Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2009

Lan man “tự chế”




Đầu tháng 8-2009, chiếc xe bánh mì “Ba Cô” đã bị công an An Phú “bắt”. Đó là chiếc xe có thùng kiếng đặt trên 2 bánh xe đạp gắn liền với bánh xe đạp phía sau bằng sườn sắt có yên ngồi. “Ba cô” không ngồi mà chỉ đẩy xe đi trên đường. Vài ngày sau, dân ăn bánh mì sành điệu ở quận Ninh Kiều (thành phố Cần Thơ) ngơ ngác khi nhìn Ba Cô có xe bánh mì mới, lạ hoắc, là chiếc xe có thùng kiếng hình chữ nhật đặt trên bốn bánh nhỏ cỡ chiếc dĩa tròn. Dù là xe mới nhưng Ba Cô không dám đẩy trên đường, chỉ để trong khuôn viên Nhà Văn hóa thiếu nhi quận Ninh Kiều. Bởi, chiếc xe mới cũng “sẽ tịch thu bán phế liệu, sung công quỹ” nếu “tham gia giao thông”, vì nó vẫn là xe “tự chế”.

Theo quy định, xe tự chế gồm các loại: xe ba gác, xe lôi đạp, xe lôi máy, xe đẩy…, từ ba bánh trở lên. Nói “xe tự chế” nhưng thực ra những chiếc xe này đâu phải ai cũng có thể “chế” được để sử dụng trong cuộc mưu sinh của mình. Mà, những chiếc xe này đã được bàn tay của khá nhiều người thợ của một xưởng cơ khí nhỏ, gọi là “tiệm sắt” sản xuất. Xưởng cơ khí này có giấy phép cơ quan chức năng cấp và đóng đủ các loại thuế cần thiết để được kinh doanh. Xe “tự chế” đã có mặt ở miền Nam Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ nay, góp phần tốt đẹp vào việc giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người, đóng góp công sức không nhỏ trong việc vận chuyển người và các loại hàng hóa.


Từ hàng ngàn năm qua, ghe xuồng đã có mặt trên khắp các sông ngòi, kinh rạch Nam Bộ, góp công rất lớn trong việc phục vụ đời sống người dân vùng châu thổ sông Cửu Long. Chúng được ra đời từ các “trại ghe”. Mà những trại ghe này chỉ đóng những chiếc xuồng, chiếc ghe theo kinh nghiệm truyền đời của ông bà với những người thợ làm việc lâu năm. Những trại ghe này đâu chỉ đóng những chiếc ghe đi sông, mà còn cung cấp cho con người những chiếc ghe to lớn, gọi là “tàu” chuyên chở hành khách, ghe chài chở lúa gạo, kể cả những chiếc “tàu cây” ra cả biển khơi đánh bắt hải sản… Theo quan niệm cơ quan chuyên ngành, đó vẫn là những chiếc ghe, chiếc xuồng “tự chế”.

“Tự chế” còn có mặt ở cả những chiếc cầu do những người nông dân “dốt nát” miệt An Giang xây dựng nhiều nơi bắc qua các con kinh rạch của nhiều địa phương. Những chiếc cầu xinh xắn, không biết có đúng kỹ thuật không nhưng chắc chắn vì thấy người và xe cộ qua lại hàng chục năm nay không bị sự cố gì. “Tự chế” còn thấy ở những con đường nông thôn bằng xi măng cốt thép. Những con đường nhỏ bé nhưng nhiều tiện lợi này đã giúp vực dậy vùng nông thôn sâu, nối liền nó với những thị tứ, thị trấn, thị xã, thành phố lớn, do những người “thợ hồ” một nắng hai sương đổ mồ hôi lao động làm thành chứ không do một kỹ sư cầu đường nào thiết kế, bắt tay thực hiện.

Hiểu theo cách đó, “tự chế” có mặt hình như khắp các “hang cùng ngõ hẻm” ở nước ta. Từ hàng bao nhiêu năm nay, báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình đã đưa tin, viết bài ca ngợi những “nhà sáng chế không bằng cấp”. Ta đã biết những anh “Hai Lúa” ở Tiền Giang chế ra dụng cụ bao và cắt trái cây chỉ cần đứng dưới đất mà không phải leo lên cây. Ta cũng biết ông Nguyễn Văn Lang chủ cơ sở Tư Sang ở khu phố Cầu Xéo (Hậu Thành, Cái Bè, Tiền Giang) đã từng nghĩ và làm ra chiếc máy gặt đập liên hợp. Ta cũng đâu thể quên ông Văn Đức Quynh người thôn Long Hưng (Hải Phú, Hải Lăng, Quảng Trị) là người sáng chế máy tách hạt bắp mini. Không thể không nhắc tới nông dân Trịnh Văn Thành ở ấp Liên Hiệp 1 (Xà Bang, Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu) đã thành công trong việc làm chiếc lò sấy ca cao. Rồi anh nông dân Hoàng Văn Chủ ở xã Quảng Hồng (Lạng Sơn) tuy mới học tới lớp 4 nhưng đã thiết kế ra máy xắt rau. Và, còn biết bao người “chân lấm tay bùn”, chữ nghĩa“khôngđầy lá mít”, không được đào tạo bài bản, chưa có lý thuyết về cơ khí và chế tạo máy, đã lao tâm khổ tứ bền bỉ chế tạo nhiều loại máy phục vụ bản thân, bán rộng rãi cho nông dân.

Nếu theo quan niệm nêu trên thì những chiếc máy góp phần làm tăng năng suất lao động, giải phóng sức người này chẳng qua chỉ là những chiếc máy “tự chế” vì không do một cơ sở quy mô sản xuất và có bản đồ thiết kế chi tiết mang tính khoa học của kỹ sư cơ khí. Tuy nhiên các loại thiết bị này vẫn được phép hoạt động vì không gây ra tai nạn như các loại xe “tự chế”. Nhưng quy trách nhiệm này cho xe “tự chế” là hơi quá đáng, bởi gây ra tai nạn giao thông chủ yếu là do ý thức người điều khiển phương tiện chứ đâu phải do phương tiện. Nhìn ra thế giới, xe “tự chế” vẫn chạy đầy đường, nhất là các nước châu Á. Xe lôi, xe ba gác tại các quốc gia này đâu có chở hàng “cao như núi” và chạy “bất kể chết” như ở nước ta.

--------------------

Không có nhận xét nào: