưa rỉ rả, thức ăn khan hiếm, chỉ cần tô cơm nguội chan nước mắm cua đồng cũng thấy “đã” cái thần khẩu! Nhưng cầu kỳ hơn, tuyệt vời hơn là cách làm nước mắm cua gạch son của dân U Minh. Cua gạch son rửa sạch, cho vô hũ muối đúng 1 tuần, lấy ra đánh tan gạch cua với lòng đỏ trứng gà, đường. Một con cua chỉ làm được 4 chén nhỏ nước mắm. Loại này ăn với cái gì cũng ngon. Có lẽ vì vậy mà nó “õng ẹo”, chỉ ăn được vào ngày thứ bảy sau ủ chượp, sang ngày thứ 8 thì “vứt đi!

Ở Giồng Giếng (Ba Động, Duyên Hải, Trà Vinh) có nước mắm rươi - đặc sản tổ truyền. Từ tháng 10 đến tháng chạp Âm lịch, rươi nổi lên đỏ đặc mắt nước sông ven biển. Người địa phương dùng bất cứ dụng cụ nào “hớt” rươi về làm nước mắm. Tương truyền, khi Nguyễn Ánh lánh nạn về đây, được thưởng thức rồi mê mẩn nước mắm rươi luôn. Khi ông trở thành vua ngoài Huế, loại nước mắm sướng tê đầu lưỡi này trở thành “nước mắm ngự”.

Nước mắm Nam bộ còn phong phú trong cách ăn. Tùy theo món mà ăn với nước mắm cốt, nước mắm y hay nước mắm pha. Nước mắm pha cũng có nhiều kiểu cách tùy theo thức ăn. Thường người ta pha nước mắm với nước đun sôi để nguội, nhưng muốn có chén nước mắm pha “ra ngô ra khoai” thì phải dùng nước dừa xiêm. Dừa phải là dừa nạo, dừa non cho nước chua còn già rám thì nước chát. Nhưng nước dừa phải nấu cô lại trên bếp lửa liu riu mới ngon. Vừa đun vừa hớt bỏ bọt cho trong nước. Cầu kỳ là vậy để tăng thêm hương vị của món ăn. Món ăn dù ngon cách nào mà chén nước mắm trong hoặc chén nước mắm pha không đúng yêu cầu thì coi như chẳng còn “hồn vía” gì nữa!



Tham gia vào lĩnh vực nước chấm còn có con hàu. Loại nước chấm này mới có mặt ở Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) trong vài năm nay nhưng đã “hút hồn” khách sành ăn. Lấy thịt hàu sữa rửa sạch, để ráo, trộn với muối, ớt bột, rượu cùng một ít gia vị khác rồi cho vào chai, đậy kín nắp. Hai mươi ngày sau, phần thịt nổi lên mặt, phần nước có màu đỏ tươi, đó là nước mắm hàu. Càng ủ lâu, nước mắm hàu càng ngon. Nước mắm hàu được người Côn Đảo pha với tỏi, ớt, chanh, đường, ăn với các món cuốn bánh tráng…

Có lẽ nhờ vậy mà từ nhiều chục năm nay nước mắm của ta đã vang danh trên thị trường ẩm thực thế giới. Người ngoại quốc đã gọi “chính danh” nó là “sauce nuoc mam”, thậm chí đơn giản với từ “nuocmam”, chứ không dùng từ “fish sauce” hay “la saumure” như trước.

Cua đồng đâu chỉ làm nước mắm, người Nam bộ còn làm thành mắm. Để có mắm cua đồng, người ta nướng cua chín vàng, tách bỏ mai, yếm, ngoe và phổi. Trộn cua với một nắm hương nhu (lá é trắng), chút nước mắm nhĩ, chút bột ngọt cùng ớt thật cay. Có nơi người ta dùng cua sau khi làm sạch đâm nát trước khi trộn với các gia vị vừa nêu. Chỉ cần “độc diễn” mắm cua đồng thôi là bữa cơm nhà nghèo đã ngon căng bụng.

Cũng như vậy, mắm ba khía đúng chấu cũng giúp bà con nông dân có bữa cơm đạm bạc nhưng ngon và giàu dinh dưỡng. Ở U Minh, Rạch Gốc (Cà Mau), ba khía thường “hội” trong 3-4 đêm tháng mười Âm lịch. Ba khía bắt về rửa sạch, thả trong khạp nước muối. Độ mặn của nước muối quyết định chất lượng mắm ba khía, đòi hỏi người làm phải có nhiều kinh nghiệm, làm ba khía “tới”, để càng lâu càng ngon. Ăn ba khía “trơn” đã ngon nhưng ngon hơn và đúng “bài bản” thì phải dùng ba khía trộn. Ba khía rửa với nước sôi, tách mai, đập sơ hai càng trộn với chanh, đường, tỏi, ớt, khóm bằm, xoài xắt sợi, khế hườm xắt sợi, cóc sống đập dập. Không được phép ăn liền, phải để ba khía ngấm gia vị một ngày mới thưởng thức trọn vẹn cái ngon… cầu kỳ. Nếu gặp ba khía có đùm trứng, món này sẽ ngon, nhưng đâu thể sánh bằng ba khía gạch son (màu đỏ) hoặc gạch bùn (màu xám), cả hai thịt chắc, mút nhẹ thịt ba khía trong càng, trong ngoe chạy “tuốt luốt” vô họng, tuyệt vô cùng. Đâu đã hết, nước ba khía trộn dùng để chấm các món luộc là “số dách”. Cũng tinh túy như vậy, đối với bọn “nhóc”, ăn ba khía chỉ cần lấy cái mai trộn với cơm nóng là đã thấy đã đời cái bụng rồi!

Mắm ruốc Bà Rịa Vũng Tàu trứ danh với khách sành ăn từ hơn nửa thế kỷ qua. Con ruốc giống con tép nhưng nhỏ như cọng tăm, chỉ có ở biển vào mùa mưa. Ruốc lựa thật sạch, ướp muối bọt 1 đêm trước khi phơi. Phơi ba tháng cho ráo nước, đem ruốc quết thật nhuyễn, cho vào lu, phơi nắng mỗi ngày. 45 ngày sau chao đường rồi ủ tiếp trong lu. 30 ngày sau vớt ra thau phơi 10 ngày là xong. Mắm ruốc rất dễ ăn. Đơn giản là đánh với trứng chiên hoặc hấp. Chịu khó với món ngon thì xào với ba rọi, sả, ớt để giành ăn lâu ngày. Khi ăn chỉ “quệt” miếng dưa leo xắt.

Nói đến mắm thì phải nói tới Châu Đốc (An Giang). Gọi Nam bộ là “vương quốc” mắm là chưa đúng, phải nói Châu Đốc là “vương quốc” của thức ăn để lâu ngày này mới chính xác. Cứ vào giữa tháng 10 đến tháng 11 Âm lịch, chấm dứt mùa nước nổi, bà con địa phương này bắt tay vào mùa mắm mới. Với ngư cụ truyền thống, họ đánh bắt các loại cá: sặc, rô, lóc, chốt, trèn… nhưng nhiều nhất là cá linh. Ngoài bán ngay ra thị trường, số còn lại họ ủ mắm. Ủ với thính, cho vô khạp với nước muối nấu sôi để nguội, gài kín miệng, 4-5 tháng sau lấy ra, để ráo nước, trộn với đường thốt nốt là đã có mắm ngon. Mắm làm bằng cá gì thì gọi tên loại cá ấy.

Chợ Châu Đốc là nơi bán ê hề nhiều chủng loại mắm, nhưng nổi tiếng nhất là mắm thái. Mắm được làm từ thịt mắm lóc xé thành từng miếng trộn với đu đủ mỏ vịt xắt sợi với kỹ thuật riêng. Mắm thái là món dễ ăn nhất, có thể ăn với bánh mì nóng, xoài sống, sầu đâu hoặc ăn với bún, thịt ba rọi, tép luộc cùng rau sống cuốn bánh tráng chấm nước mắm pha. Loại mắm nổi tiếng này ngày xưa càng nổi tiếng hơn với tên gọi “mắm ruột”, chỉ làm toàn bằng ruột cá lóc. Vì hiếm và rất đắt tiền nên loại mắm này chỉ dành cho giới quý tộc, quan lại... Ở Cà Mau, cũng có loại mắm như vậy, gọi là mắm lòng. Sau chụp đìa, cá lóc làm khô, bỏ đùm ruột. Uổng, người ta dùng bộ đồ lòng này làm mắm. Lựa lòng và đùm trứng cá lóc lớn , rửa sạch, để ráo, ướp muối và thính rồi cho vô gáo dừa, đậy kín, trước khi nhận vô hũ mắm, cài chặt bằng sống lá dừa. Khi ăn, móc gáo mắm khỏi hũ, gắp ruột cá, phần trứng bóp tơi, để vô dĩa. Mắm ăn với rau thơm, bún, thịt ba rọi luộc, chén nước mắm giấm tỏi ớt cùng dĩa bánh tráng cắt đôi phun sương cho dễ cuốn. Loại này nay chỉ dành ăn trong gia đình hoặc biếu tặng người thân.



Từ mắm cá lóc, người ta “biến thể” thành vài món ăn khoái khẩu như mắm chưng. Đầu mắm cho vô tô cùng gia vị, hấp chín chấm dưa leo ăn ngon không tả. Ngon hơn, người ta dùng thịt mắm đánh chung với hột vịt, ba rọi bằm cùng gia vị, chưng cách thủy. Món này ăn với dưa leo, cà chua để tủ lạnh cũng tê mê răng cỏ.

Mắm mặn là lẽ đương nhiên, nhưng với đầu óc tinh nhạy và kỹ năng ăn uống “cấp cao”, người dân ở đây đã sáng tạo loại mắm chua, ít phổ biến. Để làm mắm chua, thường dùng 1 ký cá sặt hoặc cá chốt, làm sạch, ngâm trong thau nước vo gạo. Khoảng 2 tiếng đồng hồ sau, vớt ra rổ, để ráo khoảng 4 tiếng đồng hồ ở nơi có nắng. Sau đó đem trộn với khoảng 10 phần trăm muối cùng một ít riềng giã nhỏ, một chén thính, một ly rượu ngon, một viên men xiêm (loại men tán mịn). Mắm chua có mùi rất thơm, màu hơi xanh (không đỏ như mắm đồng), còn nguyên dạng con cá nhưng toàn bộ xương đã mềm. Mắm chua ăn kèm với vài trái bần hoặc vài trái ổi, thậm chí vài trái khế, vài trái chuốt chát, vài trái me xanh cũng được. Để tăng thêm hương vị và cho “dễ ăn”, nên có một nắm ớt hiểm xanh cùng một chai rượu đế để “hâm nóng” câu chuyện giữa bạn bè trong mâm. Gắp một con mắm chua cho vào miệng, cắn trái ớt hiểm và miếng ổi, nhai nghe vị mặn chua hòa trên mặt lưỡi. Rót ly rượu đế sủi tăm, đưa lên mội làm “cái trót” thì thật là ấm lòng.

Mắm nêm, mắm tép, mắm cá linh, mắm cá chốt, mắm sặt cũng đều là những thực phẩm để ăn lâu ngày của người dân vùng sông nước. Ngoài ăn sống, mắm sặt, cá linh còn được người ta dùng để nấu canh, xưa gọi là mắm kho , nay là lẩu mắm - một cuộc cách tân trong mỹ vị pháp của con người. Lẩu mắm lúc nào cũng nóng, làm cho thực phẩm đã pha chế luôn dậy mùi thơm của gia vị. Lẩu mắm là một sự ê hề những thực phẩm được phối hợp từ những con vật sống trên bờ (heo), dưới nước (ốc, lươn, tép, các loại cá: ba sa, ngát, bông lau...), và cả biển khơi (mực). Nhưng, ăn thuần những món này dù ngon cũng chỉ mới ngon một nửa. Cho nên lẩu mắm đòi hỏi cần phải có sự đa dạng của những “ngọn cỏ cọng rau” quê hương. Một dĩa rau đầy vun những càng cua, rau dừa, rau nhút, cải xanh, hẹ, rau đắng, cù nèo, rau mát, đọt chiết, khổ qua... làm bật nổi cái màu trắng đục sữa của những cọng giá mập mạp, cái màu trắng mịn màng của những cánh bông so đũa “khép nép” nằm ở một góc và “tràn” lên trên hết là cái màu vàng ngọt mắt như nắng phương Nam của những bông bí rợ, bông điên điển. Một tổng hợp rau phong phú được cho vào nồi mắm sôi ùng ục, liệu chừng hơi heo héo thì gắp ra, nhai... Lắng nghe cái ngọt của rau này hòa lẫn vị đắng của rau kia, lại điểm xuyết thêm cái cay nồng mà thơm của anh chàng ớt hiểm xanh sẽ khiến bạn ăn mê mệt. Vừa hít hà vừa đổ mồ hôi. Vâng, ăn lẩu mắm mà không đổ mồ hôi là... chưa “phê”. Bởi, nó là một món ăn giải nhiệt đại tài.

Ngoài “mắm nội”, người dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long còn dùng “mắm ngoại” - mắm prò-hóc của đồng bào Khmer Nam bộ. Loại mắm này đã làm nên danh tiếng món bún nước lèo Trà Vinh, Châu Đốc, Sóc Trăng, Cà Mau – dù mỗi địa phương cách nấu nướng mỗi nơi một kiểu. Không như Sóc Trăng và Cà Mau, Trà Vinh thì nấu nước lèo với prò-hóc làm từ mắm biển. Bún nước lèo Trà Vinh chính cống không ăn với thịt heo quay, tôm, bánh cống như hai địa phương bạn. Nhìn tô bún chỉ thấy toàn rau ghém và bún, vì thịt cá lóc đã đâm nát quậy nấu chung với nước lèo. Coi đơn điệu vậy mà ngon. Cũng với mắm prò-hóc này, dân Cầu Kè (Trà Vinh) còn có món canh sim lo nấu với bình bát (hoặc lá, nhất là bông ưng-à-co - mỏ quạ) với cá lóc, tép, nấm rơm, măng tre. Sim lo còn được nấu với bầu, rau đắng đất (hoặc rau đắng đồng). Món này ăn nóng với cơm nóng hoặc bún sẽ là một món mặn mà, khoái khẩu, khó quên…

Chưa hết, người ta còn dùng dưa gang, củ cải trắng, dưa leo nhận trong hũ mắm để có thức ăn vừa giòn vừa thơm đậm mùi đồng quê dân dã, gọi là dưa mắm. Dưa mắm làm bằng củ cải trắng, dưa leo thì ăn suông, còn dưa mắm làm bằng dưa gang ngoài ăn suông người ta còn ăn chung với thịt ba rọi xào cùng gừng xắt sợi. Các món ăn này khiến bữa cơm gia đình “hao” thấy rõ!

Câu chuyện vế mắm Nam bộ còn dài, xin mượn câu nói xưa để tạm kết luận bài viết này: “Người ta có thể tách bước rời khỏi quê hương nhưng không thể tách trái tim mình khỏi quê hương được!” thành: “Người ta có thể tách bước rời khỏi quê hương nhưng không thể tách mùi mắm khỏi tâm thức mình được!”./.