Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2010

“Gió bụi” Tây Nguyên – miền Trung

Đoàn nhà văn TP Cần Thơ vừa tổ chức chuyến đi thực tế sáng tác tại một số tỉnh Tây Nguyên – miền Trung với 19 anh chị, do nhà thơ – nhà văn Lê Minh Phán làm trưởng đoàn, nhà văn – nhà thơ Phương Huy (tác giả văn bia Đồ Chiểu) phó đoàn. Xin ghi lại một vài kỷ niệm trong chuyến đi gọi là giúp vui bạn đọc.


Lạc đường vào Phước Long và…
Rời Bình Dương, xe “ngon trớn” đi vào Phước Long (Bình Phước). Ghé quán cà phê vừa nghỉ ngơi giải khát vừa hỏi đường đi Ban Mê Thuột. Vậy là phải lộn ngược mấy chục cây số đường nên tới Buôn Ma Thuột đã tối lắm rồi, khiến cô nhân viên của Hội Văn nghệ Đăk Lăk đứng ngồi không yên vì chờ đưa đoàn đến khách sạn. Tại khách sạn có anh chàng phụ trách một gian hàng. Anh ta mời đoàn nếm thử hương vị cà phê, đặc biệt rượu Ama Kông. Thậm chí còn chỉ dẫn cách ngâm thuốc với 20 lít rượu, ngâm thêm 200 gam chuối hột khô để có mùi đặc trưng của nó. Nhật Hồng trổ tài sao đó mà khi lên xe ra tiệm ăn, mặt mày hớn hở với chai rượu Ama Kông vừa mới được anh ta tặng để tiếp thị “trực quan” với đoàn mà người đầu tiên sẽ mua là Nhật Hồng.

Sáng hôm sau, Lê Khôi Nguyên, Phó chủ tịch Hội, Tổng biên tập Tạp chí Chư Yang Sin, đưa đoàn đi tham quan mộ vua voi Khun Yu Nốb và Buôn Đôn. Anh chị hào hứng đi cầu treo, còn cưỡi voi thì chẳng thấy ai leo lên lưng con vật khổng lồ này dù trước đó có nhiều vị nôn nao ao ước. Giá cưỡi voi tới 80.000 đồng/3 người/chuyến 15’. Ngay cả cơm lam đặc sản nơi đây cũng chẳng mấy ai “rớ” dù rất muốn thưởng thức! Có lẽ vì ăn sáng và mua vé tham quan tự túc nên ai cũng “thủ” túi tiền. Bù lại, anh chị được anh Khôi Nguyên “đãi” “đại tiệc” kiến thức về tên núi, tên sông, cùng nhiều chuyện về cái buôn “khổng lồ” này. Trên đường đi, nghe Khôi Nguyên kể sự tích “ly kỳ” của Ama Kông, nhất là “dược diệu” nổi danh của ông chỉ là rễ và lá cây bậy bạ cùng một số dâm dương hoắc Nhật Hồng tá hỏa tam tinh, mừng húm vì không phải mất 70.000 đồng mua 1 thang về ngâm rượu uống cho bà xã khen. Từ đó, anh có biệt danh “điếm vườn” vì lừa được “điếm núi” là anh chàng phụ trách gian hàng của khách sạn hết sức tía la mồm miệng kia.
Khi tham quan Nhà Bảo tàng dân tộc tỉnh Đăk Lăk, anh chị ai cũng “bần thần” trước 2 cây long não khổng lồ trong sân rộng bao la, có lẽ nó có mặt tại đây từ khi Bảo Đại chưa xây dựng biệt điện để nghỉ dưỡng nơi vùng đất Tây Nguyên này.

Buổi trưa, Khôi Nguyên nhiệt tình đưa đoàn tham quan vài điểm nữa, nhưng may quá, mới 13 giờ, chưa ai đến làm việc. Đoàn “phấn khởi” lên đường đi Pleiku (Gia Lai), lẽ ra đi Kontum,. Lý do: trước đó, Lê Chí biết được kế hoạch này nên đề nghị ghé Pleiku hay hơn, nhất là tham quan Ialy. Xe bon bon tới “thủ phủ” của Hoàng Anh Gia Lai, được Hội Đăk Lăk gọi điện giới thiệu trước, nên cô nhân viên Hội Văn nghệ Gia Lai đón đưa đoàn đến nhà khách Thanh Niên. Sau bữa cơm thân mật, anh em được cô đưa đi uống cà phê “ngon nhứt Pleiku”. Ai cũng khen, nhưng đều than đi về xa quá. Sáng hôm sau mới biết mình đi lạc đường, vì từ quán cà phê về nhà khách chẳng bao lăm!

Ialy với hồ nước bao la, nhất là cầu đập tràn “vĩ đại”, hẻm núi sâu hun hút, dù mùa này nước rất cạn. Vào đường hầm (dài 500m, rộng 4m) tham quan tổ máy mới thấy sức lực con người quả là đáng nể. Và tiền của đổ vào đây cũng thuộc hạng “kinh hoàng”.

Đêm vui “quá ể”
Tới Kontum khi trời còn nắng nóng, anh chị tranh thủ… giặt đồ, sau khi ổn định nơi nghỉ. Hội Văn Nghệ Kontum cử người đưa đoàn tham quan ngục Kontum, nhà thờ gỗ, cầu treo Konklor, uống cà phê Eva. Buổi cơm chiều diễn ra trong không khí thân tình do Hội bạn đãi, với sự hiện diện của Chủ tịch Hội Hữu Kim, Tạ Văn Sĩ… Buổi tiệc cũng hoành tráng, đặc biệt rất giống 2 hội Đăk Lăk và Gia Lai là có món cơm ăn với canh cua cà pháo mắm tôm. Bia uống nhiều hứng khởi nhờ có hai nhà thơ nữ trẻ của địa phương là Hồng Thủy Tiên và Doãn Mãi. Bữa cơm tưởng vậy nhưng vẫn tiếp tục khi Hữu Kim, Tạ Văn Sĩ cùng Hồng Thủy Tiên kéo đến nhà nghỉ… nhậu tiếp. Đặng Hoàng Thám, Nhật Hồng, Nguyễn Trung Nguyên và tôi đãi bạn rượu thuốc mang theo từ Cần Thơ với sầu riêng núi mua ở chợ Kontum, Hồng Thủy Tiên mút sầu riêng ngon ơi là ngon. Rượu vào… thơ ra, Tạ Văn Sĩ đọc thơ lia lịa. Chưa đã… ngứa, Hữu Kim mời tất cả đi ăn cháo gà… “giảm cải”. Lại nhậu tiếp mấy chai Vodka Hà Nội. Say túy lúy, về khách sạn mới có… 3 giờ khuya.

“Sự cố” sông Hương
Tới Huế qua con đường Trường Sơn hoành tráng với nhiều cung đường đẹp vô cùng vậy mà chẳng được dừng lại chụp tấm ảnh nào. Qua hầm Hải Vân, tới khách sạn, do Hội Văn Nghệ Thừa Thiên – Huế giới thiệu, lúc xế chiều. Xe vừa ngừng đã thấy Võ Quê, qua điện thoại với Nguyễn Ngọc Tuyết biết đoàn sắp đến, đứng chờ với 2 chai Coca Cola đầy rượu làng Chuồn đặc sản quê anh. Võ Quê báo sẽ chiêu đãi đoàn đặc sản văn hóa ca Huế trên sông Hương vào tối mai rồi từ giã ra về chăm sóc bà vợ đau nặng nhiều tháng qua. Tối đó anh chị túa đi xem một vài nơi như cầu Trường Tiền, chợ Đông Ba, cầu Gia Hội… Sáng hôm sau tham quan lăng Tự Đức, Khải Định, Đan viện Thiên An (nhà thờ Hầm), chiều thăm chùa Thiên Mụ và Đại Nội. Có lẽ sợ thăm Đại Nội mất nhiều thời gian nên, theo Nguyễn Ngọc Tuyết, phó đoàn bảo chị hồi chuyến ca Huế trên sông Hương với Võ Quê. Phó đoàn thì bảo mình mệt nên nhờ Nguyễn Ngọc Tuyết báo với Võ Quê anh vắng mặt (?). Còn Nguyễn Ngọc Tuyết thì bảo phó đoàn nói như vậy có Lâm Thị Thanh Hà, Trúc Linh Lan nghe. Còn phó đoàn thì bảo nhờ Nguyễn Ngọc Tuyết xin lỗi Võ Quê ông không đi được. Buồn cười là sau khi thăm Đại Nội về, xe vẫn cứ tới bến đò Lê Lợi để xuống thuyền nghe ca Huế. Trưởng đoàn cùng một số người đứng chờ “sái cổ”, cuối cùng mới biết chương trình bị “xù”, lủi thủi về khách sạn.

Cứ tưởng Võ Quê giận, nhưng không, khi anh chị thân thiết với nhà thơ cố đô này mời nhậu chia tay lúc 19 giờ, Võ Quê vẫn tới. Để bày tỏ tình thân, Nguyễn Ngọc Tuyết, vẫn sợ Võ Quê từ chối, phải nói rất khéo về số tiền anh chị trong đoàn góp gọi là giúp bà xã anh trị bệnh. “Tiệc” toàn món Huế: bánh nậm, bột lọc, bánh bèo, đặc biệt bánh khoái… ăn với rau tươi và trái vả, nhậu với bia Huda. (Nhắc Huda mới chợt nhớ ông trưởng đoàn chỉ tấm bảng quảng cáo hỏi tài xế Huda là gì!). Tình thân bè bạn giữa Võ Quê với Lê Chí, Nguyễn Ngọc Tuyết, Trúc Linh Lan và tôi vốn có từ lâu nên “sự cố” nhỏ nhoi ấy chẳng hề chi. Chung vui và chung tiền đãi Võ Quê còn có Lâm Thị Thanh Hà, Đặng Hoàng Thám, Nhật Hồng và Nguyễn Trung Nguyên. Tiệc nhậu đã vui càng vui hơn khi Võ Quê đãi “đặc sản” là “ca Huế trong quán cóc” với “Tương Tư Khúc” do anh sáng tác, Chầu văn… Dù đã trộng tuổi nhưng giọng ca của anh vẫn cuốn hút bạn bè, nhất là bốn thành viên mới: Lâm Thị Thanh Hà, Đặng Hoàng Thám, Nhật Hồng và Nguyễn Trung Nguyên…

Cô đơn… trên đỉnh Bạch Mã
Trên đường rời Huế, Võ Quê gọi điện bảo Hội Văn Nghệ Thừa Thiên – Huế cử người đón đoàn hôm qua, sao chẳng thấy. Theo một vài người thì trưởng đoàn nói tưởng Võ Quê là Chủ tịch Hội đến đón nên không liên lạc với Hội! Trên đường, trưởng đoàn thăm dò ai đi Bạch Mã thì giơ tay, rồi nói: “Chỉ có mình anh Lê Chí”, nên cuộc “du sơn” bị hủy. Lê Chí hậm hực: “Hồi tối nhiều người đồng ý đi Bạch Mã vậy mà khi biểu quyết chỉ có mình tui!”. Té ra, anh là “bạn” của Võ Quê. Vì, trước kia, Võ Quê cũng đã từng bị “cô đơn” trên đồi Vọng Cảnh như vậy. May là Lê Chí không bị cho “về hưu sớm” như Võ Quê! Chợt nhớ, trên đường từ Kontum đi Huế, Lê Chí đề nghị ghé thăm hoặc nghỉ đêm Măng Đen. Bị… tài xế từ chối vì đường xấu, xe lớn không vô được, dù Lê Chí đã hỏi kỹ Tạ Văn Sĩ và được Hồ Thanh Điền (An Giang) đã lâu cho biết đường rất dễ đi. Vậy là “thiên đường biến mất” ngay trước mắt.

Xe bon bon lướt qua phá Tam Giang nổi tiếng ngay sát bên đường, mà ghé “vũng” gần Lăng Cô “để anh chị chụp hình”, rồi lướt qua đèo Hải Vân không thèm biết bãi biển Lăng Cô tráng lệ nằm bên dưới kia. Nếu ai hỏi cố đô còn gì sẽ “nhờ” “Trung niên thi sĩ” Bùi Giáng “kính cẩn” trả lời: “Dạ thưa xứa Huế bây giờ/Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”!

Ghé đỉnh đèo Hải Vân. Anh chị háo hức chụp hình “Đệ nhất hùng quan”. Tới Đà Nẵng, lấy phòng. 12 giờ 30 phó đoàn kêu đi ăn, dù đã báo 13 giờ. Xuống xe, trưởng đoàn nghe nói ăn xong đi Hội An, bèn lật đật trở lên phòng lấy đồ! Thăm làng đá mỹ nghệ Non Nước, Hội An, trở về, tài xế ghé bãi Mỹ Khê để đoàn tắm biển. Nhưng chẳng ai tắm vì có ai biết để mang theo đồ tắm.

Buổi tối, Lê Chí hẹn gặp Thanh Quế. Lê Chí cùng Nguyễn Ngọc Tuyết, Trúc Linh Lan, Đặng Hoàng Thám, Nhật Hồng, Nguyễn Trung Nguyên và tôi ra quán bình dân nhậu bia với hải sản. Thanh Quế nói liên tục đủ mọi chuyện trên đời, vừa nói vừa lấy tay kéo sụp lưỡi trai chiếc nón vừa hất nó lên. Ông bảo Hội Nhà Văn nên mời người viết vào, không nên chọn lựa như lâu nay, ai sống được thì sống, còn không thì bị tiêu vong theo quy luật. Đặc biệt thú vị là ông không biết sử dụng máy vi tính, điện thoại chỉ nghe và gọi, ai nhắn tin cho ông là “ngu lắm”!

Sáng, tài xế đưa đoàn tới Hội An, chạy loanh quanh rồi hướng thẳng tới Vĩnh Điện… ăn sáng. Anh chị chê mì Quảng ở đây quá tệ. Sao không ăn mì Quảng hoặc cao lâu ở Hội An? Ghé Mỹ Sơn. Những đền tháp hoang tàn vẫn cho thấy nét tráng lệ xưa của nó. Đặc biệt sướng mắt sướng tai khi được thưởng ngoạn văn nghệ Chăm, nhất là màn múa Apsara hấp dẫn.

Tới Quy Nhơn, sáng thăm mộ Hàn Mặc Tử, trên đường tới Tuy Hòa (Phú Yên), ghé Gành Đá Dĩa. Đẹp hết hồn. Khi ăn trưa quán Thạch Sanh. Thấy viên đá trứng bự cỡ chiếc gối đặt trên chậu kiểng, Nhật Hồng “chíp” trong bụng. Ăn xong đến gặp chủ quán, tỉ tê “chiêu” “điếm vườn”: Nhà anh có nhiều kiểng đẹp quá, xứ tôi cũng có. Nhưng xứ anh đá nhiều còn xứ tôi không có. Anh có thể cho tôi xin viên đá kia làm kỷ niệm. Ông chủ quán hỏi ý cậu con trai. Anh ta ngần ngừ, ông thúc cho đi, mình ở đây dễ kiếm hơn ông anh miền Tây yêu đá xứ mình. Cậu con đồng ý, khiêng lên xe theo lệnh cha anh… Tối, Hội Văn Nghệ Phú Yêu đãi đoàn tại Trung tâm giải trí & sinh thái Thuận Thảo – một “đại gia” địa phương – với “kính thưa các loại bánh” cùng bia. Chủ tịch Hội Văn Nghệ Phú Yên Nguyễn Ngọc Quang cùng Phó chủ tịch Hội Huỳnh Thạch Thảo tiếp đoàn. Xôm tụ hơn là cô Diệu Trang và cô “Nhậm Doanh Doanh” văn phòng “tiếp bia”. Nhắc Trần Huyền Ân (Trần Sĩ Huệ) mới biết “Nhậm Doanh Doanh” là con ông.

“Sống sót trở về”
Sau khi thăm Tháp Nhạn, Nguyễn Trung Nguyên rủ Đặng Hoàng Thám, Nguyễn Hồng Chuyên, Thành Nam “tiếp rượu” trả lễ Huỳnh Thạch Thảo. Chưa “đã”, ba mạng này kéo nhau đi karaoke. 12 giờ khuya, Đặng Hoàng Thám “sống sót trở về” báo cáo: Karaoke 95.000 đồng/giờ, bia Sài Gòn 20.000 đồng/chai. Tiệm có 3 em miền Tây đẹp não nùng. Hát một hồi, Thám “lặn” xuống đất, bảo vệ hỏi đi đâu, bảo đi toillet, hỏi sao không đi trên đó, bảo tao muốn đi đâu thì đi. Thấy bảo vệ mặt mày bặm trợn với mấy con chó berger hì hợm, Thám hoảng hồn nói mai tao đi công chuyện sớm chớ không phải đi chơi, cho tao ra. Không hiểu sao Thám qua lọt dãy hàng rào cao 2-3m của tiệm karaoke về phòng. Mừng quýnh!

Chia tay Phan Thiết
Tới Phan Thiết (Bình Thuận) vào lúc hoàng hôn. Ghé Hội Văn Nghệ Bình Thuận, được hướng dẫn tới khách sạn rồi đưa đi ăn tại khách sạn nhà hàng Bình Minh ở Đồi Dương. Tại đây có mặt Chủ tịch Hội Đỗ Kim Ngư, 2 phó chủ tịch Hội, Lê Nguyên Ngữ cùng 2 cô văn phòng “bụng to”. Lại đặc sản biển với bia. Sau đó, tôi hẹn Hồ Việt Khuê đến chơi. Anh ta đãi tôi, Đặng Hoàng Thám cùng 2 anh bạn địa phương của Thám cùng Nhật Hồng chầu bia Budweiser (Mỹ, 20.000 đồng/chai) với cá bò chiên. Chưa chịu thôi, rủ đi massage “rũ bụi đường xa”.

Mọi bữa 7-8 giờ sáng mới lên đường, vậy mà bữa nay sáu giờ sáng rời khách sạn, chẳng tham quan nơi nào của Phan Thiết cả, vì anh chị mệt muốn về nhà sớm! Chính vì vậy mà tôi đành khất Hồ Việt Khuê đừng chở Nguyễn Bắc Sơn đến như đã hẹn. Tiếc quá, không có dịp trò chuyện với tác giả “Chiến Tranh Việt Nam & tôi”!

Tổng kết chuyến đi, có thể nói bị “nghẹn” khá nhiều. Lý do là vì có mặt Hoài Tường Phong - nhà thơ “Trăng nghẹn” trong chuyến đi này./.
-------------

“Nhậm Doanh Doanh” quá sức “sung”!


Huỳnh Thạch Thảo cụng ly với “Ông Trăng nghẹn” trước sự “chứng giám” của Nhật Hồng


Đặng Hoàng Thám “sướng hé” khi quàng tay qua vai Hồng Thủy Tiên.

Võ Quê ca Huế trong quán cóc.


Thanh Quế say sưa “tám”.

Doãn Mãi “tiếp cận” Lê Chí.



1 nhận xét:

Nguyễn Sinh nói...

Chào anh Phù Sa Lộc
Lâu quá mới gặp. Anh vẫn khỏe mạnh và "viết đều" chứ? Không biết anh còn nhớ tới Nguyễn Sinh ngày xưa hay cộng tác báo Cần Thơ hay không.

NS