Thứ Tư, 26 tháng 3, 2008

Đi tour giỡ chà

Anh bạn dân Hà Tây, chắc lưỡi đầy thỏa mãn: “Sống ở đồng bằng sông Cửu Long ba mươi năm nay tôi mới biết giỡ chà thú vị như thế nào”. Không cầm lòng được, tôi buột miệng: “Nhằm nhò gì, là dân miền Tây Nam bộ chánh hẩu, hơn sáu chục năm nay tui mới chứng kiến được cảnh giỡ chà!”.

Mười giờ rưỡi sáng, chiếc tàu đò rộng rinh đưa chúng tôi rời bến sông Cần Thơ chỗ khách sạn An Bình, ngay đầu ngã ba Vàm Xáng, chạy chếch về bên kia sông chừng nửa cây số thì buông neo. Nước đang đứng ròng. Bên dưới bến sông, bảy chàng trai lực lưỡng và một thằng nhỏ đang lặn hụp giỡ mớ lục bình xanh um trong vòng bao lưới mà người địa phương còn gọi là đăng quần. Bên ngoài đăng quần, có hai thanh niên trên chiếc xuồng tam bản đang tới lui để phụ rạng lưới. Cái đám chà này của một nông dân trên bờ sông Cần Thơ chất đã hơn ba tháng rồi. Nay khách sạn An Bình mua lại, làm thành một “tua” du lịch mới gọi là “tua giỡ chà”, dự tính bán cho khách lữ hành về với miền Tây.

Ông Tám Nghiệp, chủ khách sạn An Bình, cũng là người từng sống bằng nghề chài lưới ở vùng tứ giác Long Xuyên hồi những năm 1960, được dịp giới thiệu với khách về công đoạn giỡ chà. Chà thường có chiều ngang từ 4 thước rưỡi tới 6 thước, dài từ 10 thước đến 20 thước, chất bên bờ sông lở, để dụ cá vô mỗi khi nước lên. Chủ chà phải chờ ít nhất ba tháng sau mới giỡ chà bắt cá; một năm giỡ chà ba bốn bận. Thường vào cuối mùa mưa (từ tháng 10 tới tháng 4 âm lịch), khi nước rút là mùa giỡ chà đông ken nhất. Trước khi giỡ chà một tuần, người ta rang cám, rang tép hoặc vắt cơm cục liệng vô đống chà dụ cá vào cho nhiều rồi bao lưới lại quanh đống chà trước đó một ngày.

Trưa hôm đó, trước khi giỡ chà, cánh “thợ chà” đã vớt bỏ lục bình ra khỏi đăng quần, rồi từ từ giỡ những nhánh chà to, dài chất đống bên bờ sông. Sau đó, đám thợ nghỉ khoảng hơn nửa giờ chờ nước ròng xuống thấp để giỡ tiếp chà bó. Chà bó là những nhánh cây nhỏ cột thành bó đặt gần nhau dưới đáy sông. Chà bó được một người kéo nhẹ tay từ từ chuyển vào mành lưới nhỏ do bốn người cầm bốn mép lưới chờ sẵn. Khi chà bó đã vào trong mành lưới, người ta bắt đầu huơ đảo cho cá tôm rơi vào mành lưới trước khi quăng xác bó chà vào bờ. Khi bốn thanh niên từ từ nâng mành lưới lên khỏi mặt nước, đã thấy cá tôm nhảy soi sói, búng lách tách tìm đường vượt thoát.


Cũng với bản năng sinh tồn như thế, có mấy chú cá đang cố phóng lên khỏi tấm đăng quần cao chừng hai thước. Hai cô gái là nhân viên của khách sạn An Bình là Như Ngọc và Như Hoa, vốn là thôn nữ vùng này, vậy mà mặt mày sáng rỡ, kêu “á” lên tiếc hùi hụi khi thấy những con cá dảnh, cá mè vinh, cá he phóng vọt qua mành lưới đăng quần để trở về sông cái. Anh bạn đi cùng vốn là dân xứ Quảng, nào giờ có biết giỡ chà ra sao nên tỏ ra rất hứng thú trước cảnh tượng này. Nhìn hai cô thôn nữ miền Tây vói chụp hụt hoài mấy con cá đang chới với trên không, cầm lòng hổng đậu, anh bèn ra tay nghĩa hiệp, chộp lấy… cái nón lá của cô Như Hoa hứng được một chú cá dảnh rồi sung sướng “dâng tặng” cho nàng Như Ngọc. Cái hoạt cảnh này càng làm cho cánh “thợ chà” hứng thú.

Nước rút, chà bó được gom hết. Tám người, kẻ trong lòng đăng quần, người chui ra ngoài vừa giữ mành lưới vừa tháo gỡ từng cây tre dài làm cọc giữ mành lưới. Họ từ từ thu gọn lưới vào. Khi hai mép lưới giáp nhau, họ đứng thành vòng tròn, nâng dần mành lưới lên. Cá, tôm trong lưới đua nhau nhảy tìm đường sống. Mấy chiếc thau nhôm, thau nhựa từ tam bản được chuyền vào để xúc cá đổ vào khoang xuồng. Nào là tôm càng xanh, cá he đuôi đỏ, cá dảnh, cá mè vinh vảy bạc, cá rô biển, rồi cá lau kiếng… Mọi người reo hò khi bắt được trong đám tôm cá ấy, một con cá bông lau và hai con cá ngát, mỗi con nặng hơn một ký.

Cánh nhà báo chúng tôi thấy buổi giỡ chà hôm đó kiếm được hơn chục ký tôm cá như vậy là sướng quá rồi. Vậy mà ông Tám Nghiệp có vẻ buồn lòng. Ông nói, hồi nhỏ theo cha mẹ đi giỡ chà trên kinh Mướp Giăng ở miệt Hòn Đất thì cá nhiều vô kể; trúng thì trên trăm ký, thất cũng khoảng bảy tám chục ký. Ông than, bây giờ người ta đánh bắt cá trên sông rạch một cách hủy diệt, bằng đủ mọi phương tiện, nên chuyến giỡ chà này được bây nhiêu cũng coi là “trúng”.

Xế trưa, buổi giỡ chà kết thúc. Tàu đò nhổ neo, trở về nhà hàng khách sạn An Bình. Mọi người đã nghe bụng đói cồn cào và nóng lòng chờ được thưởng thức kết quả cuối cùng của “tua giỡ chà” độc đáo của ông Tám Nghiệp.

Bên bờ sông rộn ràng tiếng máy ghe tàu qua lại, ông Tám Nghiệp dựng lên vài cái “tum” làm bằng lá xé, mát rượi. Trong khi chờ tôm cá lên món, chúng tôi lai rai vài ly rượu thuốc ngâm bằng chuối cơm, chuối cau, chùm ruột hoặc bưởi mà theo chủ nhân thì nó giúp cho mình giãn được gân cốt, ăn ngon ngủ yên.




Và chỉ sau vài tuần rượu, đã thấy bóng hai cô thôn nữ Như Hoa, Như Ngọc từ dưới bếp đi lên. Nào là tôm càng xanh nướng thơm phức chấm với muối ớt; nào là cá mè vinh kho ngót, cá he muối sả chiên, cá rô biển muối sả ớt nướng đua nhau được dọn ra. Sau cùng là cái lẩu mẻ cá bông lau thơm lừng, sôi ùng ục. Bông so đũa trắng ngà, tươi rói; rau nhút xanh dờn; cà chua đỏ tươi nhúng vào trong chốc lát. Cá chín gắp ra dĩa, giẽ chấm nước mắm trong giằm ớt sừng trâu đỏ hoặc chấm muối hột đâm với ớt hiểm xanh. Hết lớp cá bông lau tới lượt cá ngát cho vào lẩu. Rượu vào lời ra, Tám Nghiệp hứng chí đọc câu nói lưu truyền trong dân gian: “Nhứt rún chị sui, nhì môi cá ngát” khiến hai cô thôn nữ phục vụ bàn đỏ rần mặt mày. Anh bạn quê Cần Thơ lại nói, “ngon nhì” của con cá ngát là món chả trứng. Nghiền cho trứng bể bằng muỗng. Cứ một chén trứng thì trộn ba chén nước cùng gia vị rồi đem chưng hoặc chiên. Đặc biệt, nếu được bổ sung nấm mèo, nấm đông cô, tàu hũ ky, bún tàu, thịt nạt băm… thì món trứng cá ngát chiên sẽ là món tuyệt cú mèo, mấy ai được thưởng thức.

Trời đất ơi! Cái bữa cơm trưa từ “tua giỡ chà” hôm đó, nó cứ đi theo mọi người về tới tận Sài Gòn, Chợ Lớn… ./.

Không có nhận xét nào: