Hồi nhỏ tôi thường nghe người lớn ta thán: “Khuất mày khuất mặt ăn đại” để chỉ cảnh “cơm hàng cháo chợ”. Hơn nửa thế kỷ sau, việc vệ sinh an toàn thực phẩm chẳng những không bị ngăn chặn, trái lại ngày càng phát triển thêm hơn đến nỗi “ăn gì cũng sợ!”.
Buổi sáng, ra hàng quán ngồi với tô bún riêu, tô hủ tiếu, tô phở hoặc dĩa cơm tấm nóng hổi với những lát thịt bày biện ngon mắt. Những lát thịt tươi rói cùng những sợi bún, sợi hủ tiếu, sợi phở trắng ngần, óng ả nhưng ai biết chúng được làm đẹp và giữ lâu ngày nhờ ướp formol! Ăn xong, nhâm nhi ly cà phê đen. Vẫn là vị cà phê đắng ngọt nhưng sao biết được đó chỉ là “tinh” chứ không phải cà phê nguyên chất.
Buổi trưa không về nhà ghé quán cóc ăn bậy dĩa cơm. Quán khang trang lịch sự hay xập xệ cũng đều là những nơi chất chứa hiểm nguy cho dạ dày, dù ai cũng khen ngon. Không ngon sao được khi thịt tươi, rau cải xanh dờn, dưa chua giòn rụm… Để rồi một hôm đọc báo mới hãi hùng. Mỡ động vật không rõ nguồn gốc bị quản lý thị trường Hà Nội bắt, phần mốc meo, phần đầy giòi bọ. Khi truy nguyên chủ số hàng không nói mục đích sử dụng nhưng ai cũng biết số hàng thậm mất vệ sinh này được tiêu thụ ở nơi nào. Rồi thịt heo, thịt gà, thịt vịt ế chợ, để lâu ngày được ướp phân urea nhằm bảo quản sắc độ tươi ngon, vào tay các hàng quán trở thành những miếng sườn nướng, cánh gà chiên vàng hươm, vịt kho gừng ngậy mỡ ăn đã thèm.
Cánh đàn ông thường tụ bảy tụ ba nhậu nhẹt. Mồi nhậu từ thịt cá. Thịt đã vậy, nên cá cũng đâu thoát khỏi bàn tay “nhào nắn tuyệt vời” của “thương trường”. Độc nhất là thịt rừng. Thứ đặc sản này lúc nào cũng là mồi nhậu rất “bắt”. Càng “bắt” bao nhiêu càng đưa chất độc vào cơ thể nhiều bấy nhiêu. Ai cũng biết thịt rừng được cánh thợ săn ướp uréa chôn giấu tại chỗ hàng nửa tháng trời để rãnh tay đi săn tiếp. Khi thu hoạch nhiều họ trở lại từng nơi đào lên đem về tiêu thụ. Sợ thịt rừng ăn nem cho chắc. Cũng dính. Cơ quan quản lý thị trường thành phố Cần Thơ đã từng bắt giữ một xe chở nhiều bao da heo mốc meo cung ứng cho một cơ sở làm nem địa phương. Tại thành phố này trước đây cơ quan quản lý thị trường còn phát hiện một cơ sở sản xuất thịt chà bông bằng giấy carton đánh tơi ướp gia vị. Dân ăn nhậu thưởng thức món “chỉ bông gòn da cá sấu” (chà bông khổ qua) cứ nức nở khen ngon. Rượu đưa cay cũng vậy. Tốt lắm là pha tinh một loại trái cây với cồn cao độ. Nhưng tệ hại hơn người ta chỉ cần bỏ vài ngàn đồng đã có một bịch “bột thần kỳ” pha 20 lít nước lạnh cho ra rượu gạo hoặc rượu nếp theo yêu cầu với giá hợp túi tiền. Bảo đảm nâng ly uống xong ai cũng chép miệng đánh khà khoái tỉ.
Kể sao xiết sự dối lừa trong chế biến thức ăn của hàng quán nhằm nâng cao lợi nhuận.
Thôi thì ăn cơm nhà. Nhưng vẫn không sao thoát được vệ sinh thực phẩm mất an toàn. Miếng thịt, con cá, đều đã nhiễm độc, do nguồn thức ăn và môi trường sống của chúng. Sợ quá ăn chay. Rau xanh ngằn ngặt không một con sâu là thứ đậm đầy hóa chất diệt côn trùng. Tàu hũ ngon nhờ… hàn the. Nước tương cũng đầy hiểm họa. Vụ “nước tương đen” ầm ĩ một thời khiến ai cũng kinh hoàng vì đã nuốt phải chất 3-MCPD, tác nhân gây ung thư. Ngay cả gạo cũng chẳng còn bổ béo gì, chúng có mặt nhờ thuốc trừ sâu và phân hóa học. Nước uống đâu không thoát khỏi “vòng vây nguy hiểm”. Cẩn thận, uống nước tinh khiết. Có dịp đi tới “hóc bà tó” nào cũng thấy có cơ sở sản xuất loại nước này. Nhưng cơ quan chức năng đã phát hiện khá nhiều nơi đóng chai nước tinh khiết là thứ chẳng khiết và tinh. Càng nói càng kinh sợ. Nhưng không lẽ không ăn, không uống? Thôi thì bắt chước ông bà than câu: “Khuất mày khuất mặt ăn đại!”. Bệnh việc đầy nghẹt người có lẽ vì các nguyên dân trên, bao giờ trời kêu thì mình… “dạ”!./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét